Bởi vì chuỗi ngày bị lạm dụng của tôi bắt đầu từ lúc còn thơ ấu, tôi đã tiếp thu một thông điệp méo mó rằng: “Mày là đứa bất tài. Nếu mày đáng yêu, thì tại sao người ta lại làm cho mày những điều đó? Để được yêu sau này, mày sẽ phải từ bỏ một thứ gì đó. Sẽ luôn có những ràng buộc đi kèm”.
Đối với nhiều người nữ, những vết thương này bắt nguồn từ mối quan hệ (hoặc thiếu mối quan hệ) từ cha của họ. Một người nữ đã gửi email cho chúng tôi và kể rằng:
“Khi tôi đang học lớp 2, tôi nhớ là đã hỏi cha tôi liệu tôi trông có xinh xắn trong bộ áo nhân dịp được Rước Lễ lần đầu hay không. Tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được rượu là gì, và tôi đã hỏi ông khi ông đang say rượu. Câu trả lời của ông là: ‘Câm đi, tao không muốn nói chuyện với mày. Tao không quan tâm về cái thứ Rước Lễ lần đầu ngu xuẩn đó, hay mày trông như thế nào’. Là một đứa trẻ 8 tuổi, tôi chỉ biết khóc”.
Chẳng cần động tay vào người cô, ông ấy đã để lại một vết sẹo kéo dài cho đến lúc cô trưởng thành. Khi một người con gái bị lạm dụng hoặc bị cha mình bỏ bê, cô ấy có thể bị hướng về những mối quan hệ tương tự với những người đàn ông trong đời cô. Một mối quan hệ rối loạn như thế có thể khiến cô bị ràng buộc với cha mình. Mối liên hệ gián tiếp này trở nên quan trọng đối với cô hơn là sức khỏe của chính mình. Trong khi đó, sống trong lo sợ thì có vẻ an toàn hơn là sống không có chút tiếp xúc với những người đó.
Nếu nhu cầu của một gái không được cha mẹ quan tâm, cô ấy có thể từ bỏ khát vọng khỏa lấp những nhu cầu ấy, bởi vì để những nhu cầu được thỏa mãn liên tục thì quá là đau đớn.4 Thay vì tìm kiếm tình yêu chân chính, cô ấy có thể tình dục hóa vấn đề của mình và chỉ dừng chân ở những ham muốn nhục dục. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng tình dục bừa bãi trở thành một cách để cô chạy trốn khỏi những sự thân mật. Cái suy nghĩ về những cử chỉ thân mật gần gũi như thế có thể kích hoạt nỗi lo âu đến từ sự sợ hãi bị ruồng rẫy.5 Do đó, tình dục bừa bãi mang đến cho cô một ảo giác về sự thân mật, trong đó cô không cần phải cho đi trái tim mình. Nhưng điều này không bao giờ thỏa mãn được cô. Như một người phụ nữ đã nói với chúng tôi rằng “Tất cả những chuyện này làm tôi kiệt quệ và tôi cảm thấy như thể tôi đã đánh mất chính mình vào trong lốc xoáy của những mối quan hệ vô nghĩa”.
Làm thế nào để một người có thể được chữa lành và phục hồi khỏi sự đau thương này? Bạn hãy tưởng tượng bằng cách lấy một chiếc cốc và châm kim liên tục vào hai bên thành cốc. Cho dù bạn có đổ vào đó bao nhiêu nước đi chăng nữa, chiếc cốc sẽ chẳng bao giờ đầy. Điều này giống như trái tim của chúng ta vậy. Chiếc cốc chỉ có thể được làm đầy khi những cái lỗ được vá lại. Khi chúng ta dành lấy thời gian để từ bỏ những thói quen suy nghĩ tiêu cực, chữa lành các vết thương, và học cách yêu bản thân, chúng ta sẽ lại có khả năng đón nhận tình yêu mà chúng ta xứng đáng có được.
4 Cf. Christian Gostecnik, Journal of Religion and Health 46:4 (December 2007), 586.
5 Ibid., 589.
Leave a Reply