Đây là bài viết về chấn thương sau phá thai. Mục đích của bài viết này và mục đích trongsach.com đã chọn để dịch, không là kết án nhưng là để khơi dậy lòng trắc ẩn nhờ hiểu biết về hệ quả của việc phá thai. Project Rachel mà Vickie Thorn đã sáng lập chưa có ở Viêt Nam. Rất hy vọng rằng một ngày nào đó gần đây, chúng ta sẽ có nhiều hơn những cơ quan giúp đỡ những người đang trải nghiệm chấn thương sau phá thai.
Karen, 23 tuổi, xong đại học năm ngoái và tìm được một công việc cô ước mơ trong ngành nghệ thuật đồ họa. Cô có một việc làm đòi hỏi sự sáng tạo và thách thức. Karen xinh đẹp và có nhiều bạn nên cô thường được mời tới tiệc tùng nơi cô làm. Cô đáng lẽ phải vui mừng và phấn khởi vì cuối cùng, cuộc đời của cô đang bắt đầu như cô đã lên kế hoạch cách chu đáo. Nhưng cô lại cảm thấy chết điếng và nhàm chán bên trong. Cô đáp ứng với những đòi hỏi của công việc nhưng nó không đem đến cho cô niềm vui mà cô nghĩ nó phải có. Cô cảm thấy xa vời với những toại nguyện của nó. Cô không cảm thấy mình sáng tạo như đã từng có lần như thế và không hiểu nỗi buồn rầu chán ngắt xa thẳm cô cảm nhận bất kể những thành đạt của cô.
Karen đã một lần phá thai trong đại học. Cô nghĩ mối quan hệ của cô với người bạn trai là mối quan hệ vững chắc nhưng khi cô nói với anh cô có bầu, anh ấy rõ ràng không vui mừng như cô. Anh ấy bảo quyết định là tùy thuộc vào cô, nhưng anh sẽ trả tiền cho việc phá thai. Cô cảm nhận sự thiếu dấn thân của anh đối với cô và đứa bé và đã quyết định phá thai. Hai người bạn chung phòng của cô đã kinh qua việc phá thai và sau đó họ dường như vẫn không sao. Có gì sai lầm với cô mà cô lại cảm thấy quá trầm cảm về điều này?
Câu chuyện của Karen được lặp đi lặp lại hằng ngày trong khuôn viên đại học và trung học trên toàn quốc. Từ khi phá thai được hợp pháp hóa trong quyết định của Roe và Wade năm 1973, khoảng 28 triệu người nữ trong nước Mỹ đã phá thai một hay nhiều lần hơn . Những người nữ này gặp phải thách thức và căng thẳng bởi những tình huống bao quanh việc mang thai, những người họ thường cậy dựa để có sự hỗ trợ trong tình huống khó khăn, đã không sẵn lòng hoặc không thể giúp khi họ gặp khó khăn khi mang thai. Bạn trai, ngay cả người chồng, nói họ không “sẵn sàng để làm cha.” Một người nữ khi thiếu sự sẵn lòng hỗ trợ và khuyến khích của người cha để dưỡng nuôi đứa bé, thì dễ chọn việc phá thai hơn.
Xã hội nói với những người nữ trẻ như Karen rằng phá thai sẽ giải quyết vấn đề của họ. Xã hội không nói gì về những vấn đề mà phá thai gây nên. Những người ủng hộ phá thai cho rằng nó chỉ là một phương thức đơn giản không có ảnh hưởng lâu dài. Và người nữ có kinh nghiệm về nó không hề lên tiếng, chắc chắn là không công khai, rằng phá thai đã thay đổi đời sống của họ đến chỗ tồi tệ hơn. Họ cảm thấy xấu hổ về phá thai và xấu hổ về sự bất lực của họ để “chỉ đối phó với việc phá thai” mà họ nghĩ những người nữ khác đã có thể đối phó. Vì thế sự lừa dối cứ tiếp tục.
