Khi con người rèn luyện đức khiết tịnh, thì họ đã được chuẩn bị cho đòi hỏi về khiết tịnh trong hôn nhân. Đây có thể là một ý niệm rối rắm vì từ “khiết tịnh” hay bị nhầm lẫn với “tiết dục”. Trong khi tiết dục là sự vắng bóng tình dục, thì khiết tịnh lại là sự sử dụng chính đáng món quà tính dục, tùy thuộc vào bậc sống của mỗi người trong đời. Vì vậy, đối với một người độc thân, nó đòi hỏi sự trung tín, con tim thanh sạch, lòng tôn kính đối với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho tính dục và thậm chí là tiết dục tùy theo thời điểm.
Khi người ta rèn luyện đức khiết tịnh trước hôn nhân, điều đó không những huấn luyện họ trong sự trung tín, mà còn dạy cho họ biết tiết dục cũng có thể là sự biểu lộ tình yêu. Tuy nhiên, khi nhân đức này không được thiết lập trước hôn nhân, thì tình yêu hợp hôn khiết tịnh có thể đem lại cảm giác như một gánh nặng quá mức.
Dù bạn có thích điều này hay không đi nữa, thì tiết dục luôn là một phần của hôn nhân. Đôi khi, sự tiết dục cần phải được tập luyện đến một cấp độ anh hùng. Ví dụ, hãy xem một người bạn của tôi. Khi vợ anh ta còn là thiếu nữ, cô ấy đã từng bị lạm dụng tình dục. Sau khi kết hôn được 10 năm, kí ức đen tối kia bắt đầu tái hiến. Những hiện ảnh bắt đầu dày vò cô ấy, và cô nói với anh ta rằng cô không thể ân ái với anh trong lúc cô đang phải xử lý hết những cảm xúc và kí ức gây đau khổ kia. Là một người biết cảm thông, anh đoan hứa với cô rằng họ sẽ cùng nhau vượt qua chuyện này, cùng lúc đó cô ấy cũng đi tìm chuyên gia tư vấn. Một tuần tiết dục trôi qua, rồi sau đó là một tháng, và tới tận sáu tháng.
Đến lúc này, người chồng đang phải vật lộn với Thiên Chúa vì hoàn cảnh của mình, anh ta nghĩ rằng: “Lạy Chúa, chẳng lẽ con lại không có nhu cầu và quyền lợi hay sao?”. Người đáp lời trong con tim anh rằng: “Đúng, con có chứ. Con có quyền để quy mọi sự về bản thân mình. Con có quyền từ chối luyện tập nhân đức anh hùng. Con có đủ mọi quyền để không buộc phải trở thành một vị thánh”.
Người chồng đón nhận thử thách này và vẫn yêu vợ mình cách kiên nhẫn, bày tỏ tình yêu dành cho cô ấy theo cái cách không liên hệ tới tính dục. Trong suốt thời kì tiết dục đó, anh khám phá ra rằng đây là một cơ hội để anh tự thanh tẩy và chữa lành bản thân. Văn hoá dạy cho chúng ta biết là sự nam tính của đàn ông được đo lường qua việc người phụ nữ đáp lời họ trong mối quan hệ tính dục. Khi người nữ trở nên lãnh cảm, thờ ơ, xa lánh, điều này làm cho họ cảm thấy mình bớt là đàn ông đi. Nhưng qua việc cố gắng vác lấy thập giá vì tình yêu dành cho vợ mình, anh ta đã thực sự còn hơn cả một người đàn ông mà cô ấy từng biết từ trước tới giờ. Cả hai cùng vượt qua thử thách này và họ được chúc phúc bằng một cuộc hôn nhân được thêm vững mạnh.
Hãy tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ta không biết sự tiết dục có thể là một cách biểu lộ tình yêu. Hãy tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh ta trở nên nóng nảy, thờ ơ, lạnh lùng với vợ mình sau ngần ấy thời gian không được ân ái, chỉ vì cô ấy không đáp ứng “nhu cầu” của anh ta. Sự nam tính mang đầy thương tích của anh sẽ chỉ làm cho vết thương cảm xúc của cô ấy thêm tồi tệ hơn. Nhưng qua cơn đau khổ này, cả hai đều đã được chữa lành theo cách riêng của từng người.
