Phần 3 và 4 của chương Bản dạng của đồng tính nữ
Margie: Cha JP, con có thể thấy mình đang dựng lên những rào cản trong mối quan hệ với Sam. Đối với con, đó không phải là giận dữ mà là sợ hãi. Con có thể thấy điều này tạo khoảng cách giữa Sam và von như thế nào: Con tạo nên khoảng cách vì sợ anh ấy ngỏ lời cầu hôn. Những lúc khác, con lo sợ rằng Chúa có thể đòi hỏi con nhiều hơn nữa.
Có cách nào khác chúng ta dựng lên những rào cản để đẩy mọi người ra xa không?
Cha JP: Chắc chắn rồi, Margie, đó là một việc rất dễ thực hiện. Chúng ta không chỉ đẩy mọi người ra xa với sự sợ hãi, giận dữ và oán giận mà đôi khi chúng ta tự nhốt mình trong sự cô đơn sâu xa, ích kỷ và kiêu ngạo, đó cũng là những rào cản các mối quan hệ.
BillyLu: Nhưng tôi không cô đơn. Ngoài những người bạn đồng nghiệp, tôi còn có một người bạn đời.
Cha JP: Chỉ vì chúng ta có rất nhiều người chung quanh, không có nghĩa là chúng ta không cô đơn.
Tôi nghĩ về một thanh niên mà tôi biết rất hay uống nhiều rượu. Anh ấy có rất nhiều bạn nhậu; họ cười rất nhiều và có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau, nhưng anh ấy là một người đàn ông rất cô đơn. Anh cần uống rượu để át đi nỗi đau của sự cô đơn. Những mối quan hệ hời hợt – thiếu sự thân mật – thực sự chỉ làm tăng thêm sự cô đơn.
BillyLu: Cha nói đúng, mẹ tôi là một người phụ nữ rất cô đơn. Bà không có người bạn gần gũi nào – người gần gũi với mẹ tôi không phải là bố tôi, anh em tôi, hay tôi. Thảo nào mẹ tôi uống nhiều rượu.
Cha JP: Thảo nào bà không thể hiện diện, không thể là sự hỗ trợ cho chị. Nhưng chúng ta không cần phải cô đơn. Nếu chúng ta cảm thấy cô đơn, đó là vì chúng ta đã không gắn bó với Cha ta, Chúa của ta, Đấng trân trọng ta như con cái của Ngài. Người muốn ôm chúng ta vào lòng, với lòng thương xót đón chúng ta trở về với tư cách là cha của đứa con hoang đàng. Nhưng nếu chúng ta cô đơn, thì chúng ta vẫn đang ở một vùng đất xa khỏi Cha chúng ta.
Nếu chúng ta cảm thấy cô đơn, đó là lời nhắc nhở của Chúa là không có mối quan hệ nào, hay tập hợp của những mối quan hệ được coi là nguồn mạch tối thượng của bình an và niềm vui. Chỉ có mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi mới đem lại cho chúng ta điều đó, như Thánh Phaolô nói: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.” (Phi-líp 1:23-24).
Cũng vậy, nếu chúng ta cô đơn thì chúng ta đã không trò chuyện với người bạn thân nhất của mình, Chúa Giêsu Kitô. Ngài luôn hiện diện cho chúng ta, mặc dù chúng ta có thể chọn cách phớt lờ Ngài.
Vì vậy, sự cô đơn là một rào cản ta tự dựng lên và chúng ta cần phải khuất phục nó: nó khiến chúng ta không thể có được tình bạn sâu sắc, thân thiết với người khác.
Margie: Còn việc phát triển mối quan hệ với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu thì sao? Con nhận thấy mối quan hệ của con với Mẹ đem lại nhiều an ủi và động viên cho con trong những khó khăn. Mối quan hệ này có giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi và sự cô đơn không?
Cha JP: Chắc chắn là sẽ hữu ích, đặc biệt là cho chị, chị BillyLu.
Các nhà tâm lý học – và lý lẽ thường tình – cho chúng ta biết rằng mối quan hệ của một đứa trẻ với mẹ nó là chìa khóa cho sự phát triển lòng tin tưởng, cho sự gắn kết trong các mối quan hệ, và cho cảm giác an toàn. Nếu một đứa trẻ có mối quan hệ không tốt với mẹ mình thì đứa trẻ có thể không có khả năng cảm thấy an toàn trên thế giới. Nhiều trẻ em được đưa đi nhà trẻ sớm phải gánh chịu hậu quả này.
Có lẽ chị có thể trở lại thành một đứa bé, trở thành một hài nhi nhỏ và tự bò vào trong nôi của Chúa Giêsu. Khi Đức Maria bế Hài Nhi Giêsu lên để ẵm và cho bú, Mẹ cũng sẽ bế chị lên. Chị có thể học được nhiều điều qua hình thức cầu nguyện này: chị có thể học cách tin tưởng, gắn kết và cảm thấy an toàn.
