(Lúc này, pizza đã hết và cũng đã muộn rồi. Nhưng cha JP biết là họ nên tiếp tục vì BillyLu và Jeremy vẫn còn muốn trò chuyện. Việc ngủ nghỉ có thể để sau cũng được.
Vì thế, họ gọi thêm đồ uống. Lần này, cả Margie cũng gọi một chai bia.)
Bình an trong cảm xúc hay là sự dày vò
BillyLu: Ông không hiểu sao, JP? Những gì xảy ra cho chúng tôi, dù là về thể lý hay y khoa, đối với chúng tôi cũng không phải là thứ quan trọng nhất – bởi chúng tôi chỉ muốn có bình an. Một người hút thuốc không đơn giản sẽ bỏ thuốc chỉ vì Bộ y tế cảnh báo là nó có hại – mặc dù tôi ước mong họ bỏ được. Bình an mới là thứ chúng tôi cần, và có một cuộc hôn nhân ổn định cùng với con cái là chìa khoá để đạt được sự bình an này.
Sam: Quả thật, dù có nói cho đám trẻ biết là hút thuốc sẽ làm giảm tuổi thọ thì điều đó cũng không ngăn được tụi nó lao mình vào những tệ nạn có hại cho sức khỏe.
Margie: Anh nói đúng lắm, Sam. Nhưng nó giải quyết được gì cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của chị BillyLu, mặc dù nó đúng với nhiều người khác – rằng những ai tham gia vào hành vi đồng tính thì không mấy quan tâm tới những rủi ro của hành vi đó, hơn là về sự bình an nội tâm mà họ khao khát.
Cha JP: Nhưng mọi bằng chứng cho thấy những ai tham gia vào các hành vi đồng tính đều không có được bình an mà họ mong muốn. Điều này đúng với mọi hoàn cảnh, dù cho họ có “kết hôn”, nhận con nuôi, hoặc thụ tinh nhân tạo hay thuê người đẻ mướn.
Chúng ta hãy nhìn vào việc tự sát. Người bào có bình an sẽ không nghĩ đến chuyện đó. Tuy nhiên, tỉ lệ tự sát nơi những người nam đồng tính ở San Francisco cao gấp 3,4 lần so với tỉ lệ tự sát của nam giới nói chung trên toàn thể nước Mỹ. Một nghiên cứu khác về các cặp sinh đôi cho thấy người nào trong cặp song sinh có bạn tình đồng giới thì khả năng tự sát cao gấp 6,5 lần so với người còn lại không có tình nhân đồng giới.
Margie: Nghe đau lòng quá cha ơi. Phải chăng nguyên nhân là vì những người đồng tính bị thù ghét tới nỗi họ không muốn tiếp tục sống nữa?
Cha JP: Đúng vậy. Nhưng chúng ta cần phải xác định loại thù ghét đó là gì. Đến từ người ngoài hay là tự căm ghét bản thân?
Sự thiếu bình an ở nơi những người nam nữ đồng tính cũng được biểu hiện ở những mặt khác. Ví dụ, những ai có lối sống đồng tính sẽ có khả năng cao bị trầm cảm nặng, rối loạn âu lo, lạm dụng chất kích thích, rối loạn nhân cách ranh giới, tâm thần phân liệt, rối loạn nhân cách ái kỉ, và cảm giác cô độc trầm trọng.
BillyLu: Nhưng đó là kết quả của sự kì thị người đồng tính trong xã hội này. Nếu Kitô hữu các người thôi không bắt bớ chúng tôi nữa, ắt hẳn nhiều trong số những vấn đề trên sẽ biến mất ngay thôi.
Cha JP: Điều chị vừa nói thú vị đấy, BillyLu. Chị có biết là hầu hết những dấu vết của “kì thị đồng tính” và các mối liên hệ tiêu cực đến lối sống đồng tính ở Hà Lan đã bị loại bỏ rồi hay không? Mà Hà Lan lại là đất nước ủng hộ người đồng tính nhất Tây Âu, và có lẽ là trên toàn thế giới. Họ đã đón nhận các cặp hôn nhân đồng tính từ bao năm nay rồi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu ở Hà Lan – họ sử dụng một hệ thống nghiên cứu chặt chẽ hơn để so sánh hai nhóm: một nhóm không hề có kinh nghiệm về đồng tính trong 12 tháng trước, nhóm còn lại có liên hệ đồng tính trong 12 tháng sau – đã cho thấy những người có tiếp xúc đồng tính đều có tỉ lệ cao bị trầm cảm nặng, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh khoảng trống và rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Cũng trong nghiên cứu này, người đồng tính nữ thường xuyên bị trầm cảm nặng, rối loạn xã hội và nghiện rượu.
Sam: Liệu nghiên cứu có nói đồng tính là nguyên nhân gây ra vấn đề về tâm lý hay không, hay là ngược lại, vấn đề tâm lý là nguyên nhân dẫn đến đồng tính?
