Cây bút Linda Melone của Tờ báo MSN đã thiếu cân nhắc đến thực tế rằng, nhân loại sẽ đi đến chỗ diệt vong, nếu đọc giả sống theo những điều được viết trong ấn phẩm của cô với tiêu đề “10 lý do bạn không bao giờ nên có con”. Trong ấn phẩm này, cô nêu ra một số dữ liệu biện hộ cho việc giới hạn số con cái trong một gia đình: con số không. Ví dụ, cô ấy cho rằng nếu bạn có con thì “phần lớn đời bạn sẽ tập trung vào mối tương quan với con cái, hơn là dành cho bản thân”. Ôi trời, xin đừng cho phép chuyện đó xảy ra.
Cô ấy còn cho biết rằng nếu bạn không có con, bạn sẽ hưởng lợi về mặt sức khỏe vì “Bạn sẽ không lây nhiễm vi khuẩn do lũ trẻ rước về từ nhà trẻ … Chủ yếu bạn gánh chịu các cơn đau đầu, đau nhức, các triệu chứng như cảm cúm và tiêu chảy”. Về điểm này thì lập luận của cô ấy thoạt nghe có lý. Các con tôi mang virút Ebola về nhà qua những hộp cơm trưa của chúng. Nhưng hệ miễn dịch của bạn lại được tăng cường.
Cô ấy tiếp tục: “Bạn sẽ không bị đau lưng bởi việc bồng bế con cái … bế con ra khỏi ghế xe ô tô và đặt con vào xe đẩy siêu thị sẽ khiến những nhóm cơ chính của bạn suy yếu đi và có thể dẫn đến đau lưng và các chấn thương khác theo thời gian”. Sau cùng, cô ấy hãnh diện vì không có con và tiếp rằng “Bạn có thể yên thân một mình bất cứ lúc nào bạn muốn … Nếu bạn không có thời gian cho bản thân, bạn sẽ đánh mất chính mình”. Cô ấy còn trích lời một chuyên gia: “Không có con có nghĩa là bạn sẽ không đánh mất chính mình. Bạn có thể chơi tennis, tập yoga hoặc làm bất cứ thứ gì bạn muốn mọi lúc”.25
Ấn phẩm trên nghe có vẻ khôi hài, nhưng não trạng này thì rất phổ biến. Sau khi chào đón đứa con thứ ba, tôi đã quay lại chơi thể thao, và rồi một thành viên trên sân bóng rổ chào tôi “Ái chà, lâu quá không gặp!” Tôi nói với anh ta vợ chồng tôi vừa có một bé gái. Vì anh ta biết tôi đã có hai cậu nhóc rồi, nên anh nhìn tôi với vẻ đầy kinh ngạc: “Ba mặt con rồi à!? Giờ ông đã có bé gái, chắc ông bạn chịu chốt sổ rồi chứ, đúng không?” Tôi muốn trả lời, “Vâng, tôi có nếp tẻ đủ cả rồi. Tôi có thể khóa sổ ngay bây giờ”.
Nếu tôi khoe với anh ta rằng chúng tôi vừa mua thêm một chiếc ô-tô thứ ba, tôi chắc rằng hẳn anh ta đã chia vui với chúng tôi rồi. Vậy, tại sao anh ta không nói “Xin chúc mừng ông bạn”?
Lý đó là vì đàn ông đã bị lừa phỉnh bởi quan niệm sai lầm về tự do. Quan niệm sai lầm này nhen nhóm từ những năm tháng còn độc thân, khi một nam thanh niên được khuyên rằng sẽ tốt hơn cho anh nếu anh từ chối cam kết với một người phụ nữ. Thế rồi, sẽ ra sao nếu có ai đó xuất hiện? “Cứ tận hưởng sự tự do đi nhé. Ai lại muốn đeo gông cơ chứ? Chuyện vợ con tính sau. Cứ từ từ”. Khi nam thanh niên đó cam kết gắn bó với một người phụ nữ, rốt cuộc hôn nhân được hiểu như thể là “trò chơi kết thúc”, và người vợ bị xem như “xiềng xích và gông cùm”. Thay vì chủ động, đàn ông thường buông mình rơi vào đời sống hôn nhân sau nhiều tháng hoặc nhiều năm do dự và chung sống như vợ chồng.
Quan điểm sống như thế đã phớt lờ một sự thật rằng sự tự do không phải là cùng đích của cuộc sống. Tự do là một điều tuyệt hảo, nó tồn tại để được cho đi vì yêu. Hãy suy ngẫm về cuộc đời của một người lính: Vì tình yêu dành cho đất nước và gia đình, người lính ấy đã bỏ lại sự tự do đời sống thường dân của chính mình để phục vụ trong quân ngũ. Người lính ấy từ bỏ sự tự do của chính mình để những người khác có thể vui hưởng điều đó. Mẫu người đàn ông như thế không sống trong sợ hãi. Anh ấy có thể tự do sống vì người khác, bởi vì anh ấy không phải là nô lệ của sự ích kỷ. Tự do đích thực đòi hỏi sự không sợ hãi như vậy. Theo lời của G.K. Chesterton, “Phần lớn tự do thời hiện đại khởi nguồn từ sợ hãi. Không phải vì chúng ta quá mạnh dạn để phải khép mình theo các quy tắc; nhưng đúng hơn là chúng ta quá hèn nhát để gánh vác trách nhiệm.”26
Khả năng cho đi chính mình như một món quà là một dấu chỉ không thể nhầm lẫn của một người đàn ông tự do đích thực. Tương tự như vậy, khi một người đàn ông từ bỏ “tự do” của đời độc thân để dâng hiến cho tình yêu cam kết, anh ta khám phá ra điều cốt lõi mà mọi người đàn ông đều biết: Chúng ta khao khát tình yêu hơn chúng ta khao khát tự do. Nếu mưu tìm sự tự do để khỏi cam kết vào một mối quan hệ là mục tiêu của chúng ta, chúng ta sẽ không tìm thấy được tình yêu mà chúng ta được dựng nên để cho đi và lãnh nhận. Như Karol Wojtyła (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II) đã nói, “Khi tình yêu thiếu vắng sự dâng hiến trọn vẹn và sự cam kết cá nhân toàn diện, điều còn lại [không còn là tình yêu mà] sẽ là việc hoàn toàn khước từ và sự phủ nhận nó”.
Nếu một người đàn ông khước từ quan niệm sai lầm về tự do này và đã làm tất cả nhằm phân định anh ta sẽ hẹn hò với ai và khi nào là lúc thích hợp, bước tiếp theo anh cần làm là hành động.
25 Linda Melone, “10 Reasons You Should Never Have Kids,” MSN.com, September 1, 2015.
26 G.K. Chesterson, What’s Wrong with the World (Ignatius Press: San Francisco, 1994).
Leave a Reply