BillyLu: Tôi luôn nghĩ rằng chúng ta chỉ cần đến thẳng với Chúa? Tôi không thích tất cả những thứ “Maria, chúa bà” này.
Cha JP: Nhiều người, đặc biệt là những người có xu hướng đồng tính, không thể đến thẳng với Chúa vì họ coi Chúa như một người cha nghiêm khắc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo. Họ đặc biệt cảm thấy đe dọa khi thất bại trong việc sống trong sạch; họ không thể tránh khỏi việc tưởng tượng ra một Thiên Chúa không chút tán thành họ và chỉ luôn bắt lỗi.
Đức Trinh Nữ Maria giúp gầy dựng mối quan hệ với Chúa. Mẹ là một môn đệ trung tín của Chúa Giêsu và dạy chúng ta cách yêu mến Chúa Cha như Chúa Giêsu đã làm – đừng sợ Chúa Cha. Thiên Chúa có một tình yêu nồng nhiệt dành cho chúng ta:
Xi-on từng nói: “ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!”
Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. (Isaia 49:13-15).
Đức Trinh Nữ Maria có thể giúp chúng ta hiểu được Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nhường nào – giống như Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ:
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (Lu-ca 1:49-50).
BillyLu: Cha JP, lúc này tôi cảm thấy rất có lỗi. Con cái của tôi cảm thấy thế nào. Chúng nó không có một người mẹ. Mẹ của chúng đã bỏ rơi chúng. Trong tương lai, con cái của tôi có thể tin tưởng người khác hoặc có thể có những mối quan hệ gắn bó, thân thiết với người khác không?
Cha JP: BillyLu, thật tuyệt vời là chị rất quan tâm đến con cái mình. Tuy nhiên, từ tất cả những gì chúng ta đã bàn luận, con cái chị cần gì?
BillyLu: Những mối quan hệ tốt lành để làm nền tảng cho con người của chúng nó, đúng không?
Cha JP: Chị đã hiểu rồi đó! Và mối quan hệ quan trọng nhất mà chị có thể giúp đỡ con cái chị là trở thành một người mẹ cho chúng nó, trở thành một người mẹ chị ước mình đã có khi lớn lên.
Mọi nỗ lực của chị khi cố gắng làm điều này sẽ giúp chị khám phá con người thật của mình. Chị sẽ khám phá ra rằng chị thực sự là một người phụ nữ, một người mẹ – đó là điều chị có thể cống hiến cho con cái mình.
BillyLu: Nhưng nếu chúng nó không đón nhận tôi thì sao? Có lẽ chúng nó cũng đang tức giận về tôi… thất vọng về tôi…
Margie: Cũng như bố của chị vậy!
BillyLu: Phải. Và tôi ghét điều đó biết bao. Tôi ước gì bố tôi yêu tôi như tôi đã là…
Cha JP: Nhưng tôi chắc chắn rằng con cái của chị có nhiều khả năng tha thứ và chấp nhận chị hơn cha chị. Tất cả những gì chúng nó muốn là chị yêu chúng nó vì con người của chúng là.
Một trong những rào cản lớn nhất trong việc thiết lập mối quan hệ với con cái chị là lòng kiêu căng của chị. Nếu chị chỉ lo lắng về tội lỗi của mình, và về việc chị đang hủy hoại cuộc sống của chúng nó như thế nào, và việc chúng nó sẽ từ chối chị, hay chúng sẽ giận dữ với chị như thế nào, thì hãy quên đi về việc quay trở lại. Chị sẽ không bao giờ có được mối quan hệ sâu sắc với chúng nó. Chị sẽ giống như mẹ mình – quan tâm đến bản thân mình hơn là đến người khác.
Tất cả chúng ta đều phải nỗ lực quên đi chính mình và trao ban chính mình như một quà tặng cho người khác, khi đó chúng ta sẽ thiết lập được sự hiệp thông giữa người với người mà chúng ta gọi là mối quan hệ.
Margie: Sự kiêu ngạo và ích kỷ xâm chiếm tất cả chúng ta, cha JP, và nó cản trở các mối quan hệ của chúng ta. Tôi biết điều này đúng khi nói đến mối quan hệ của tôi với Sam. Nó thậm chí còn tệ hơn trong mối quan hệ của tôi với bố mẹ tôi. Đó là lý do tại sao tôi sống một mình tại thời điểm này của cuộc đời.
Cha JP: Tính kiêu ngạo ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và đặt ra những rào cản cho những mối quan hệ sâu sắc hơn. Nó ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, mối quan hệ của chúng ta với gia đình và mối quan hệ của chúng ta với bạn bè và đồng nghiệp. Đôi khi sự kiêu ngạo xuất hiện khi chúng ta so sánh mình với người khác, khi chúng ta nghĩ về việc mình đã làm được bao nhiêu và người khác có ít đến mức nào; chúng ta thông minh thế nào và người khác ngu ngốc ra sao, v.v. Việc so sánh với những người khác luôn cản trở các mối quan hệ bởi vì chúng đóng cửa lòng chúng ta với tình yêu vô điều kiện – bằng cách đặt điều kiện cho việc chúng ta hiến thân mình cho người khác – do đó, chúng đóng cửa lòng chúng ta cho các mối quan hệ.
