Lời của Christopher West từ video:
Chúng ta hãy nhìn lại lần nữa những gì Thần Học Thân Xác dạy chúng ta.
Thân xác bày tỏ mầu nhiệm, thân xác làm những điều vô hình thành hữu hình. Đó chính là luận đề của giáo huấn này: “Thân xác và chỉ thân xác mới có khả năng hữu hình hóa những điều thiêng liêng và thần thánh.” Những điều thiêng liêng và những gì về Thiên Chúa thì vô hình nhưng Kitô giáo bày tỏ sự hữu hình của những gì vô hình nhờ thân xác, qua việc nhập thể của Đức Kitô.
Vì thế, chúng ta hãy nhìn vào thân xác. Thân xác dạy chúng ta điều gì? Tại sao Chúa là Vị Lang Quân? Tại sao Giáo Hội là Hiền Thê? Nếu chúng ta nhìn vào mầu nhiệm kết hiệp nên một thân thể thì chính chú rể trao ban hạt giống của dòng dõi, và cô dâu là người đón nhận món quà ấy, cưu mang món quà ấy và đưa nó vào đời.
Thánh Gioan Tông Đồ nói về điều đó cách này: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta trước.”
Đó là tại sao hình ảnh này không phải hình ảnh tùy tiện. Chúng ta không thể xoay ngược nó lại. Thiên Chúa không phải hiền thê và chúng ta không là lang quân. Hình ảnh ấy thay đổi mọi sự. Thiên Chúa luôn là Vị Lang Quân vì Ngài khởi sự việc trao ban; Ngài luôn là người trao ban tình yêu; Ngài luôn là người ban phát. Chúng ta là hiền thê vì tất cả chúng ta, nam giới và nữ giới, chúng ta trước hết cần rộng mở để đón nhận tình yêu của Chúa. Chỉ sau đó, chúng ta mới có thể cưu mang và đưa tình yêu vào đời.
Khi dùng hình ảnh chú rể và cô dâu, có sự khác biệt thực sự giữa hình ảnh này và điều mà họ chỉ đến. Đó là sự khác biệt giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo.
Chúng ta phải cẩn thận khi nghĩ đến hình ảnh này. Chúng ta không nói rằng nam giới thì thần thiêng và nữ giới thì không. Nam và nữ đều là thụ tạo. Đó là lý do tại sao trong sự so sánh tương tự này, tất cả chúng ta cùng là hiền thê, tất cả chúng ta được mời gọi để đón nhận món quà của Đấng Tạo Hóa.
Và ở đây nếu chúng ta cảm thấy mù mờ, chúng ta chỉ cần nhìn đến Chúa Giêsu. Chúa Giêsu cũng trong mối quan hệ với Thiên Chúa Cha, sẵn sàng tiếp nhận tình yêu của Chúa Cha. Chúa Giêsu nói: “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu thương anh em. Trước hết, anh em phải đón nhận tình yêu của Thầy, trước hết anh em phải ở lại trong tình yêu của Thầy. Chỉ lúc ấy, anh em có thể yêu thương nhau như Thầy đã yêu mến anh em.”
Đây là hình mẫu sống của chúng ta: Thiên Chúa Cha trao ban tình yêu cho Đức Kitô; Đức Kitô trao ban tình yêu cho chúng ta. Chúng ta phải lãnh nhận tình yêu này như là hiền thê để chúng ta có thể chia sẻ nó cho người khác. Chúng ta không thể cho đi điều chúng ta không có. Đó là lý do tại sao chúng ta là hiền thê.
Làm sao để làm trọn vẹn lời của Tin Mừng?
Điều răn mới Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta là gì? “Yêu nhau như Thầy đã yêu anh em.” Làm sao chúng ta thực hiện được điều đó? Tôi nhìn vào chính trái tim của tôi, một con người sa ngã và tôi nói “Tôi không thể làm được điều đó.”
Chúa Giêsu nói “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” Vậy thì tôi phải làm sao bây giờ? Tôi không biết cách nào khác hơn là nhìn với con mắt của con người sa ngã.
