Làm cách nào chúng ta có thể mô tả “mầu nhiệm cao cả” của các bí tích? Chúng là những phương thế hữu hình giúp chúng ta tìm đến với kho tàng ân sủng thiêng liêng của Chúa. Nơi các bí tích, thần khí và chất thể “hôn nhau”. Trời và đất quấn lấy nhau trong sự phối ngẫu không bao giờ kết. Thân xác con người, trong một chiều kích nào đó, cũng là một “bí tích”. Thay vì nhắc đến bảy dấu chỉ ân sủng mà Chúa Kitô thiết lập, thì khi ĐGH Gioan Phaolô II nói đến thân xác như một bí tích, ngài có ý rằng thân xác là một dấu chỉ, nơi đó, và bằng cách nào đó, mầu nhiệm vô hình của Thiên Chúa trở nên hữu hình.
Chúng ta không thể nhìn thấy Thiên Chúa vì Thiên Chúa thuần linh. Thế mà thánh Gioan tông đồ lại nói cho chúng ta biết sự sống của Thiên Chúa đã nên hữu hình. Khi nói về “Lời ban sự sống”, mầu nhiệm “đã có từ lúc khởi đầu”, thánh Gioan tuyên bố ngài và các bạn hữu đã “thấy tận mắt” và đã “chạm đến” mầu nhiệm này (1 Ga 1,1–2). Kitô giáo là tôn giáo của một Thiên Chúa đã tự mặc khải chính mình. Thiên Chúa muốn bày tỏ chính Người cho chúng ta. Người muốn mầu nhiệm thiêng liêng vô hình của Người trở nên hữu hình, để chúng ta có thể “thấy” và “chạm tới” Người. Người đã làm như vậy bằng cách nào?
Thiên Chúa nói với chúng ta qua những dấu chỉ, Người bày tỏ chính mình thông qua tấm màn che là thế giới vật chất này. Hầu hết ai ai cũng đã cảm nghiệm vẻ huy hoàng rực rỡ của bầu trời đêm với muôn vàn tinh tú, sự diễm lệ khi lúc chiều tà, hay nét tinh khôi của hoa cỏ đồng nội. Trong những khoảnh khắc ấy, dù có nhận ra hay không, thì chúng ta đang nhìn thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa, đang chiêm ngưỡng sự tốt lành và vẻ mỹ miều của Người phản chiếu nơi các thụ tạo. Quả thế, sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 341 có chép: “Vẻ đẹp của thụ tạo phản chiếu vẻ đẹp vô biên của Đấng Sáng Tạo”.
Tuy thế, vẫn còn một điều gì đó vĩ đại hơn đêm trăng sao, hơn cả bóng chiều tà hay hoa đồng cỏ nội. Có một điều gì đó là chóp đỉnh của công trình sáng tạo mà Thiên Chúa đã dày công kiến thành, nhằm để diễn tả ngôn ngữ dấu chỉ của Người cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn bất kì thứ gì khác: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất’” (St 1, 27–28).
Thật vậy, “thần học về thân xác” chỉ là một cách nói khác của “chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa”.
Qua chính việc Thiên Chúa tạo dựng nên người nam và người nữ, cũng như khi Người mời gọi họ bước vào sự hiệp thông sinh nhiều hoa trái với Người, thân xác con người trở nên dấu chỉ tuyệt vời nhất diễn tả sự thiêng liêng và thần thánh. Và khi chúng ta càng tiến xa hơn trong việc học cách đọc hiểu những dấu chỉ này, thì chúng ta càng bước vào sâu bên trong “mầu nhiệm cao cả”, đó là: Thiên Chúa là ai, và kế hoạch Ngài đã dành sẵn cho nhân loại từ muôn đời là gì.
Leave a Reply