Làm cách nào mà chúng ta, văn hoá chúng ta, đã quên lãng – hay nói đúng hơn, loại bỏ – sự thật rằng cơ quan sinh dục là nhằm để truyền sinh (làm phát sinh sự sống)? Kể từ khi lịch sử bắt đầu, người nam và người nữ đã tìm kiếm những phương cách – thường là thô sơ, kém hiệu quả – nhằm triệt hạ quyền năng truyền sinh của cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, chúng ta đã tìm ra phương thức hiệu quả để làm điều đó, nhờ vào sự lưu hoá cao su từ những năm trung tuần của thập niên 1800, và tiếp theo là sự phát minh ra viên thuốc ngừa thai một thế kỷ sau đó.
Tuy vậy, để một cuộc cách mạng ngừa thai thật sự diễn ra, thì người ta không chỉ cần tới các nền tảng công nghệ tiên tiến, mà còn cần tới một não trạng mới nữa. Dù thật khó cho chúng ta có thể tưởng tượng ra, nhưng phần lớn các nước tây phương khi mới bước sang thế kỷ 20 vẫn xem việc ngừa thai nhân tạo là vô đạo đức và bất hợp pháp. Những ai đấu tranh để ngừa thai nhân tạo được chấp thuận biết rằng họ sẽ khó mà thành công nếu không có được sự “ban phép lành” từ các nhà lãnh đạo Kitô giáo. Ngày nay, ít ai nhận ra rằng: tất cả các nhánh Kitô giáo đều đồng lòng nhất trí lên án và bác bỏ mọi nỗ lực tách biệt cơ quan sinh dục ra khỏi sự truyền sinh, nhưng điều này chỉ kéo dài tới năm 1930. Vào năm đó, Giáo hội Anh giáo, vì áp lực, đã xuống nước và mở ra cánh cổng cho ngừa thai nhân tạo tại Hội nghị Lambeth. Và qua đó, Giáo hội Anh giáo đã trở thành nhóm Kitô giáo đầu tiên phá vỡ giáo huấn tông truyền của Hội thánh từ thời sơ khai, loại bỏ lời giảng dạy của các thánh qua mọi thời đại, cũng như của các nhà cải cách, từ Luther cho tới Calvin, và nhiều vị khác.
Chỉ trong vài tuần, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phản hồi như sau:
Vì thế, kể từ khi tách ra khỏi truyền thống không hề bị gián đoạn của Kitô giáo, một số người đã cho rằng có thể long trọng tuyên bố một tín lý liên quan tới vấn đề này, Giáo hội Công giáo… với thẩm quyền là đại diện Chúa Kitô trên trần gian, một lần nữa tuyên tín rằng: bất cứ hành vi hôn nhân nào được thực hiện theo cách mà hành vi này cố tình làm rối loạn năng lực tự nhiên trong việc tạo ra sự sống là một hành vi phạm tội chống lại luật Thiên Chúa và luật tự nhiên.4
Trong những năm sau đó, từng nhánh Tin Lành lớn đã chuyển thái độ từ lên án ngừa thai nhân tạo sang không những chấp nhận, mà còn ủng hộ nó. Thế giới đang lên áp lực trên Giáo hội Công giáo, buộc Giáo hội cũng phải theo nó. Và đối với nhiều người, thì có vẻ như việc gây áp lực đang đạt được hiệu quả mong muốn. Đầu những năm 1960, các nghị phụ của Công đồng Vatican II nói rằng họ đã bảo lưu phán quyết đối với “một số vấn đề nhất định cần được điều tra kỹ lưỡng hơn”. Những vấn đề này “đã được giao cho… một ủy ban chuyên nghiên cứu dân số, gia đình, sinh sản, để qua đó, sau khi ủy ban đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì Đức Thánh Cha có thể ra phán quyết”.5
