Khi bạn gặp phải đau khổ trong ơn gọi của mình, hãy nhớ rằng Chúa không đòi hỏi bạn phải yêu thích thập giá, nhưng hãy vác lấy nó. Thánh Peter Claver có nói: “Đức ái không có nghĩa là tôi yêu thích những gì tôi đang làm, nhưng đức ái là tôi thi hành những gì cần phải làm”. Đây là câu nói của một con người đã từng tìm đến những khoang tàu chứa đầy mầm bệnh mà mục vụ cho hàng ngàn nô lệ ở đây, là những người cập cảng Cartagena hằng ngày vào thế kỷ 17. Nếu có ai đó bắt đầu tự thương hại bản thân, hãy nhớ rằng đã có vô số người như thánh Peter Claver đã mang lấy thập giá còn nặng nề n chúng ta nhiều.
Hãy xem câu chuyện bảy anh em tử đạo trong sách Maccabees quyển hai. Bảy anh em và mẹ của họ đã không vi phạm lề luật của Chúa chỉ để làm vui lòng tên hôn quân. Đáp lại sự kháng cự của họ:
Vua tức giận, ra lệnh nung một cái chảo lớn. Nung xong, vua liền ra lệnh cắt lưỡi người vừa nói thay cho anh em, lột da đầu và chặt cụt chân tay của anh ngay trước mắt các anh em và bà mẹ. Chặt chân tay anh rồi, vua truyền lệnh đưa anh còn đang thở thoi thóp đến lò lửa mà nướng. Khi khói trong chảo bốc lên, lan tỏa ra xa, bà mẹ và các anh em khích lệ nhau chết cho anh dũng. Họ nói: “Ðức Chúa là Thiên Chúa, Người thấy rõ, và chắc chắn người dủ lòng thương chúng ta, như lời ông Mô-sê nói trong bài ca của ông, để làm chứng cho mọi người rằng: “Ðức Chúa sẽ dủ lòng thương hàng tôi tớ”.57
Từng người một, cả bảy anh em đều bị tra tấn bởi vì họ khước từ hành vi vi phạm luật Chúa. Nhưng ta hãy xem đức tin mạnh mẽ của họ! Trong cơn đau đớn, họ vẫn kêu lên rằng: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, Người thấy rõ, và chắc chắn Người rủ lòng thương chúng ta”. Rủ lòng thương ư? Một người trong số họ đang bị nướng trong lò lửa đấy. Tương tự, tác giả thư Híp-ri có viết: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt”58. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận những lời này là của một người Cha nhân hậu và dịu hiền?
Thánh Augustine trả lời rằng: “sự hiểu biết là quà tặng được trao bởi đức tin. Bạn đừng cố gắng hiểu để tin, nhưng hãy tin để có thể hiểu”.59 Nói cách khác, nếu Thiên Chúa là một người Cha nhân hậu, thì hẳn Người phải có một kế hoạch để rút ra sự lành lớn lao hơn từ những gian truân mà Người cho phép con cái Người phải chịu đựng. Sự hiểu biết của con người không phải là điều kiện tiên thiên để cho ơn quan phòng của Chúa có thể hoạt động. Điều cần thiết duy nhất là hãy tin. Bởi bao lâu chúng ta còn hướng nhìn lên Chúa và mong chờ Người bù đắp cho những đau khổ chúng ta phải chịu trong cõi đời này, thì chúng ta cần phải nhớ rằng Người có cả vĩnh cửu để thực hiện điều đó. Một Kitô hữu đã từng nhấn mạnh rằng: “chúng ta nguyện đổi lấy hiện tại cho tương lai, chỉ vì đức tin mà thôi”.60
Nhưng sự lành nào có thể được rút ra từ những đau khổ trên đời này? Sách Gióp trả lời rằng: “Thiên Chúa dùng cái nghèo để giải thoát người nghèo, dùng khổ đau mà mở mắt họ”.61 Như một lương y tốt, những đau thương mà Chúa “đánh phạt” đôi khi lại là điều cần thiết để đem lại ơn chữa lành. Như có chép trong sách Gióp, một trong những hoa trái của đau khổ là để mở tai mắt của con người, để họ có thể nghe thấy và nhận ra thánh ý Chúa. Đau khổ của con người lại đem đến ơn giải thoát cho họ? Thế là thế nào?
Tôi biết một người nam kết hôn với ý hướng ngay lành và hy vọng xây dựng một gia đình hạnh phúc và thánh thiện. Tuy nhiên, nhiều năm sau khi kết hôn, anh ta bắt đầu hay cảm thấy cáu giận, nản chí và kiệt quệ. Anh ta cảm thấy như thể trước giờ mình chưa hề tập hít đất, nhưng giờ lại bị bắt phải tranh tài trong cuộc thi thể hình. Anh ta bắt đầu nhớ lại một cách thích thú quãng thời gian tự do và những thú vui mà anh ta có trước khi đi vào mối quan hệ hiện thời. Cảm xúc của anh ta dành cho những điều đó cứ mãi lởn vởn trong người, và hôn nhân bắt đầu giống như một ngục tù vậy.
