Ở đầu trang 1 của bản thảo viết tay gốc của Thần học về thân xác của ĐGH Gioan Phaolô II có chép câu này: tota pulchra es Maria (Ôi Maria, Mẹ thật kiều diễm), và ở dưới là hàng chữ ngày 8 tháng 12 năm 1974, đó là thời điểm ngài bắt đầu viết Thần học về thân xác. Liệu đây chỉ là sự trùng hợp khi ĐGH Gioan Phaolô II bắt đầu viết Thần học thân xác vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội chăng? Ngay từ ban đầu, có vẻ như Thần học về thân xác của ĐGH Gioan Phaolô II có một sự nối kết cách huyền nhiệm với chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Tất nhiên, chúng ta không biết tới khi nào những lời tiên tri này sẽ thành hiện thực, là những sấm ngôn trong Kinh Thánh, hay là lời tiên tri của mặc khải tư ở Fatima được Giáo Hội chấp thuận. Nhưng ĐGH Gioan Phaolô II vào năm 1994 đã viết rằng: “Dường như lời sấm của mặc khải tư Fatima sắp thành hiện thực”.46 Nhưng có một điều chắc chắn là: bởi vì gia đình là tế bào của xã hội, và nếu “thời kỳ hoà bình” sẽ được ban cho thế giới, thì hoà bình chỉ đến khi nào bình an ngự trị trong mối tương giao vợ chồng… trong cung lòng người mẹ… trong gia đình. Và điều này chỉ diễn ra khi chúng ta được hoà giải với chân lý về sự cao cả của con người – cả người nam và người nữ. Trong đó, tại chính thân xác mình, chúng ta mang lấy dấu chỉ bí tích của kế hoạch thần linh – một kế hoạch chắc chắn sẽ dẫn chúng ta về với mầu nhiệm hôn nhân của cây Thánh giá.
Là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa, hôn nhân đã bị tấn công ngay từ ban đầu. Thật vậy, ĐGH Gioan Phaolô II đã nhận xét như sau: “Tội lỗi và sự chết đã đã bước vào lịch sử con người bằng một cách nào đó, qua chính tâm điểm của sự hợp nhất mà người đàn ông và đàn bà đã tạo lập từ ‘thuở ban đầu’, họ vốn được tạo dựng và kêu gọi trở thành một xương một thịt” (TOB 20:1; ngày 5 tháng 3 năm 1980). Nhưng nếu kẻ thù đã xâm nhập vào trong thánh điện của đời sống hôn nhân ngay từ đầu, nhằm gieo vãi hạt giống của chết chóc và hủy diệt, thì chúng ta đừng bao giờ quên địa điểm Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana” (Ga 2, 1). Và chúng ta cũng đừng quên rằng tiệc cưới ấy là hình ảnh báo trước cho “giờ” chết của Đức Kitô. Dù rằng đây là điều bất khả hiểu thấu đối với sự khôn ngoan của loài người, đó lại là cách Thiên Chúa dùng để chiến thắng: sự chết và phục sinh của Chàng Rể là ân ban, đảm bảo cho sự khải hoàn của Nàng Dâu.
Một lần nữa, chúng ta phải suy tư về điều này nếu muốn hiểu điều gì đang xảy ra trong thế giới chúng ta hôm nay: đương như hôn nhân của con người ngày nay đang trở nên giống với Hôn lễ của Con Chiên. Hôn nhân của con người đã chịu thử thách, lên án, chế giễu, ruồng bỏ, phỉ nhổ, đánh đòn và giờ đây nó đang bị đóng đinh. Đáng chú ý là, vào ngày Đức Kitô chịu đóng đinh, thánh sử Luca cho ta biết “bóng tối bao trùm mặt đất… mặt trời ngưng chiếu sáng” (Lc 23, 45). Sau đó, thân thể của Chúa – là ánh sáng soi chiếu ý nghĩa về thân xác con người – bị đặt vào trong bóng đêm sự chết nơi nấm mồ.