Một điểm nhấn trong các vấn đề đó là thuốc viên ngừa thai, một phát minh mới, và lúc đó dường như truyền thống giảng dạy của Giáo hội vẫn chưa liệt kê nó vào trong danh mục “ngừa thai nhân tạo”. Về điểm này, công đồng ngầm thừa nhận rằng đây là một vấn đề mới và còn nhiều điều chưa chắc chắn, cho nên điều này lại làm cho công chúng tưởng rằng Đức giáo hoàng sắp sửa “ban phép lành” cho phát minh mới này. Thật vậy, đại đa số trong ủy ban giáo hoàng nghiên cứu vấn đề trên đã khuyên ĐGH Phaolô VI không những chấp nhận viên thuốc, mà còn theo chân các nhóm Kitô giáo khác, và thay đổi giáo lý của Hội Thánh về ngừa thai nhân tạo. Khi bản “Báo cáo Số đông (Majority Report) bị làm lộ ra cho giới báo chí vào đầu tháng 5 năm 1967, người ta tin rằng việc Giáo hội thay đổi giáo huấn là điều chắc như đinh đóng cột. Một tuần sau, ĐGH Phaolô VI đi viếng thăm Fatima. Ngài đến vào ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ Fatima (vào ngày 13 tháng 5), và đã dâng lời cầu nguyện đặc biệt, cầu xin Mẹ hướng dẫn, chống lại “những hệ tư tưởng” mới này, vì nó mang đến một “não trạng đầy báng bổ” và một “nền luân lý đầy thế tục”.6
Hơn một năm sau, vào ngày 25 tháng 7 năm 1968, ĐGH Phaolô VI gây chấn động thế giới khi ngài công bố thông điệp “Sự sống Con người / Humane Vitae”, tái khẳng định giáo huấn tông truyền của Hội thánh chống lại sự ngừa thai nhân tạo, bao gồm cả thuốc viên ngừa thai kể trên. Mặc dù ngài bị cả thế giới nhục mạ và khinh miệt – đáng buồn là vừa từ bên ngoài, cũng như cả bên trong Giáo hội – nhưng quả thật, những gì ngài viết quả là lời tiên tri. Ngài cảnh báo rằng khi thế giới chấp nhận ngừa thai nhân tạo, thì sự bất trung sẽ lan tràn. Thế giới sẽ trở nên một nơi trong đó phụ nữ và việc mang thai sẽ bị xem là hạ cấp. Đó sẽ là một nơi mà chính phủ sẽ chà đạp quyền lợi và nhu cầu của gia đình. Đó là một nơi trong đó con người tin rằng họ có toàn quyền đối với thân xác của mình.7 Nói cách khác, ĐGH Phaolô VI đã cho thấy ngài là một “nhà thiên văn học”, ngài hiểu rõ sức tàn phá của ngừa thai nhân tạo sẽ che mờ ý nghĩa của thân xác, sẽ là màn đêm bao phủ lên trên tầng ý nghĩa của sự khác biệt giới tính, cũng như ý nghĩa của hôn nhân và gia đình.
Dọc theo lịch sử loài người, các bậc khôn ngoan luôn hiểu rằng khả năng sinh sản là ánh sáng chiếu soi trên mối quan hệ tính dục, và việc triệt sản sẽ kéo đêm tối đến trên nền văn minh nhân loại. Thật vậy, khi Margaret Sanger khởi đầu chiến dịch toàn cầu của bà ta nhằm đẩy mạnh ngừa thai nhân tạo vào đầu những năm 1900, người ta đã dự đoán rằng việc chấp thuận nó sẽ làm cho xã hội ra chao đảo, và quả thật hiện nay chúng ta đang bị nhận chìm trong mớ hỗn độn này. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi đọc những lời của những bậc trí giả sống vào đầu thế kỷ 20 sau đây, khi họ viết về ngừa thai nhân tạo, cũng như những hệ quả dự kiến sẽ diễn ra nếu như xã hội chấp nhận nó.