Đây chính là trọng tâm của vấn đề: chỉ khi tôi nhận ra rằng tôi không thể tự sức mình làm điều Chúa Giêsu đòi hỏi tôi vì sức mạnh ấy không có trong tôi, tôi là con người tội lỗi. Chỉ lúc ấy tôi quỳ xuống và mở rộng tâm hồn mình, dùng sự so sánh tương tự, như là cô dâu, đón nhận món quà của tình yêu Thiên Chúa vào trong trái tim tôi để tôi có thể chia sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Điều chúng ta đang nói đến là tính dục Kitô giáo, sống đời sống đức hạnh của Kitô giáo trong lãnh vực tình dục, không phải là: “ KHÔNG, KHÔNG, KHÔNG” – một kiểu ức chế ao ước và thu hút tình dục. Không, đây là về sự cứu rỗi của ao ước và thu hút tình dục. Tôi muốn nói gì về điều này?
Thánh Phaolô lần nữa trong chương 8 của thư gửi các tín hữu ở Rôma nói về sự cứu độ của thân xác chúng ta, không chỉ sự cứu độ của thần khí chúng ta. Sự cứu rỗi của trọn vẹn con người của tôi, thân xác và linh hồn và trong sự cứu rỗi của thân xác có cả sự cứu rỗi của tình dục.
Tôi bị cám dỗ nhiều lần để nhìn người khác với con mắt dâm dục. Tôi phải làm gì đây? Tôi có những lựa chọn nào khi tôi cảm nghiệm cám dỗ ấy? Hầu hết người ta nghĩ bạn chỉ có 2 sự chọn lựa: làm thỏa mãn ước muốn đó hoặc ức chế nó.
Nếu đó chỉ là hai chọn lựa: làm thỏa mãn hoặc ức chế. Nếu vậy thì chọn lựa nào có vẻ thánh thiện hơn? Đây là lý do tại sao tôi nghĩ rất nhiều Kitô hữu có những vấn đề về tình dục sâu kín nặng nề.
Vì chúng ta đè nén, đè nén, đè nén, chúng ta nghĩ đây là điều thánh thiện để làm. Chúng ta dồn nén ao ước tình dục cho tới khi nó bùng nổ trong mọi cách thức không lành mạnh và không thánh thiện.
Chúng ta nghĩ việc đè nén tình dục là thánh thiện, chúng ta nghĩ ức chế tình dục là con đường thánh thiện. Đây không phải là con đường thánh thiện. Đó là sự lừa gạt, đây là ý tưởng của kẻ lừa dối chúng ta rằng điều này sẽ làm chúng ta thánh thiện. Nếu chúng ta chỉ dồn nén và khước từ tình dục của chúng ta, chúng ta không thể vượt thắng những lời dối trá của kẻ thù và chúng ta đã vô tình tin chúng.
Đức Kitô mời gọi chúng ta đến một điều khác hẳn; Ngài mời gọi chúng ta cảm nghiệm ơn cứu rỗi của tình dục. Không phải nuông chiều theo, cũng không phải kìm nén, mà là cứu chuộc. Tôi muốn nói gì?
Đây là lời cầu nguyện tôi dùng khi cần đến, khi tôi trong cơn cám dỗ. Bạn cần nhớ là mọi tội lỗi, mọi tội dâm dục là một sự bóp méo những gì Chúa đã dựng nên từ thuở ban đầu: điều chân thật, sự tốt lành và sự xinh đẹp.
Trong thuở ban đầu, Ađam và Evà cảm nghiệm ao ước tình dục không gì hơn là chính sức mạnh để yêu theo hình ảnh của Thiên Chúa. Làm sao chúng ta biết được điều này? Vì họ trần truồng mà không xấu hổ. Khi họ phạm tội, ao ước tình dục của họ bị đảo ngược, bóp méo, tìm thỏa mãn bản thân. Chúa Kitô đến trong thế giới, chết trên cây thánh giá, trỗi dậy từ cõi chết để chúng ta nữa, có thể sống đời sống mới.
