Trong sạch thường được nghĩ theo nghĩa “tiêu cực” của những cái không và đừng hoặc “đè nén”. Nhưng nếu bạn muốn những ý định tốt và ước muốn chân thành của bạn cho người mình yêu không bị cháy thành khói bởi lửa nhục dục và lạm dụng, bạn cần đức trong sạch. Đức trong sạch đem tự do đến cho tình yêu để giúp bạn tự chủ và có thể hướng cả con người mình cùng những năng lực của tính dục cho người mình yêu theo như ước muốn cao cả của con người.
Trong sạch hay khiết tịnh đòi hỏi phải “học biết tự chủ để sống như một con người. Rõ ràng con người phải chọn lựa: hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên kẻ mất hết hạnh phúc” (GLCG 2339).
Tự chủ không có nghĩa là kháng cự những ước muốn cuồng nhiệt bằng sức mạnh của ý chí sắt đá. Đó là diện “tiêu cực” của nó. Khi con người có sự tự chủ, tính dục được cảm nghiệm như là “khả năng để đặt hướng cho những phản ứng tình dục cả về phương diện thân xác và đặc tính của nó”1. Nghĩa là bạn không bị những đam mê dục vọng đè bẹp bạn; trái lại bạn dùng những năng lực sẵn có này cho tình yêu.
Vấn đề là làm sao tôi có thể tăng trưởng đức trong sạch để tiến bước từ khiết tịnh theo cách tiêu cực đến có thể tự chủ lấy những cảm xúc và thúc đẩy mạnh mẽ của hóc-môn để nó trở thành những cảm xúc thúc đẩy tôi hành động cho người mình yêu và không lạm dụng người ấy cho sự vui thú của chính mình?
ĐGH Gioan Phaolô II nói: “một sự giáo dục ngày càng tăng triển về tự chủ ý chí, cảm nghĩ và cảm xúc phải được phát triển từ những cử chỉ đơn giản nhất, những cử chỉ dễ dàng để quyết định nội tâm có thể đem ra thực hành” (TOB 128:1). Chẳng hạn như cách bạn ăn uống. Nếu bạn không thể kháng cự sở thích ngồi quán cà phê cả tiếng đồng hồ thì làm sao bạn có thể kháng cự tham lam của dục vọng của mình khi nó nổi lên? Nếu bạn không tập thể dục thể thao, làm sao bạn có thể có hy vọng làm cầu thủ đá bóng? Nếu bạn không thể kiềm chế để không ăn đồ ngọt hầu bảo vệ sức khỏe thì làm sao bạn có thể nói không với sự thúc đẩy mãnh liệt của hóc-môn và cảm xúc?
Thế nhưng đừng tuyệt vọng vì tin mừng nằm sẵn trong tầm với của bạn. Trên con đường tự chủ, bạn không phải hành trình một mình. Chúng ta được giúp đỡ bởi ân sủng. Thật vậy, lời cầu nguyện ban sức mạnh để dần dần bạn sẽ cảm thấy mình nhận được sức mạnh từ bên trong.
Christopher West, ông là một tay trống cho nhạc sống từ khi 16 tuổi rồi trở thành một người đi giảng về “Thần Học của Thân Xác” có nhận xét rất phấn khởi: “Đây là điểm quyết định giữa phóng túng, đè nén và ơn cứu độ. Khi nhục dục ‘cháy bừng lên’, đa số nghĩ rằng họ có hai cách giải quyết: phóng túng hay đè nén. Nếu chỉ có hai lựa chọn này, cái nào có vẻ ‘thánh thiện’ hơn? Đè nén. Mà thực sự có một con đường khác! Thay vì đè nén nhục dục bằng cách nhét nó vào tiềm thức, cố gắng làm lơ nó, hay tìm cách tiêu diệt nó, chúng ta phải giao phó tham lam nhục dục của chúng ta cho Đức Kitô và cho phép Ngài tiêu diệt nó. Khi chúng ta làm điều này, ‘Thần Khí của Chúa Giê-su đem lại khuôn mẫu mới cho những ước muốn là những tâm tình tác động đến cách sống của ta’ (GLCG 2764). Nói cách khác, khi chúng ta cho phép tham lam nhục dục ‘chịu đóng đanh trên thập tự’, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự sống lại của dự định ban đầu của Chúa cho ham muốn tình dục của chúng ta. Không ngay lập tức, nhưng dần dần tăng triển khi chúng ta vác thánh giá hằng ngày và theo [chân Chúa Giêsu], chúng ta sẽ cảm nghiệm ao ước tình dục là năng lực để yêu như Thiên Chúa yêu.”
Và Christopher West tiếp tục: “Quá trình thay đổi này đòi hỏi không chỉ một quyết tâm vững chí nhưng còn đòi hỏi một đức tin vững chắc”. Tin rằng Thiên Chúa muốn chúng ta yêu cách đúng đắn như Adam và Evà trước khi phạm tội và Ngài ao ước giúp đỡ chúng ta. Ngài có quyền hành để giúp đỡ chúng ta.
Khi ham muốn nhục dục cám dỗ bạn, bạn có thể dùng lời cầu nguyện này:
Cầu xin cho ơn cứu rỗi của khao khát tình dục
Lạy Chúa Giêsu, con ca tụng và cám ơn Chúa cho món quà của những ao ước tình dục. Nhờ sức mạnh của cái chết và sống lại của Chúa, xin làm ngay thẳng trong con những quanh co, méo mó mà tội lỗi đã gây nên để con biết và cảm nghiệm ao ước tình dục như Chúa đã tạo dựng nó, như là một ao ước để yêu cách tự do, hoàn toàn, trung tín và đón nhận sự sống. Amen.”2
1. John Paul II, Man and Woman He Created Them. Boston, MA: Pauline Books & Media
2. Christopher West, Theology of the Body for Beginners. Under section “Growing in Mature Purity”
Willow says
Rất cảm ơn trang về bài viết này. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
tento says
thank you very much