Ví dụ như, triết gia Sigmund Freud, mặc dù ông không phải là người ủng hộ tôn giáo, cũng đã nói rằng “ruồng bỏ khả năng sinh sản là dấu hiệu thường thấy của mọi sự biến thái. Chúng ta thật sự đang mô tả một hành vi tính dục là biến thái, nếu như hành vi đó loại bỏ mục đích sinh sản, và coi việc tìm kiếm khoái lạc nhục dục là mục tiêu duy nhất.”8
Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt lên án ngừa thai nhân tạo như một mối đe dọa nguy hiểm đối với an sinh của một quốc gia. Ông mô tả như sau: “[Ngừa thai nhân tạo] là một thứ tội mà hình phạt thích đáng dành cho nó là cái chết của cả một quốc gia, một chủng tộc; đó là một giống tội không cách nào đền bù được.”9
Thủ tướng Ấn Độ là Gandhi cho rằng phương pháp ngừa thai nhân tạo thì “giống như biến sự xấu xa trụy lạc thành một giải thưởng. Điều đó khiến cho đàn ông cũng như đàn bà đâm ra liều lĩnh”. Ông cũng dự đoán rằng thiên nhiên “sẽ báo thù vì con người đã phá hủy trật tự của nó. Chỉ có con người biết tự chủ thì mới làm nên những hành vi đạo đức.” Do đó, nếu phương pháp ngừa thai nhân tạo “trở thành quy chế của xã hội, thì sự suy thoái đạo đức chắc chắn sẽ diễn ra”. Như thế, đàn ông, vì dục vọng của mình, sẽ hạ thấp phẩm giá đàn bà, và (phương pháp ngừa thai nhân tạo), dù cho người ủng hộ nó có ý tốt tới đâu, cũng vẫn sẽ làm suy giảm nhân phẩm người phụ nữ”.10
Khi một ủy ban của Hội Đồng Liên Bang các Giáo Hội ở Hoa Kỳ phát hành bản báo cáo đề nghị Hội Đồng theo bước chân của Giáo hội Anh giáo trong việc chấp thuận ngừa thai nhân tạo, thì tờ báo The Washington Post đã viết một bài xã luận gây nhức nhối, nhưng lại chứa đựng lời tiên tri như sau: “Sau khi suy xét dựa trên logic, bài báo cáo của ủy ban, nếu có hiệu lực, sẽ gióng lên hồi chuông báo tử cho hôn nhân, vốn là một điều thánh thiêng, bằng cách khuyến khích con người thực hiện những hành vi vừa trái luân lý, vừa làm suy biến phẩm giá con người. Họ nghĩ rằng người ta sẽ có sự thận trọng và tiết chế trong việc sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo, thật sự là điều vô cùng ngớ ngẩn và lố bịch”.11
Cũng trong lời phản hồi đối với sự kiện Giáo hội Anh giáo phá vỡ giáo huấn luân lý Kitô giáo, T.S. Eliot đã cho rằng “Giáo hội Anh giáo đang thí nghiệm để hình thành nên một não trạng văn minh không Kitô giáo. Thí nghiệm đó sẽ thất bại, nhưng chúng ta phải rất kiên nhẫn chờ đợi nó sụp đổ; cùng lúc đó là đền tội thay cho thời đại này, để nhờ đó Đức Tin sẽ được giữ gìn trong thời kỳ đen tối đang chờ đợi chúng ta phía trước, cũng như để canh tân và tái thiết xã hội và cứu lấy thế giới khỏi tự kết liễu chính mình”.12
Biến thái ư? Cái chết của một quốc gia ư? Suy đồi luân lý ư? Sự suy tàn của hôn nhân như một điều thánh thiêng ư? Thế giới liễu đoạn ư? Liệu bấy nhiêu hậu quả có là quá nhiều đối với ngừa thai nhân tạo hay không? Trông thì có vẻ thế, nhưng thực tế đã cho thấy tất cả những điều trên đã được dự báo và đã thành hiện thực. Có điều gì thế hệ đi trước đã từng biết mà ngày nay chúng ta đã quên lãng hay không?
Bạn có thể biết thêm về Thông điệp Sự sống con người ở đây. Hoặc đọc lời của video.
4 ĐGH Piô XI, Casti Conubii, đoạn 56.
5 Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, đoạn 51, chú thích 14.
6 Xem bài giảng ĐGH Phaolô Vl VI tại Fatima, Bồ đào nha, ngày 13 tháng 5 năm 1967.
7 Xem ĐGH Phaolô, Humanae Vitae 17.
8 Sigmund Freud, Introductory Lectures in Psychoanalysis (New York: W. W. Norton and Company, 1966), p. 392.
9 See James D. Richardson, A Compilation of the Messages and Papers of the Presidents, Volume XI (Washington, D.C.: Bureau of National Literature and Art, 1908).
10 Mahatma Gandhi, India of My Dreams (New Delhi: Rajpal & Sons, 2009), pp. 219–220.
11 Washington Post, “Forgetting Religion,” March 22, 1931.
12 See T.S. Eliot, Thoughts After Lambeth (London: Faber & Faber, 1931).
13 Rowan D. Williams, “The Body’s Grace,” in Theology and Sexuality: Classic and Contemporary Readings, ed. Eugene F. Rogers, Jr. (London: Blackwell, 2002), p. 320.
14 Joseph Cardinal Ratzinger with Vittorio Messori, The Ratzinger Report (San Francisco: Ignatius Press, 1985), pp. 85, 95.
Leave a Reply