Nhóm người dẫn đầu hoạt động chính trị cho bình quyền phụ nữ trong hành lang (nghị viện) ở Thụy Điển xem việc mang thai hộ giống như hồi phục chế độ nông nô đối với phụ nữ.
The Swedish Women’s Lobby / Nhóm phụ nữ Thụy Điển vận động chính trị phản đối mạnh mẽ việc mang thai hộ. Quan điểm của chúng ta là việc mang thai hộ là một vụ trao đổi thương mại, buôn bán cơ thể phụ nữ và trẻ em, cũng như một sự đe dọa căn bản đến nhân quyền và tính toàn vẹn của thân thể của người nữ.
Việc mang thai hộ hiện bất hợp pháp ở Thụy Điển. Tuy nhiên không có luật nào quy định tình trạng những công dân Thụy Điển nhờ đến những người mang thai hộ ở hải ngoại, rồi con cái của họ đã được đưa về nước. Một vài năm trước, vấn đề này đã được tranh luận và chính phủ Thụy Điển đang xem xét tình trạng mang thai hộ có nên được hợp pháp hóa hay không. Kết quả của cuộc nghiên cứu này sẽ được trình bày trong vài tháng tới.
Năm trước đó, Bộ Y tế – Đạo đứcThụy Điển đã bình luận về đề xuất này. Đa số thành viên thể hiện thái độ tích cực đối với vấn đề mang thai hộ phi lợi nhuận và muốn nó được hợp pháp ở Thụy Điển.
The Swedish Women’s Lobby đã phản ứng lại quan điểm này. Chúng tôi đã bày tỏ lo ngại về sự hiểu biết nông cạn về việc mang thai hộ phi lợi nhuận, cũng như về thực tế là Bộ tư pháp đang tiến hành nghiên cứu. Có một sự thiếu hiểu biết ở đây theo quan điểm nhân quyền của phụ nữ. The Swedish Women’s Lobby đã chủ động tranh luận công khai về vấn đề này và đã viết một vài bức thư gửi cho Bộ tư pháp cũng như Bộ Xã hội và Hội đồng Y khoa – Đạo đức.
Cùng với một vài tổ chức phụ nữ khác , chúng tôi đã phát động chiến dịch Feministiskt nej till surrogatmödraskap (Những người bênh vực bình quyền cho phụ nữ nói Không với việc mang thai hộ). Nhờ chiến dịch này, chúng tôi lập nên một diễn đàn khác dựa trên những lý do về bình quyền của người nữ, tập trung vào sự toàn vẹn của thân thể phụ nữ, chứ không phải quyền của những cặp vợ chồng không con áp đặt vào nhân quyền cơ bản của phụ nữ. Chúng tôi cũng đang làm việc tích cực để gây ảnh hưởng và tham gia các đảng phái chính trị trong vấn đề này.
Mang thai hộ không vì thù lao và mang thai hộ vì lý do thương mại
Không như việc mang thai hộ vì lý do thương mại, những người mang thai hộ không vì lợi lộc, không mong đợi đền bù khi hiến dâng cơ thể của họ. Việc mang thai không vì thù lao dựa trên thiện chí của người phụ nữ, sự sẵn sàng của họ để hy sinh bản thân và việc dâng hiến thân thể của chính họ, các bộ phận có khả năng sinh sản mà không cần bất kỳ lợi nhuận trong toàn bộ thai kỳ. Và cuối cùng, họ sẽ phải cho đi đứa trẻ mà họ đã chín tháng cưu mang.
Kinh nghiệm của các quốc gia cho phép mang thai hộ phi lợi nhuận, chẳng hạn như Anh Quốc, Hà Lan và Hoa Kỳ, cho thấy rằng khi mang thai hộ không vì thù lao được hợp pháp hóa, thì thương mại hóa nó cũng phát sinh từ đó. Thật rất khó để đảm bảo rằng không có thù lao hoặc tiền hối lộ nào dính dáng vào hoặc không áp lực quá đáng nào xảy ra. Những vấn đề này không được quan tâm khi tranh luận công khai và đã không được xem xét cách thích đáng.
