Giáo hội sơ khai sẽ không thành công trong việc đối phó với tình trạng phá thai nếu Giáo hội không đồng thời đề cao quan điểm cao đẹp về phụ nữ. Đây là một bài học quan trọng cho Kitô giáo ngày nay. Vì Kitô giáo phản đối việc phá thai, nên các nhà phê bình ngày nay miêu tả hành động đó là thù địch với quyền của phụ nữ. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, trong thời kỳ đầu của Giáo hội, chính sự phản đối của Giáo hội đối với việc phá thai và giết trẻ sơ sinh đã khiến Kitô giáo trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với phụ nữ.
Đây là lý do: Một nền văn hoá thực hiện việc phá thai và giết trẻ sơ sinh là một nền văn hoá hạ thấp phẩm giá phụ nữ và không tôn trọng sự đóng góp đặc biệt của họ trong việc sinh sản. Nó không coi khả năng mang thai và sinh con của phụ nữ là một khả năng kỳ diệu và tuyệt vời mà là một tiêu sản, một bất lợi, một khuyết tật. Văn hoá ấy không coi trọng và bảo vệ phụ nữ trong khả năng sinh sản mà tìm cách ngăn chặn các chức năng cơ thể của phụ nữ, sử dụng các hóa chất độc hại và các thiết bị chết người để hủy diệt một cách thô bạo sự sống bên trong họ.
Cho đến nay, chúng ta đã nói về việc phá thai thể hiện quan điểm thấp kém về thân thể trong mối tương quan với thai nhi. Nhưng có hai thân thể đang bị đe dọa – và việc phá thai cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với thân thể phụ nữ.
Sự thiếu tôn trọng đó rất phổ biến trong xã hội La Mã vào thời kỳ Giáo hội thuở ban đầu. Rodney Stark, một nhà xã hội học về tôn giáo, viết, “Thế giới Hy Lạp-La Mã là một nền văn hoá nam giới coi thường hôn nhân.”59 Nó cũng coi thường phụ nữ, được thể hiện một phần qua tỷ lệ phá thai cao, một con số rất lớn. Phá thai là một việc giết chết rất nhiều người không chỉ trẻ em mà cả phụ nữ trong thời kỳ này. Việc giết trẻ sơ sinh cũng được thực hiện rộng rãi. Trên thực tế, các nhà tư tưởng hàng đầu của thế giới cổ đại—Plato, Aristotle, Cicero—đã khuyến nghị việc giết trẻ sơ sinh là chính sách hợp pháp của nhà nước.60
Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra cống bị tắc do xương nhỏ của trẻ sơ sinh bị vứt xuống cống. Một bài báo giải thích: “Vào thời La Mã, việc trẻ sơ sinh bị giết để kiểm soát sinh sản không phải là chuyện hiếm. Đó không phải là một tội ác, vì trẻ sơ sinh được coi là ‘không hoàn toàn là con người’”61 Hầu hết những đứa trẻ đó là bé gái. Trên thực tế, rất hiếm khi một gia đình La Mã có nhiều hơn một cô con gái. Các nhà sử học đã phát hiện ra một bức thư do một người lính La Mã viết vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên gửi cho người vợ đang mang thai ở quê nhà, nội dung: “Nếu là con trai, hãy để nó sống; nếu là con gái thì đừng chăm sóc nó”62 (để cho nó chết).
Trong bối cảnh này, Giáo hội đứng thế nổi bật vì có quan điểm cao về phụ nữ. Bằng cách cấm phá thai và giết trẻ sơ sinh, Giáo hội cho thấy rằng Kitô giáo trân trọng sự đóng góp của phụ nữ trong việc mang lại sự sống mới cho thế giới, và coi đó là điều đáng được tôn trọng và bảo vệ. Các bé gái không bị ném vào đường cống mà được yêu thương, chăm sóc như các bé trai. Những Kitô hữu đầu tiên không chỉ đơn giản lên án việc phá thai mà còn đưa ra những giải pháp thay thế—giải cứu và nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Chúng ta không bao giờ nên bảo vệ Kitô giáo bằng cách nói rằng đó là truyền thống. Ngay từ đầu, Giáo hội đã đi ngược chiều với truyền thống của thời đó. Ngày nay, cũng như thời cổ đại, việc phá thai và giết trẻ sơ sinh được thực hiện chủ yếu đối với các bé gái. Phá thai vì lý do giới tính đã tạo ra tình trạng dư thừa nam giới ở một số quốc gia, từ Trung Quốc đến Ấn Độ. Các bé gái cũng có nhiều khả năng tử vong vì thiếu hụt dinh dưỡng và bị bỏ rơi. Phụ nữ trưởng thành phải chịu bạo lực và cái chết dưới bàn tay của người chồng và các thành viên khác trong gia đình. Liên Hợp Quốc ước tính có 200 triệu phụ nữ bị mất tích trong thống kê nhân khẩu.
Một số người đã gọi nó là “tội diệt chủng giới tính.”63
Một bộ phim tài liệu về vấn đề này nói, “Câu nói gây nhiều cái chết nhất trên thế giới là, ‘Nó là bé gái.’”64 Thế giới rất cần quan điểm Kinh thánh về giá trị của người phụ nữ.
59. Stark, Rise of Christianity, 117.
60. Luật La Mã cấm việc cho phép một đứa trẻ sơ sinh dị dạng được sống. Sarah Ruden viết, “Luật người La Mã cấm để một đứa trẻ sơ sinh dị dạng thuộc cả hai giới được sống nằm trong Twelve Tables, luật có địa vị gần giống với Hiến phap Hoa Kỳ ngày nay”. Paul among the People: The Apostle Reinterpreted and Reimagined in His Own Time (New York: Image Books, 2010), 109.
61. M. R. Reese, “The Discovery of a Mass Baby Grave under Roman Bathhouse in Ashkelon, Israel,” Ancient Origins, December 4, 2014.
62. See Jo-Ann Shelton, As the Romans Did: A Sourcebook in Roman Social History (Oxford, UK: Oxford University Press, 1998), 28.
63. See Mara Hvistendahl, Unnatural Selection: Choosing Boys Over Girls, and the Consequences of a World Full of Men (New York: PublicAffairs, 2011).
64. See the documentary It’s a Girl, directed by Evan Gray Davis (2012), http://www.itsagirlmovie.com/.
Leave a Reply