Để hiểu rõ hơn về vai trò trung tâm của sự phân mảnh hai tầng trong luân lý thế tục, hãy xem xét một số vấn đề thường xuất hiện trong các tiêu đề tin tức, bắt đầu với nghiên cứu về phôi người. Trong suy nghĩ phân mảnh hai tầng, phôi người chỉ là thực thể sinh học, không phải là con người. Do đó, chúng có thể bị phá hủy mà không phạm phải vấn đề luân lý nào, nếu tính toán thực dụng cho thấy việc phá hủy đem lại lợi ích nào đó cho xã hội. Nhiều người đã chấp nhận ý tưởng rằng trong việc tìm kiếm các phương pháp chữa bệnh mới, phôi người có thể bị gieo trồng, thu hoạch, cấp bằng sáng chế và bán – như thể chúng chỉ là một nguồn tài nguyên tự nhiên khác.
Tuy nhiên, nếu chúng ta từ chối sự phân mảnh hai tầng, thì một người luôn là một nhân vị có quyền sống ở mọi giai đoạn phát triển. Việc phá hủy một phôi là hành động tương đương về mặt luân lý với việc giết một người lớn. Tất cả các lập luận trong chương 2 chống lại việc phá thai đều áp dụng tương tự cho việc phá hủy phôi trong phòng thí nghiệm.
Phức tạp hơn nữa, nghiên cứu về phôi thường bao gồm việc tạo ra sự sống con người nhằm trực tiếp phá hủy nó. Ngay cả những người không chắc chắn liệu phôi thai có phải là một nhân vị toàn vẹn hay không cũng thấy điều này có vấn đề. Một nguyên tắc cơ bản của luân lý là con người phải được coi là có giá trị nội tại, chứ không chỉ là một phương tiện cho một mục đích khác. Hoặc hiểu đơn giản, việc sử dụng người khác là sai.
Ví dụ, nhà báo Charles Krauthammer viết, “Tôi không phải là người có đạo. Tôi không tin rằng nhân vị tính được bắt đầu ngay khi thụ thai. Nhưng tôi cũng không tin rằng một phôi người có giá trị luân lý tương đương với một móng tay và không xứng đáng được tôn trọng hơn ruột thừa.” Vậy chúng ta nên vạch đường ranh giới ở đâu? Krauthammer đề xuất rằng chúng ta nên vạch một “đường ranh giới rõ ràng cấm tạo ra phôi người chỉ vì mục đích phục vụ cho nghiên cứu – một sự vi phạm rõ ràng đối với quy tắc bắt buộc là không biến sự sống con người (dù chỉ là sự sống tiềm năng) thành phương tiện phục vụ mục đích.”32
Wesley Smith diễn đạt sự phản đối một cách ngắn gọn hơn: Có điều gì đó rất phi nhân tính trong việc “xem sự sống con người – dù cho nhỏ bé như thế nào – như một nguồn tài nguyên tự nhiên để thu hoạch như một vụ mùa đậu nành.”33
Ngay cả ngôn ngữ của chúng ta cũng phản ánh sự thay đổi trong thế giới quan. Israel cổ đại, để nhấn mạnh sự truyền đạt sự sống từ cha sang con, đã sử dụng một động từ được dịch là “beget/sinh con.” Thế giới Kitô giáo, ấn tượng với quá trình trao ban sự sống của Đấng Tạo Hóa, đã sử dụng động từ “procreate / sinh sản.” Còn người hiện đại ngày nay? Chúng ta sử dụng ngôn ngữ của máy móc và nhà máy – “reproduce / nhân giống”. Khi chúng ta chuyển quá trình này vào phòng thí nghiệm và nói về “công nghệ sinh sản / reproductive technologies”, ta đang xử lý sự sống như một sản phẩm mà chúng ta tự do điều khiển và uốn nắn. Và những người tạo ra con người trong ống nghiệm cảm thấy có quyền phá hủy chúng – xử lý chúng như các sản phẩm công nghệ, các đối tượng tùy ý sử dụng. Sự sống đang bị hạ giá thành một hàng hóa có thể mua bán trên thị trường.34
Mỉa mai thay, nghiên cứu tế bào gốc từ phôi không thật sự cần thiết. Nghiên cứu tế bào gốc từ người trưởng thành thường mang lại kết quả tốt hơn. Ví dụ, một bài báo năm 2016 của Washington Post trình bày một nghiên cứu làm cho các nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Họ tiêm tế bào gốc của người trưởng thành, thu hoạch từ tủy xương, vào não của bệnh nhân đột quỵ. “Sự phục hồi của họ không chỉ là sự phục hồi tối thiểu như một người không thể di chuyển ngón tay cái giờ đây có thể nhúc nhích nó. Nó còn ý nghĩa hơn nhiều. Một bệnh nhân 71 tuổi, ngồi xe lăn, nay đã đi lại được,” theo lời Gary Steinberg, chủ tịch khoa phẫu thuật thần kinh tại Stanford. Kết quả tích cực của nghiên cứu thách thức “niềm tin cốt lõi về tổn thương não – rằng nó là vĩnh viễn và không thể đảo ngược.”35 Sử dụng tế bào gốc từ người lớn tránh được các vấn đề luân lý liên quan đến việc phá hủy phôi trong khi mang lại kết quả tốt hơn.36
32. Charles Krauthammer, “President Obama and Stem Cells—Science Fiction,” Washington Post, March 13, 2009.
33. John Zmirak, “Welcome to Our Brave New World: An Interview with Wesley J. Smith,” Godspy—Faith At the Edge, December 15, 2004.
34. Như O’Donovan viết, việc thực hành sản xuất phôi với mục đích rõ ràng là “khai thác địa vị đặc biệt của chúng để sử dụng trong nghiên cứu là minh chứng rõ ràng nhất cho nguyên tắc rằng khi chúng ta bắt đầu tạo ra con người, chúng ta nhất thiết phải ngừng yêu họ.” Begotten or Made? (Oxford, UK: Oxford University Press, 1984), 65.
35. Ariana Eunjung Cha, “Stanford Researchers ‘Stunned’ by Stem Cell Experiment That Helped Stroke Patient Walk,” Washington Post, June 2, 2016 . Tế bào gốc từ người trưởng thành cũng đã thành công trong điều trị bệnh đa xơ cứng. See Erin Davis, “Canadian Doctors Have Successfully Reversed the Effects of MS in a Patient Using Stem Cells,” Notable, June 10, 2016. Tế bào từ người trưởng thành thậm chí còn được “lập trình lại” để tạo ra tế bào gốc đa năng. See “Human Pluripotent Stem Cells Without Cloning or Destroying Embryos,” StemCellResearch.org, November 20, 2007.
36. “Tế bào gốc phôi vẫn chưa được sử dụng cho dù chỉ một liệu pháp, trong khi tế bào gốc từ người trưởng thành đã được sử dụng thành công ở nhiều bệnh nhân, bao gồm cả bệnh nhồi máu tim (chết một số mô tim).” Wolfgang Lillge, “The Case for Adult Stem Cell Research,” 21st Century Science & Technology Magazine (Winter 2001–2002).
Leave a Reply