Nếu việc nghĩ về đời sống tâm linh làm bạn sợ hãi, bạn cần nhận ra ai đang theo đuổi ai. Chúa là Đấng ao ước có được tình yêu của bạn. Vậy nên, hãy để Ngài theo đuổi bạn. Ngài khao khát để có được bạn. Những lúc chúng ta cố gắng đến gần với Chúa hơn, chúng ta thường cảm thấy choáng ngợp vì nghĩ sự tiến bộ trong đời sống tâm linh hoàn toàn phụ thuộc vào những nỗ lực của chúng ta. Nhưng trong những lúc như vậy, hãy cảm thấy nhẹ nhõm vì Chúa là Đấng đang theo đuổi chúng ta.
Không ai đến với Chúa đã là người thánh thiện. Mà tất cả chúng ta đều đến với Chúa như những kẻ ăn xin. Khi còn học đại học, tôi (Jason) nhớ một giáo sư giải thích về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa Cha theo cách này: Hãy tưởng tượng một cô bé muốn mua quà sinh nhật cho cha. Cô ấy đến trước ông và nói, “Cha ơi, con muốn mua quà cho cha, nhưng con không biết cha muốn gì.” Người cha cảm thấy hài lòng trước sự chu đáo của cô con gái, ông nói, “Cha thích một chiếc cà vạt mới, con yêu à.” Cô ấy nhìn cha và nói thêm, “Nhưng con không thể lái xe đến cửa hàng. Cha sẽ đưa con đi chứ?” Họ lên xe cùng nhau và đi đến cửa hàng. Khi đến nơi, cô ấy nói với cha là hãy chọn một chiếc cà vạt mà cha muốn, vì cô mong cha sẽ chọn được cái mà mình thích. Sau khi cùng nhau xem qua một lúc, người cha đã tìm được một chiếc cà vạt phù hợp. Khi họ đi về phía quầy thu ngân, cô siết chặt lấy tay cha, nhìn ông bằng đôi mắt nâu long lanh và nói rằng: “Cha ơi, con không có tiền. Nhưng cha có thể mua nó không?” Người cha vui vẻ trả tiền cho món quà của mình, và hai người rời khỏi cửa hàng.
Vào buổi sáng sinh nhật của người cha, cô háo hức nhìn cha mở giấy gói quà. Khi nhìn thấy món quà, đôi mắt người cha ướt nhòe đi vì xúc động, rồi kéo con gái lại gần, hôn lên đầu và cảm ơn vì cô đã nghĩ đến người cha này. Đây là trái tim của Chúa, Cha chúng ta trên trời. Ngài không khó để làm hài lòng. Bởi vì bạn là con gái của Ngài, Ngài yêu bạn hơn bất kỳ người cha dịu dàng nào trên thế gian. Bạn không cần phải có một vầng hào quang để đến với Ngài, mà hãy đến như chính bản thân bạn, bạn là món quà mà Ngài mong muốn. Nếu bạn rời xa Chúa, không phải bạn đã để Ngài đợi đủ lâu rồi sao?
Để Ngài tự do hoạt động trong cuộc sống của bạn, hãy dành chỗ cho sự im lặng. Cuộc sống có quá nhiều ồn ào và bận rộn khiến chúng ta hiếm khi dành thời gian để cầu nguyện. Mặc dù tâm trí của chúng ta đầy rẫy những câu hỏi về cuộc sống, chúng ta có thường xuyên ngồi yên đủ lâu để nghe Chúa cho chúng ta câu trả lời không? Giọng nói của Ngài sẽ không thể nghe được. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu loại bỏ những xao lãng thường ngày và tĩnh lặng trong tâm hồn, bạn sẽ nhận thấy những lời nhắc nhở của Ngài trở nên rõ ràng hơn trong lòng bạn. Đừng lo sợ khi lắng nghe những lời nhắc nhở từ Chúa.
Lý do thực sự khiến mọi người không dám lắng nghe Chúa không phải vì họ sợ Chúa không nói gì. Mà họ sợ là Ngài sẽ nói. Họ sợ những gì Ngài nói vì vậy họ bao quanh mình bằng những tiếng ồn ào, bạn bè và vật chất. Hoặc họ sẽ tham gia vào những việc tốt như công việc tình nguyện với hy vọng sẽ chuyển sự chú ý của mình ra khỏi điều Chúa yêu cầu ở họ. Như một phụ nữ trẻ đã nói với tôi, “Việc cầu nguyện làm tôi sợ. Tôi nghĩ rằng nếu tôi cầu nguyện, tôi sẽ nhận được một câu trả lời mà mình không sẵn sàng để nhận hoặc một câu trả lời mà mình không muốn nghe theo.”
Đừng sợ việc cầu nguyện. Nếu bạn không cầu nguyện nhiều, hãy bắt đầu nói chuyện với Chúa Giêsu nhiều hơn, đọc Kinh thánh và đi nhà thờ vào Chủ nhật. Hãy tham gia vào một khóa tĩnh tâm nếu bạn có thể. Khi bạn cầu nguyện, hãy đặc biệt sử dụng tên của Chúa Giêsu, không phải chỉ gọi “Chúa”. Việc kêu đến Danh Thánh Giêsu khiến chúng ta sẽ đi chậm lại và nhắc nhở bản thân không được nói huyên thiên về các vấn đề của mình. Chúng ta đang nói chuyện Ngài. Hãy nói từ trái tim bạn với Ngài, và Ngài sẽ dạy bạn cách cầu nguyện. Hãy dành một chút thời gian với Ngài vào buổi sáng, trên đường đi làm và buổi tối trước khi đi ngủ. Việc thường xuyên cầu nguyện cùng những lời cầu nguyện đơn giản sẽ quan trọng hơn việc cầu nguyện lâu mà lại không thường xuyên.