Vì vậy đây là lời cầu nguyện của tôi. Lời cầu nguyện ấy như thế này: “Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ Ngài ban cho người nữ vẻ đẹp này. Tạ ơn Chúa vì món quà của những ao ước và thu hút tình dục con có. Con cũng nhận ra, ao ước dâm dục trong trái tim của con đã bị bóp méo. Con xin Chúa, Chúa Giêsu yêu mến, nhờ quyền lực của cái chết và sự Phục Sinh của Chúa để làm thẳng lại trong con những gì tội lỗi đã bóp méo, để con có thể cảm nghiệm được ao ước tình dục như Chúa đã tạo dựng nên, là ao ước để yêu giống như Chúa, theo hình ảnh của Ngài.”
Bạn có thấy sự khác biệt giữa cách đó và kiểu “tôi sẽ không nghĩ đến nó, tôi sẽ không nghĩ đến nó.” Và bạn cũng nhận ra sự khác biệt giữa cách đó và lối “Hey, tôi sẽ đi theo dòng suy nghĩ đó.” Chiều theo ước muốn không phải cách giải quyết, đè nén cũng thế. Bước ngay theo Chúa Kitô vào mầu nhiệm của cái chết và sự Phục Sinh của Ngài. Đó chính là giải pháp. Tôi giang đôi tay của tôi theo hình thập tự vì một lý do, vì đây là điều đòi hỏi từ chúng ta.
Nếu chúng ta coi trọng lời của Chúa Kitô, và thực sự nghe lời mời gọi của Thánh Phaolô: để bước vào cái chết của Chúa Kitô, chúng ta sẽ cảm nghiệm được hiệu quả của giải pháp ấy.
Tôi mời gọi những người bạn nam nữ đang chiến đấu với tội lỗi tình dục, lần tới khi cám dỗ ấy đổ dồn vào bạn như thác lũ, bạn đặt mình trong hình dạng của cây thập tự và ở trong tư thế đó cho đến khi bạn đã thực hiện được sự vượt qua từ trái tim dâm dục đến tình yêu. Đây là hoa quả chúng ta có được khi chúng ta mở rộng để đón nhận như cô dâu đến với món quà đó.
Bạn hãy áp dụng hình ảnh ấy. Đây là một hạt giống thiêng liêng của Chúa mà tất cả chúng ta được mời gọi để đón nhận. Kinh Thánh có dạy chúng ta được sinh ra không phải từ hạt giống của người nam nhưng là từ hạt giống không bao giờ mất đi, vĩnh cửu, vô hình của Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta gọi Chúa là Cha vì Ngài khởi xướng món quà đó. Ngài trao ban hạt giống bất tử, vô hình, vĩnh cửu đưa chúng ta vào hiện hữu. Mọi cương vị làm cha trên trời và dưới đất đến từ Thiên Chúa Cha.
Là người nam, tôi nhận được đặc quyền để là hình ảnh của Chúa Cha trong việc trao hiến thân xác của tôi cho vợ mình, như Chúa Kitô đã làm. Và đó là điều mà Thánh Phaolô bảo chúng ta: “Người chồng, hãy yêu mến vợ mình.” Cách nào? “Như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh”. Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh cách nào? “Đây là mình Thầy, được trao nộp vì các con.” Đây là ý nghĩa Kinh Thánh sâu thẳm nhất về tình dục con người.
Chúng ta được mời gọi để phản ánh tình yêu của Chúa Kitô cho Hội Thánh. Người vợ được gọi để đón nhận món quà của chồng mình như Giáo Hội mở rộng để đón nhận món quà của Đức Kitô.
Trong sự kết hợp làm một này—BOOM! Sự sống mới, sự sống mới đi vào thế giới.
Thảo nào ma quỷ tấn công tình dục của chúng ta. Nó biết điều này. Nó biết rằng thân xác là để truyền đạt và trao ban cho chúng ta – những con người – tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nó biết rằng sự kết hợp làm một của người nam và người nữ là dấu hiệu báo trước về sự kết hợp làm một vĩnh cửu của Chúa Kitô và Giáo Hội. Đó chính là lý do ma quỷ tấn công tính dục.
Và chúng ta, người Kitô hữu tin vào lời dối trá của ma quỷ đã quá lâu qua việc khinh chê thân xác này và khước từ nó. Đó chính là điều nó muốn chúng ta làm.