BillyLu: Giờ thì ngay cả anh cũng nghĩ tôi là một đứa bệnh hoạn vì tôi là người đồng tính nữ chứ gì? Rồi, cảm ơn tất cả. Tôi thấy là tôi không được chào đón ở đây.
(BillyLu đứng dậy và chuẩn bị đi ra khỏi cửa. Nhưng Margie tiến tới can thiệp…)
Margie: Không phải thế đâu, chị BillyLu. Anh Sam và cha JP không có ý đó đâu. Anh Sam có thể có lúc không được tinh tế cho lắm – em biết từ kinh nghiệm bản thân – nhưng đó là vì anh ấy đang suy nghĩ – hay nói đúng hơn là không suy nghĩ – dựa khía cạnh đối tượng và khoa học, chứ không phải khía cạnh về con người.
Sam: Tôi xin lỗi chị, BillyLu. Tôi không có ý xúc phạm cá nhân chị đâu. Chỉ là khoa học đã dạy ta phải xác định nguyên nhân và công hiệu khi kết nối các sự việc.
BillyLu
Cha JP: Chị BillyLu này, chị không buộc phải trả lời câu hỏi có phần tế nhị này, nhưng chị có từng bị lạm dụng hay chưa?
BillyLu: Ông đùa tôi chắc! Mặc dù đúng là người yêu tôi đã từng bị lạm dụng bởi những tên bạn trai của mẹ cô ấy – và bà ta thì quá yếu đuối không thể làm bất cứ điều gì để can thiệp – nhưng tôi đây thì không rơi vào hình mẫu người đồng tính nữ như ông nghĩ đâu, có phải thế không?
Tôi chưa hề bị lạm dụng. Một chút cũng không. Tôi có một người cha và một người mẹ tuyệt vời. Tôi và cha tôi rất khắng khít với nhau. Chúng tôi đã có rất nhiều kỉ niệm vui đùa cùng nhau. Ông và tôi có cùng óc hài hước. Mặc dù đúng là có vài lần tôi và ông có xung đột, thậm chí có một lần tôi đã hất rơi kính của ông. Nhưng bị lạm dụng ư? Chưa hề.
Ba người anh lớn của tôi cũng chưa từng động một ngón tay vào tôi; họ còn không dám nữa là, thậm chí dù chỉ là một sự hung hăng nhỏ xíu cũng không – cơ mà mấy ổng cũng chả phải là hạng người đó. Mấy ổng cơ bản là những gã lười, suốt ngày nằm lì trong nhà, xem tivi, làm tối thiểu những gì cần thiết. Nhưng nếu mấy ông dám đánh tôi hay xô đẩy tôi cách thô bạo, thì cha tôi sẽ không đứng im đó mà nhìn cảnh anh lớn bắt nạt em gái đâu.
Vì thế, câu trả lời là không, tôi chưa hề bị lạm dụng.
Margie: Vậy còn mẹ chị thì sao, bà ấy như thế nào?
BillyLu: Mẹ của tôi là một người phụ nữ tuyệt vời! Bà ở nhà với chúng tôi, chăm sóc nhà cửa, dạy đám nhóc tụi em mọi thứ trên đời. Tôi thì không phải là kiểu người sẽ kể cho mẹ nghe mọi thứ, nhưng bà luôn ở bên cạnh nâng đỡ tôi, nhất là về mặt cảm xúc. Mấy ông anh tôi thì thường kể cho bà nghe mọi chuyện – họ giống bà nhiều hơn. Còn riêng tôi, tôi luôn là đứa khác biệt với mấy ông anh và mẹ. Nhưng tôi nghĩ đó là chuyện bình thường – tôi tin rằng thật là ngu xuẩn khi cho đó là nguyên nhân khiến tôi trở thành người đồng tính. Ý tôi muốn nói là… có hàng triệu người phụ nữ thẳng ngoài kia không hề có một người mẹ mà họ có thể tâm sự như một người bạn thân của mình. Ừ thì tôi cũng thế.
Cha JP: Mẹ của chị có nuông chiều mấy người anh lớn không, hay là có một người con nào đó được bà thương nhất?
BillyLu: Có thể nói là vậy…nhưng đúng hơn là bà ấy muốn tránh xung đột càng nhiều càng tốt, vì thế mấy ông anh tôi lợi dụng điểm này của bà. Nhưng tôi nghĩ là tôi đã có một mối quan hệ tốt đẹp với cả cha lẫn mẹ, và chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị bỏ quên cả.
Margie: Chị BillyLu này, không lẽ chị không muốn có một người mẹ quan tâm nhiều hơn là thụ động hay sao? Chị có bao giờ ước được gần gũi với bà ấy hơn chưa?
