Trong thời kỳ đầu của Giáo hội, phụ nữ cũng bị thu hút bởi Kitô giáo vì đạo đức tính dục của Kinh thánh. Không bất ngờ khi tình dục vô luân là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu phá thai và giết chết trẻ sơ sinh. Tình dục ngoài hôn nhân đem đến những đứa con ngoài mong đợi và ngoài ý muốn. Sử gia Michael Gorman viết, trong thế giới Hy Lạp-La Mã, “lý do thường gặp nhất hơn hết mọi lý do [của việc phá thai] là để che giấu hoạt động tình dục bất chính.”65 Có một mối liên kết trực tiếp và rõ ràng giữa chủ nghĩa khoái lạc tình dục và phá thai.
Chủ nghĩa khoái lạc tình dục là một biểu hiện khác của quan điểm thấp về phụ nữ. Trong văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại, người ta chấp nhận rộng rãi rằng người chồng sẽ quan hệ tình dục với tình nhân, thê thiếp, nô lệ, gái mại dâm, và trai bao. Một câu nói của người Athen cổ xưa là: “Vợ là người thừa kế hợp pháp, gái mại dâm là để mua vui”. Ở Rô-ma, số tiền thu được từ mại dâm chiếm một phần đáng kể trong ngân khố hoàng gia.66 (Đây có thể là một lý do khiến Chúa Giêsu ngồi ăn với những người bán thân: Có quá nhiều người bán thân!)
Sự lang chạ bừa bãi thậm chí còn được coi là được thần thánh phê chuẩn. Các vị thần La Mã thực hành cả tội ngoại tình và hiếp dâm. Trong Iliad của Homer, Hera, vợ của Zeus, đã ra tay dụ dỗ thần rời khỏi chiến trường thành Troia. Nữ thần thành công đến mức, để khen ngợi bà, Zeus lướt qua danh sách những phụ nữ khác, nữ thần và tiên nữ khác mà ông đã lên giường (ông phớt lờ những người đàn ông mà ông đã lên giường với họ), nhấn mạnh rằng không ai trong số họ thu hút thần nhiều như Hera lúc đó. Thật cảm động.
Ngược lại, các giáo phụ viết những bài giảng kêu gọi các ông chồng không quan hệ tình dục với nô lệ hoặc gái mại dâm. Những thực hành này không dễ để xóa bỏ. Vào thế kỷ thứ tư, thánh Gioan Kim Khẩu vẫn còn rao giảng về lý do tại sao đàn ông đã có gia đình không được quan hệ tình dục với nô lệ của họ. Một chuyên luận cổ xưa của Kitô giáo về những đau khổ mà phụ nữ đã kết hôn phải chịu đựng bao gồm cả “sự sỉ nhục” khi bị thay thế bởi những người hầu trong tương quan tình cảm của chồng họ.67
Còn sự sỉ nhục của những nữ hầu bị ép làm nô lệ tình dục thì sao? Trong văn hóa La Mã, bạo lực tình dục đối với phụ nữ nghèo và bất lực được chấp nhận rộng rãi. Bởi vì họ có địa vị thấp hơn người bình thường trong xã hội nên họ không có bất kỳ quyền nào và không được pháp luật bảo vệ. Bắt đầu từ thế kỷ thứ năm, các nhà lãnh đạo Kitô giáo cuối cùng đã bắt đầu sử dụng đủ ảnh hưởng chính trị để thông qua luật chống lại chế độ nô lệ tình dục. Các giáo phụ gọi đó là “tội ép buộc”. Làm sao Giáo hội có thể rao giảng chống lại tội lỗi tình dục khi nhiều phụ nữ (và nam giới) không có sự lựa chọn nào khác? Đối với một nô lệ, chống lại sự đòi hỏi tình dục của chủ nhân của mình đồng nghĩa với cái chết. Một nhà sử học lưu ý rằng dấu chỉ đáng tin cậy nhất về một xã hội cổ đại được Kitô hóa là sự thừa nhận về sự bất công của nô lệ tình dục. “Bởi vì mại dâm là trung tâm của nền văn hóa tình dục cổ xưa. . . việc dần dần nhận ra sự bất công của nó là một dấu hiệu đặc biệt của quá trình Kitô giáo hóa.”68
Hãy để sự thật lịch sử đó thấm sâu vào: Dấu chỉ đáng tin cậy nhất về sự lan toả sâu đậm của Kitô giáo trong xã hội là khi xã hội đó cho rằng nô lệ tình dục là bất hợp pháp. Ngày nay, khi tình trạng nô lệ tình dục và buôn bán tình dục lại trở nên phổ biến, các Kitô hữu hiện đại phải phục hồi di sản đạo đức và nhân đạo phong phú của mình. Khi thế giới phương Tây chìm vào nền đạo đức tiền Kitô giáo, những người theo Chúa Giêsu một lần nữa lại phải đi ngược dòng văn hóa.
65. Gorman, Abortion and the Early Church, 15.
66. Về tài liệu bổ ích ở mức độ phổ biến về chủ nghĩa khoái lạc tình dục ở Hy Lạp và La Mã cổ đại, xem Matthew Rueger, Sexual Morality in a Christless World (St. Louis: Concordia, 2016). Như Louis Crompton lưu ý, “Những người chủ La Mã có rất nhiều cơ hội” vì nô lệ chiếm khoảng 40% dân số của La Mã cổ đại”. Homosexuality and Civilization (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2003), 80.
67. Brown, Body and Society, 25.
68. “Vào năm 428 sau Công nguyên, hoàng đế ủng hộ Kitô giáo, Theodosius II đã ban hành luật cấm ép buộc trong ngành công nghiệp tình dục /In AD 428, the Christian emperor Theodosius II enacted a law banning the use of coercion in the sex industry.” Kyle Harper, From Shame to Sin: The Christian Transformation of Sexual Morality in Late Antiquity (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2013), 8, 15–16.
Leave a Reply