Nếu con người chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên của các tế bào, như thuyết nhân vị khẳng định, sao ta không trộn lẫn các tế bào từ các loài khác, tạo ra các giống lai giữa người và động vật? Những người theo chủ nghĩa siêu nhân học (transhumanists) cho rằng không có rào cản đạo đức nào đối với việc ghép DNA động vật vào DNA con người. Những công nghệ chuyển gen (transgenic) này (transgenic có nghĩa là “giữa các loài”) đang được đề xuất như một phương tiện nhằm nâng cao khả năng của con người và tạo ra một chủng tộc hậu nhân loại.
Những công nghệ tương tự cũng có thể được sử dụng để nâng cao khả năng của động vật. Nhà tương lai học James Hughes ủng hộ cái mà ông gọi là “nâng cao tinh thần” tinh tinh về mặt di truyền để mang lại cho chúng khả năng trí tuệ của con người – không phải vì điều đó tốt cho tinh tinh mà vì nó chứng minh rằng chúng xứng đáng có địa vị pháp lý của nhân vị. Hughes nói, “Nhân vị không nhất thiết phải là con người, và không phải tất cả con người đều là nhân vị”50 – điều này cho thấy khái niệm thế tục về nhân vị đã trở nên mơ hồ và không có ranh giới rõ ràng chừng nào.
Sử dụng một phép ẩn dụ văn học, nhà sinh vật học Thomas Eisner nói rằng một loài không phải là “một tập sách đóng bìa cứng của thư viện tự nhiên”, trái lại đó là “như một cuốn sách rời, với những trang giấy riêng lẻ, gen cũng có thể được chuyển giao và biến thể theo cách có chọn lọc”.51
Ẩn dụ này bày tỏ rất nhiều nghĩa. Nó gợi ý rằng nếu Sổ Trường Sinh không có tác giả, thì không có cơ sở để coi các sinh vật là một tổng thể thống nhất. Khi tác giả kể một câu chuyện, tất cả các phân đoạn đều được liên kết với nhau theo một chủ đề thống nhất. Nhưng nếu cuộc sống là một sự ngẫu nhiên được tạo ra bởi các lực lượng vật chất mù quáng, thì các sinh vật có thể được coi là những tập hợp gen ngẫu nhiên và các bộ phận phụ tùng khác được trộn lẫn và kết hợp theo ý muốn. Nếu con người không có gì đặc biệt thì tại sao không ghép gen của động vật và gen của con người lại với nhau để tạo ra một chủng tộc hậu nhân loại?
Nhà phôi học Brian Goodwin giải thích giả định thúc đẩy tất cả các viễn tượng tương lai này là tuyên bố của Darwin: không có thứ gọi là giống loài. Hầu hết mọi người không nhận ra học thuyết Darwin nghiệm cho cùng, phủ nhận rằng thực tại các loài. Thuyết này nói quá trình tiến hóa tiến hành thông qua một chuỗi liên tục những thay đổi nhỏ nơi những cá thể. Những gì có vẻ là loài chỉ đơn thuần là những nhóm tạm thời trong quần thể luôn thay đổi của các sinh vật đang tiến hóa, các dòng xoáy trong dòng di truyền. (Thật trớ trêu khi tác phẩm chính của Darwin lại có tên là Nguồn gốc các loài trong khi trên thực tế ông đã phủ nhận tính thực tế của các loài.)
Ý nghĩa của nó là gì? Vì giả định rằng không có loài nào, Goodwin giải thích, “chúng ta đã đánh mất ngay cả khái niệm về bản chất con người”. Không có địa vị đặc biệt nào được gán cho con người – bởi vì không có giống người. Kết quả là, “cuộc sống trở thành một tập hợp các bộ phận, hàng hóa có thể được dịch chuyển nơi này nơi kia” để phù hợp với tầm nhìn của một số nhà di truyền học về sự tiến bộ.52 Không còn gì để cản trở sự tự do tái tạo lại chính bản chất con người.
Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết, đối với những người theo chủ nghĩa thế tục, thì không có “sự thật nào về sự sáng tạo cần phải được thừa nhận, hay một kế hoạch nào của Thiên Chúa cho sự sống để phải tôn trọng”. Kết quả là, “mọi thứ đều có thể thương lượng, mọi thứ đều có thể mặc cả.”53 Cả nhân tính cũng không còn gì để gọi là bất khả xâm phạm.
Khi kế hoạch của Chúa được tôn trọng, nghiên cứu di truyền có thể là một công cụ mang lại lợi ích to lớn. Trong thế giới quan Kitô giáo, nghiên cứu di truyền có thể được theo đuổi với cùng động cơ mà chúng ta theo đuổi các hình thức nghiên cứu khoa học khác. Khoa học là một phương tiện để hoàn thành sứ mệnh văn hóa tổ tiên đầu tiên của chúng ta đã được trao ban là “thống trị mặt đất” bằng cách khám phá các quy luật tự nhiên và phát triển tiềm năng của nó. Chúng ta có quyền tự do sáng tạo và phát minh bao lâu chúng ta không vi phạm phẩm giá con người. Nhiều nhà sử học cho rằng chính Kitô giáo đã châm ngòi cho cuộc cách mạng khoa học ngay từ đầu. Chẳng hạn như khoa học đòi hỏi phải có niềm tin chắc chắn rằng thiên nhiên có một trật tự của lý lẽ bởi vì nó được tạo ra bởi một Tâm trí có lý trí.54
Khoa học cũng có thể là một phương tiện để khắc phục hậu quả của tội tổ tông, sửa chữa những tổn thương của tội và phục hồi tình trạng ban đầu của chúng ta. Y học di truyền, giống như các dạng y học khác, nhằm mục đích giảm bớt những đau khổ mà sự sa ngã Ađam và Evà đã gây nên và phục hồi cuộc sống lành mạnh, toàn diện mà Thiên Chúa đã dự định thuở ban đầu khi tạo dựng nên loài người.55
50. Cited in Wesley Smith, “Biohazards: Advances in Biological Science Raise Troubling Questions about What It Means to Be Human,” San Francisco Chronicle, November 6, 2005.
51. Cited in E. O. Wilson, The Diversity of Life (New York: Norton, 1992, 1999), 302.
52. David King, “An Interview with Professor Brian Goodwin,” GenEthics News 11 (March/April 1996): 6–8. Goodwin is the author of How the Leopard Changed Its Spots (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1994, 2001).
53. John Paul II, Evangelium vitae, §19, 20.
54. Tôi đã viết về điều này và nhiều cách khác mà các giả định của Kitô giáo đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học hiện đại trong The Soul of Science, đặc biệt chương 1.
55. See my book The Soul of Science; also Nancy Pearcey, “Technology, History, and Worldview,” Genetic Ethics: Do the Ends Justify the Genes? ed. John F. Kilner, Rebecca D. Pentz, and Frank E. Young (Grand Rapids: Eerdmans, 1997).
Leave a Reply