Nền tảng đạo đức tình dục của Kinh Thánh là một quan điểm rất cao về tạo vật. Khi thánh Phao-lô tranh luận chống lại sự vô luân về mặt tình dục, ngài đã làm điều đó như thế nào? Bằng cách bôi nhọ thú vui của tình dục? Không, bằng cách nâng cao giá trị của thân thể. “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!” (1 Cô-rin-tô 6:15). Nền tảng lý luận của thánh Phao-lô về đạo đức tính dục là thân xác của bạn có phẩm giá vì là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô, nơi Ngài hiện diện trên trái đất.
Sau đó, thánh Phaolô đã nói một điều thực sự đáng kinh ngạc: “Thân thể anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần” (c. 19). Đền thờ là không gian linh thiêng, nơi mọi người đến gặp gỡ Chúa. Điều đáng kinh ngạc là đoạn văn này nói rằng thân thể bạn là nơi mọi người sẽ gặp gỡ Chúa. Và thân thể của người khác là nơi bạn sẽ nhìn thấy Chúa.
Kitô hữu cần phải thoát khỏi trạng thái “nhờn” với những câu trích dẫn này, có lẽ từ khi còn nhỏ. Trong bối cảnh lịch sử ban đầu, những câu này thật đáng kinh ngạc. Trong thế giới cổ đại, hầu như tất cả các “chủ nghĩa” lớn—chủ nghĩa Platon, chủ nghĩa Platon mới, thuyết Ngộ đạo, thuyết Mani giáo, thuyết phiếm thần của Ấn Độ giáo—dạy một cái nhìn coi thường thế giới vật chất. Trong những triết lý này, sự cứu rỗi được cho là sự đoạn tuyệt hoàn toàn giữa vật chất và tâm linh, thoát khỏi thế giới vật chất. Để thực hiện được điều đó, những người theo đạo đã áp dụng một chế độ khổ hạnh để ngăn chặn những thôi thúc và ham muốn của thân xác.
Như chúng ta đã thấy trong chương 1, ở một mức độ nào đó, ngay cả những người Kitô hữu cũng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khổ hạnh này và dẫn đến sự phân lìa giữa thế giới thiêng liêng/ thế tục.
Thái độ mới được áp dụng đặc biệt đối với tình dục. Các giáo phụ và các nhà thần học thường giải thích Sách Diễm ca (hay còn được gọi là Bài ca của Sa-lô-môn) theo cách ngụ ngôn, nói về tình yêu giữa Thiên Chúa và linh hồn. Tất nhiên, mọi tình yêu đều là phản ánh tình yêu của Thiên Chúa ở một mức độ nào đó. Nhưng Diễm ca có thể được hiểu cách rõ ràng hơn là lời ca ngợi những vui thoả của tình yêu thể lý: “Người tôi yêu là chùm mộc dược nằm gọn trên ngực tôi”. “Người yêu sắp cưới của anh ơi, môi em tươm mật ngọt, lưỡi em chan chứa mật ngọt sữa ngon. Áo em toả hương thơm ngào ngạt tựa hương núi Li-băng”. “Người tôi yêu giữa đoàn trai tráng như cây táo giữa muôn cây rừng. Được ngồi dưới bóng chàng, tôi thoả lòng mơ ước, và hoa trái của chàng ngọt lịm trong miệng tôi” (Diễm ca 1:13; 4:11; 2:3).