Sự bất bình đẳng về diện xã hội và kinh tế là những yếu tố tiên quyết dẫn đến việc khai thác
Phần lớn các trường hợp mang thai hộ thương mại, khách hàng thường đến từ các nước phương Tây và những người mang thai hộ đến từ các nước nghèo, kém phát triển hoặc đang phát triển. Có một sự bất cân bằng về quyền lực giữa người mua và người mang thai hộ. Những người phương Tây nhắm vào tình cảnh kinh tế túng thiếu của các phụ nữ Đông phương và tìm cách để thuê họ đẻ cho một đứa con. Trở thành người mang thai hộ là cách để các phụ nữ trong những tình huống xã hội túng quẫn bán điều mà nhân quyền cơ bản đáng lẽ phải bảo vệ họ khỏi việc mua bán, là chính thân xác của họ.
Để nói về ý chí tự do và khả năng lựa chọn của phụ nữ trong bối cảnh này thì thực sự là vấn đề đầy rắc rối. Một nghiên cứu những bà mẹ mang thai hộ ở Anand, Ấn Độ, tiết lộ rằng 50 phần trăm trong số họ là người mù chữ và nhiều người không thể đọc được hợp đồng mà họ đã ký. Ký kết hợp đồng có nghĩa là ký tên chuyển nhượng quyền sử dụng thân xác của một con người. Những người phụ nữ này phải phụ thuộc vào người khác để đảm bảo rằng họ hiểu các điều khoản trong cam kết và quyền lợi của mình trong quá trình mang thai. Họ thường xuất thân từ những gia đình nghèo và tình huống của họ không cho phép họ có nhiều lựa chọn kiếm mối sinh nhai hoặc có một lựa chọn để sinh sống mà không cần gây tổn thương đến con người toàn vẹn của họ.
Những người mua thường đặt ra yêu cầu về lối sống của người mang thai hộ, chẳng hạn như chế độ ăn uống, những hoạt động thể thao và tình dục. Nô lệ tạm thời là hình ảnh rõ rệt nhất để mô tả cuộc sống của người phụ nữ mang thai hộ, vì người phụ nữ này không còn có quyền quyết định trên cơ thể và lối sống của mình. Cũng thật quan trọng để ghi nhớ rằng những người bảo vệ pháp luật ở các nước phương Tây không giúp những người đẻ thuê ở các quốc gia không được bảo vệ. Khách hàng đến từ các nước nơi mà đẻ thuê là hợp pháp, như Vương quốc Anh và Hà Lan, vẫn còn sử dụng những người đẻ thuê từ nhiều nơi trên thế giới.
Những hậu quả y tế
Những hệ quả của việc thai nghén, cả về mặt thể lý và tâm lý không thể đoán trước được. Mỗi quá trình mang thai là điều độc nhất vô nhị, cũng như mỗi phụ nữ và đứa bé. Tuy nhiên, như chúng ta biết thì mang thai và sinh con là một trong những điều nguy hiểm nhất mà người phụ nữ có khả năng sinh sản muốn dấn thân vào. Quá trình thai nghén không bao giờ là một quá trình miễn khỏi rủi ro. Một vài những rủi ro, ngoại trừ cái chết, như là không kiềm chế được bài tiết (3%), trầm cảm (12,5% ), tiền sản giật (7%), bệnh Graves (6%). Số liệu thông kê đề cập phụ nữ Thụy Điển trong điều kiện sống của Thụy Điển, không phải điều kiện ở Ấn Độ. Những đứa trẻ được mang thai mướn ở Ấn Độ thì thường được sinh bằng cách mổ bởi vì đứa trẻ quá lớn so với người mẹ. Điều này gây thêm những rủi ro phức tạp, cả trong hiện tại và những lần mang thai sau này.
