Mỗi cặp vợ chồng chắc chắn sẽ bị thử thách và cám dỗ tùy theo hoàn cảnh mỗi người để buộc họ phải rút lui khỏi quá trình thanh luyện. Có lần tôi đọc thấy rằng lòng chung thủy của người nữ sẽ bị thử thách khi người đàn ông của cô ấy không làm gì cả, nhưng lòng chung thủy của người nam thì bị thử thách khi anh ta có tất cả mọi sự. Không cần biết sự thử thách đến trong hình thái nào, người chồng luôn đứng trước một chọn lựa. Liệu anh ta vẫn sẽ ở trên thập giá hay sẽ xuống khỏi thập giá?
Tổng giám mục Sheen nói rằng: “Thế giới này có đầy những nhà thờ chánh toà mang phong cách Gothic chỉ được hoàn tất nửa vời, tương tự, nó cũng tràn ngập những cuộc sống nửa vời và những linh hồn không đi hết chặng đường thập giá. Một số đã vác thập giá lên tới đồi Canvê rồi lại bỏ cuộc; một số khác chịu đóng đinh, nhưng lại rút lui trước khi được giương cao lên khỏi mặt đất; số khác nữa chịu đóng đinh, nhưng khi bị thế gian thách rằng ‘hãy xuống khỏi đó đi xem nào’, thì sau một giờ… hai giờ… thậm chí là sau hai giờ 59 phút, họ vẫn bước xuống khỏi thập giá. Kitô hữu đích thực là những ai bền đỗ tới cùng. Chúa chúng ta đã ở trên thập giá cho tới khi Người trút hơi thở cuối cùng”.
Để đáp lại với sức nặng của thập giá, một số người đã chọn li hôn. Một số khác lại chọn hình thức an ủi sai lầm trong những cuộc tình vụng trộm, hoặc chỉ liên quan tới tình cảm hoặc dính líu tới cả quan hệ xác thịt, họ cũng tìm kiếm cho bản thân sự bận rộn, hoặc chọn sự lạnh nhạt cảm xúc, phim khiêu dâm, hay những mộng tưởng về một cuộc sống dễ dàng hơn. Đối với từng cặp vợ chồng, cơn cám dỗ được xem là mạnh nhất khi sự ủi an trở nên yếu kém nhất. Ví dụ, khi người chồng bị vợ từ chối quan hệ, hoặc anh ta cảm thấy thất vọng và không được vợ mình tôn trọng, thì trong mắt anh ta lúc này người đàn bà khác toả ra một nét lôi cuốn hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, có câu nói như sau: “nếu bạn khi nào cũng thấy gia đình người ta êm ấm, thì có lẽ đã đến lúc bạn chăm lo cho đời sống gia đình của chính mình”. Những giây phút hiu quạnh trong đời hôn nhân không hề chỉ ra rằng người đàn ông nên rời bỏ cương vị của mình. Thực thế, nếu người chồng buông thập giá của mình xuống, ông ta sẽ lại đặt nó lên đôi vai của vợ con mình.
Khi đang phải trải qua những thử thách trong đời hôn nhân, người chồng có thể bị cám dỗ để tin rằng có một điều gì đó độc đáo và đặc biệt trong sự đau khổ của họ. Họ cho rằng hoàn cảnh của họ chắc hẳn là còn tệ hơn so với những người khác, và thậm chí họ còn có thể bắt đầu tự thương hại chính mình. Họ bắt đầu ôm ấp cái cảm giác căm giận, tự cho mình có một đặc quyền nào đó, và bắt đầu nảy sinh sự tò mò không lành mạnh. Về tình huống này, không ai có thể diễn tả mạch lạc lưu loát cho bằng tác giả của “Chúa tể của những chiếc nhẫn”, J.R.R. Tolkien, khi ông viết về bí mật làm cho hôn nhân hạnh phúc như sau:
“Đàn ông không hề muốn (một vợ một chồng). Chẳng ích gì khi phải giả vờ như vậy. Đàn ông không thể chỉ có một vợ một chồng, đó là điều không thể đối với bản tính thú vật của họ. Một vợ một chồng (mặc dù điều đó từ lâu đã là căn bản trong lí tưởng được thừa kế của chúng ta), đối với đàn ông chúng ta, lại là một hệ tư tưởng đạo đức ‘được mặc khải’, dựa vào đức tin chứ không dựa trên xác thịt. Cái cốt yếu của một thế giới đã sa ngã là: điều tốt đẹp nhất không thể được nhận lãnh thông qua sự tự do hưởng thụ, hay bởi cái được gọi là ‘tự nhận biết chính mình’ (thông thường đó là mỹ danh của sự nuông chiều bản thân, là điều hoàn toàn độc hại đối với việc nhận biết những cái tôi khác), nhưng là bằng sự bỏ mình, bằng đau khổ. Trung tín trong hôn nhân Kitô giáo đưa đến điều này: một sự hãm mình lớn lao.
