Maria, một cô bé 11 tuổi, đã không có sự lựa chọn nào ngoài việc phải dọn tới sống với một gia đình khác sau khi cha cô qua đời, lại bởi gia cảnh nghèo khó. Khi thằng con 21 tuổi của gia đình kia cố quyến rũ cô bé, cô bé đã cự tuyệt nó. Trong cơn giận dữ, Alessandro đã bóp cổ cô bé, và đâm cô bé 14 nhát dao. Ngày hôm sau, khi đang hấp hối trên giường bệnh, cô bé đã tha thứ cho người thanh niên đó.
Vài năm sau, trong khi anh ta đang ngủ một mình trong buồng giam, cô bé hiện ra với anh trong giấc mơ, và tặng anh 14 bông hoa huệ, tỏ ý rằng cô đã tha thứ cho 14 nhát dao anh đâm cô. Khi tỉnh lại, Alessandro hoán cải đời mình, và trong ngày được trả tự do nhiều năm sau đó, anh ta đứng trong hàng ngũ những tín hữu tụ họp tại Tòa Thánh Vatican để tham dự thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho cô bé Maria Goretti.
Một câu chuyện xúc động như thế nghe có vẻ sẽ truyền cảm hứng nhưng vô kế khả thi. Trong câu chuyện của tôi, tha thứ không phải là bước đầu trong quá trình chữa lành. Nếu có, thì nó là bước cuối cùng. Khi người khác làm tổn thương ta, khuynh hướng tự nhiên của ta là bám lấy sự cay đắng, ghen ghét và giận dữ. Khi người ta khuyên mình “hãy tha thứ và quên đi”, cảm giác như là họ đang khuyên ta hãy chứng minh sự tha thứ bằng cách bị bệnh đãng trí. Điều này sẽ không giúp ích.
Điều ta cần đó là ta phải nhận ra sự tha thứ không phải là một thứ cảm giác. Đó là một chọn lựa. Đó là một quyết định đem đến cho người khác tình thương, thay vì thiệt hại. Khi kẻ thủ ác được tha thứ thì không có nghĩa người đó được miễn chịu phép công bình. Người đó đáng phải chịu. Nhưng cũng có nghĩa là ta từ bỏ lòng ham muốn trả thù. Chúng ta có thể bị cám dỗ ước ao sự dữ cho người đã hãm hại mình, nhưng khi không chịu tha thứ, chúng ta không hại người khác, chúng ta tự trừng phạt chính mình. Nếu bạn cảm thấy mình không thể tha thứ cho người khác, thì hãy cầu xin Chúa ban cho bạn một trái tim tràn đầy thương xót, và hãy nhớ rằng tha thứ không có nghĩa là thiệt hại người đó gây nên cho ta không đáng kể. Nhưng tha thứ là một dấu chỉ cho thấy sức mạnh của lòng thương xót, và tình yêu thì mạnh mẽ hơn oán thù.
Tha thứ thường đòi hỏi nhân đức anh hùng – đặc biệt là khi người cần được tha thứ là chính bản thân ta. Trong trường hợp của tôi, tha thứ cho chính mình thì cần nhiều thời gian và công sức hơn là tha thứ cho kẻ lạm dụng. Bị lạm dụng là một chuyện, nhưng khi bạn nội tâm hóa việc bị lạm dụng và tự đày đọa chính mình thì đó lại là một trận chiến hoàn toàn khác.
Tôi trở thành một bậc thầy trong việc nói tiêu cực về bản thân, như là một cách tự trừng phạt chính mình. Tôi thường nói với bản thân rằng “Crystalina, sao mày lại để chuyện đó xảy ra? Mày đã tự chuốc họa vào thân. Mày biết rõ điều đó, hoặc ít nhất là mày nên biết rõ điều đó. Mày đã ‘mời’ nó đến. Mày đã có thể ngăn chặn chuyện ấy xảy ra, nhưng mày lại không làm. Mày nên xấu hổ vì chính mày”. Thậm chí tôi còn bắt đầu nghiện việc lặp lại và nghe lấy những lời tự hành hạ bản thân đó. Tôi đã tự nhủ rằng, “Mày béo quá. Mày ngu quá. Mày là một con điếm”.
Khi những lời tự thóa mạ, những nghi nan và dối trá này trở nên cay độc như ung nhọt thối rữa và hình thành một thói quen, chúng phát triển thành những lời “không bao giờ” và “luôn luôn”. Ví dụ: “Mày sẽ không bao giờ có thể thay đổi, tin tưởng hay được chữa lành”. Hoặc: “Mày luôn là một nỗi thất vọng, một sự thất bại”. Chúng ta tự thề độc, tự đặt mình vào trong thất bại, mà không hề hay biết. Chúng ta trở nên mù quáng trước những sự thiện hảo mà ta đang chiêm hữu.
Đã đến lúc đập tan những lời thề độc và thói xấu kia. Phải, bạn có thể cảm thấy tức giận về bản thân vì những điều bạn đã làm, nhưng hãy ngừng đày đọa bản thân. Những điều đó đã đưa bạn đến đâu nào? Bạn không cần phải thích mọi chuyện trong quá khứ, nhưng bạn có thể học hỏi từ chúng. Hãy sử dụng những đau thương đó làm bài học để bạn không bao giờ tái phạm. Nếu bạn mắc sai lầm, hãy tự tha thứ cho chính mình. Hãy khoan dung với bản thân, cũng như hãy rộng lòng nhân ái đối với những ai đã phải trải qua điều tương tự trong cuộc đời.
Leave a Reply