Chúng ta không thể mong đợi việc phát triển đời sống tâm linh nếu xem thời gian cầu nguyện là việc đến thì sẽ đến. Do đó, hãy đặt thời gian cầu nguyện đều đặn và tuân thủ theo nó. Thánh Phaolô nói rằng chúng ta phải luôn cầu nguyện. Mà để làm được điều này, chúng ta cần phải bắt đầu từ chỗ nào đó. Một linh hướng đã khuyên các sinh viên đại học, “Hãy cầu nguyện 15 phút mỗi ngày. Bạn có thể kéo dài thời gian cầu nguyện nếu có thể và rút ngắn nó nếu phải vậy. Tuy nhiên, đừng bao giờ bỏ qua việc cầu nguyện.”5 Một bậc thầy khác về đời sống tâm linh đã gợi ý:
Đừng bao giờ quên rằng mỗi buổi sáng, Chúa đã chuẩn bị mọi ân sủng cần thiết của một ngày cho chúng ta. Ngài biết chính xác chúng ta sẽ gặp phải những tình huống cám dỗ nào để phạm tội. . . và Ngài sẽ ban mọi sự chúng ta cần nếu chúng ta cầu xin Ngài lúc đó. Đó là lý do tại sao ma quỷ làm tất cả những gì có thể để ngăn chúng ta cầu nguyện vào buổi sáng hoặc khiến chúng ta thực hành việc cầu nguyện một cách vội vã và phân tâm.6
Trong thời gian cầu nguyện, đừng tìm kiếm những cảm giác tâm linh hay trải nghiệm về cảm xúc. Hãy tìm kiếm Chúa. Cảm nhận được cảm xúc thì không tệ, nhưng chúng không nên là mục đích của việc cầu nguyện, nếu không, tâm hồn bạn sẽ bị bất an khi cảm xúc bị lấy đi. Khi quá gắn bó với những an ủi tâm linh, chúng ta sẽ dễ mắc sai lầm khi nghĩ rằng sự gần gũi của chúng ta với Chúa được đo lường bằng những trải nghiệm tâm linh mãnh liệt. Nhưng không phải vậy. Trên thực tế, người ta nói rằng: lời cầu nguyện thực sự bắt đầu khi dù bạn không muốn, bạn vẫn cố gắng để cầu nguyện.
Bạn có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào. Bạn có thể làm điều đó ngay bây giờ, ngay lúc bạn đọc quyển sách này! Tất cả những gì bạn cần là mở rộng trái tim của mình với Chúa Giêsu. Ngay lúc này, nếu Chúa Giêsu có thể nói thẳng với trái tim mệt mỏi của bạn, Ngài sẽ nói điều gì đó như thế này:
Hãy chầm chậm lắng nghe những lời của Ta để chúng có thể thấm dần vào trái tim con. Đừng đánh mất hy vọng vào Ta. Hãy tin tưởng ở một mình Ta và đừng tuyệt vọng. Tình yêu của Ta sẽ không bao giờ làm con thất vọng. Ta biết con khao khát một tình yêu hoàn hảo như thế nào nhưng hãy biết rằng mong muốn về tình yêu – và sự hoàn thiện của nó – chỉ đến từ Ta. Hãy trao trọn vẹn trái tim con cho Ta mỗi ngày. Hãy biến Ta thành niềm hy vọng của con. Nếu con cảm thấy bất an, con không hoàn toàn tin tưởng. Nếu con biết tình yêu của Ta rộng lớn thế nào, con sẽ tin tưởng Ta. Sự bình yên con mong muốn chỉ có thể tìm được thấy trong thánh ý của Ta dành cho con. Nếu con cảm thấy đau đớn, băn khoăn, hay lo lắng, hãy ngay lập tức trao trái tim con cho Ta ngay. Hãy đưa cho Ta những con người, những kế hoạch và những mối quan tâm đang đè nặng lên vai con. Hãy đưa cho Ta quá khứ, hiện tại và tương lai của con. Ta sẽ thanh tẩy trái tim cho con và để con nhận được ân sủng để làm theo ý muốn thánh khiết, trọn vẹn của Ta trong sự hân hoan. Con đã thấy sự yếu đuối của mình rồi. Vậy nên đừng do dự mà hãy đến với Ta trong lúc con cần, Ta sẽ lấp đầy con với sức mạnh và tình yêu của Ta. Đừng sợ. Hãy kiên nhẫn và biết rằng những muộn phiền trong tâm hồn con sẽ bình yên trở lại. Đừng buồn rầu. Hãy vui mừng trước những đau khổ của con. Giá như con có thể thấy trái tim của chúng ta đang trở nên gần gũi như thế nào! Giá như con biết được niềm vui mà Ta đang chờ đợi con. Ta sẽ không cho con thấy điều đó ngay bây giờ. Ta muốn nhìn thấy đức tin của con trước. Ta cho con ân sủng để làm điều đó. Hãy đón nhận và làm cho danh Cha Ta được vinh hiển.
Trở về chương 20 của Trang Mục lục
6 St. John Vianney, On Morning Prayers, as quoted in Thoughts of the Curé D’Ars (Rockford, Ill., TAN Books and Publishers, 1984), 18.
Leave a Reply