Đối với một người nam Kitô hữu, không có cách nào để trốn thoát. Hôn nhân có thể giúp thánh hoá những khát vọng tính dục của người nam, và dẫn đường cho hôn nhân ấy đến với mục tiêu hợp lẽ của nó; ân sủng trong hôn nhân có thể giúp đỡ người nam trong cuộc chiến của anh ta; nhưng cuộc chiến đó vẫn còn. Hôn nhân không thể thoả mãn họ – không như người ta có thể đẩy lùi cơn đói bằng việc ăn uống. Hôn nhân sẽ đem đến nhiều khó khăn cho đức thanh khiết, nhưng cũng sẽ mang lại sự ủi an.
Không người nam nào, với tư cách là một chàng trai trẻ, dù có yêu người được đính ước và cô dâu của anh ta cho đến mấy, đã sống trung tín với người nữ – trong tư cách là vợ anh ta – cả về thể xác lẫn tâm hồn mà không có ý chí quyết tâm, không có sự bỏ mình. Chẳng có mấy người được nghe kể về điều đó – ngay cả những người được nuôi dạy trong ‘Giáo Hội’ cũng ít khi. Những ai sống bên ngoài Giáo Hội mà được nghe kể về điều này thì lại càng hiếm.
Khi nét mê hoặc mất đi, hoặc thậm chí chỉ cần kém đi một chút, họ đã nghĩ rằng mình đã phạm sai lầm, rằng họ vẫn phải tìm kiếm một người tri âm thực sự. Cái gọi là ‘tri âm thực sự’ này nhiều lúc lại chỉ là một người có sự hấp dẫn về mặt tính dục mà họ sau này phát hiện mà thôi. Họ nghĩ rằng ước gì họ cưới được người đó, thì hôn nhân của họ sẽ được viên mãn. Để rồi sau đó kết cục lại là li dị, và tiếp tục lại thêm một lần ‘ước gì’ khác.
Và đúng như một quy luật tất định: họ thật sự đã phạm sai lầm. Chỉ những người rất khôn ngoan, khi về cuối đời, mới có thể đưa ra phán đoán hợp lý liên quan tới những ai, giữa mọi cơ hội có thể, mà khi họ cưới người đó thì họ mới được viên mãn. Gần như mọi cuộc hôn nhân, ngay cả những cuộc hôn nhân hạnh phúc, đều là những sai lầm: theo nghĩa là gần như chắc chắn (trong một thế giới hoàn hảo, hay là ngay cả trong thế giới bất toàn này, nhưng ở đó người ta chỉ cần quan tâm nhau thêm một chút) cả hai người phối ngẫu đều có thể đã tìm được một người khác phù hợp với họ hơn. Nhưng ‘tri âm thực sự’ lại chính là người mà bạn cưới lấy. Trong thế giới sa ngã này, chúng ta chỉ có thể dựa vào sự sáng suốt, khôn ngoan (thường thì hiếm gặp ở tuổi trẻ, và khi về già thì lại quá muộn màng), một con tim trong sạch và lòng trung tín như ngọn đèn dẫn lối cho chúng ta…”55
Vì thế, vào giây phút khi người nam bị cám dỗ tự thương hại mình và muốn rút lui khỏi sứ vụ, thì Thiên Chúa mời gọi họ hãy ở lại trên thập giá. Thực thế, Chúa Giêsu đã không hề xuống khỏi thập giá. Người vẫn nằm ở trên đó cho tới khi xác Người được tháo xuống mà thôi. Cũng thế, Thiên Chúa đã đặt người chồng làm đầu của gia đình để trở thành hình ảnh của Đức Kitô là vị tư tế, ngôn sứ và vương đế. Chúa Kitô vua đem đến trật tự cho vương quốc của Người bằng cách tự mình làm gương mẫu của người tôi tớ. Chúa Kitô ngôn sứ thánh hoá dân Người qua hành động hơn là qua lời nói. Chúa Kitô tư tế dạy cho đại gia đình của Người ý nghĩa của sự hy sinh bằng cách tự mình trở nên lễ vật hy tế.
Leave a Reply