Trong khi đó, phía bên kia trái đất, một mục sư đã khám phá ra một cách sáng tạo để giúp cứu những đứa trẻ bị bỏ rơi. Trong một khu dân cư lao động nghèo ở Seoul, Hàn Quốc, có một ngôi nhà với một chiếc hộp nhỏ được gắn vào tường. Một tấm biển viết tay nguệch ngoạc bên ngoài thùng có nội dung: “Nếu bạn không thể chăm sóc những đứa con khuyết tật của mình, đừng vứt chúng đi hoặc bỏ rơi chúng trên vỉa hè. Xin đặt trẻ sơ sinh vào đây.” Chiếc hộp được lót một tấm chăn mềm mại và có một chiếc chuông kêu khi cánh cửa nhỏ được mở ra.
Hộp trẻ em được đặt tại nhà của mục sư Hội thánh Tin Lành Trưởng lão Lee Jong-rak, và kể từ năm 2009, mục sự Lee đã cứu sống hơn sáu trăm trẻ em. Vợ chồng ông đã nhận nuôi 10 trẻ (số lượng tối đa được phép ở Hàn Quốc), sau đó sắp xếp để có người nhận những trẻ khác làm con nuôi.
Thánh vịnh 27:10 được khắc trên viền hộp: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con”.
Mối quan tâm của mục sư Lee cho trẻ khuyết tật bắt đầu khi ông và vợ sinh ra một đứa bé bị tổn thương não nghiêm trọng. Thảm kịch đã dấy lên hàng loạt câu hỏi khiến ông phải suy nghĩ lại đức tin Kitô giáo của mình: “Tôi hỏi Chúa, ‘Tại sao Ngài lại cho tôi một đứa trẻ khuyết tật?’”
Nhưng khi chăm sóc đứa con trai bất lực của mình, Lee bắt đầu bị thuyết phục về sự quý giá của sự sống. Tại bệnh viện nơi con trai ông trải qua phần lớn những năm đầu đời, ông bắt đầu động viên những gia đình có trẻ khuyết tật khác. Ở Hàn Quốc, Lee nói, trẻ sơ sinh dị tật bị coi là nỗi xấu hổ của quốc gia. Đó là một nền văn hóa nghiện sự hoàn hảo, nơi mà phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên phổ biến như việc cắt tóc.89
Tuy nhiên, việc bỏ rơi trẻ sơ sinh không phải là vấn đề chỉ xảy ra ở Hàn Quốc. Năm 2016, hộp trẻ em đầu tiên ở Hoa Kỳ đã được lắp đặt tại Sở cứu hỏa Woodburn ở Woodburn, Indiana. Theo Luật Trú ẩn An toàn của Indiana, người mẹ có 30 ngày sau khi sinh con để quyết định xem mình muốn giữ đứa trẻ hay giao nó cho chính quyền mà sẽ không bị chất vấn.
Khi người mẹ đặt con mình vào trong hộp, hộp sẽ tự động khóa và cơ quan chức năng sẽ được cảnh báo. Trong vòng ba phút sau, nhân viên cấp cứu sẽ đến để chăm sóc em bé.
Thật kỳ diệu thay, chính một người phụ nữ bị bỏ rơi khi còn nhỏ đã thành lập tổ chức Safe Haven Baby Box / Hộp an toàn cho em bé, tổ chức hiện đang lập nên các chi nhánh ở các bang khác cho các bà mẹ đang gặp khủng hoảng. Monica Kelsey nói: “Là một đứa trẻ bị mẹ ruột bỏ rơi hai giờ sau khi tôi chào đời, tôi rất vinh dự khi Chúa Kitô đã giao cho tôi dẫn đầu một chương trình nhằm cứu sống những đứa trẻ bị bỏ rơi.”90
Tất nhiên, kịch bản tốt nhất là một ngày nào đó hộp trẻ em sẽ không còn cần thiết nữa. Nhưng lúc này, chúng là một cách để người Kitô hữu bày tỏ cho thế giới thấy rằng ngay cả những trẻ bị từ chối vì thai ngoài ý muốn cũng có giá trị cao quý trước mắt Chúa.
Trong thế giới cổ xưa, những Kitô hữu nổi bật vì những nỗ lực nhân đạo của họ – chăm sóc trẻ sơ sinh và nô lệ, góa phụ và trẻ mồ côi, người bệnh và người già, người bị bỏ rơi. Ngày nay, khi phương Tây quay trở lại với những tập tục thời tiền Kitô giáo, chúng ta một lần nữa phải sẵn sàng đứng lên với lòng can đảm và đức tin vững. Chúng ta cần đường đầu với thế giới quan đằng sau các hành động phi nhân tính, rồi tìm ra những cách thực tế để thể hiện quan điểm cao đẹp của Kinh thánh về sự sống con người.
Khi dân số già đi, vấn đề về tư cách con người cũng xuất hiện một cách mới mẻ và đáng lo ngại khi chúng ta chăm sóc cho số lượng người già ngày càng tăng. Ngoài ra, những thách thức đạo đức mới đang được đặt ra bởi công nghệ. Trong chương tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích các thực hành như an tử và ưu sinh, nghiên cứu tế bào gốc và việc bán mô bào thai—đồng thời đưa ra các giải pháp thay thế chứa đầy sức sống của Kitô giáo.
89. John M. Glionna, “South Korean Pastor Tends an Unwanted Flock,” Los Angeles Times, June 19, 2011.
90. Quoted in Fr. Mark Hodges, “Indiana Installs First ‘Safe Haven’ Boxes to Save Abandoned Newborns,” LifeSite News, May 10, 2016.
Leave a Reply