Tìm đâu một hình mẫu người cha lý tưởng trong thời đại này? Không cần đi đâu xa, vì ta có thánh gia là hình ảnh lý tưởng nhất cho mọi gia đình. Và tất nhiên, chắc chắn thánh Giuse là tấm gương cho mọi ông bố phải noi theo. Như vậy, ta tự đặt ra câu hỏi phải bắt chước thánh Giuse ở những điểm nào?
Trong tương quan Kitô giáo nói riêng, một người cha tốt phải đảm bảo cho con mình được hưởng quyền lợi thiêng liêng cơ bản nhất. Đó là ông phải cho con được rửa tội, cũng giống như thánh Giuse và Mẹ Maria dâng Chúa vào Đền thánh năm xưa. Người cha phải cho con mình được thuộc trọn về Chúa, bằng cách cho nó được đóng ấn tích không hề phai của Thánh Thần. Như vậy, nó sẽ được thuộc về Thiên Chúa mãi mãi, và người cha đã đảm bảo được ơn cứu rỗi cho con mình. Đó là chưa kể bao ơn ích thiêng liêng tuôn đổ xuống đứa bé bởi ơn trên. Có thể nói, chỉ nhờ một hành động nhỏ là cho con mình được rửa tội, người cha đã góp phần tháo cởi gông cùm của tội nguyên tổ, vốn ràng buộc phận người từ ngày họ thành hình trong lòng mẹ.
Một người cha tốt phải là người đầu tiên và chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc dưỡng dục con cái. Bằng nghề thợ mộc và lòng đạo đức của mình, thánh Giuse đã nuôi nấng và ban cho Chúa Giêsu một nền tảng giáo dục cần thiết. Vì chỉ là con nuôi thánh nhân, cho nên Chúa Giêsu thừa hưởng tính cách toàn bộ từ Mẹ Maria. Nhưng Người lại giống thánh cả trong sự nam tính, cung cách, khí độ đàn ông. Đó là vì cha mẹ Người luôn ở bên Người để nâng đỡ Người trong những ngày đầu chập chững bước vào trần gian. Vì thế, sự đồng hành, hiện diện của người cha là rất quan trọng. Không có cha kề bên, đứa trẻ sẽ mất cân bằng về tính cách, tình cảm, luân lý, và các hệ lụy khác. Người cha không cần phải quá thông minh, nhưng ông cần phải hiện diện để nhờ đó, chỉ nhờ sự hiện diện của ông thôi đã dạy cho đứa trẻ về sự gắn kết gia đình nói chung, và những ưu phẩm của người nam nói riêng.
Làm cha mẹ không phải dễ dàng. Thánh Giuse cũng đã cảm nhận được điều này. Tự nhiên, Chúa Giêsu không phải con ruột ngài nên khó khăn càng chồng chất hơn. Nhưng bởi vì là người công chính, ngài đón nhận mọi thử thách từ Thiên Chúa. Bằng cách nào? Bằng cách liên tục làm mới chính mình. Mọi ông bố cũng phải làm mới bản thân để luôn đồng hành với con cái trên mọi nẻo đường và trong từng giai đoạn cuộc đời của nó. Chúng ta quên nói thánh Giuse làm mới chính mình cách nào. Thiết nghĩ chỉ có một cách duy nhất đối với một người như ngài. Đó là làm mới trong Chúa. Chắc hẳn sẽ có bực dọc, mệt mỏi, nhưng như thánh cả nhìn trẻ Giêsu và nhận ra đây là Con Thiên Chúa, thì mọi ông bố được mời gọi hãy nhìn con mình mà nhận ra hình ảnh của Chúa Hài đồng nơi nó.
Người cha phải biết lao động. Như thánh cả đã lao động để nuôi sống Mẹ Maria và Chúa Giêsu, thì người cha phải là người biết lao động. Tôi không nói đến khả năng kiếm tiền, nhưng chỉ đơn thuần lao động để biết giá trị của nó cũng như thánh ý Thiên Chúa. Bởi lẽ Người muốn con người lao động, và phải có lao động con người mới nhận ra ơn Chúa quan phòng, mới có lòng biết ơn và mục đích sống. Và từ đó, người cha sẽ truyền lại những điều này cho con mình.