Khi đòi hỏi về tình yêu khiết tịnh trong hôn nhân nổi lên, có thể đôi vợ chồng sẽ bị cám dỗ đổ lỗi cho sự khiết tịnh, hôn nhân hay thậm chí tình trạng một vợ một chồng như là căn nguyên của vấn đề. Nhưng những điều này hoàn toàn không phải. Chúng chỉ là công cụ Chúa trao bởi đó mà những sự bất toàn ẩn sâu nhất như sự quy hướng bản thân, đam mê dục tình và sự chưa chín chắn được ló dạng. Chúa cho phép những điều tiêu cực này được hiện hình để chúng có thể được loại trừ tận gốc rễ và được chữa lành. Chúng ta được trao một cơ hội để tự vấn bản thân rằng: “những nỗi vất vả đến từ đời sống hôn nhân nhiều đến chừng nào, và những căng thẳng nảy sinh từ việc chỉ vì tôi bước vào đời hôn nhân như là một con người cực kỳ ích kỷ lớn đến dường bao? Phải chăng hôn nhân là vấn đề, hay vấn đề thật sự lại là do tôi có xu hướng làm hết mọi thứ để tôi có thể hưởng lợi từ chúng cách này hay cách khác?”. Rõ ràng, chúng ta cần có một sự khiêm nhường thẳm sâu để có thể trả lời những câu hỏi này một cách trung thực. Nhưng, mức độ mà chúng ta có thể trung thực với chính mình cũng chính là mức độ Thiên Chúa có thể chữa lành cho chúng ta.
Giữa những thử thách này, tốt nhất là hãy ghi nhớ lời của thánh Phaolô, ngài viết rằng: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín : Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức ; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1Cr 10, 13). Thực tế mà nói, ngài đang phán với người chồng rằng: “Anh thật sự nghĩ chỉ có mình anh mới phải chịu cơn cám dỗ này ư, như thể mọi người đàn ông đã kết hôn khác lại chưa từng phải chịu đựng nó hay sao? Anh có nghĩ rằng mọi ông chồng bền đỗ tới cùng trong đức chung thủy với vợ con mình lại được miễn nhiễm cách nào đó với những thử thách tương đương hay sao, và rằng anh là kẻ duy nhất có những khát khao cùng nỗi thất vọng mà nhân loại chưa từng thấy bao giờ ư?”. Đừng chọn con đường dễ dãi và đổ tội cho hôn nhân và tính một vợ một chồng. Hãy nhớ, phận người yếu hèn và dễ sa ngã.
Nếu có ai cảm thấy ngã lòng vì lời trách cứ chân thật như trên, thì đừng quên lời thánh Phaolô khích lệ chúng ta rằng Thiên Chúa ban cho ta một phương thế để chạy thoát và chịu đựng cơn thử thách. Người hứa rằng: “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó đến chỗ hoàn thành” (Pl 1, 6). Điểm then chốt ở đây là hãy nhớ Đấng đã khởi đầu công việc tốt lành ấy, và Đấng sẽ hoàn thành công việc đó: chính là Thiên Chúa.
Thiên Chúa không hề thụ động trong việc cho phép những thử thách xảy ra. Cha thánh Pio có nói: “đau khổ là một món quà của Chúa, phúc cho những ai biết tận dụng nó mà sinh hoa trái”. Khi đau khổ đến, thường thì chúng không ở trong hình thái mà con người muốn gặp. Trái ngược với phụ nữ – họ thường có khả năng âm thầm chịu đựng đau khổ, người nam thì lại muốn bày tỏ sự tận tâm của mình. Chúng ta luôn muốn sát long công thành. Tuy nhiên, tiến sĩ Alice von Hildebrand chỉ ra rằng khát vọng bẩm sinh của người nam trong việc thực hiện những cử chỉ anh hùng phải xuất phát từ “những hành vi bình dị nhất trong đời thường, và nó sẽ chuyển hoá những công việc nhàm chán thường ngày thành sợi chỉ vàng gắn kết bản thân càng ngày càng thêm chặt với người mình yêu. Trong tình yêu vợ chồng, có một điểm chân lý mà không được thấy ở trong tình yêu lãng mạn. Đó là thứ tình yêu đã được thử luyện trong lò lửa của những thách đố và khó khăn đời thường, và tình yêu ấy bước ra ngoài sáng ngời rực rỡ… Hiền hậu và đáng yêu trong giây lát không phải là chiến công vẻ vang gì. Nhưng, luôn đáng yêu từ ngày này qua tháng nọ, trong mọi hoàn cảnh đa dạng và đầy chông gai, chỉ có những ai đã thật sự yêu mới có thể làm được”.
Leave a Reply