Nhưng nếu xã hội phủ nhận sự mất mát của người mẹ, thân xác của cô không quên điều đó. Chúa chuẩn bị người nữ về tâm lý và thể lý cho việc làm mẹ. Khi một người nữ có thai, cô cảm thấy sự khác biệt. Trong vài ngày sau khi thụ thai ngay cả trước khi phôi thai cắm mình vào vách tử cung, một hoóc-môn gọi là “yếu tố sớm của thai nghén’ được tìm thấy trong máu của cô, đánh thức những tế bào của thân thể cô về việc mang thai. Thân xác cô lúc này thèm muốn những thứ thức ăn khác, cô có thể cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Những tế bào mới bắt đầu phát triển trong vú của cô, các tế bào mà sẽ trưởng thành và tiết ra sữa đặc biệt chế tạo cho nhu cầu của bé sơ sinh. Cô bắt đầu nghĩ về “em bé”. Cô bắt đầu để ý đến những em bé trên đường phố, trong các cửa tiệm, trên tivi. Cô có thể mơ về đứa bé của cô ban đêm và mơ tưởng về bé ban ngày. Tên của bé là gì? Bé sẽ trông ra sao?
Nhưng nếu cô muốn phá thai, cô phải cố gắng để ngăn chặn quá trình này. Cô phải khước từ tình cảm người mẹ xâm nhập vào ý thức của mình. Cô phải tin rằng cái ở bên trong cô không trọn vẹn là một đứa bé. Cô phải ngăn chặn quá trình để nghĩ về đứa con của cô như là “con của cô.”
Nhưng mặc dù tâm trí cô nghĩ một điều, đời sống cảm xúc và những tế bào của cơ thể cô lại nói điều khác. Nếu cô phá thai, chính các tế bào của cô nhớ đến bào thai và biết rằng quá trình thay đổi đang diễn ra bị ngăn chặn theo cách trái tự nhiên. Thân thể của cô và cảm xúc của cô nói với cô rằng cô là người mẹ mà đã mất đứa bé. Vì thế, không ngạc nhiên là sau khi phá thai, một nỗi đau thương bắt đầu trồi lên từ những nơi thẳm sâu trong trái tim cô. Cô có sự mất mát cần than khóc nhưng cô không thể cho phép cô than khóc. Sự than khóc đòi hỏi cô thừa nhận với chính mình là một đứa bé đã bị giết trong vụ phá thai và cô cũng có trách nhiệm cho cái chết của đứa bé. Đây là một gánh rất nặng và vì thế, cô phải cậy dựa vào sự từ chối để đối phó, “nó không phải là một đứa bé nên tôi không có gì phải than khóc hoặc cảm thấy bứt rứt,” và sự từ chối về nỗi đau trong trái tim cô. Cô biện luận: “Tôi nên cảm thấy không sao về điều này. Mọi người đều làm nó. Tôi không nên cảm nghĩ theo lối này hay nghĩ về việc phá thai.”
Phá thai là một trải nghiệm cực kỳ trái tự nhiên đối với thân thể người nữ và bản năng làm mẹ của cô. Những phản ứng tiêu cực là điều sẽ xảy đến và không lệ thuộc vào niềm tin tôn giáo của một người hay sức khỏe tâm lý chung của người ấy. Đúng là những người nữ và nam có vấn đề về tâm lý trước đó hoặc có niềm tin tôn giáo vững mạnh thì dễ bị tổn thương hơn về hệ quả sau việc phá thai, tuy nhiên trong cuộc phá thai, hệ quả xảy đến cho mọi người nữ. Trong một nghiên cứu do Anne Speckhard, Ph.D, 85% phụ nữ cho biết họ ngạc nhiên về phản ứng cảm xúc của họ sau phá thai. Những phản ứng này bao gồm sự khó chịu đối với trẻ em, cảm giác bản thân có giá trị thấp, cảm giác bứt rứt lương tâm, cảm giác tức giận, trầm cảm, đau buồn, tăng dùng rượu, khóc, không có khả năng để giáo tiếp và ý muốn tự tử. Tuy nhiên 72% của những người này không theo một tôn giáo rõ ràng nào tại thời điểm phá thai.
