Các đôi vợ chồng luôn được tự do để lựa chọn liệu họ có muốn quan hệ tình dục hay không. Nhưng một khi đã chọn làm điều đó, thì họ không còn được phép thay đổi ý nghĩa của sự kết hợp ấy. Khả năng sinh sản không phải là điều Chúa chỉ nghĩ đến sau khi Người tạo nên tình yêu vợ chồng. Ngược lại, khả năng ấy “đã có từ lúc khởi đầu của tình yêu, như một nét đặc trưng, một đặc điểm thiết yếu, mà khi con người chối bỏ nó thì họ cũng bóp méo chính tình yêu”. Đó là điều mà ĐGH Phanxicô đã nói. Ngài kết luận: “Vì thế, không một hành vi giao hợp vợ chồng nào có thể khước từ ý nghĩa này”.32
Ngôn ngữ của sự giao hợp vợ chồng có “ý nghĩa rõ ràng”, và ý nghĩa đó được “lập trình”, trong sự đồng thuận nơi quan hệ vợ chồng và trong lời hôn ước, như ĐGH Gioan Phaolô II đã nói. Ví dụ, đối với câu hỏi “hai con có sẵn sàng yêu thương mà đón nhận con cái như là hồng ân Chúa ban không?…”, thì người nam và người nữ trả lời, “Thưa có” (TOB 105, 6; 106, 3; ngày 19 tháng 1 năm 1983). Nhưng nếu đôi vợ chồng trả lời “thưa có” trước bàn thờ, sau đó lại triệt sinh sự kết hợp thân xác, thì họ đang lừa dối thân xác họ. Họ đã không trung tín với lời hôn ước. Sự lọc lừa tại trung tâm của giao ước hôn nhân này sẽ dẫn đến một hệ quả độc hại cho cả đôi vợ chồng lẫn sự nhận thức về hôn nhân của xã hội.
Một số sẽ vặn lại rằng: “Coi nào! Tôi có thể đồng ý với việc thề hứa ‘sẵn sàng đón nhận con cái’ trước bàn thờ, nhưng không có nghĩa là cứ mỗi lần quan hệ là chúng ta phải có con”. Nhưng nói thế thì có khác gì với “Thôi nào! Đúng là tôi thề hứa sẽ chung thủy trước bàn thờ, nhưng không có nghĩa là lúc nào tôi cũng phải quan hệ với vợ/chồng mình”. Nếu bạn nhận ra được sự mâu thuẫn nơi “lời thề hứa chung thủy với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng thế”, thì bạn cũng sẽ nhận ra được sự mâu thuẫn trong “lời hứa sẽ sẵn sàng đón nhận con cái, nhưng không phải lúc nào cũng vậy”.
Có lẽ có một cách để thoát ra khỏi sự logic này. Đơn giản thôi, là hãy cho phép vợ chồng loại bỏ lời thề hứa sẵn sàng đón nhận con cái trước bàn thờ. Khi đó họ sẽ không còn lừa dối thân xác họ bằng cách sử dụng biện pháp ngừa thai nhân tạo nữa, có đúng thế không? Nó sẽ phản ánh điều họ đã thề hứa (hoặc không thề hứa). Nhưng điều đó lại cho thấy họ đã không yêu như Chúa đã yêu. Và đó không còn là hôn nhân nữa. Đây chính là lý do vì sao Giáo Hội luôn dạy rằng: cố tình loại bỏ, không mở lòng ra để đón nhận con cái, sẽ khiến cho bí tích hôn phối ra vô hiệu ngay từ đầu.
32 ĐGH Phanxicô, Amoris Laetitia 80.
Leave a Reply