Còn việc thu hoạch trẻ sơ sinh bị phá thai để lấy bộ phận cơ thể thì sao? Một khi người ta đã phi nhân hóa thai nhi thành các phương tiện, thì người ta chắc chắn sẽ khai thác lợi ích từ chúng, giống như ta tái chế túi nhựa và chai thủy tinh để có lợi từ các sản phẩm phế liệu khác. Diễn viên hài Sarah Silverman đã lập luận rằng vì “phá thai hợp pháp” ở Mỹ, “thật điên rồ nếu không sử dụng mô thai nhi cho khoa học và giáo dục.” (Những người chỉ trích đã đáp trả rằng: vì buồng hơi ngạt bị cho là hợp pháp đối với Đức Quốc xã ngày xưa, không lẽ người Đức có thể sử dụng da người làm đèn ngủ?)37
Một khi ý tưởng về việc khai thác con người được chấp nhận, bước tiếp theo là việc bán công khai các bộ phận cơ thể thai nhi. Nhà luân lý về sinh học Jacob Appel lập luận, “Nếu một phụ nữ có quyền cơ bản để chấm dứt thai kỳ, tại sao không có quyền sử dụng sản phẩm của thai kỳ đã chấm dứt theo ý muốn của cô ấy?” Tại sao không cho phép cô ấy thu lợi ích kinh tế? “Nhiều phụ nữ có thể sử dụng thu nhập từ việc mua bán này để tài trợ cho việc học đại học hoặc để giúp chi trả tiền nuôi con của họ.”
Appel kết luận bằng cách dự đoán, “Một ngày nào đó, nếu khoa học đủ phát triển, ta có thể có các trang trại ‘tử cung nhân tạo’ nuôi và thu hoạch bộ phận cơ thể thai nhi.”38
Chúng ta cần nhắc nhở bản thân tại sao pháp luật của chúng ta không cho phép mua bán con người hoặc bộ phận cơ thể người. “Có những thứ, trong một xã hội văn minh, mà tiền bạc không thể mua được,” Tòa án Tối cao New Jersey viết vào năm 1988. “Có… những giá trị mà xã hội cần coi trọng đủ để tiền không bao giờ có thể mua được, cho dù nó là lao động, tình yêu, hay sự sống.”39 Tòa án Tối cao New Jersey phán quyết việc mang thai hộ là một hình thức buôn bán trẻ em, do đó là bất hợp pháp. Việc bán trẻ em là vấn đề luân lý giống chế độ nô lệ: con người không bao giờ là sản phẩm buôn bán.
Một vấn đề khác là tình trạng của những người mẹ mang thai hộ, những người bị biến thành người đẻ thuê. “Sự bùng nổ chóng mặt trong việc mang thai hộ cho các cặp đôi đồng tính… đại diện cho sự khai thác phụ nữ, thường đến từ những đất nước đang phát triển và thường bị ép buộc hoặc môi giới để bán tử cung của họ nhằm thoả mãn những ý thích ích kỷ của giới giàu có phương Tây đồng tính,” nhà báo Julie Bindel viết, người tự nhận mình là người đồng tính. “Sự tàn nhẫn này đi kèm với sự đạo đức giả ghê tởm. Những người từ châu Âu và Hoa Kỳ sẽ rùng mình khi nghĩ đến việc tham gia vào buôn bán người hoặc mại dâm, nhưng họ đã tham gia vào một hình thức ‘buôn bán chức năng sinh sản.’”49
Một thành viên của Nghị viện Châu Âu nói rằng việc mang thai hộ “biến người phụ nữ thành máy đẻ và đứa trẻ thành một tài sản trong giao dịch kinh doanh.”41
Nguyên tắc luân lý ở đây là một số thứ nên được miễn trừ khỏi các giao dịch thương mại – rằng một số lĩnh vực xã hội nằm ngoài phạm vi của thị trường. Quan trọng nhất là nhân quyền của con người không được phép đem ra để bán. Theo nhà luân lý học Kitô giáo Scott Rae, lý do chúng ta không cho phép mua bán người là “có những điều gắn bó mật thiết với nhân phẩm và sự thỏa nguyện của một cá nhân đến nỗi, đem những điều ấy ra bán không khác nào chà đạp nhân phẩm.”
Vấn đề tiềm ẩn, Rae giải thích, là “khi một giá tiền được đặt trên một người hoặc một đặc tính của nhân vị, điều này chia cắt cá nhân người đó khỏi thứ đã bị đem ra mua bán.”42 Bất cứ thứ gì có thể định giá bằng tiền-kể cả thân xác-do đó bị xem như thứ có thể tách rời khỏi bản thân thay vì là một phần không thể thiếu của bản thân.
Cốt lõi của vấn đề là sự phân mảnh, làm cho cơ thể và bản thân tách rời nhau.
37. Joshua Riddle, “Ben Shapiro Destroys Sarah Silverman’s Planned Parenthood Tweet,” Young Conservatives, August 4, 2015.
38. Jacob M. Appel, “Are We Ready for a Market in Fetal Organs?” The Huffington Post, April 17, 2009.
39. Cited in Scott Rae, “Commercial Surrogate Motherhood,” Bioethics and the Future of Medicine, ed. John Filner, Nigel Cameron, and David Schiedermayer (Grand Rapids: Eerdmans, 1995), 234.
40. Julie Bindel, “Surrogacy and Gay Couples,” New Feminism, June 2, 2015.
41. Adina Portaru, “Renting Wombs Is a Human Wrong, not a Human Right,” Public Discourse, April 27, 2016.
42. Scott Rae, “Commercial Surrogate Motherhood,” 234–35.
Leave a Reply