Sau đó, tôi nhận ra rằng sự phân chia thực tế/giá trị chỉ là phần nổi của tảng băng—rằng toàn bộ triết học hiện đại đã chia thành hai dòng tư tưởng chính. Một dòng bắt đầu với cuộc cách mạng khoa học. Nó dẫn đến truyền thống Khai sáng, bao gồm các nhà triết học tuyên bố triết lý của họ được xây dựng dựa trên khoa học. Họ đề xuất những triết lý xem lĩnh vực thực tế (tầng dưới) là thực tiễn chính—các “chủ nghĩa” như thực nghiệm, duy lý, duy vật, và tự nhiên.
Tuy nhiên, như bạn có thể nhớ từ các lớp tiếng Anh trung học, đã có một phản ứng chống lại Khai sáng được gọi là phong trào Lãng mạn. Phong trào này bao gồm những nhà tư tưởng tìm cách giữ cho lĩnh vực giá trị (tầng trên) sống động. Họ tập trung vào các câu hỏi về công lý, tự do, luân lý và ý nghĩa. Những nhà tư tưởng trong truyền thống này đề xuất các “chủ nghĩa” như chủ nghĩa duy tâm/chủ nghĩa lý tưởng, chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa hiện sinh, và chủ nghĩa hậu hiện đại.
Ngày nay, hai truyền thống này được đúc kết một cách mơ hồ dưới các danh hiệu của chủ nghĩa hiện đại so với chủ nghĩa hậu hiện đại, và chúng vẫn đối đầu nhau. Sự phân chia giữa chúng đã trở nên rộng đến mức một nhà triết học nói rằng dường như tư tưởng phương Tây đã chia thành “hai thế giới triết học.” Người khác lo lắng rằng “đến lúc này, chúng ta giống như là đang làm những việc hoàn toàn khác nhau” và “cãi nhau nhưng không hề hiểu ý nhau.”14
Chủ nghĩa hiện đại tuyên bố rằng tầng dưới là thực tại chính hoặc duy nhất—thực tế và khoa học. Chủ nghĩa hậu hiện đại tuyên bố rằng tầng trên là thực tại chính—rằng ngay cả thực tế và khoa học cũng chỉ là những cấu trúc của tâm trí.15
Vì triết học mang tính nền tảng, sự chia rẽ này ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực khác, bao gồm cả luân lý.16 Trong các vấn đề luân lý, chúng ta đang hỏi: Cách đối xử với con người như thế nào là đúng? Câu trả lời của chúng ta phụ thuộc vào việc chúng ta nghĩ con người là gì—về ý nghĩa của việc làm người. (Các nhà triết học gọi đây là nhân chủng học.) Chìa khóa để hiểu tất cả các vấn đề gây tranh cãi ngày nay là thấy rằng khái niệm về con người cũng đã bị phân mảnh thành tầng trên và tầng dưới. Tư tưởng thế tục ngày nay giả định một sự phân chia giữa thân xác và nhân vị. Thân xác được định nghĩa trong lĩnh vực “thực tế” bởi khoa học thực nghiệm (tầng dưới) và phần nhân vị được định nghĩa trong lĩnh vực “giá trị” làm cơ sở cho quyền lợi (tầng trên). Sự phân chia nhị nguyên này đã tạo ra một cái nhìn rời rạc, phân mảnh về con người, trong đó thân xác được coi là tách biệt khỏi bản ngã chân thực.
14. Anthony Quinton, như được trích dẫn trong Simon Critchley, “Introduction,” A Companion to Continental Philosophy, ed. Simon Critchley and William R. Schroeder (Oxford, UK: Blackwell, 1998), 7; Critchley, “Introduction,” 14. Trong thế kỷ 20, hai truyền thống triết học này được dán nhãn là phân tích (tầng dưới) và lục địa (tầng trên). Một triết gia nhận xét: “Đôi khi có vẻ như triết học phân tích và triết học Lục địa thực sự là hai bộ môn riêng biệt và không có nhiều điểm chung”. Michael Dummett, Origins of Analytical Philosophy (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1996), 193.
15. Để phân tích lý do tại sao tất cả các thế giới quan không là của Kinh thánh cuối cùng đều phải đối mặt với thế giới quan hai tầng, dẫn đến những mâu thuẫn nội tại nguy hiểm, hãy xem cuốn sách của tôi Finding Truth: 5 Strategies for Unmasking Atheism, Secularism & Other God Substitutes (Colorado Springs: David C. Cook, 2015).
16. Để tìm hiểu sự phân chia của thời Khai sáng/Lãng mạn được thể hiện như thế nào trong nghệ thuật và nhân văn, hãy xem cuốn sách Saving Leonardo của tôi.
Leave a Reply