Phản ứng sau phá thai thì cụ thể và có thể nhận dạng được. Chúng phát xuất chính yếu từ vấn đề từ chối và đè nén cảm xúc. Khi chúng ta đè nén một trong những cảm xúc của ta, điều này gây ảnh hưởng đến tất cả. Đây là điều cơ bản của chấn thương sau phá thai: việc từ chối đứa bé và từ chối cảm xúc của mình. Điều này gây nên những triệu chứng như hồi tưởng, tránh né và đau buồn do việc mất mát khi phá thai.
Hồi tưởng: chấn thương phá thai có thể được hồi tưởng qua nhiều cách. Một số người nữ cảm nghiệm hồi ức và những hình ảnh hồi tưởng lại phá thai và những giấc mơ về thai nhi. Một số cảm nghiệm căng thẳng tâm lý mạnh mẽ từ những người hay vật nhắc nhở họ về việc phá thai, chẳng hạn như nhìn thấy người nữ có thai hoặc khi đi ngang qua viện phá thai. Sự buồn đau và trầm cảm dữ dội có thể xảy ra vào những ngày kỷ niệm cuộc phá thai hoặc ngày dự đoán là đứa bé sẽ sinh ra.
Có nhiều ví dụ về hồi tưởng. Một số phụ nữ tôi đã trị liệu gặp khó khăn khi phải khám cổ tử cung hoặc đi vào bệnh viện. Những biến cố này gây bồn chồn đến nỗi họ không thể chịu đựng nổi. Nhiều người phụ nữ tôi biết có ác mộng về chuyện phá thai của họ hoặc về đứa bé. Một nghiên cứu rộng lớn ở Phần Lan kiểm tra tất cả mọi vụ tự tử giữa những người phụ nữ trong giai đoạn 8 năm tìm thấy rằng những người nữ đã có phá thai tự tử gấp ba lần so với tỷ lệ dân số nói chung và hơn gần 6 lần tỷ lệ của những người đã sinh con.
Những trung tâm bảo vệ sự sống có dịch vụ cho thai nghén báo cáo rằng nhiều phụ nữ đi vào trung tâm thai nghén lần nữa vào ngày kỷ niệm cuộc phá thai hoặc ngày sinh nhật của đứa bé bị hủy thai. Đây có lẽ là một cố gắng để đối mặt với sự buồn sầu trong những ngày này. Một cuộc khảo sát 83 người nữ sau phá thai thực hiện bởi Kathleen Franco, M.D. của Đại học Y Tế ở Ohio minh họa sự phổ biến của vấn đề phản ứng trong ngày kỷ niệm. Ba mươi người đã cảm nghiệm những phản ứng về thể lý hoặc cảm xúc ngày kỷ niệm phá thai hoặc ngày đứa bé đáng lẽ sinh ra. Những phản ứng này bao gồm những vấn đề như những ý nghĩ về tự tử, nhức đầu, những triệu chứng tim mạch, lo âu, lạm dụng rượu và ma túy, hoặc hành hạ, gây khủng bố, gây tổn thương con cái họ bằng lời nói.
