Bạn đã bao giờ có một cô bạn từng ở trong mối quan hệ khủng khiếp chưa? Mặc dù là bạn và tất cả bạn bè đều cầu xin cô ấy hãy tỉnh ngộ và rời khỏi mối quan hệ, cô vẫn không chịu làm gì. Cô ấy thậm chí sẽ cảm thấy khó chịu vì bạn đã chỉ rõ ra những vấn đề hoặc thấy bạn như đang ganh tị. Bạn không muốn cô ấy chia tay bạn trai vì bạn ganh tị hay vì muốn cô ấy tuân theo danh sách quy tắc của mình. Bạn chỉ muốn những gì tốt đẹp nhất đến với cô. Có lẽ bạn đã từng chứng kiến cô ấy đưa ra vô số lựa chọn sai lầm, trong khi mình thì vò đầu bứt tai mong rằng cô sẽ tin tưởng bạn.
Theo cách tương tự, Chúa không giận khi chúng ta không tuân theo các quy tắc của Ngài. Ngài chỉ muốn thấy chúng ta hạnh phúc và Ngài biết điều gì cuối cùng sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc hay tuyệt vọng. Tất cả chúng ta đều có xu hướng tin rằng: “Ôi! Chúa không hài lòng về tôi. Ngài không muốn tôi vui chơi với bạn bè. Chúa thật là keo kiệt.” Nhưng khi chúng ta nhìn vào trái tim mình và bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta mới là những người keo kiệt với Ngài. Chỉ khi chúng ta dâng mọi thứ cho Chúa, chúng ta mới nhận ra Ngài đã và đang cố gắng với chúng ta một cách hào phóng như thế nào. Vì tính bướng bỉnh của mình, chúng ta thường bám víu vào những thứ mình không muốn bởi nghi ngờ không còn điều gì tốt đẹp hơn.
Một thái độ không tin tưởng như vậy phải bị bác bỏ đi. Thay vì xem sự vâng lời là điều đòi hỏi phục tùng và chịu sự chi phối từ Chúa, chúng ta hãy xem sự vâng lời của mình với Chúa như là một biểu hiện của sự tin tưởng yêu thương và phó thác. Giới luật của Chúa được thiết lập bởi tình yêu và cần được tuân theo trong tình yêu.
Một cuộc sống hạnh phúc không dựa trên “Những điều không nên làm” Chúa Giêsu không chết trên thập tự giá chỉ để đưa cho chúng ta nhiều luật lệ hơn để tuân theo. Ngài chết để cứu độ chúng ta và ban cho chúng ta những ân sủng cần thiết để yêu như cách chúng ta được tạo ra để yêu. Thay vì nghĩ về Chúa như một Đấng ban luật lệ, người ngồi trên ngai vàng và chờ cơ hội để xét xử bạn, hãy bỏ qua những ý tưởng này trong giây lát. Thật ra, Chúa đã ban cho chúng ta những điều luật. Ngài sẽ là Vị Thẩm phán của chúng ta. Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ bị phán xét bởi Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu, dựa trên việc chúng ta sẵn sàng phản chiếu tình yêu thương của Ngài đến mọi người như thế nào.
Đối với Chúa, đời sống tâm linh không phải là việc thờ phượng Chúa một giờ một tuần vào Chủ nhật. Chúa mong mỏi một mối quan hệ mà sẽ thấm nhuần và biến đổi cách chúng ta sống trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Điều này bao gồm công việc, học tập và đặc biệt là các mối quan hệ. Vì thế, cuộc sống của một người phụ nữ Kitô hữu phải là sự thể hiện tình yêu đối với Chúa. Điều này cũng tương tự với cách cô sử dụng cơ thể mình. Theo một nghĩa nào đó, sự trong sạch là tin tưởng Chúa với cơ thể bạn. Nó cho thấy bạn sẽ kiên nhẫn chờ đợi thời gian mà Chúa chỉ định, để nhận một người chồng từ Ngài. Trong khi đợi, bạn sẽ không chạy đi và thử trước những thú vui của hôn nhân.
Sự trong sạch không phải là tuân theo một số luật lệ, đó là việc gặp gỡ Chúa và muốn trao mọi thứ cho Ngài bởi vì bạn nhận ra: Ngài đã trao trọn vẹn chính bản thân cho bạn. Chúng ta không cần phải hoàn hảo để được Chúa chấp nhận. Điều cần làm chính là cho phép Ngài yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta không hoàn hảo nhất.
Bạn có thể tự hỏi, “Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi làm hết những việc đạo đức đức tin Kitô giáo dạy và cố gắng trở nên thánh thiện? Điều này sẽ có ích gì nếu không có những người đàn ông tốt ngoài kia? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi luôn mạnh mẽ và trong sáng, nhưng anh ấy không bao giờ đến?” Chúng tôi sẽ hỏi bạn: Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ấy đợi, và bạn không bao giờ xuất hiện? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn hạ thấp tiêu chuẩn để tìm bạn trai và người tốt lướt qua khỏi cuộc đời bạn? Bạn sẽ luôn tự hỏi điều gì có thể xảy ra. Thay vì lo lắng về tất cả những tình huống này, đây là một ý tưởng tốt hơn: Hãy quan tâm đến công việc của Chúa và để Ngài chăm sóc bạn.
Trở về chương 20 của Trang Mục lục
Leave a Reply