Sự khôn ngoan ngàn đời của nhân loại đã ý thức rằng có một mối liên hệ giữa sự bình an của tâm hồn với sức khoẻ. “Một tâm trí lành mạnh trong một thân xác khoẻ mạnh” là một tóm tắt của thi sĩ Latinh Juvenal. Còn thi sĩ Francis Thompson đã viết: “Sự thánh thiện là một loại dầu làm cho thân xác yếu đuối trở nên mạnh mẽ.” Và người Áo có câu ngạn ngữ: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn.”
Tuy nhiên, ngày nay y học và khoa tâm thần học đã chứng minh rằng có một mối liên hệ nội tại giữa sự thánh thiện và sức khoẻ. Truyền thống y học của người Pháp tin rằng trong một cuộc thẩm vấn người bệnh sẽ tìm ra thảm kịch trong cuộc sống của bệnh nhân. Gần đây một bác sĩ tâm thần học người Thụy Sĩ đã viết một khảo luận có tên là “Chữa lành những con người”. Đây là một đóng góp cho khoa tâm lý hiện đại và đức tin Kitô giáo. Ông cho rằng những vấn đề thể lý của một người tương ứng với những vấn đề về tinh thần của người ấy và cả hai có liên quan đến vấn đề tâm linh của người ấy. Không thể phục hồi sức khoẻ nếu không có sự phục hồi về luân lý. Và không có sự phục hồi luân lý nếu không có sự canh tân về mặt tâm linh. Như vậy cách cư xử và lối sống là những tác nhân quan trọng quyết định sức khoẻ. Ông cho rằng các triệu chứng bệnh tật có thể là những phản ứng mạnh có tính phòng vệ. Chúng là bất bình thường nếu có liên quan đến các loại bệnh, nhưng lại là bình thường nếu là phản ứng phòng vệ.
Bác sĩ Swain ở Boston đã xác nhận ý tưởng trên qua việc khảo sát 270 trường hợp bệnh nhân được lành bệnh nhờ thoát khỏi nỗi sợ hãi, lo âu và sự báo thù. Ông kết luận rằng 60 phần trăm các trường hợp bị viêm khớp có nguồn gốc từ những xung đột luân lý. Mọi người cũng biết đến kết luận của bác sĩ K.A. Menninger. Ông nhấn mạnh đến ảnh hưởng của tình trạng tâm trí trên chứng bệnh cao huyết áp. Bệnh cao huyết áp là sự bộc lộ về mặt thể lý của sự căng thẳng về mặt luân lý, một sự căng thẳng làm thân xác bị tê liệt. Bác sĩ Alexis Carel nói về việc gia tăng của chứng rối loạn tâm thần trong 100 năm vừa qua. Ông tuyên bố rằng sự gia tăng này có thể là nguy hiểm cho nền văn minh hơn cả các bệnh truyền nhiễm. Các chứng bệnh tâm thần thì nhiều hơn các loại bệnh khác cộng lại. Bác sĩ Tournier cho rằng “Mọi sự rối loạn chức năng và chứng loạn thần kinh có thể liên quan đến một sự trốn chạy bí ẩn vào trong bệnh tật. Dĩ nhiên, đây không có ý nói bệnh tật là tưởng tượng. Nhiều phụ nữ bị chứng bệnh đau nửa đầu mỗi lần họ nhận được lời mời đến thăm bố mẹ chồng của họ.”
Cách đây vài năm, bác sĩ Carl Jung tuyên bố rằng: “Trong 30 năm vừa qua, có nhiều bệnh nhân từ các quốc gia tân tiến đến gặp tối. Trong số các bệnh nhân ở nửa sau của cuộc đời, có nghĩa là từ 35 tuổi trở lên, thì tôi thấy tất cả bọn họ đã không tìm thấy một quan điểm tôn giáo về cuộc sống. Họ mắc bệnh vì đã đánh mất việc thực hành tôn giáo, và không ai trong số họ được lành bệnh nếu không tìm lại được niềm tin tôn giáo.”
Ơn gọi của một bác sĩ không nên bị xem thường. Lý tưởng của bác sĩ không chỉ chữa lành một bệnh nhân bị đau dây thần kinh hay bị ám ảnh, nhưng còn là một người giáo dục, một nhà chính trị, một đại diện cho Thiên Chúa, một triết gia, một nhà thần học, không phải theo nghĩa chịu trách nhiệm hoàn toàn mọi chức năng trên, nhưng đúng hơn là nhận biết rằng mọi bệnh nhân trên đời này, trong mức độ nào đó, bị rối loạn về thể lý, tâm lý và tâm linh.
Có một số kỷ niệm và khát vọng mà chúng ta không ý thức đã tác động trên nhân cách của chúng ta. Một sự lo âu có thể là một hệ thống những kỷ niệm buồn nổi lên trong vô thức và làm nảy sinh nhiều loại triệu chứng. Mỗi người có một nỗi lo âu, may mắn hạnh thay mỗi người không có một nhóm những lo âu.
Sự khác biệt giữa bình an trong tâm hồn và sự bất mãn đến từ loại lo âu mà chúng ta có trong lòng. Sự phân chia lớn nhất là giữa lo âu về những sự đời này và lo âu về sự sống đời đời. Chúa Giêsu nói: “Đừng lo lắng, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,8). Loại lo âu về sự sống đời đời là bình thường vì nó phát sinh từ sự tự do của con người và là kết quả thân phận thụ tạo của chúng ta. Lo âu này là sự thao thức về việc thiếu hạnh phúc tròn đầy, nghĩa là thiếu vắng Thiên Chúa.
Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen; Montfort Phạm Quốc Huyên và Eymard Nguyễn Trọng Tôn chuyển ngữ
Leave a Reply