Phụ nữ cũng cảm nghiệm những triệu chứng tránh né. Những triệu chứng này bao gồm tránh bất cứ việc gì liên quan đến chấn thương phá thai hoặc làm tê liệt những phản ứng hiện diện trước khi phá thai. Điều này bao gồm những nỗ lực để tránh né hoặc phủ nhận những ý tưởng hoặc cảm nghĩ liên quan đến phá thai; những nỗ lực để tránh né những hành vi, tình huống hoặc những thông tin mà có thể gây nên sự tưởng nhớ đến phá thai; không thể hồi tưởng trải nghiệm phá thai hoặc khía cạnh quan trọng của việc phá thai. Những triệu chứng quan trọng khác bao gồm giảm sút rất nhiều niềm vui thích trong những hoạt động quan trọng, cảm giác tách biệt hoặc ghẻ lạnh từ những người khác, rút lui khỏi những mối quan hệ hoặc giảm sút trong giao tiếp. Một vài người nữ đã giới hạn một dãy những âu yếm chẳng hạn như không có khả năng để có những cảm giác yêu thương hoặc dịu dàng.
Karen, người chúng tôi gặp ở đầu bài viết này, là một ví dụ của những vấn đề phát xuất từ sự tránh né. Mặc dù cô có công việc tốt và một lối sống hạnh phúc, nhưng vì cô không cho phép cảm giác đau buồn và bứt rứt đi vào ý thức của cô, cô không thể cảm nghiệm trọn vẹn những khả năng cảm giác của cô. Cô cần cảnh giác để không nghĩ về việc phá thai của cô. Như thường xảy ra, không bao lâu sau việc phá thai, mối quan hệ với người bạn trai kết thúc. Cô không còn có thể gắn bó với anh ấy nữa. Những người nữ đã trải nghiệm phá thai có thể được phân loại như sau: 1) những người gánh chịu những phản ứng sau phá thai theo định kỳ gay gắt hoặc kinh niên; và 2) những người hiện giờ không có những vấn đề có thể nhận định được nhưng có nguy cơ về “thời gian căng thẳng” trong tương lai (chẳng hạn như khi có thai nghén, khủng hoảng trong cuộc sống, có người thân qua đời). Phản ứng có thể là kịch liệt hoặc nhẹ và chúng có thể thay đổi trong quãng đời của một người.
Đáng buồn là nhiều người nữ không tìm kiếm sự giúp đỡ về những vấn đề liên quan đến phá thai sau mãi 5, 10 đến 12 năm sau khi phá thai. Trong thời gian chính giữa này, họ có thể phải chịu đựng cách sâu sắc khi một số triệu chứng này có thể tái phát theo chu kỳ. Nhiều phương pháp khác nhau có thể được thử nghiệm để đối phó với hậu quả đau đớn: rượu, thuốc kê toa và thuốc (phiện để giảm đau) bất hợp pháp, sống bừa bãi, hoạt động quá sức, trừng phạt bản thân bằng việc ở lại trong mối quan hệ bị lạm dụng hoặc phát triển chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như thế. Những người khác có thể tìm cách để thay thế đứa bé đã mất bằng việc có thai lần nữa; và những người diễn lại cả việc mang thai và phá thai, hy vọng để làm cho trải nghiệm trở thành thói quen và không gây tổn thương (hoặc để trừng phạt bản thân). Thật không may, mỗi một những chiến lược này tạo thêm những đau đớn và vấn đề.
Đôi khi phản ứng với việc phá thai bị trì hoãn rất lâu. Khi chúng ta càng trưởng thành và có cơ hội để suy tư về cuộc đời của mình, chúng ta có thể hối hận về những quyết định trong quá khứ. Những nhà tư vấn đôi khi gặp những phụ nữ cao tuổi bị đè bẹp bởi những đau buồn vì mất đứa bé qua phá thai đã xảy ra nhiều thập kỷ trước đó, nỗi đau buồn đã bị chôn vùi, với chút thành công, mãi đến lúc ấy. Một người bạn gần đây nói với tôi về một người phụ nữ 75 tuổi cô biết, khóc không thể ngăn được về vụ phá thai xảy ra hơn 50 năm về trước. Bà đã không thể có thêm con và phải đối mặt với việc sống những năm sức khỏe sút kém một mình.