BillyLu: Cũng không hẳn đâu. Chị biết đấy, em nghĩ rằng người ta cứ làm lớn chuyện những điều mà thật sự ra chả có gì to tát. Đâu phải mẹ em không hề đoái hoài gì tới em đâu. Em chỉ không cảm thấy trong mình có một khao khát cháy bỏng, sâu sắc, hay là bất cứ gì khác nhảm nhí như điều đó. Em biết rằng bà luôn ở bên em, nhưng không chỉ như là một người nâng đỡ tinh thần mà thôi. Bà ấy không phải thế và em cũng không cần điều đó.
Margie: Chị đã từng hẹn hò với anh chàng nào chưa, BillyLu?
BillyLu: Có chứ, như mọi cô gái nào khác thôi. Em có tham dự các buổi tiệc tùng và uống rất nhiều rượu bia, cũng như bao người khác. Thực tế mà nói, em tin là em có “đô” cao hơn bất kì ai. Và em cũng đã có vài người bạn trai, nhưng không thật sự gắn bó với bất kì ai trong số đó cả. Tụi em cũng đã có quan hệ tình dục, nhưng quan hệ với đám con trai không bao giờ làm em được thoả mãn, bởi vì họ không hề quan tâm đến em như quan tâm một con người, và em cũng chẳng thèm quan tâm đến họ. Nhưng em cũng như họ chỉ quan tâm tới cuộc vui thể xác mà thôi. Nó giống như một loại chất kích thích vậy. Mặc dù họ lợi dụng em, nhưng em biết là em cũng đang lợi dụng họ; vì lẽ đó mà giữa tụi em chẳng thể có gì để mà gắn bó với nhau.
(Nói tới lúc này, BillyLu bỗng trở nên kích động một chút. Cô ấy đứng lên, ra khỏi bàn và cứ đi đi lại lại. Hầu hết ai cũng nghĩ cô ấy đang tức giận và chuẩn bị bỏ về, nhưng cha JP ra hiệu mọi người hãy để cô ấy được yên).
Margie: Chị BillyLu này, chị có bao giờ kể cho mẹ chị nghe về những anh chàng mà chị hẹn hò không?
BillyLu: Có chứ… tôi có kể một vài lần. Bà dạy cho tôi cách đừng quá nghiêm túc trong các mối quan hệ. Mỗi khi tôi kể cho bà nghe có một anh chàng thích tôi, thì phản ứng của bà cũng y như lúc tôi nói cho bà biết mấy người anh lớn đã xem tivi suốt 10 giờ liền. Thật sự chuyện đó chả có gì to tát với bà. Bà không thể hiện sự thích thú, cũng chẳng quá quan tâm.
Có một lần tôi kể cho bà nghe một anh chàng nọ sờ ngực tôi, thì bà chỉ lắc đầu và nói “con trai đúng là con trai”. Đó quả là một bài học hay: “đừng quá nghiêm trọng hoá vấn đề và con sẽ không bị tổn thương”.
Chuyện gì xảy đến với tôi trong buổi hẹn hò thật sự không hệ trọng gì cho lắm đối với bà. Bà lúc nào cũng mau ngủ khi tôi đến bên bà, cho dù có trễ tới đâu đi chăng nữa. Cha tôithì biết chuyện gì sẽ xảy ra, nên ông luôn dặn tôi dùng thuốc ngừa thai khi tôi học xong trung học.
Margie: Thế còn những khoảnh khắc như chị bị một anh chàng bỏ rơi, hoặc là bạn trai không dẫn chị đi hẹn hò, hay là người đó nói lời gây tổn thương, thì sao? Không lẽ chị không hề có thời điểm chỉ muốn chạy đến bên mẹ và khóc thật to sao?
BillyLu: Cha mẹ tôi dạy tôi phải là một người con gái mạnh mẽ, Margie à. Nếu những chuyện ấy xảy ra, tôi chỉ cần nghĩ về mẹ tôi và cách bà ấy phản ứng với sự tình đó, nhiêu đó đã đủ giúp tôi tiến bước rồi.
Margie: Chị BillyLu này, xin đừng hiểu lầm em, nhưng càng nghe chị nói, em càng thấy chị lo lắng về việc mình bị mẹ hờ hững, hơn là việc bị ruồng rẫy bởi bạn trai.
(BillyLu lại tiếp tục đi đi lại lại, nhưng rồi cô ấy dừng bước trước khi trả lời câu hỏi của Margie. Còn Sam thì đang chờ dịp để tìm hiểu thêm, nên cậu ấy liền xen vào)
Sam: Chị BillyLu này, có phải chị cũng đã kết hôn, đúng không?