Người cha tuyệt vời là người cha biết cầu nguyện. Thánh Kinh có chỗ nào trích dẫn lời nói của thánh Giuse không? Thưa không, vì ngài chìm sâu trong thinh lặng để cầu nguyện và chiêm niệm Đấng Tối Cao. Người cha phải chăm cầu nguyện, trước là vì ơn ích cho chính ông, để Thiên Chúa tuôn đổ ơn lành cho sứ vụ làm cha cao cả nhưng cũng nặng nề ấy, sau là để trở nên trường dạy đức tin cho con cái. Con cái có yêu mến Chúa hay không đều là nhờ lời kinh đơn sơ của ông bố dạy cho nó. Và nó có yêu người hay không đều nhờ vào tương quan thân mật của nó với Chúa, vốn được hình thành từ tấm gương của người cha.
Người cha tuyệt vời cũng là một người chồng chung thủy. Bao nhiêu năm tháng thánh cả đã chung sống với Mẹ Maria, người không hề có con riêng. Theo cách nghĩ của ta, hẳn là thánh cả cũng có chút tủi buồn vì không có con nối dõi. Nhưng ngài vẫn vui lòng và yêu thương người vợ mình, vì ngài trung thành với thánh ý của Thiên Chúa. Như vậy, sự chung thủy của đôi vợ chồng chỉ có được nhờ vào sự trung thành với Thiên Chúa mà thôi. Ở đây ta thấy có một khía cạnh thần học. Trước khi có cặp đôi Adam Eva mới là Chúa Giêsu và Mẹ Maria, thì mối bất hoà, sự bất tuân Thiên Chúa do cặp vợ chồng đầu tiên gây ra, đã được phần nào xoá bỏ nhờ vào đôi vợ chồng Giuse Maria, hai đấng đã vâng phục thánh ý Chúa tới cùng. Như vậy, trung thành với giao ước Thiên Chúa, trước là để danh Người cả sáng, kế là hợp tác làm cho kế hoạch của Người được thực hiện, sau là để lan toả tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trên trần gian. Và nhờ đó, tình yêu bất tử, trung thành, hiệp thông của Thiên Chúa được thấm nhập vào nơi người chồng người vợ, làm cho họ được thông chia và biểu thị tình yêu thần linh ấy nơi gia đình, ngay trong chính đời sống hôn nhân của mình. Vì lẽ đó, ai trung thành với Chúa, gia đình họ ấm êm là chuyện đương nhiên.
Sau cùng, người cha phải là con người của hy vọng. Chắc chắn thánh cả luôn hy vọng về sự xuất hiện của Đấng Messiah. Và với đức công chính của ngài, ta không ngần ngại cho rằng ngài mong chờ một Đấng sẽ đến giải phóng ách nô lệ thiêng liêng, hơn là thuần về chính trị quân sự. Do đó, mọi người cha phải bắt chước ngài về đức hy vọng, bởi trong thời đại này có nhiều thứ làm cớ để thất vọng hơn là hy vọng. Ví dụ như là thất vọng về nhân sinh, xã hội, tương lai, thậm chí là Giáo Hội. Nhưng họ được mời gọi hãy là con người của hy vọng như thánh cả Giuse, vẫn hy vọng trong bầu khí u ám thất vọng. Chính đức hy vọng sẽ bảo tồn niềm lạc quan và đức tin của ông. Và với vai trò người chủ gia đình, người chồng và người cha, ông sẽ bảo tồn niềm hy vọng và lạc quan của cả gia đình mình.
Fx Robert Bellarmine LDT
Tham khảo: tác phẩm “Thần học thánh Giuse”, tác giả Jean Galot, SJ.
Leave a Reply