Những quan tâm về luân thường đạo lý
Quyền để đi vào một thỏa thuận với cá nhân khác chưa bao giờ là tuyệt đối. Tham gia ký kết vào một hợp đồng để thực hiện một vụ giết người hoặc bán mình làm nô lệ là điều bị cấm. Tự do trong hợp đồng đó không là tự do tuyệt đối. The Swedish Women’s Lobby xem việc mang thai hộ như là một hợp đồng để làm nô lệ tạm thời, vì người mang thai hộ khước từ quyền của một cơ thể toàn vẹn trong quá trình mang thai. Một hợp đồng như vậy thì không có giá trị vì nền tảng của một hợp đồng là khả năng thi hành hợp đồng ấy. Nếu người mang thai mướn đổi ý của mình thì nó sẽ ra sao? Chẳng lẽ chúng ta sẽ có một cảnh sát và ép buộc người phụ nữ ấy hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng của mình không? Chúng ta có thể từ chối quyền phá thai của cô ấy không? Người mua có thể yêu cầu hoàn lại tiền hoặc bồi thường nếu người phụ nữ ấy không hoàn thành hoặc nếu người ấy bị sẩy thai? Hệ thống tư pháp không thể và không nên ép buộc thực hiện một hợp đồng mà một người phụ nữ đã từ bỏ nhân quyền cơ bản của mình.
Sự thờ ơ về quan điểm nhân quyền trong các cuộc tranh cãi về mang thai hộ.
Khía cạnh xã hội và tính chất mong manh của kinh tế, dù xác thực bao nhiêu, không thể là lý do chính trả lời cho câu hỏi tại sao việc mang thai hộ lại là điều bất hợp pháp. Cho phép mang thai hộ là sử dụng thân thể người phụ nữ và cơ quan sinh sản của họ vì sự vui thích của người khác, gây thiệt hại cho bản thân người phụ nữ ấy.
Chúng ta phải đặt ưu tiên quyền được vẹn toàn của thân thể và nhân quyền lên trên cái gọi là quyền cha mẹ phải có con. Trẻ em luôn có quyền để có cha mẹ, nhưng không có nhân quyền nào nói rằng cha mẹ phải có con. Mỗi đứa trẻ có quyền để không trở thành một thứ hàng hóa trên thị trường. Chúng ta phải từ bỏ quan điểm thị trường tự do có liên quan gì đến việc mang thai hộ khi nó ưu tiên người có tiền mua trong khi các quyền của phụ nữ lại có thể được thương lượng.
The Swedish Women’s Lobby lo ngại về sự phá hủy các quyền cơ bản trong khi ủng hộ mong muốn của một số cá nhân để trở thành cha mẹ trên danh nghĩa sự hoàn thành của cá nhân. Vấn đề mang thai hộ đã được xem xét trong cuộc đối thoại về quyền sinh sản và các biện pháp giúp cha mẹ vô sinh có một đứa con. Nhưng viễn cảnh về nhân quyền là cách hợp lý duy nhất để giải quyết vấn đề này. Chúng ta thấy rằng các nghiên cứu hiện nay ở Thụy Điển đang được tiến hành trong một khung cảnh sai lầm. Do đó, chúng tôi kêu gọi chính phủ Thụy Điển ngăn cấm việc mang thai hộ.
Bênh vực bình quyền phụ nữ trong trong việc mang thai hộ có nghĩa là từ chối quan điểm cho rằng phụ nữ chỉ đơn giản là cái chậu đựng có thể được sử dụng và khả năng sinh sản của họ có thể được mua bán. Quyền để có một thân thể toàn vẹn là một quyền mà không nên được thương lượng dưới bất kỳ hình thức nào của hợp đồng. Bất kể hợp đồng được diễn tả theo cách nào, việc mang thai hộ vẫn là việc mua bán thân thể của người phụ nữ và trẻ em. Các quyền của phụ nữ và trẻ em, không phải là lợi ích của người mua, phải là trọng tâm của các cuộc tranh luận xung quanh việc mang thai hộ.
The Swedish Women’s Lobby (SWL) là một tổ chức chính trị và tôn giáo độc lập bao gồm các tổ chức phụ nữ ở Thụy Điển. Chúng tôi hoạt động để đạt được trọn vẹn những quyền con người cho phụ nữ và một xã hội bình đẳng giới trong Thụy Điển, EU và quốc tế.
Chuyển ngữ từ Surrogacy: a global trade in women’s bodies
Bạn có thể biết thêm về:
– Mang thai hộ và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo
– Thụ tinh nhân tạo và mang thai hộ
Leave a Reply