(BillyLu nhìn Sam với ánh nhìn như thể muốn nói “anh thật chẳng hiểu gì hết”, nhưng cô ấy cũng trả lời cậu ta. Có lẽ là vì câu hỏi của Sam dễ trả lời hơn của Margie)
BillyLu: Chắc chắn rồi. Vào năm hai đại học, tôi gặp George, đàn anh lớp trên. Anh ấy thật là người tử tế và là một Kitô hữu tốt. Anh rất dịu dàng, hay thương người, và rất tinh tế trước những nhu cầu của tôi. Ở bên George tôi thấy được an toàn, mặc dù tôi không thật sự cảm thấy gì hấp dẫn nơi anh ấy cho lắm. Anh không cao, không phải mẫu người thể thao, nhưng anh yêu tôi điên đảo, và điều đó làm tôi cảm thấy mình thật đặc biệt…do đó tôi thấy mình phải có nghĩa vụ đáp lại tình cảm của anh. Tôi không muốn làm anh tổn thương khi nói “không”.
Anh ấy dẫn tôi đến nhà thờ anh hay đi. Tôi được “tái sinh” và gặp rất nhiều người phụ nữ Kitô hữu “tốt lành”. Họ chào đón tôi. Thật tình mà nói, tôi bị cuốn hút bởi họ hơn là bởi anh George. Nhưng tôi chưa hề thổ lộ điều ấy với ai cả. Đó đơn giản là một cảm giác không thể được chấp nhận. Nó không được phép. Tôi không thể được “cứu rỗi” mà lại là một người đồng tính. Vậy nên tôi cố gắng lướt qua thứ đam mê này.
Mấy người đừng nghĩ tôi là kẻ bất chính. Tôi thật sự đã nghĩ mình đã hoàn toàn chấp nhận để Chúa Giêsu đi vào trong đời mình. Tôi tin tưởng một cách chân thành rằng tôi là một tín hữu. Tôi say mê đọc Kinh Thánh từ trang này sang trang kia. Tôi hầu như đã có vốn hiểu biết Kinh Thánh nhiều hơn bất cứ ai, và tôi đã cầu nguyện vô cùng sốt sắng, đến mức độ những người phụ nữ Kitô hữu lâu năm cũng phải ấn tượng với tôi.
Chúng tôi kết hôn ngay sau khi anh ấy tốt nghiệp. Ngay sau đó, tôi dừng không sử dụng thuốc ngừa thai nữa, vì anh ấy thật muốn có con. Sau khoảng 1 năm, chúng tôi có đứa con gái đầu lòng, và kế đó là một đứa con trai. Chúng rất tuyệt vời. Tôi yêu chúng tha thiết, và anh George cũng thế. Nhưng thực tế thì, tôi nghĩ anh ấy yêu bọn trẻ hơn là yêu tôi, nhưng đó là một câu chuyện khác.
Nhưng càng ngày tôi càng không thể chịu đựng được sự lừa dối này. Tôi không hề yêu anh Geogre. Tôi không cảm thấy anh ấy lôi cuốn tôi chút nào, và anh cũng không thể khoả lấp được sự cồn cào cảm xúc của tôi. Đúng, tôi đã cố lướt qua cảm xúc thật của mình, tôi quan hệ với anh như anh muốn, nhưng cứ như thể tôi đang bị mắc kẹt trong sự dối trá này, y như những lần tôi quan hệ với những người bạn trai ở trung học vậy.
Margie: Và đó là lúc chị gặp được người tình của chị à?
BillyLu: Tôi nghĩ tôi sẽ không thể nào trốn thoát được nỗi đau khổ này. Nhưng vào một chủ nhật nọ, tôi gặp được một phụ nữ hấp dẫn ở nhà thờ, cô ấy tên Leslie. Cô ấy vào khoảng độ tuổi em, và ngay trong giây phút cô ấy nhìn tôi, tôi như tan chảy. Tôi không biết cảm xúc đó là gì.
Cô ấy cũng có con cùng tuổi với đám con tôi, vậy nên tụi tôi bắt đầu gặp gỡ nhau, lúc tại nhà cô ấy, lúc thì ở nhà tôi, lúc thì tại sân chơi dành cho con nít. Tụi nhỏ thì chơi đùa với nhau, còn tụi tôi thì trò chuyện. Tôi cảm nhận mình được cảm thông và được yêu vô điều kiện.
Tụi tôi trở nên gần gũi hơn, nhưng chưa có gì liên quan tới tình dục xảy ra vào ban đầu cả. Đó không phải là điều tôi hay cô ấy kiếm tìm. Tôi chỉ cảm thấy thật êm dịu khi được cô ấy ôm. Tôi cảm thấy được an toàn… tôi cảm thấy mình được yêu như chưa bao giờ được yêu.
Sam: Nhưng làm thế nào mà chồng chị lại tức giận vì chuyện này? Đó dường như không phải là điều khiến chị phải đâm đơn li dị.
