Thần học thân xác của người nữ
Do ảnh hưởng của tội nguyên tổ, một người phụ nữ có thể gạt bỏ bản chất bí ẩn và được tuyển chọn của mình sang một bên để được thỏa mãn nhất thời từ những người cũng thiếu kiên nhẫn như họ. Bởi vì cô ấy không tin rằng mình xứng đáng được theo đuổi, cô ấy bắt đầu theo đuổi. Thay vì chờ đợi để bày tỏ bản thân với người xứng đáng, cô ấy lại phơi bày bản thân mình với những người không có quyền để nhìn thấy cô.
Quá trình này có thể bắt đầu với sự khiếm nhã trong lời nói và cách ăn mặc, nhưng nó thường tiến triển đến các hành vi gợi cảm và khiêu khích tình dục công khai. Một người phụ nữ như vậy có thể cho rằng cô có sự tự tin và quyết đoán, nhưng điều duy nhất cô ấy bộc lộ là sự bất an của mình. Vì không nhận ra giá trị cao quý của bản thân, cô ấy chấp nhận bị đối xử cách thiếu tôn trọng. Có lẽ không nhận ra điều đó, một người phụ nữ đã thẳng thắn nói, cô ấy trở thành “món giải trí biết đi cho đàn ông.”[11]
Đáng buồn thay, các phương tiện truyền thông hiện đại khiến phụ nữ trẻ thấm nhuần thông điệp rằng giá trị của một cô gái được quyết định bởi phản ứng của một chàng trai đối với cô ấy. Thấm nhập thông điệp này, các cô gái thường sử dụng cơ thể của họ như một phương tiện để có được sự khẳng định. Nhất là khi một cô gái không nhận được cảm giác giá trị của mình từ gia đình, cô ấy sẽ tìm kiếm nó ở nơi khác. Một phụ nữ trẻ như vậy thậm chí có thể đi đến chỗ ghét cơ thể mình trong khi vẫn sử dụng nó để tìm kiếm tình yêu. Theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Trong thực tế, điều này không phải là tiếng nói đồng ý cao cả của con người đối với thân xác mình. Ngược lại, họ nhìn thân xác và giới tính chỉ là chất liệu đơn thuần của họ để có thể sử dụng và khai thác tuỳ ý… Việc tôn vinh giả tạo thân xác có thể mau chóng trở thành thù ghét chính thân xác”. [12]
Một sự sụp đổ như vậy không xảy ra ngay lập tức. Các bạn nữ ngày nay lớn lên trong một nền văn hóa khiêu dâm, nơi những con búp bê đồ chơi mặc nội y và các cửa hàng bách hóa bán áo ngực để tập thể thao dành cho học sinh tiểu học. Khi một cô gái bật tivi lên, mọi quảng cáo từ khoai tây chiên đến chất khử mùi đều bị tình dục hóa. Khi cô ấy đi bộ qua trung tâm mua sắm, cô nhìn thấy những cô gái khác cười khúc khích, tự hào vì đang mặc những chiếc áo sơ mi neon màu hồng có dòng chữ “Hustler”*.
Wendy Shalit nhận xét về tác động của hiện tượng này: “Tình dục không còn gì là bí ẩn hay sức mạnh nữa—người ta chỉ nghĩ về mọi thứ đều là tình dục, vì vậy chẳng còn gì là tình dục nữa. Không có gì để chờ đợi, hay ngóng chờ.” Cô ấy tiếp tục, “Một người gần như khỏa thân trước mặt người lạ . . . thì chỉ còn rất ít điều để tiết lộ với người yêu.”[13]
Trong khi nhiều phụ nữ chọn con đường sai lầm khi bộc lộ quá nhiều những gì nên giữ bí mật, thì những người khác lại cảm thấy bị phơi bày trái với ý muốn của họ. Qua việc bị phiền nhiễu và lạm dụng tình dục, một người phụ nữ có thể cảm thấy như thể mầu nhiệm mà cô ấy sở hữu đã bị chà đạp. Có lẽ không có từ nào diễn tả cảm giác của cô ấy tốt hơn là “bị xâm phạm”. Nó như thể một gã say rượu khả ố cách nào đó bước vào Nơi Chí Thánh. Anh ta không đáng được bước vào chốn thánh thiêng đó. Anh không có chút quyền hành nào để làm vậy. Nhưng bất chấp sự báng bổ của những gì anh ta đã làm, nơi thánh thiêng nhất của cung thánh sẽ không mất đi chút phẩm giá nào của nó. Giá trị của nó vẫn còn.
Khi bí mật về những điều thân mật sâu kín nhất của một người phụ nữ bị chiếm đoạt bằng vũ lực hoặc sự dụ dỗ, cô ấy có thể cho rằng mình không còn gì để cho đi, và cô ấy có thể bắt đầu hành động theo cảm giác đó. Điều cô có thể không nhận ra là cô chưa tiết lộ bản thân với bất kỳ ai. Món quà đã không được trao ban, bởi vì điều này cần sự đồng ý hoàn toàn của cô ấy. Cô ấy vẫn còn bản thân mình để trao đi. Tuy nhiên, để cho và nhận tình yêu, cô ấy phải nhận ra rằng mình không đánh mất phẩm giá của một người phụ nữ. Thay vì vậy, kẻ xâm phạm cô ấy đồng thời đã xâm phạm phẩm giá của chính mình như một người nam.
*Hustler là một tạp chí khiêu dâm dành cho đàn ông hướng tới các hoạt động tính dục khác giới.
[12]Deus Caritas Est, 5.
[13]Wendy Shalit, A Return to Modesty (New York: Touchstone, 2000), 175.
Leave a Reply