Sự kiêu ngạo cũng ảnh hưởng đến chúng ta khi so sánh bản thân với người khác: cảm thấy mình kém cỏi, chúng ta thấy mình vô dụng, kém hấp dẫn hoặc không đáng yêu. Cảm thấy mình không có gì để cống hiến cho người khác, chúng ta rút lui khỏi các mối quan hệ với Chúa, gia đình và bạn bè. Chúng ta nghĩ rằng mình không xứng đáng với tình yêu và tình bạn của họ nên không nỗ lực tặng bạn bản thân cho người khác.
Sự so sánh không cho phép vẻ đẹp của một còn người độc đáo và không thể lặp lại của chúng ta được bộc lộ, bởi vì chúng ta cũng phải đối chiếu danh tính ta với một thứ khác.
Tự Thương, Trầm Cảm, Tự Hận
BillyLu: Tôi nghĩ tôi tức giận với bản thân mình hơn là tức giận bố mẹ tôi và Chúa. Tôi xấu hổ về cuộc đời mình. Tôi thấy mình là một kẻ hoàn toàn thất bại: với bố mẹ tôi, với chồng tôi, với các con tôi. Liệu tôi có thể tha thứ cho chính mình vì tất cả những gì tôi đã làm không? Tôi cảm thấy mình thật chẳng là gì…
Cha JP: Khi chị nói chị tức giận với chính mình và bắt đầu nhục mạ chính mình, chị dường như đang nói chị ghét chính mình.
Tôi nghĩ đến cách Chúa Giêsu Kitô liên kết việc giết người, giận dữ, lăng mạ và căm ghét với nhu cầu tha thứ:
Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc… ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5:21-24,43-45).
Nếu những yếu tố này thực sự có sự nối kết với nhau, thì BillyLu, sự khác biệt giữa sự tức giận và hận thù bản thân chằng là bao nhiêu.
Vì vậy, câu hỏi của tôi cho chị là: Chị có ghét chính mình không?
BillyLu: Wow, câu hỏi đó khá chát chúa. Nhưng cha nói đúng: tôi nghĩ là có. Tôi không thể buông bỏ cảm giác tội lỗi. Đôi khi tôi ước gì mình có thể chui xuống một cái hố và chết đi.
Cha JP: Hãy nghĩ về điều này, BillyLu, không ai có thể ưa thích một danh tính mà người đó ghét. Nếu chị giận dữ với chính mình và ghét bỏ chính mình – với thân phận của chị là một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ – thì chị sẽ không bao giờ có thể hiến dâng bản thân cho con cái và cho người khác.
BillyLu: Tôi thật không biết làm cách nào để có thể buông bỏ. Nếu tôi nhìn vào gương và nhìn lại câu chuyện của đời mình, một cuộc đời hỗn loạn, làm sao tôi có thể không ghét con người mình? Làm sao tôi không cảm thấy tội lỗi?
Cha JP: Và người bạn đời của chị đón nhận chị vào cuộc sống của cô ấy như chị là, giúp chị thoát khỏi cảm giác tội lỗi, xấu hổ và hận thù bản thân với một thứ cảm xúc “cao độ” – cô ấy không ghét chị; không xấu hổ về chị. Chị hy vọng cô ấy đã làm đúng, nhưng khi chị rơi xuống từ cái “cao độ” của mình, tôi cá là chị sẽ cảm thấy tồi tệ hơn trước.
BillyLu: Tôi đúng là đã cảm thấy tồi tệ hơn, và sau đó tôi chuyển sang việc uống rượu bia để thoát khỏi cảm giác đó cho đến khi tôi có thể lên “cao độ” trở lại.
Cha JP: Điều này khiến chị bị nhốt vào một vòng xoáy đi xuống của sự tự hủy hoại và hận thù bản thân. Đó là một vòng luẩn quẩn dường như không có lối thoát.
Chị có thể nghĩ là chị đang trốn chạy nỗi đau của mình, nhưng thực ra chị chỉ đang chạy trốn khỏi chính bản thân mình, khước từ bản dạng mà chị hận ghét.
BillyLu: Nhưng thưa cha, tôi muốn thoát khỏi đó. Có lối thoát nào cho tôi không?
Cha JP: Có, đó là tình yêu. Hãy thoát ra khỏi chính mình, quên đi chính mình, trao tặng bản thân cho con cái và cho chồng mình, nếu điều đó vẫn còn có thể, và chị sẽ tìm thấy tự do. Chính sự kiêu ngạo đã giam giữ chị trong ngục tù tủi hổ.
BillyLu: Vậy, ý cha là cảm giác tội lỗi của tôi thực ra là sự kiêu ngạo, khiến tôi không thể thực sự yêu thương? Tôi không nghĩ mình đã từng yêu ai…
Leave a Reply