Xấp xỉ hơn ¼ phụ nữ (tuổi 15 trở lên) trong nước Mỹ đã trải qua việc phá thai. Phụ nữ và tất cả mọi người liên quan đến quyết định phá thai, phải tin, hoặc cố để tin rằng không có sự sống con người trong dạ mẹ. Thừa nhận điều này là thừa nhận đồng lõa trong việc giết một mạng sống vô tội. Ra bản án cho thai nhi phải chết có nghĩa là kết án chính họ, hoặc người vợ, đứa con gái, người chị hoặc người bạn họ thương yêu. Vì thế, xã hội khước từ để nhận những sự thật không thể chối cãi được về sự sống con người trước khi ra đời.
Nhiều người gần gũi với người nữ trong khủng hoảng thai nghén không cảm thấy an lòng với quyết định phá thai, nhưng họ không biết nói gì. Họ muốn hỗ trợ và không lên án, vì thế họ nói điều như, “Con ở trong một tình huống rất khó khăn và ba mẹ sẽ hỗ trợ con với bất cứ quyết định nào con làm.” Câu trả lời đem hỗ trợ, nhưng câu trả lời đúng phải là, “Đừng phá thai. Ba mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi con. Cùng nhau, chúng ta sẽ tìm cách để con sinh và nuôi đứa bé này.”
Một câu chuyện thật sẽ minh họa cách phá thai gây tổn thương đến những người ngoài em bé và người mẹ như thế nào. Joanne và Rob (không là tên thật của họ) cưới nhau và có con. Rob bị mất việc và họ chẳng bao lâu tiêu hết tiền khi Joanne mang thai. Joanne nghĩ cô nên phá thai. Rob liên tục van nài vợ đừng phá thai. Joanne cảm thấy rất mâu thuẫn và quyết định tìm lời khuyên từ mẹ cô, người cô nghĩ là một người Công giáo tốt và là người cô ngưỡng mộ.
Mẹ của Joanne chú ý lắng nghe và với giọng đầy cảm thông nói, “Mẹ hiểu điều con đang cảm nghiệm và lý do con muốn phá thai. Mẹ cũng nghĩ về việc phá thai trong một số những lần thai nghén của mẹ và mẹ có thể thấy tại sao con cảm thấy phá thai có lý trong tình huống này. Mẹ sẽ ủng hộ bất cứ điều gì con quyết định.”
Joanne cảm thấy mẹ cô cho phép cô phá thai nên cô làm điều đó. Chẳng lâu sau đó, Rob có công việc mới, tình cảnh tài chính của họ tốt hơn và Joanne lâm vào một phản ứng mạnh mẽ về đau buồn, lo sợ, bứt rứt lương tâm đòi hỏi sự chăm sóc tâm thần liên tục. Cô rất tức giận, không vì chồng cô – người kháng cự việc phá thai, nhưng là mẹ cô, người cô ước gì đã ngăn cản cô. Việc phá thai ảnh hưởng hết cả gia đình – mối quan hệ hôn nhân, những đứa con khác biết là người anh/chị/em đã bị phá thai, mối quan hệ với mẹ cô và những người họ hàng khác đã biết hoặc đã đoán. Rob cảm thấy bất lực, không thể bảo vệ sự sống của đứa bé của anh và cảm thấy Joanne đã mất tin tưởng vào khả năng của anh để cung cấp cho gia đình. Việc phá thai đã dạy tất cả họ rằng gia đình này không là nơi an toàn và không gần gũi như họ nghĩ. Họ đã cho phép việc hiến tế một thành viên trong gia đình hơn là sẵn lòng giúp đỡ nhau bằng việc cho mượn tiền hoặc những trợ giúp khác. Việc phá thai đánh vỡ sự an toàn của gia đình cách vĩnh viễn hơn là những khó khăn tài chính có thể gây nên.