BillyLu: Anh Geogre không biết gì cả. Mặc dù đám trẻ còn nhỏ, nhưng chúng còn biết nhiều hơn anh ấy. Những gì anh ấy biết chỉ là chúng tôi có một tình bạn rất đặc biệt, và anh ấy nghĩ rằng mối quan hệ đó thật tốt lành vì đám trẻ có nhiều thời gian chơi đùa với một gia đình Kitô hữu ngoan đạo khác. Anh biết đấy, Sam, tôi cảm thấy tội lỗi vì những cảm xúc dành cho Les. Cô ấy hay chia sẻ những ưu tư tương đồng với tôi; và chúng tôi cùng nhau học hỏi Kinh Thánh để tìm ra câu trả lời. Một ngày nọ cô ấy chỉ cho tôi xem bài thánh thi của thánh Phaolô về đức ái – tôi đã học thuộc nguyên văn nó như sau:
Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến (1 Côrintô 13, 1-4, 13).
Cả hai chúng tôi đều không thật sự yêu chồng mình, thế mà Thiên Chúa bảo rằng cuộc đời chúng tôi sẽ ra vô nghĩa nếu không có tình yêu.
Một khoảng thời gian sau, George bắt quả tang tôi đang trên giường cùng với Les, và thế là cuộc hôn nhân của tôi chấm dứt. Và tôi thật sự đã vui mừng. Tôi và anh ấy vẫn là những người bạn. Anh ấy bằng lòng với việc chăm sóc lũ trẻ. Tôi gặp chúng mỗi tháng một lần, và tình mẹ con chúng tôi vẫn êm ấm.
Mọi chuyện không thể nào tốt hơn thế nữa. Tôi đã có thể là chính mình và ai ai cũng đều hạnh phúc.
Margie: Giờ thì chị cảm thấy được an toàn và gắn kết, trái ngược với trước đây.
BillyLu: Đúng vậy… Và giờ tôi chẳng cần phải giả vờ là con người mà vốn dĩ tôi biết mình không phải, cũng chẳng cần phải tìm cách thoả mãn nhu cầu tình dục của ai khác chỉ vì đó là điều họ muốn, hay đó là điều người Kitô hữu hay làm.
Lạm dụng trẻ em
Cha JP: Chị nói là chị không bị lạm dụng khi còn nhỏ, nhưng Leslie thì đã bị lạm dụng. Chị nghĩ sao về điều đó như là nhân tốt tác động tới cô ấy và mối quan hệ giữa hai người?
BillyLu: Khi chúng tôi gặp nhau, thì Les đã không còn quan hệ tình dục với chồng cô ấy nữa, và nỗi đau bị lạm dụng lúc bé là nguyên nhân khơi dậy điều đó. Sau khi sinh đứa con thứ hai, mối quan hệ với chồng bắt đầu khiến cho Les nhớ lại những gì đã xảy ra vào thời thơ ấu, và nỗi kinh hoàng mà những gã bạn trai của mẹ cô ấy lại tiếp tục ám ảnh cô ấy.
Tuy chỉ là một đứa trẻ, Les đã biết nói cho mẹ nghe mình bị lạm dụng, nhưng bà ấy chẳng làm gì. Bà ta sợ mất đi gã đàn ông nghiện tình dục hơn là sợ mất con gái mình. Và đó là những năm tháng Les phải sống trong địa ngục.
Sam: Thế thì làm thế nào mà cô ấy lại chấp nhận quan hệ với chị? Chẳng lẽ điều đó không làm cô ấy nhớ lại nỗi ám ảnh thời ấu thơ hay sao?
BillyLu: Mấy người chả biết gì hết. Chúng tôi có một mối quan hệ thật. Cô ấy biết là tôi quan tâm cô ấy. Chúng tôi đâu cần tình dục. Nhưng chúng tôi quan hệ để biểu lộ sự thân mật dành cho nhau. Không ai ép buộc ai cả.
Margie: Tại sao những điều này lại hệ trọng đến vậy, mọi người?
Cha JP: BillyLu, lý do tôi hỏi chị rằng liệu điều đó có ảnh hưởng tới Leslie và mối quan hệ của chị hay không, là bởi vì đứa trẻ nào bị lạm dụng tình dục thì hay bộc lộ những hành vi không chừng mực, ví dụ như tự mình thủ dâm hay có các mối bận tâm về tình dục, hoặc là có hành vi gây hấn về tình dục với những đứa trẻ khác. Hậu quả là, những đứa trẻ đó có khả năng bị trầm cảm, lòng tự trọng thấp, và hay có ý nghĩ muốn tự tử.
Margie: Nhưng đối với Leslie thì chuyện đó đã xảy ra từ rất lâu rồi mà.
Cha JP: Những khủng hoảng thời thơ ấu sẽ kéo dài nhiều năm và chúng thường sẽ không hiện hình cho tới khi có dịp. Tôi biết nhiều người cũng phải chịu đựng chính xác những gì mà Sam ám chỉ tới: vợ của họ không còn muốn quan hệ với họ nữa, chỉ vì chuyện chăn gối làm sống lại những khoảnh khắc bị lạm dụng đau thương.
BillyLu: Nhưng mối quan hệ của chúng tôi không hề khơi dậy nỗi đau đó. Trái lại, nó giúp làm vơi đi những đau khổ đã chồng chất bao năm qua.