Không Thần học của Thân xác của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, không chỉ là món quà cho người Công Giáo, cho người Kitô hữu khắp nơi, và đúng thực là cho mọi người nam nữ trên địa cầu này để lấy lại điều ma quỷ đã cướp lấy để chúng ta có thể một lần nữ nhìn thấy thân xác và tính dục con người như Thiên Chúa đã dựng nên, một mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm cao cả báo trước về cùng đích vĩnh cửu của chúng ta.
Điều mà tôi nhận được từ sự giáo dục đức tin Kitô giáo về tình dục con người khi tôi lớn lên là “Chớ làm”. Đừng làm nó, đừng làm nó, đừng làm nó.
Văn hóa thì la to vào tai tôi “Cứ làm nó, cứ làm điều đó, cứ làm điều đó.”
Hai điều xuất hiện trong đời của tôi: tuổi dậy thì và MTV. Cả hai đều kêu lớn tiếng với tôi “Không sao cả. Cứ làm nó.” Tôi bị lôi cuốn bởi điều đó.
Nhưng tôi tìm ra trong chính cuộc đời của mình qua nhiều thảm kịch, trong gian khổ, là tôi chỉ có thể ăn từ thùng rác trong một thời gian trước khi tôi cảm thấy buồn nôn. Khi tôi tìm được Thần học Thân xác, tôi là một chàng trai trẻ, 23 tuổi. Tôi nhận ra tôi vừa mới bước vào một bữa tiệc, bữa tiệc mà thực sự thỏa mãn cơn đói.
Khi tất cả những điều chúng ta có thể nói trong cái được gọi là “giáo huấn Kitô giáo” là “Đừng ăn từ thùng rác” mà chúng ta không đặt ra bữa tiệc. Chúng ta đang làm điều gì vậy? Chúng ta dẫn đưa người ta đến chỗ ăn từ thùng rác vì cơn đói không tự biến đi.
Cơn đói khát vẫn còn đó và cơn đói khát không phải điều xấu. Vấn đề là chúng ta tìm cách để thỏa mãn cơn đói bằng việc ăn từ thùng rác.
Khi người Kitô hữu trở thành những nhân chứng về bữa tiệc, về sự vinh quang, vẻ đẹp, sự tuyệt vời của kế hoạch của Chúa cho nam nữ và niềm vui mà Chúa muốn trong việc tạo dựng nam nữ, một dấu báo trước của thiên đàng. Chỉ khi chúng ta làm chứng cho bữa tiệc đó và mời người khác vào bữa tiệc, chỉ khi đó, chúng ta trở thành những chứng nhân trung thực của Tin Mừng. Vì Tin Mừng là gì? Đó là tham dự vào bữa tiệc.
Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên ở đâu? Tại bữa tiệc cưới. Vấn đề là ở đây. Luật của Chúa ở đây. Trong thế giới đã sa ngã, trái tim của chúng ta thì ở đây. Có một khoảng cách rộng lớn giữa điều Chúa muốn nơi chúng ta và điều chúng ta ước muốn trong thế giới sa ngã. Thuở ban đầu sự việc không phải như vậy. Trong thuở ban đầu, có sự thống nhất hoàn hảo giữa giới luật của Chúa trong trái tim chúng ta.
Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nói: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Chớ ngoại tình.” Đó chính là giới luật của Chúa. Nhưng Chúa Giêsu nói vấn đề là “Anh em đầy sự dâm dục. Anh em thực sự ước muốn phạm tội ngoại tình.” Ngài chỉ ra rằng trái tim chúng ta ở rất xa chỗ này trong khi giới luật của Chúa ở mãi đây.
Trong thuở ban đầu, điều này không như vậy nhưng có một sự thống nhất hoàn hảo, sự hài hòa hoàn hảo. Điều này xảy ra vì tội tổ tông và Đức Kitô đã đi vào thế gian để đổ tràn đầy rượu cho chúng ta một lần nữa đến độ trái tim chúng ta chan chứa rượu, trái tim của chúng ta được biến đổi để không còn ước muốn gì hơn là thực thi ý Chúa.
Thánh Augustine có nói: “Cứ yêu Chúa và làm bất cứ điều gì bạn muốn.” Chúng ta không thể hiểu sai rằng câu nói đó là giấy phép để làm bất cứ điều gì. Nhưng nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa, điều này có nghĩa là trái tim chúng ta trở nên phù hợp với thánh ý Chúa và điều chúng ta muốn chỉ là yêu mến Chúa như Ngài yêu ta.