Giáo hội Công giáo đã luôn xác nhận ảnh hưởng của việc phá thai trên người nữ và gia đình của họ. Trong khi luật lệ và xã hội thường đối chọi những quan tâm của người mẹ với lợi ích của thai nhi, Giáo hội nhận thức rằng những lợi ích tốt lành nhất của họ thì gắn kết với nhau. Điều tốt nhất cho đứa bé cũng là điều tốt nhất cho người mẹ.
Project Rachel bắt đầu hơn 15 năm trước đây như là một nỗ lực của Giáo hội Công giáo đến với những người nữ, nam và gia đình mà đã bị ảnh hưởng bởi việc phá thai. Giáo hội là nơi chữa lành. Giáo hội nói sự thật về phá thai với người nam nữ đang nghĩ về việc này. “Đừng làm nó! Đây là một điều sai lầm khi thực hiện và nó sẽ gây tổn thương cho bạn và cho đứa bé,” và Giáo hội cũng nói sự thật trọn vẹn: “Nếu bạn đã có liên quan đến việc phá thai, lòng thương xót của Chúa thì rộng lớn để tha thứ cho điều đó.” Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta ơn tha thứ và chữa lành. Ngài trao ban niềm hy vọng và lời hứa phục sinh và việc đoàn tụ với đứa bé đang chờ đón cha mẹ nó trên thiên đàng.
Những người gọi đến Project Rachel được cung cấp sự giới thiệu đến những tư vấn chuyên nghiệp hoặc các vị linh mục đã được huấn luyện đặc biệt cho việc hướng dẫn thiêng liêng và bí tích Giải tội. Nhưng đơn giản là mọi người trong Giáo hội là một phần của Project Rachel. Mọi người là một phần của mục vụ chữa lành của Chúa Kitô. Bạn có thể biết ai đó bạn nghĩ đã trải nghiệm việc phá thai. Bạn không bao giờ kết tội hay đối đầu. Một lời đơn giản sẽ chạm đến trái tim họ và giải thoát họ khỏi sợ hãi và cô lập và có thể bắt đầu quá trình chữa lành.
Bạn có thể nói lời như, “Tôi vừa đọc bài viết này về chấn thương sau phá thai. Bài nói rằng những người nữ và người nam đã trải nghiệm phá thai có thể gánh chịu nhiều năm sự ân hận, trầm cảm, bồn chồn, ác mộng và lo lắng về quyết định của họ. Nhiều trong số họ nghĩ là có sự gì đó sai lầm với họ nhưng trong thực tế họ đang gánh chịu đau khổ về việc mất đứa bé của họ.” Bạn có thể tiếp tục giải nghĩa rằng Giáo hội có mục vụ Project Rachel để chữa lành. Chỉ đơn giản đưa thông tin này có thể giúp đỡ họ. Hãy cầu nguyện là họ cuối cùng sẽ tỏ lộ với ai đó. Trong một ‘lời đặc biệt với những người nữ đã trải nghiệm phá thai’ trong Thông Điệp Tin Mừng của Sự Sống, ĐTC Gioan Phaolô II giải nghĩa cách mà đời sống của họ có thể được biến đổi nhờ mục vụ chữa lành của Giáo hội.
Bạn sẽ đi đến sự hiểu biết rằng không có sự gì là mất đi vĩnh viễn và bạn cũng có thể xin ơn tha thứ từ đứa con của bạn, đứa bé mà bây giờ đang ở với Chúa. Với sự giúp đỡ và tư vấn thân thiện và chuyên nghiệp của người khác, và vì trải nghiệm đau thương của chính bạn, bạn có thể là người bảo vệ hùng hồn nhất về quyền sống của mọi người. Qua quyết tâm bảo vệ sự sống, hoặc là đón nhận những đứa con khác, hoặc là đón nhận và chăm nom cho những người cần ai đó gần gũi với họ lúc này, bạn sẽ trở thành người quảng bá một lối mới để hiểu về sự sống con người.
Chuyển ngữ từ After The Abortion
Leave a Reply