Cha JP: Làm vơi đi những cơn đau và vết thương cảm xúc bằng những trải nghiệm tình dục mạnh mẽ có thể sẽ không thật sự chữa lành cô ấy đâu, nhưng thay vào đó nó chỉ che giấu đi vết thương mà thôi. Nó giống như khi người ta đưa thuốc giảm đau cho người bị gãy tay vậy, thay vì phải bó bột cố định chỗ bị gãy để xương được lành. Người ta vốn có thể bị nghiện thuốc giảm đau và thích dùng chúng hơn là những phương pháp điều trị hẳn hỏi. Nhưng, liệu việc nuôi dưỡng cơn nghiện như thế có thật sự là hành vi yêu thương và trắc ẩn hay không?
Margie: Tất nhiên là không rồi, thưa cha.
Cha JP: Và tôi giả định là các bạn đã biết hết, rằng phần trăm lớn những người nam và nữ có khuynh hướng đồng tính đã từng bị lạm dụng khi còn bé, và gần như lúc nào kẻ thủ ác cũng là đàn ông. Ngoài những người đã trải qua cơn khủng hoảng bị lạm dụng tình dục, thì những người đồng tính cách chủ động có tỉ lệ cao là đã hình thành khả năng tính dục ngay từ khi còn rất trẻ, và hầu như họ giấu không cho cha mẹ hay người khác biết. Do đó, trong họ hình thành một cảm giác xấu hổ và tội lỗi, họ lại giữ điều đó trong lòng, thường xuyên tự trách bản thân vì những gì đã xảy đến với họ. Họ thường tự nhủ bản thân rằng chính họ mới là kẻ có lỗi vì họ đã phản ứng với kí ức bị lạm dụng bằng cách thực hiện hành vi tính dục với bản thân hay với những đứa trẻ khác.
Nếu người đó mang theo gánh nặng cảm xúc ấy đi vào trong một mối quan hệ mới mà không tìm cách chữa lành bản thân trước, thì người đó không có tự do trọn vẹn để đưa ra lựa chọn trong những mối quan hệ có thể làm chúng ta được viên mãn.
Đó có phải là một lựa chọn hay không?
Jeremy: Ông nói là tôi không được tự do chọn lựa bước vào trong một mối quan hệ với bạn tình tôi ư?
Cha JP: Nếu sự đồng tính luyến ái là do di truyền, như anh và phần đông cộng đồng những người đồng tính đã nói, thì tự do ở chỗ nào? Nhưng thực tế, anh đang cho tôi thấy rằng anh bị nô lệ hoá cho các mối quan hệ đồng tính.
Margie: Cha JP, nói thế nghe nặng nề quá.
Cha JP: Vâng, tôi xin lỗi, tôi không có ý hạ thấp phẩm giá con người.
BillyLu: Nhưng ông đã làm thế. Những lời ông nói xúc phạm và kích động người nghe.
Sam: Này chị BillyLu, chị vừa phải thôi. Nếu cha JP nói đồng tính không bởi do gien, thì chị nói ngài xúc phạm chị. Còn nếu ngài nói người đồng tính không đưa ra lựa chọn trong tự do, thì cũng là chị lên án ngài xúc phạm phẩm giá con người.
Cha JP: Thôi được rồi…mọi người bình tĩnh lại. Tất cả chúng ta cần cẩn thận trong cách diễn tả chính mình, bao gồm cả tôi nữa. Và tôi xin lỗi chị BillyLu, vì đã thiếu tế nhị trong cách trình bày những gì tôi muốn nói.
(Bầu không khí thinh lặng đôi chút. Cha JP, cùng với mọi người, ai nấy đều nhấp một ngụm nước. Cứ như thể là mỗi người đều tránh né, không muốn là người tiếp theo mở lời)
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét những đứa trẻ đã từng bị xâm hại và sau đó có những biểu hiện hành vi tính dục không phù hợp xem sao. Mọi người có nghĩ rằng chúng thật sự được tự do chọn lựa biểu lộ hành vi tính dục bất thường đó, dù là với bản thân hay với những đứa trẻ khác, hay không?
Margie: Không, thưa cha. Bọn trẻ đã bị xâm hại. Sự ngây thơ của chúng đã bị tước đoạt. Và mọi chuyện sẽ xảy ra cũng y như thế nếu có kẻ cố tình chuốc say chúng nhiều lần, rồi sau đó để đồ uống có cồn hớ hênh trong nhà nhằm khiêu khích chúng. Và nếu chúng uống, thì đó là một hành vi ép buộc, chứ không phải tự do.
Cha JP: Chị nói đúng lắm. Cách duy nhất mà đứa trẻ có thể tự do chọn không uống là cũng trong sự tự do chúng ra khỏi căn nhà, nơi mà những lạm dụng và hành vi nghiện ngập đang diễn ra. Nhưng điều đó lại không phải là một lựa chọn chúng có thể có. Cho nên, chúng bị mắc kẹt.