Cũng vì thế mà thật dễ hiểu khi nhiều giáo dân ngày nay đâm ra sợ sệt lo âu vì bóng đêm đang đè nặng trên Giáo hội. Ba nhà “thiên văn” – gồm Đức Mẹ Fatima, hai Thánh giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II – đã giúp chúng ta hiểu điều gì đang xảy ra. Cũng như bao lần hiện tượng nhật thực hay nguyệt thực diễn ra, thì sự phủ mờ thân xác sẽ càng lúc càng trở nên tăm tối, trước khi ánh sáng quay về. Chân lý, được công bố bởi ĐGH Phaolô VI trong thông điệp “Sự sống con người” và được giãi bày cách thuyết phục nhờ Thần học về thân xác của ĐGH Gioan Phaolô II, sẽ luôn là một dấu chỉ bị chống đối mạnh mẽ, không những bởi thế gian, mà còn từ trong nội bộ Giáo Hội. Một đợt tấn công mới nhằm vào chân lý này sẽ đem đến nhiều thương vong cho Nhiệm thể Chúa Kitô, và cho cả nhân loại.
Những điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì Giáo Hội cũng phải “theo gót Chúa mình trong cái chết và Phục Sinh “, để mới có thể bước vào vinh quang, như sách Giáo lý có dạy (GLCG số 677). Chúng ta không hề biết ngày giờ Chúa quang lâm, nhưng chúng ta biết chắc điều này: “Trước khi Đức Kitô quang lâm, Hội Thánh phải trải qua một cuộc thử thách cuối cùng khiến nhiều tín hữu bị lung lạc đức tin. Những cuộc bách hại mà Hội Thánh phải chịu trong suốt cuộc lữ hành trên trần thế sẽ vạch trần ‘mầu nhiệm sự dữ’ dưới hình thức bịp bợm tôn giáo; hình thức này chỉ đem lại cho con người một giải đáp giả tạo cho các vấn đề của họ để rồi họ phải xa rời chân lý” (GLCG số 675).
Dù rằng chúng ta không thể kết luận cách chắc chắn rằng chúng ta đang đối mặt với thử thách cuối cùng, nhưng thật sự ta phải có một cảm giác tò mò kì lạ, bởi cái cách mà ngừa thai nhân tạo hoàn toàn phù hợp với hình thức “bịp bợm tôn giáo” này. Bởi quyền lực tối tăm đã dàn trận chống lại giáo huấn của Giáo hội, vì thế chúng ta không nên trông ngóng “một chiến thắng mang tính lịch sử của Giáo Hội”. Thay vào đó, bằng việc đón nhận “con đường” khổ giá và phục sinh, chúng ta sẽ được chứng kiến “Thiên Chúa chiến thắng cơn hoành hành cuối cùng của sự dữ, làm cho Giê-ru-sa-lem mới từ trời xuất hiện” (GLCG số 677).
Vậy khi “đêm đen che mờ thân xác” vẫn tiếp tục phủ kín địa cầu, chúng ta hãy can đảm lên: Ngày của Chúa, ngày Vầng Đông ló dạng không còn xa. Và đến “ngày thứ ba”, thân xác sẽ được tái sinh từ trong nấm mồ đen tối (hoặc chúng ta có thể nói: từ trong cung lòng), và sẽ có một buổi tiệc cưới diệu kì: “thái dương sẽ xuất hiện như tân lang rời khỏi loan phòng”, và “chẳng có chi có thể thoát khỏi ánh dương nồng” (Tv 19, 6-7); và một điềm thiêng khác lại xuất hiện trên bầu trời: một Người Nữ Tinh Tuyền Vô Nhiễm, mình khoác mặt trời. Người Nữ ấy sẽ cho thế gian biết thế nào là “hãy mở tấm thân” mà đón nhận ngọn lửa thần linh, ngọn lửa chứa đựng tình yêu trao ban sự sống. “Bấy giờ vinh quang của CHÚA sẽ được khải thị và mọi người đều sẽ thấy vì miệng CHÚA đã phán như thế” (Is 40, 5).
Lạy Chúa, xin thực thi những gì Người đã phán. Amen.
46 ĐGH Gioan Phaolô II, Crossing the Threshold of Hope (Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng (New York: Alfred A. Knopf, 1994), p. 221.
Leave a Reply