Thánh Phaolô nói theo cách này: “Khi chúng ta được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần,” hay chúng ta cũng có thể nói “Khi chúng ta say với rượu của Chúa, chúng ta tự do đối với luật, không phải để vi phạm giới luật, nhưng tự do để hoàn thành giới luật vì chúng ta không còn ao ước để vi phạm luật nữa.”
Tôi không ao ước giết vợ của tôi. Tạ ơn Chúa. Tôi không có chút ao ước nào để giết vợ tôi. Tôi không cần đến giới luật “Chớ giết vợ mình.” Vì sao không cần? Vì giới luật ấy đã được ghi khắc trong trái tim của tôi. Giới luật không phải một gánh đè nặng trên tôi, vì nó đã được ghi khắc trong trái tim tôi. Giới luật này làm phấn khởi tâm hồn tôi. Tôi không tức giận và nói “tại sao Kinh Thánh bảo tôi không được phép giết vợ tôi?” Không. Tôi vui thích giới luật của Chúa vì nó đã được ghi khắc trong trái tim tôi và tôi không ước muốn điều gì khác.
Nhưng tại sao quá nhiều người và ngay cả Kitô hữu cay đắng về những gì Kinh Thánh dạy về tình dục? Vì giới luật của Chúa ở một bên, trái tim chúng ta ở chốn khác. Vậy thì đây là kế hoạch cơ bản cho chúng ta. Nếu chúng ta học hỏi về Thần học Thân xác, sẽ giúp chúng ta hiểu những chân lý này.
Đây là kế hoạch.
Nếu giới luật Chúa là, hãy lấy giới luật về gian dâm. Kinh Thánh rất rõ ràng nói quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là một tội nặng. Trái tim của tôi ở phía bên kia và trái tim của tôi nói “Tôi muốn có hành vi đó.”
Và đây là kế hoạch của Tin Mừng. Có lẽ vấn đề không hệ tại ở giới luật của Chúa. Có lẽ vấn đề như Chúa Giêsu đã nói “sự cứng cỏi của trái tim tôi.” Và có lẽ giải quyết không phải là làm nhẹ đi giới luật của Chúa, giảm nó xuống mức độ tội lỗi của tôi và những ao ước yếu kém của tôi, hoặc bỏ qua giới luật của Chúa, những cám dỗ mà chúng ta hay gặp phải. Có lẽ giải quyết là quỳ xuống và nói “Chúa Giêsu, xin thay đổi trái tim của con, để nó quy phục giới luật của Chúa.”
Đây là tin mừng của Phúc Âm. Nếu chúng ta không loan báo sự biến đổi, thì tất cả những gì chúng ta có thể làm là dạy những giới luật mà không ai có thể tuân theo vì con người không thể tự họ tuân theo những luật lệ này. Tin mừng của Phúc Âm là ân sủng đã được đổ tràn trên chúng ta, làm chúng ta có khả năng để tuân theo luật của Chúa.
Tôi muốn trích một câu nữa từ Thánh Augustinô, ngài nói “Giới luật của Chúa đã được ban phát để ân sủng của Chúa được tìm kiếm.”
Giới luật của Chúa, Thánh Phaolô diễn tả cách này: “Nếu không vì giới luật của Chúa, tôi đã không biết tội là gì. Tạ ơn Chúa vì giới luật của Ngài. Nó chỉ cho tôi tội là gì.” Vậy giới luật của Chúa đã được trao ban để ân sủng của Chúa có thể được khẩn nài. Ân sủng được trao ban để giới luật của Chúa có thể được hoàn thành. Đó là tin mừng của Phúc Âm.
Và chúng ta phải rao giảng nó. Thế giới đói khát nó. Bạn biết ai đói khát nó? Hugh Hefner đói khát nó. Madonna đói khát nó. Bạn biết ai đói khát nó? Britney Spears và Larry Flint và mọi người đóng trong các bộ phim khiêu dâm. Và đây là trọn vẹn về hình ảnh khiêu dâm. Bạn có biết họ tìm kiếm điều gì không? Họ tìm kiếm bữa tiệc nhưng vì chúng ta những người Kitô hữu, chúng ta chỉ giảng về những giới luật này. Chúng ta đã không giảng về bữa tiệc.