Và những đứa trẻ nào mà có biểu hiện hành vi tính dục bất thường thì thực chất chúng chỉ đang lợi dụng những hành vi đó để đối phó với dư chấn của cuộc lạm dụng. Đây là một nỗ lực nhằm trốn chạy khỏi nỗi đau, mặc cảm tội lỗi và sự tủi nhục, và đa phần những hành vi đó đều do ép buộc mà ra, chứ không đến từ sự tự do chọn lựa. Những hành vi tính dục không phù hợp với lứa tuổi đó thường sẽ tạo nên sự xung đột nội tâm sâu sắc. Mặt khác, sự đê mê đến từ hành vi đó đem lại cảm giác thoải mái và được giải tỏa rất lớn – dù chỉ là tạm thời – nhưng rồi đứa trẻ lại ngay lập tức phải trải qua sự mặc cảm tội lỗi kinh khiếp và hãi hùng vì những gì vừa diễn ra. Nhưng, nó lại không có tự do để chấm dứt vòng lặp của sự khoái cảm và tự kết án chính mình.
Sam: Vậy làm thế nào để con người có thể lấy lại được sự tự do vốn đã bị đánh mất, thưa cha?
Cha JP: Có thể anh sẽ không tin, nhưng Kitô giáo chân chính không dạy con người chạy trốn, nhưng đúng hơn là nhận lãnh trách nhiệm cho những hành vi và phản ứng của mình, qua việc học cách tha thứ cho người đã hãm hại mình, cũng như học cách buông bỏ hận thù và tổn thương.
BillyLu: Nhưng tôi đâu có bị lạm dụng hay cưỡng hiếp. Do đó, tự do của tôi đâu có bị tước đoạt.
Cha JP: Chị BillyLu này, đúng là tôi chưa biết nhiều về chị. Nhưng trực giác cho tôi biết chị đã bị tổn thương và bởi đó chị mang trong mình những nỗi buồn, đau đớn và hận thù từ quá khứ, cho nên chị cần học cách tha thứ và buông bỏ.
Có lẽ chị đã từng cảm thấy bị ai đó bỏ rơi, hờ hững hoặc bị hãm hại từ khi còn nhỏ tới nay; có thể là bởi mẹ của chị, hoặc là những người anh, cũng có thể là bạn cùng trang lứa. Chị sẽ tìm thấy tự do nếu chị biết tha thứ cho người khác. Đây là bước đầu tiên để được chữa lành và đạt lấy tự do đích thực.
Sam: Ý của cha là đồng tính luyến ái là một sự lựa chọn phải không, hay là không phải thế?
Cha JP: Con người ta không ai tự chọn lấy cảm xúc của mình – cho nên cảm thấy bị hấp dẫn bởi một người không phải là người phối ngẫu của mình thì chưa phải là tội – nhưng con người lại có thể chọn cách phản ứng với những cảm xúc đó, vì thế hành vi phản ứng của con người vốn hoàn toàn có thể là một sự tự do chọn lựa. Nếu hành vi đó thật sự bị ép buộc thì sẽ không có chọn lựa và cũng chẳng có tự do. Người trẻ không có bao nhiêu khả năng kiểm soát tình hình, do đó chúng có rất ít lựa chọn hoặc tự do, và vì thế tội của chúng cũng nhẹ hơn.
Nhưng, chúng ta có những cách để kiểm soát dục tính của mình, ví dụ như, tránh ở một mình với người khác giới nếu không phải là mẹ, chị em hay vợ của mình. Nếu một chàng trai đi cắm trại với bạn gái, anh ta phải chịu trách nhiệm cho những hệ quả tất yếu và bắt buộc, vốn sẽ xảy ra sau đó.
Những ai có khuynh hướng đồng tính thì có lẽ họ nên sử dụng tự do của mình để quyết định xem mình có nên dọn vào ở chung với bạn tình hay không. Nơi nào tự do vẫn tồn tại thì họ vẫn có thể đưa ra một sự chọn lựa đích thực. Tuy nhiên, một khi họ đã dọn vào chung sống trong cùng một căn hộ, ở cùng một phòng, ngủ chung một giường…thì sự bắt buộc lên ngôi và tự do bị triệt thoái. Nhưng, một lần nữa, họ hoàn toàn có tự do và trách nhiệm cho hành vi dọn vào chung sống lúc ban đầu.
Bởi vì trẻ con không thể chọn nơi chúng sống, nơi chúng ngủ, chúng cũng không thể kiểm soát được ai đang dõi theo chúng, cho nên chúng có rất ít hoặc hoàn toàn không có tự do trong hành vi tính dục của mình, đặc biệt là khi có người lớn hoặc những đứa trẻ khác nhắm vào chúng.