Lối sống trước đây của anh ta đen lại cho anh ta những thú vui mà không cần phải bõ công sức, cũng chẳng đòi hỏi quá nhiều trách nhiệm. Nhưng Chúa lại muốn lôi kéo anh đi vào một mức độ trưởng thành sâu hơn trong tình yêu. Sau khi đã từ bỏ đời độc thân để nhận lấy mối dây liên kết vĩnh cửu và trung tín của hôn nhân, nó làm cho anh ta cảm thấy bị tù túng cho tới khi anh nhận ra rằng chính cái “ngục tù” đó lại là niềm hy vọng duy nhất để anh thật sự được tự do.
Dần dần, anh ta thấy được những gì Chúa thực hiện trong trái tim mình. Trong quá khứ, anh chỉ bày tỏ tình cảm lãng mạn với người phụ nữ, chỉ để nhận lại một thứ gì đó từ họ. Sự dịu dàng nơi anh chỉ là công cụ để anh đạt được mục đích của mình. Trong đời hôn nhân, anh đã học được cách bày tỏ tình cảm, sự chu đáo và lãng mạn dành cho vợ mình, mà không cần phải nhận lại bất kì thứ gì từ cô ấy.
Và khi anh ta đang cân nhắc xem liệu hôn nhân có đáng để anh nỗ lực vì nó hay không, thì tôi có gửi email cho anh ta thế này:
“Anh hãy nghĩ về những ngày đầu anh thấy rung động vì cô ấy. Hãy nhớ anh đã từng mơ ước được trao tặng cho cô ấy mọi sự như thế nào. Anh hãy làm cho khát khao ấy được tỉnh thức lần nữa. Hãy theo đuổi vợ mình như thể cô ấy vẫn còn độc thân, là người mà anh muốn gây ấn tượng và hẹn hò. Chúa đã trao cho anh nhiệm vụ ấy, vậy anh hãy thi hành nó bằng toàn bộ nhiệt huyết con tim, bằng cách cầu xin Chúa ban mọi ơn lành cần thiết. Hãy để Người yêu vị hôn thê của anh thông qua chính anh. Chính tình yêu của Người là điều cô ấy cần nhất, và Chúa đã chọn anh làm khí cụ nhờ đó tình yêu chữa lành này có thể được tuôn đổ trên gia đình anh. Đừng hiểu lầm: đây cũng chính là cuộc chiến của đời anh đấy. Chúa gặp gỡ anh trong cơn thử thách, và Người muốn thánh hoá cả anh lẫn gia đình anh trong chính thử thách này. Vậy, trong lúc chịu đựng thử thách, anh hãy gìn giữ trái tim mình, đừng để tư tưởng cho rằng “sẽ có một người phụ nữ khác yêu anh nhiều hơn cả vợ của anh” xâm nhập vào trái tim anh. Hãy dẹp bỏ ý nghĩ đấy. Một trong những vết thương gây ra bởi phim khiêu dâm là tư tưởng sẽ luôn có một người nào đó tốt hơn. Đừng mơ mộng hão huyền, cũng đừng mơ tưởng tới thứ tình cảm đó. Hãy loại trừ chúng, vì tình yêu dành cho người vợ và những đứa con gái của anh. Đừng chỉ nói không với tội – nhưng hãy nói không với việc tơ tưởng, dù chỉ chút ít, về thứ suy nghĩ đó. Nếu anh gìn giữ trái tim mình, anh sẽ bắt đầu học được cách gìn giữ đôi mắt. Trước hết anh phải chiến thắng được cuộc chiến bị ẩn khuất đã, rồi sau đó anh mới có thể chiến thắng những cuộc chiến mà mắt thường có thể thấy được”.
Trải qua một thời gian dài và đầy thử thách trong hôn nhân, người chồng đó nhận ra rằng khiết tịnh không phải là thứ người nam cần rèn luyện cho tới khi anh ta đã kết hôn rồi thôi. Đúng hơn, nhân đức này bảo tồn hôn nhân. Trái ngược với sự tiết dục chỉ đơn thuần là sự vắng bóng tình dục, thì khiết tịnh lại là sự hiện diện của một lý trí, tâm hồn và thể xác trong sạch. Nó đòi hỏi sự tự chủ và ý hướng trong sạch. Nếu không có những khả năng này, người nam sẽ coi vợ mình như là một công cụ để thoả mãn tình dục, thay vì coi nàng như một người bạn đồng hành đáng mến.
Leave a Reply