Huge Hefner đã nói gì? Chính ông nói: “Tôi bắt đầu tạp chí Playboy như là hồi đáp của riêng tôi cho những tổn thương và sự giả hình từ truyền thống Thanh giáo của chúng ta.”
Nếu chúng ta có một viễn tượng trung thực về Kinh Thánh, bạn biết điều gì sẽ xảy ra? Chúng ta sẽ thực sự đồng ý với chẩn đoán của Hugh Hefner về bệnh puritanism. Vì puritanism là gì? Linh hồn tốt, thân xác xấu xa. Puritanism là sự khước từ thân xác và tình dục vì Chúa. Điều này không thuộc về Kinh Thánh và không là của Kitô Giáo.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đồng ý với chẩn đoán của ông về căn bệnh, chúng ta, người Kitô hữu, không đồng ý và không đồng ý một cách cơ bản ở đâu? Ở cách chữa trị, với giải pháp.
Hugh Hefner đi từ đè nén đến nuông chiều theo sở thích. Món quà của Kinh Thánh, phương pháp chữa trị không phải đè nén cũng không phải là nuông chiều thân xác mà là sự cứu chuộc của thân xác, biến đổi, rượu mới.
Tại sao Chúa Kitô rất nhân từ với những người phạm tội tình dục? Hãy nghĩ về người đàn bà bên bờ giếng, về người phụ nữ tội lỗi đến khóc bên chân Chúa Giêsu, người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình. Tại sao Ngài quá nhân từ? Vì những người phụ nữ này đang tìm kiếm Người, vị Lang Quân đích thực.
Nhưng họ đã bị lừa bởi thùng chứa rác. Ít ra họ còn biết về cơn đói khát của họ. Văn hóa khiêu dâm biết về cơn đói khát của họ. Chỉ là chưa nghe biết tin mừng về bữa tiệc.
Khi bữa tiệc được dọn ra, kẻ tội lỗi và những cô gái điếm sẽ vào Nước Trời. Chính Chúa Kitô nói nó sẽ xảy ra. Và bạn biết Ngài còn nói gì nữa không? Ngài nói kẻ tội lỗi và các cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước những kẻ giả hình và người Pharisêu.
Rõ ràng là không phải tất cả những người Pharisêu là kẻ đạo đức giả, nhưng những người Pharisêu mà chỉ làm theo các quy tắc, tôn giáo của lề luật, chỉ theo tôn giáo của lề luật. Họ đã làm gì? Họ đè trên tất cả cơn đói của họ. Bởi vì họ sợ những gì đang thực sự khuấy động trong họ. Và khi bạn đè nén cơn đói, tôn giáo trở thành việc tuân theo mọi giới luật. Họ đâu cần gì đến Đấng Cứu Độ. Họ tự hào mình đã tuân theo giới luật.
Đưa điều này vào ngôn ngữ Kitô giáo hiện đại, bao nhiêu Kitô hữu, và tôi biết chính tôi cũng dễ rơi vào cám dỗ này. Tôi có thể phạm tội này. Tôi đã phạm tội này nhiều năm. Tôi chỉ xem xét tôi đã tuân theo luật này, luật kia và nghĩ tôi là người Kitô hữu tốt lành vì lý do x, y, z. Tôi làm điều này, điều kia, điều nọ và vì thế tôi là người Kitô hữu thánh thiện. Cùng một lúc, tôi đã đè nén những đói khát của mình vì tôi quá sợ để nhận ra điều gì ở trong những đói khát đó.
Cơn đói khát không phải là vấn đề.
Lý do người tội lỗi đến với Chúa Giêsu trước vì họ cảm nhận được sự đói khát của họ. Bữa tiệc được dọn sẵn và họ nhận ra đây là lý do mình đã được tạo dựng. Nguy hiểm của người Pharisêu và những người giả hình phía bên đây là chúng ta không nhận biết cơn đói khát của mình. Vì thế khi Chúa Giêsu tỏ hiện, bữa tiệc được bày ra và chúng ta nói: “Tại sao tôi cần đến bữa tiệc này?”
Leave a Reply