Cuối cùng, điều gì sẽ xảy ra vào thời cánh chung? Chúa sẽ không loại bỏ thế giới vật chất trong thời gian và không gian như thể nó là một sai lầm. Kinh thánh dạy rằng Thiên Chúa sẽ khôi phục, đổi mới và tái tạo vật chất, đưa nó đến “trời mới và đất mới” (Isaia 65,17; 66,22; Khải huyền 21,1). Và dân của Chúa sẽ sống trên đất mới đó trong thân xác phục sinh. Từ thời Giáo Hội sơ khai, Kinh Tin Kính các Tông Đồ đã mạnh dạn khẳng định “xác loài người ngày sau sống lại”.
Đúng là khi chết, con người tạm thời bị phân chia thể xác và linh hồn, nhưng đó không phải là ý định ban đầu của Chúa. Cái chết xé toạc những gì Thiên Chúa muốn thống nhất. Một nhà thần học thế kỷ thứ hai, Melito ở Sardis, đã viết rằng khi “con người bị chia lìa bởi cái chết,” thì “có sự phân tách của những gì từng là vừa vặn, và thân thể đẹp đẽ bị tách lìa.”30
Tại sao Chúa Giêsu khóc tại mộ Ladarô dù Ngài biết rằng Ngài sắp cho anh sống lại từ cõi chết? Bởi vì “thân xác xinh đẹp đã bị xé lìa”. Bản văn nói hai lần rằng Chúa Giêsu “thổn thức trong lòng và xao xuyến” (Ga 11:33, 38). Trong nguyên bản tiếng Hy Lạp, cụm từ này thực sự có nghĩa là sự phẫn nộ dữ dội. Ví dụ, nó được sử dụng cho những con ngựa chiến chuẩn bị ngay trước khi lao vào trận chiến. Os Guinness, trước đây ở L’Abri, giải thích: Đứng trước mộ Ladarô, Chúa Giêsu “rất giận dữ. Tại sao? Sự dữ không là điều bình thường.” Thế giới được tạo ra tốt lành và xinh đẹp. Nhưng bây giờ “Ngài đã bước vào thế giới của Cha mình nay đã trở nên hoang tàn và hư nát. Và phản ứng của Chúa? Ngài rất tức giận.”31 Chúa Giêsu đã khóc trước những đau đớn và sầu khổ vì sự xâm lược của kẻ thù đã tàn phá sự sáng tạo tốt lành và xinh đẹp của Ngài.
Kitô hữu không bao giờ được khuyên phải chấp nhận cái chết như một phần tự nhiên của sự sáng tạo. Phái Ngộ đạo coi cái chết là sự giải thoát khỏi cản trở của thân xác. Nhưng đối với những Kitô hữu tiên khởi, Peter Brown nói, cái chết “là sự xé toạc của bản thân khiến tâm hồn bị sốc và kinh hoàng, giống như người phối ngẫu hoặc cha mẹ tang quyến, trước viễn cảnh phải lìa xa thân xác của người yêu dấu.”32 Kinh Thánh miêu tả cái chết như một điều gì đó xa lạ—một kẻ thù đã bước vào câu chuyện sáng thế khi Ađam và Evà sa ngã.
Tuy nhiên, nó là một kẻ thù đã bị quật ngã. Nhà thơ John Donne đã viết: “Tử thần, đừng vội đắc thắng”. Vì cuối cùng, “Vì mi sẽ chết, còn đâu tử thần.”33 Như thánh Phaolô viết, cái chết là “kẻ thù cuối cùng phải bị tiêu diệt” (1 Cô-rin-tô 15:26). Trong trời mới đất mới, thân xác và linh hồn sẽ được hợp nhất như Chúa đã muốn. Mãi mãi.
Khi Kinh Thánh nói về sự cứu chuộc, điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ lên thiên đàng sau khi chết mà còn có nghĩa là sự cứu chuộc của mọi tạo vật. Thánh Phaolô viết rằng toàn thể tạo vật chịu đau đớn và hư nát nhưng nó sẽ được giải phóng vào thời kỳ sau hết: “Muôn loài có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm. 8:21). Thông điệp Phúc âm là toàn thể thế giới vật chất sẽ được biến đổi. Con người sẽ không được cứu thoát ra khỏi thế giới vật chất mà sẽ được cứu cùng với thế giới vật chất.
Chúng ta không thể biết chính xác cuộc sống ở cõi đời đời sẽ như thế nào, nhưng việc Kinh thánh gọi nó là “đất” mới, có nghĩa là cõi đời đời sẽ không phủ nhận cuộc sống mà chúng ta đã biết trên trái đất này. Trái lại, nó sẽ là một sự nâng cao, một sự tăng cường, một sự vinh hiển của cuộc sống này. Trong Cuộc Ly Hôn Vĩ Đại / The Great Divorce, C. S. Lewis hình dung thế giới bên kia giống với thế giới này cách ta có thể nhận ra được, nhưng là một nơi mà mỗi ngọn cỏ dường như bằng cách nào đó thực hơn, vững chắc hơn, thực chất hơn bất cứ điều gì chúng ta đã trải nghiệm.34
Sự phục sinh của Chúa Giêsu là một lời khẳng định hùng hồn về tạo vật. Nó ngụ ý rằng thế giới hư nát này cuối cùng sẽ được sửa chữa. Sự sáng tạo của Thiên Chúa sẽ được phục hồi. Bạn và tôi sẽ sống trong sự sáng tạo được đổi mới đó trong những thân xác được đổi mới. Khi kết thúc câu chuyện vĩ đại này, chúng ta sẽ không bay lượn trên thiên đường như những linh hồn mỏng manh, mù mờ, phất phơ. Chúng ta sẽ có đôi chân vật chất vững chắc trên một trái đất vật chất được đổi mới. Kinh Thánh dạy một quan điểm quý trọng đáng kinh ngạc về thế giới vật chất.
31. Từ mà Chúa Giêsu sử dụng là “từ Hy Lạp mạnh nhất để diễn tả sự phẫn nộ dữ dội, ám chỉ cơn thịnh nộ của những con ngựa giống chuẩn bị lao vào trận chiến trong đội kỵ binh, đứng dựng lên hai chân sau, khịt mũi và lao tới. Từ đó, khịt mũi trong thần khí, từ Hy Lạp mạnh nhất để chỉ sự tức giận, là từ được Chúa Giêsu sử dụng.”Os Guinness, The Dust of Death (Downers Grove, IL: InterVarsity Press, 1973), 384–85.
32. Brown, Body and Society, lx.
33. John Donne (1572–1631), “Death, Be Not Proud (Holy Sonnet 10),” poets.org, https://www.poets.org/poetsorg/poem/death-be-not-proud-holy-sonnet-10.
34. C. S. Lewis, The Great Divorce (New York: Macmillan, 1946), 28.
Leave a Reply