Ngôn ngữ của sách Diễm ca phong phú và đầy chất thơ. Như các nhà đạo đức học Kitô giáo Scott Rae và Paul Cox đã viết, “Cặp đôi hoàng gia trong Diễm ca say sưa trong tình yêu của nhau, thể hiện chiều sâu của đam mê mà hầu hết các cặp đôi đều muốn phỏng lại trong cuộc hôn nhân của chính họ”.77
Ngôn ngữ Híp-ri thậm chí còn mô tả rõ ràng hơn về mặt gợi cảm so với bản dịch tiếng Anh. “Thân thể [hoặc bộ phận] của chàng giống như ngà voi sáng bóng được phủ bằng ngọc bích” (5:14). Như học giả Cựu Ước Tremper Longman đã viết,
Tiếng Híp-ri khá là gợi dục và hầu hết các dịch giả không dám viết ra ý nghĩa đen của nó. . . . Không có một sự kiểm duyệt nào. Thay vào đó, hai người đứng trước mặt nhau, bị kích thích, không cảm thấy xấu hổ, mà chỉ vui thoả trước tính dục của nhau. 78
Trong sách Châm ngôn, Kinh thánh thực sự ra lệnh cho những người chồng phải “say sưa” với bộ ngực của vợ mình: “Nguyện ngực nàng làm con vui thoả luôn luôn, và tình yêu nàng làm con say mê mãi mãi.” (Châm ngôn 5:19). Trong một đặc điểm quyến rũ nhưng thực tế của luật Cựu Ước, một người chồng mới cưới không được nhập ngũ hoặc bất kỳ dịch vụ chính phủ nào khác: “Khi một người đàn ông mới cưới vợ, thì người ấy không phải đi lính, và người ta sẽ không bắt làm công tác nào ; người ấy sẽ được miễn, được ở nhà một năm, và sẽ là niềm vui cho người vợ đã cưới.” (Đệ nhị Luật 24:5). Đây là một sự thay đổi đáng kinh ngạc so với quan điểm thấp kém về phụ nữ trong các nền văn hóa đa thần xung quanh. Luật Do Thái cổ đại thực sự nói với những người chồng rằng nhiệm vụ của họ là “mang lại niềm vui” cho vợ mình.
Còn lời của thánh Phao-lô về “thà kết hôn còn hơn là bị tình dục nung đốt” (1 Cô-rin-tô 7:9) thì sao? Điều này thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, như thể thánh Phao-lô đang nói rằng bạn chỉ nên kết hôn nếu bạn không thể tự chủ. Nhưng bị “tình dục nung đốt” là bản dịch của từ pyroutsthai tiếng Hy Lạp, là một phép ẩn dụ có nghĩa là “không hài lòng trong tình yêu”.79 Nghĩa là, nó ngụ ý là đang yêu một cách say đắm. Câu thơ này nên được hiểu theo bối cảnh của nền văn hóa La Mã, nơi mà đam mê tình dục không được coi là quan trọng đối với hôn nhân. Hầu hết các cuộc hôn nhân đều được sắp đặt trước. Những người vợ được lựa chọn không phải vì tình yêu mà vì địa vị, tiền bạc và người thừa kế hợp pháp. Để thỏa mãn tình dục, một người đàn ông tìm đến nô lệ và gái mại dâm.80 Những di tích còn lại ở Pompeii cho thấy một nền văn hóa tràn ngập tình dục với đầy dẫy các nhà thổ có bảng chỉ dẫn bằng những bức bích họa khiêu dâm cám dỗ người qua đường bằng những cụm từ như “ Hic habitat felicitas” (Nơi đây hạnh phúc ngự trị) hoặc “Sum tua aere” (Tôi là của anh nếu có tiền).81 Vậy thì điều mà thánh Phao-lô thực sự muốn nói là nếu bạn thấy mình bị thu hút bởi ai đó, hãy cứ tiến tới và kết hôn. Hãy hướng năng lượng tình dục của bạn vào hôn nhân.
Thánh Phao-lô đã đưa sự vui thoả tình dục vào trong hôn nhân. Bằng cách cấm đàn ông quan hệ tình dục với nô lệ, gái mại dâm hoặc những người đàn ông khác, Kinh thánh muốn nói rằng tất cả ham muốn khiêu dâm, tình cảm và năng lượng tình dục của một người đàn ông nên tập trung vào vợ mình. Điều đó đã gây ra một sự chuyển đổi xã hội mạnh mẽ và có tác động to lớn trong việc nâng cao vị thế của cả phụ nữ và hôn nhân.
75. Cited in Taylor, Sources of the Self, 223.
76. Welton, “Biblical Bodies.”
77. Scott Rae and Paul Cox, Bioethics: A Christian Approach in a Pluralistic Age (Grand Rapids: Eerdmans, 1999), 104.
78. Dan Allender and Tremper Longman, Intimate Allies: Rediscovering God’s Design for Marriage and Becoming Soulmates for Life (Wheaton, IL: Tyndale, 1999), 254.
79. Oliver O’Donovan, Resurrection and Moral Order, 2nd ed. (Grand Rapids: Eerdmans, 1986, 1994), 71.
80. Keller, The Meaning of Marriage, 241–42.
81. Stephen Hull, “Roman Prostitutes Were Forced to Kill Their Own Children and Bury Them in Mass Graves at English ‘Brothel’,” Daily Mail, August 30, 2011.
Leave a Reply