Khi Philip Holck, một sinh viên chủng viện đang theo học để làm mục sư, kết hôn, lễ cưới của anh bao gồm hai lời thề: lời thề đầu tiên với cô dâu, lời thề thứ hai với cậu con trai năm tuổi của cô. Quỳ gối trước mặt cậu bé, anh nói, “Bố, Philip, nhận con, Matthew, làm con trai của bố, để đồng hành cùng con, để chia sẻ cuộc sống của bố với con, để chơi với con, để dạy dỗ và yêu thương con cho đến khi cái chết chia lìa chúng ta.”1
Đó là một câu chuyện cảm động, nhưng nhà thần học Ted Peters đã bóp méo câu chuyện để ủng hộ một quan điểm mới và nguy hiểm về gia đình. Ông lập luận rằng mọi cha mẹ cần phải lập một hợp đồng pháp lý rõ ràng, mạch lạc với từng đứa con của họ—tốt nhất là bằng một buổi lễ công khai giống như đám cưới.
Ông nói rằng nền tảng của gia đình phải chuyển từ sinh học sang hợp đồng.
Từ trước tới nay, tiêu chuẩn trong luật pháp và trong tâm trí công chúng là gia đình huyết thống. Tất nhiên, có những cặp đôi hào phóng mở rộng vòng tay đón nhận con nuôi không có quan hệ huyết thống với họ. Nhưng lý do làm cho việc nhận con nuôi được chấp nhận là vì cha mẹ coi gia đình tự nhiên là chuẩn mực. Họ cố gắng đối xử với con nuôi như thể chúng là con đẻ. Việc nhận con nuôi không phủ nhận giá trị của mối liên kết sinh học mà là khẳng định sự cần thiết đó.
Peters muốn đảo ngược điều đó. Ông muốn yêu cầu ngay cả cha mẹ ruột cũng phải lập hợp đồng pháp lý với mỗi đứa trẻ. Mối liên kết sinh học sẽ không còn là chuẩn mực nữa. Cha mẹ sẽ đối xử với con đẻ của mình như thể chúng được nhận nuôi. Nền tảng của gia đình sẽ được chuyển đổi từ sinh học sang quyền tự chọn.2
Peters giảng dạy tại một chủng viện thần học của giáo phái Luther, nhưng đáng ngạc nhiên là ông cho rằng chúng ta phải loại bỏ đạo đức Kitô giáo vì nó “lỗi thời” và “không còn phù hợp với khoa học”. Trên thực tế, ông nói rằng chúng ta phải từ bỏ “bất kỳ hình thức tiền hiện đại nào dựa trên lời răn của Chúa, thẩm quyền truyền thống hay luật tự nhiên nhằm tìm cách né tránh sự lựa chọn.”
Ngay cả “lời răn của Chúa” – luật của Chúa? Đúng vậy. Peters viết, “Cho dù chúng ta có muốn hay không, thì đích đến của một xã hội tự do đang tan rã chính là quyền lựa chọn của cá nhân. Không có đích đến nào khác”. Một cách nghiêm khắc, ông nói thêm: việc ”than vãn về quyền tự chọn và chỉ trích sự theo đuổi tự hoàn thiện bản thân chẳng có ích gì. Đây chỉ đơn giản là những đặc điểm văn hóa của thời đại chúng ta”.3
Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, việc nâng cao quyền tự chọn lên trên sinh học thực sự đã trở thành “những đặc điểm văn hóa” trong cách nhìn về cuộc sống và tình dục – đối với cả những người theo chủ nghĩa thế tục và những Kitô hữu sống theo tư tưởng của chủ nghĩa thế tục. Trong các chương đó, chúng ta tập trung vào cách mà chủ nghĩa nhị nguyên thân thể/cá nhân gây ảnh hưởng đến cá nhân. Bây giờ chúng ta chuyển sang cách mà thuyết nhị nguyên đó gây tổn hại đến các mối quan hệ, đặc biệt là cách nó hạ thấp các mối quan hệ huyết thống trong gia đình. Peters, cùng với nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng khác đề xuất rằng nền tảng của gia đình nên được chuyển từ sinh học sang hợp đồng. Ý tưởng đó đến từ đâu? Liệu việc đề cao sự lựa chọn lên thành đặc điểm xác định của các mối quan hệ gia đình có thực sự là một ý tưởng hay không?
Việc nêu ra câu hỏi về các mối quan hệ khiến chúng ta phải đối mặt với lý thuyết xã hội. Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá ra triết lý xã hội và chính trị định hình nên tư duy của nhiều người, ngay cả khi họ không nhận thức được điều đó một cách có ý thức – cả ở phương Tây và bất cứ nơi nào các ý tưởng phương Tây được truyền bá trên toàn cầu. Đây là một lý thuyết hạ thấp các cộng đồng tự nhiên như gia đình để ủng hộ các cộng đồng được xây dựng dựa trên quyền tự chọn hoặc hợp đồng. Kết quả là, nó lại thể hiện một sự hạ giá nữa đối với thân thể và các mối liên kết sinh học trong xã hội phương Tây – với hậu quả thảm khốc.
1. Nancy Pearcey, “I Take You . . . A Review of Ted Peters’s For the Love of Children,” First Things, February 1998.
2. Trái ngược với tuyên bố của Peters, “nhận con nuôi không phải là một hợp đồng. Không ai ký một ‘hợp đồng’ nhận con nuôi, khi một bên đồng ý giao đứa trẻ cho bên kia, và sau đó bên kia có quyền đối với đứa trẻ. Không. Nhận con nuôi là việc trao vĩnh viễn tư cách làm cha mẹ cho ai đó.” Jennifer Roback Morse, “Privatizing Marriage Is Unjust to Children,” Public Discourse, April 4, 2012.
3. Pearcey, “I Take You . . .”
Leave a Reply