Mọi người thường hỏi tôi liệu khái niệm về quyền động vật có mâu thuẫn với thuyết nhân vị không. Chẳng phải nó thể hiện sự tôn trọng đối với sự sống sinh học, hữu cơ sao? Không hề có chút tôn trọng nào cả. Các lập luận về quyền động vật ám chỉ rằng giá trị của sự sống đến từ những thước đo như khả năng nhận thức. Theo quan điểm này, sự sống không có giá trị nội tại.
Các nhà hoạt động vì quyền động vật nói rằng họ muốn nâng quyền động vật lên ngang bằng với quyền con người, và chắc chắn rằng họ rất chân thành. Nhưng logic trong lập luận của họ là gì? Họ ủng hộ việc trao quyền cho động vật như thế nào? Bằng cách lập luận rằng một số loài động vật—chẳng hạn như lợn, chó, tinh tinh, cá heo – có khả năng nhận thức cao hơn một số người. Vì vậy, những con vật đó được coi là người, còn những người “thấp kém” thì không.
Theo lý luận này, không phải tất cả mọi người đều là nhân vị, nhưng một số động vật là nhân vị. Peter Singer nói rằng một đứa trẻ sơ sinh không phải là một nhân vị; những động vật thông minh hơn mới là nhân vị: “Đứa trẻ sơ sinh còn ít coi trọng mạng sống của nó hơn so với một con lợn, một con chó, hay một con tinh tinh.”61 Ông khuyến nghị sử dụng con người trong các thí nghiệm y tế thay vì động vật, nếu động vật có khả năng nhận thức cao hơn.
Do đó, giá trị của bất kỳ sinh vật sống nào đều được đo lường bằng chức năng trí tuệ của nó. Phong trào bảo vệ quyền động vật không mâu thuẫn với thuyết nhân vị nhưng là dựa vào thuyết đó.
Sự tôn trọng chân thành đối với động vật và phần còn lại của thiên nhiên không dựa trên một hệ tư tưởng coi rẻ sinh học để coi trọng các kỹ năng trí tuệ. Sự tôn trọng đích thực xuất phát từ niềm xác tín rằng mọi tạo vật đều đến từ bàn tay của Thiên Chúa và do đó có phẩm giá và giá trị nội tại. Kinh thánh dạy rằng con người là người quản lý công trình sáng tạo, chịu trách nhiệm với thẩm quyền cao hơn về cách chúng ta chăm sóc thế giới xung quanh chúng ta (Sáng thế 1:28). Châm Ngôn 12, 10 nói: “Người công chính chăm lo cho sự sống đàn vật, còn ác nhân thì thâm độc tận đáy lòng.”. Nhân loại không phải là bậc thang cao nhất của bậc thang tiến hóa, tự do sử dụng thiên nhiên theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn, vì lợi ích riêng của mình. Trái lại, chúng ta sẽ phải đứng trước Đấng Tạo Hóa để trả lẽ cho cách chúng ta đối xử với tạo vật của Ngài.
61. Singer, Practical Ethics, 169.
Leave a Reply