Còn tình dục đồng tính thì sao? Ngay cả trong các cộng đoàn Kitô giáo, giới trẻ thường không hiểu tại sao Kinh Thánh dạy rằng quan hệ đồng giới là sai trái về mặt đạo đức. Sự việc sẽ rõ ràng hơn khi chúng ta nhận ra rằng cách tiếp cận thế tục dựa trên cùng một quan điểm phân mảnh về con người, với việc hạ thấp giá trị cơ thể.
Hầu hết mọi người đều cho rằng khuynh hướng đồng tính là do di truyền. Tất nhiên chúng ta không lựa chọn sự khuynh hướng tình dục của mình. Chúng đến với chúng ta dù ta không chủ tâm chọn và cảm thấy khuynh hướng đó rất là tự nhiên. Tuy vậy, các nhà khoa học dù quyết tâm nghiên cứu vẫn chưa đạt được bằng chứng rõ ràng về nguyên nhân di truyền.
Những gì nghiên cứu cho thấy là ham muốn tình dục có tương liên đến thể lý. Ví dụ, khi các nhà khoa học sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI), họ phát hiện ra rằng não của một số nam giới sáng lên khi phản ứng với hình ảnh của phụ nữ, trong khi não của những người khác lại sáng lên khi phản ứng với hình ảnh của nam giới. Nhưng bộ não người cũng sáng lên để đáp lại nỗi sợ hãi, tình yêu và thậm chí cả những trải nghiệm tôn giáo. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Con người là sinh vật thống nhất. Khi biết cảm xúc có tương quan với thể lý, điều đó có thể giúp chúng ta có lòng nhân ái hơn với mọi người. Nhưng nó không cho chúng ta biết điều gì là đúng hay sai, đạo đức hay vô đạo đức.
Dù nguyên nhân của xu hướng đồng tính luyến ái là gì đi nữa, khi hành động theo xu hướng này, chúng ta ngầm chấp nhận sự phân rẽ hai tầng [về nhân vị]. Hãy nghĩ theo cách này: Về mặt sinh học, sinh lý, nhiễm sắc thể và giải phẫu, nam và nữ là đối tác của nhau. Đó là cách tính dục và hệ thống sinh sản con người được thiết kế. Nhà thần học Anh giáo Oliver O’Donovan viết, “Mang lấy thân thể nam giới là mang lấy một thân thể được cấu trúc cho mục đích yêu thương kết hợp làm một với thân thể phụ nữ, và ngược lại.”20 Thân thể có sẵn một telos, hay mục đích của chính nó.
Tham gia vào hành vi tình dục đồng giới nghĩa là ngầm nói: Tại sao thân thể tôi lại phải chỉ đạo bản sắc tâm lý của tôi? Tại sao trật tự cấu trúc của thân thể tôi lại có sự liên quan đến những hành vi tình dục của tôi? Tại sao những lựa chọn đạo đức của tôi phải được hướng dẫn bởi mục đích của thân thể? Ngụ ý là điều đáng kể không phải là thân thể có giới tính của tôi (tầng dưới) mà chỉ là tâm trí, cảm xúc và ham muốn của tôi (tầng trên). Giả định là thân xác không cung cấp manh mối nào về danh tính của chúng ta; nó không đưa ra hướng dẫn nào về những lựa chọn tình dục của chúng ta; nó không liên quan và không đáng kể.
Đây là một quan điểm thiếu tôn trọng sâu sắc đối với thân xác con người.
Mọi việc chúng ta thực thi đều gắn liền với một thế giới quan, một thế giới quan mà nhiều người trong chúng ta có thể không thấy đúng hoặc không hấp dẫn nếu chúng ta ý thức về nó. Vì vậy thật quan trọng để có được nhận thức. Hành vi tình dục đồng giới có logic riêng của nó, ngoài những gì chúng ta cảm nhận hoặc dự định một cách chủ quan. Người chấp nhận tình dục đồng giới phải tách cảm xúc tình dục của họ khỏi danh tính sinh học của họ, là nam hay là nữ — ngầm chấp nhận thuyết nhị nguyên hai tầng, hạ thấp cơ thể con người. Vì vậy nó có tác dụng phân mảnh, tự lìa xa chính mình đối với nhân cách con người.
Ngược lại, luân lý của Kinh Thánh bày tỏ một quan điểm cao đẹp về phẩm giá và ý nghĩa của thân xác. Quan điểm của Kinh thánh về tình dục không chỉ dựa trên một vài câu Kinh thánh đây đó. Nó được dựa trên một thế giới quan của mục đích luận, khuyến khích chúng ta sống phù hợp với thiết kế vật lý của thân xác mình. Bằng cách tôn trọng thân xác, đạo đức Kinh thánh khắc phục sự phân mảnh giữa thân xác và nhân vị. Nó chữa lành sự lìa xa chính mình và tạo ra sự integrity / trung thực và toàn vẹn. Gốc của từ integrity có nghĩa là tổng thể, được dung hợp, thống nhất—tâm trí và cảm xúc của chúng ta hòa hợp với thân xác vật lý của chúng ta. Quan điểm Kinh thánh dẫn đến sự hợp nhất toàn diện của nhân vị. Nó phù hợp với con người thực sự của chúng ta. (Chúng ta sẽ xem xét một số ví dụ thực tế và giải đáp những ý kiến phản đối quan điểm Kinh Thánh trong chương 5 và 6.)
20. Oliver O’Donovan, Transsexualism and Christian Marriage (Cambridge, UK: Grove Books, 1982, 2007), 19.
Leave a Reply