Một trong những lí do chủ chốt khiến người ta chống đối thông điệp “Sự sống con người / Humanae Vitae” là vì giáo huấn của thông điệp đó (tức là việc kiêng cữ định kỳ khi tránh mang thai) ngăn trở các đôi vợ chồng thể hiện tình cảm dành cho nhau. Chúng ta hãy xem xét sự chống đối này cách kĩ càng hơn.
Trước tiên, đúng là khi kiêng quan hệ tình dục vì những lí do sai trái (ví dụ như vì chán ghét bạn đời, hay coi thường chuyện quan hệ) thì nó sẽ phá hoại tình yêu vợ chồng. Nhưng như mỗi cặp vợ chồng đều biết, kiêng quan hệ tình dục vì lí do chính đáng lại có thể là sự biểu lộ của một tình yêu đằm thắm. Thật vậy, có rất nhiều tình huống trong đời sống hôn nhân đòi hỏi người chồng người vợ phải hâm nóng tình cảm và làm mới lời hôn ước bằng cách quan hệ tình dục, nhưng tình yêu giữa hai người buộc họ phải kiêng cử: có thể là do một trong hai đang bị ốm, hoặc là sau khi người vợ sinh con, hoặc là cả hai đang ở nhà bố mẹ và tường nhà thì hơi mỏng, hoặc cũng có thể là họ có lí do nghiêm túc để tránh mang thai. Trong những trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác, nếu họ không thể kiêng cử, thì tình yêu nơi họ đang có vấn đề.
Thiên Chúa là Đấng hiệp nhất tình yêu hôn nhân và sự truyền sinh. Vì thế, bởi Người không thể mâu thuẫn chính mình, cho nên “ngừa thai nhân tạo không thể tồn tại giữa một bên là luật Chúa luôn đi đôi với sự truyền ban sự sống, và một bên là những giới răn hướng về một tình yêu vợ chồng đích thực”.36 Có lẽ đúng là thật khó để có thể tuân hành giáo huấn của thông điệp “Sự sống con người”, nhưng giáo huấn ấy chắc chắn không bao giờ mâu thuẫn với tình yêu. Tuân theo giáo huấn ấy quả thực là khó, bởi vì để đạt được một tình yêu chân chính cũng khó vô cùng.
Mỗi người chúng ta đều có trong mình một trận chiến trường kì giữa tình yêu và dục vọng (ái tình chân chính và sự lệch lạc của nó). Một cách vô cùng mạnh mẽ, dục vọng thôi thúc chúng ta hướng về hoạt động tình dục. Tuy nhiên, nếu hoạt động ấy là kết quả của một sự đê mê mà ta không thể định hướng hay kiểm soát được, thì thực chất chúng ta không hề diễn tả cảm xúc yêu đương, nhưng lại là điều trái ngược với tình yêu: dùng người khác. Thực tế cho thấy, điều mà chúng ta hay gọi là tình yêu, “nếu được đưa ra thẩm định nghiêm túc, thì trái ngược với những gì mà ta trông thấy, cái thứ mà ta gọi là tình yêu đó hoá ra lại là một hình thức ‘sử dụng’ người ta”.37
Mục đích thật sự của ngừa thai nhân tạo là gì? Nghe thì có vẻ đây là một câu hỏi lạ lùng ngớ ngẩn, nhưng ta cũng hãy xem xét nó. Các biện pháp ngừa thai nhân tạo lúc ban đầu không được phát minh để ngừa thai, bởi chúng ta đã có một phương pháp vô cùng hiệu quả, an toàn 100% – đó là kiêng cử quan hệ. Và khi phân tích tới tận căn, thì sự ngừa thai chỉ có một mục đích duy nhất: nó miễn cho con người khỏi sự khó chịu khi họ buộc phải kiêng quan hệ tình dục. Và khi nhận ra được điều này, người ta phát minh ra các biện pháp ngừa thai nhân tạo chỉ vì con người thiếu sự tự kiềm chế; nói cách khác, các phương pháp ngừa thai nhân tạo được phát minh nhằm thỏa mãn dục vọng của con người. Tại sao chúng ta lại triệt sản chó mèo? Tại sao chúng ta không yêu cầu chúng tự kiềm chế? Nếu chúng ta “triệt sản” chính mình, thông qua việc sử dụng các biện pháp ngừa thai nhân tạo, thì sự kết hợp thân xác con người – vốn là một mầu nhiệm vĩ đại – đã bị chà đạp và “hạ giá” xuống còn ngang tầm với sự giao phối của động vật trong thời kỳ động dục. Và đó là lí do vì sao sử dụng phương pháp ngừa thai nhân tạo trong khi quan hệ vợ chồng không chỉ tấn công ý nghĩa truyền sinh của hoạt động tình dục, mà chính hành vi ân ái đó cũng “không còn là hành vi của tình yêu nữa” (TOB 123, 6; ngày 22 tháng 8 năm 1984).
Khi diễn giải bể kiến thức sâu rộng của tiến sĩ Greg Popcak, chúng ta cần nhận ra rằng nếu chúng ta cảm thấy bị bức bốu khi đang thực hành tiết chế bằng phương pháp NFP, thì có nghĩa rằng phương pháp này đang hoạt động tốt: nó giúp chúng ta phát triển về mặt nhân đức và đạt được sự tự do đích thực. Khi cảm thấy bức bối khó chịu, thì chúng ta phải học cách nhận biết đó là những đau thương góp phần giúp con người trưởng thành, cũng như gia tăng khả năng thể hiện tình yêu chân chính. Và có những lúc khi những đau thương mà việc trưởng thành đòi hỏi đạt tới đỉnh điểm, chúng ta sẽ không còn cảm thấy phải thỏa mãn nhu cầu tình dục khi nó nổi lên ngay lập tức nữa. Bản năng tình dục lúc đó thực chất lại là một sự ích kỉ, và nó cần được biến đổi, nếu chúng ta muốn lấy lại sự tự do đã bị đánh mất bởi sự sa ngã và yếu hèn nơi bản tính con người. Đây chính là ân huệ, và cũng là vai trò của đức khiết tịnh.
36 Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes 51.
37 Karol Wojtyla, Love and Responsibility (San Francisco: Ignatius Press, 1993), p. 167.
Leave a Reply