Jeremy: Cha JP, tôi đã luôn là người đồng tính từ lúc còn rất nhỏ. Tôi có thể nói cho cha biết là tôi ước được nghe cha mẹ tôi bảo được là chính mình là chuyện rất bình thường. Cha không nghĩ là những đứa trẻ như vậy sẽ được hạnh phúc hơn nếu chúng ta cứ để chúng được yên, để cho chúng được phát triển sự đồng tính luyến ái cách tự nhiên, mà không làm cho chúng bị mặc cảm tội lỗi vì đã thủ dâm hay có những biểu hiện hành vi tính dục theo cái cách mà không phù hợp với định nghĩa của xã hội về giới tính và hành vi phù hợp với giới tính hay sao?
Cha JP: Vậy tôi phải hỏi anh thêm một lần nữa, Jeremy… liệu những hành vi đó có thật sự tốt lành hay không? Anh thật sự nghĩ rằng bọn trẻ sẽ hạnh phúc hơn khi chúng cảm thấy cần phải tự tử để tìm kiếm bình an đích thực hay sao?
Jeremy à, chúng ta cần phải yêu mến tha nhân như chính họ là, phải giúp họ đối mặt với nguồn cơn đau khổ, và giúp họ tìm ra phương thuốc chữa lành cũng như tự do. Anh có dám để cho một người bị gãy chân đi tìm cái chết chỉ nhằm làm vơi đi cơn đau hay không?
Margie: Không đâu, điều đó thật sự không tốt đẹp chút nào?
Sam: Quay trở lại với vấn đề di truyền, có phải ý cha muốn nói là đồng tính luyến ái hoàn toàn là một phản ứng về mặt cảm xúc nhằm chống lại những kinh nghiệm đau thương, và ngoài ra thì không có một thành phần sinh học nào khác?
Cha JP: Không, tôi không hề có ý đó. Nhưng thực sự thì có một thành phần rất mạnh nhưng lại chỉ là thứ yếu. Thành phần sinh học không bao gồm gien xấu, cũng không phải là sự khiếm khuyết về gien, cũng không có gì liên hệ trực tiếp đến khuynh hướng đồng tính. Nhưng đúng hơn thì, thành phần di truyền là một sự định hướng tự nhiên đối với năng khiếu, tài năng và tính khí. Cũng chính sự định hướng này có thể khiến cho một người dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc nhiều hơn.
Ví dụ, một số người, do di truyền, được nhạy bén về mặt cảm xúc hơn người khác. Sự nhạy bén này là nguyên nhân khiến cho người đó có thiên hướng nghiêng về nghệ thuật và sáng tạo, giúp cho họ có óc thẩm mỹ tinh nhạy hơn. Tuy nhiên, sự nhạy bén này cũng chính là nguyên nhân làm cho người đó dễ bị tổn thương hơn, bởi bất cứ mọi hình thức bị ruồng bỏ hay chấn thương tâm lý.
BillyLu: Vậy còn Les thì sao? Nếu cô ấy thật sự đang lợi dụng tôi để trốn tránh nỗi đau từ quá khứ, vậy tôi có thể làm gì để giúp cô ấy tìm được sự tự do và chữa lành đây?
Margie: Ôi, tuyệt vời quá, chị BillyLu…
(Margie nói câu này rất nhỏ, tới nỗi gần như không thể nghe được. Cô ấy không thể tin được điều mình vừa nghe: BillyLu đột nhiên thể hiện sự quan tâm dành cho người bạn mình, chứ không phải bản thân cô ấy)
Cha JP: Chị BillyLu này, hãy giúp cô ấy làm điều mà chị đã làm trước chúng tôi: hãy giúp cô ấy thừa nhận nỗi đau trước đã. Bởi nếu cô ấy chối bỏ sự hiện diện của nó, thì cô sẽ mãi trốn tránh sự thật và cũng không thể tự do chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình. Chị có thể giúp cô ấy bằng cách đừng để cô ấy tránh né mặt cảm xúc. Hãy lên tiếng hỏi về quá khứ của cô ấy, và cùng chia sẻ về điều đó. Hãy hỏi xem cô ấy có còn lưu giữ chút hận thù, căm tức, hờn ghét nào đối với kẻ lạm dụng cô ấy hay không. Và liệu cô ấy có trút sự hận thù, căm tức, hờn ghét này lên người khác, ví dụ như chồng cô ấy, hay không?
Thường thì nạn nhân của các vụ lạm dụng sẽ cảm thấy bối rối trước hết. Họ sợ không dám đối mặt với nỗi đau đó. Họ sợ và không dám buông bỏ. Họ cần sự trợ giúp và lời cầu nguyện của chúng ta.
BillyLu: Vậy ý ông là chúng tôi không cần phải lìa xa nhau?
Cha JP: Chị này, hãy đi từng bước một mà thôi. Và bây giờ thì chị cần giúp bạn chị trước đã.
(Và tới lúc này thì bọn họ quyết định kết thúc buổi đối thoại dài đêm nay. Mọi người ai nấy đều có khá nhiều ý tưởng để suy xét).
Leave a Reply