Như lịch sử đã cho thấy rõ ràng, khi chúng ta bắt đầu tháo mối dây liên kết giữa hôn nhân, tình dục và con cái, thì chúng ta sẽ tự mình tái định nghĩa cả ba điều trên. Con cái giờ đây chỉ còn là “một nhúm tế bào”. Tình dục chỉ còn là một cuộc truy hoan vô trách nhiệm giữa hai người đồng thuận (ở đây giới tính không còn liên quan). Và hôn nhân chỉ còn là “một con dấu chứng nhận” dành cho đòi hỏi của xã hội và chính quyền, nhằm thể hiện mối quan hệ của một người và sự truy cầu khoái lạc tình dục của người đó.
Và đây là lí do vì sao việc ủng hộ ngừa thai nhân tạo đương nhiên dẫn tới việc bình thường hoá hành vi tình dục đồng tính: vì một khi bạn tách sự “lên đỉnh” ra khỏi sự truyền sinh, thì cần gì việc đạt được cực khoái phải diễn ra trên hai người thuộc hai giới tính khác nhau? Cố tình triệt tiêu mục đích sinh sản của quan hệ tình dục sẽ làm mất đi ý nghĩa tự nhiên và cốt yếu của sự khác biệt phái tính. Khi chúng ta nhận ra điều này, thì chúng ta cũng sẽ phát hiện sự thật đau lòng là người Kitô hữu, trong vô thức, cũng bắt đầu “tình dục đồng tính hoá” hôn nhân khi họ ủng hộ ngừa thai nhân tạo.
Sự thật là, việc hai người nam hay hai người nữ làm gì với bộ phận sinh dục của họ trong phòng kín thì không thể nào có thể được xem là ngang hàng với việc Thiên Chúa mời gọi một nam một nữ hiến thân cho nhau trong hôn nhân: nhằm sinh sản con cái. Nhưng, sự kết hợp của người nam và người nữ có thể bị “hạ giá” xuống còn ngang hàng với “chuyện đó” của các cặp hôn nhân đồng tính, nếu như họ chỉ đơn thuần kết hợp thân xác để truy tìm khoái lạc. Đó cũng chính là điều mà ngừa thai nhân tạo đã làm đối với hôn nhân: nó khiến cho hôn nhân chỉ còn ngang hàng với hoạt động truy hoan của các cặp đồng tính. Do đó, khi các cặp vợ chồng đòi có “quyền” triệt sinh hành vi kết hợp thân xác của mình, thì quả thật chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi những người có xu hướng giao hợp nhưng không truyền sinh (ví dụ quan hệ đồng tính) đòi có “quyền” kết hôn dựa trên cơ sở là “bình đẳng”. Và khi ý nghĩa căn bản của sự khác biệt về cơ quan sinh dục bị che mờ bởi não trạng ngừa thai nhân tạo, thì hoạt động tình dục của những cặp đôi đồng giới hay khác giới cũng chỉ là như nhau, và đó là điều mà những người tham gia phong trào “bình đẳng hôn nhân” đã khăng khăng đòi có cho bằng được.
Bảy mươi hai năm sau quyết định năm 1930 của Giáo hội Anh giáo, Tổng Giám mục Giáo phận Canterbury là Đức cha Rowan Williams đã nhận xét rằng “việc lên kết án tuyệt đối các mối quan hệ đồng tính” thì chẳng có gì đáng kể để dựa vào trong một “giáo hội vốn đã chấp nhận tính hợp pháp của ngừa thai nhân tạo”.13 Ngài đã đúng. Nhưng thay vì chất vấn tính hợp pháp của ngừa thai nhân tạo, ngài lại coi quan hệ đồng tính là điều chắc chắn sẽ đến và đã biện minh cho hành vi đồng tính. Nhưng nếu chúng ta muốn nhất quán về mặt logic, thì buộc ta phải đứng hẳn về một vị trí.
Trong một buổi phỏng vấn vào năm 1984, Đức Giám mục Joseph Ratzinger, sau này là ĐGH Benêdictô XVI, đã dự đoán rằng chúng ta sẽ phải đền trả cho “hậu quả của hoạt động tình dục không còn liên kết với… truyền sinh. Và thật sự, về mặt logic, từ chỗ tình dục không còn liên hệ gì với truyền sinh, giờ đây mọi [hoạt động sinh dục] đều là như nhau… Vì không còn một nguyên nhân khách quan nào để hợp lý hóa nó nữa, tình dục đã tìm kiếm nguyên nhân chủ quan trong việc thoả mãn dục vọng, qua việc đem lại đáp án làm hài lòng người ta nhất”. Kế tiếp, ngài nhận xét rằng con người “đã hoàn toàn tự do trong việc thoả mãn đòi hỏi dục tình của bản thân… Điều đó khiến cho tất cả mọi hành vi thoả mãn tình dục được biến thành “quyền lợi cá nhân”. Từ đó, ngài kết luận, con người đã lên tiếng đòi hỏi quyền được “giải phóng khỏi ách nô lệ của tự nhiên, họ đã đòi cho được cái ‘quyền’ được tùy ý chọn lựa là nam hay nữ theo ý muốn hoặc sở thích của mình”.14
Ai có thể phủ nhận đây là thế giới chúng ta đang sống hôm nay?
13 Rowan D. Williams, “The Body’s Grace,” in Theology and Sexuality: Classic and Contemporary Readings, ed. Eugene F. Rogers, Jr. (London: Blackwell, 2002), p. 320.
14 Joseph Cardinal Ratzinger with Vittorio Messori, The Ratzinger Report (San Francisco: Ignatius Press, 1985), pp. 85, 95.
Leave a Reply