Cuộc trò chuyện được tiếp tục, nhưng Jeremy cảm thấy mệt mỏi với tất cả những số liệu thống kê và cái gọi là nghiên cứu khoa học. Anh ấy đã thay đổi chủ đề.
Jeremy: Cha JP, cha đưa ra một biện luận nói khi chúng tôi sống lối sống đồng tính thì thật không tốt cho sức khỏe của chúng tôi. Tôi không biết cha lấy dữ liệu từ đâu, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có vắc xin ngừa HIV và các căn bệnh y tế khác mà cha cho là đang gây hại cho cộng đồng của chúng tôi? Vậy cha có để chúng tôi yên không?
Cha JP: Jeremy, tôi không đến đây để bách hại anh, mặc dù đó là điều anh có thể cảm nhận vì những điều tôi đã nói. Mong muốn chân thành của tôi là chúng ta có một cuộc đối thoại và trao đổi ý kiến lành mạnh. Tôi hy vọng anh sẽ nghĩ đó là những gì chúng ta đang làm, mặc dù chúng ta không đồng ý về mọi thứ.
Nhưng anh đưa ra một điểm hay. Tuổi thọ và sức khỏe không thực sự là vấn đề ở đây. Chủ đề ở đây là kế hoạch của Chúa cho vạn vật, cho mỗi một người chúng ta.
Jeremy: Vậy…? Chẳng lẽ Thiên Chúa không tiết lộ cho chúng ta kế hoạch của Người qua những điều làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc sao?
Cha JP: Thiên Chúa bày tỏ kế hoạch của Ngài cho chúng ta bằng nhiều cách. Một là thông qua Lời Ngài mặc khải. Cách khác là thông qua công cuộc sáng tạo của Ngài, được thể hiện qua Lời đó:
Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được (Rô-ma 1,19-20).
Thiên Chúa mặc khải kế hoạch của Ngài qua những gì làm cho chúng ta thực sự hạnh phúc, qua những gì mang lại cho chúng ta sự bình an, an toàn, những mối quan hệ lành mạnh, sự sinh hoa kết quả và tự do, thay vì những gì khiến chúng ta cảm thấy bất hạnh, sợ hãi, ích kỷ, kiêu căng, v.v.
Mối quan hệ đồng giới và khác giới giống nhau?
BillyLu: JP, mối quan hệ đồng giới khiến một số người trong chúng tôi hạnh phúc. Mọi người đều biết yêu và thể hiện tình yêu lãng mạn đó trong mối quan hệ tình dục với một người đặc biệt nào đó, là một trong những trải nghiệm thăng hoa nhất, nâng cao tinh thần nhất trong cuộc sống. Từ chối cơ hội đó đối với chúng tôi là một tội ác chống lại loài người vì nó tước đi quyền theo đuổi hạnh phúc đích thực của chúng tôi.
Cha JP: BillyLu, điều cuối cùng trên đời mà tôi muốn làm là khước từ quyền tìm kiếm hạnh phúc và sự thỏa mãn trong cuộc sống của chị.
Tôi chỉ đang cố gắng giải thích những gì Chúa đã mặc khải, qua Lời của Chúa và thông qua những gì Ngài sáng tạo, để chị có thể suy xét những điều này trong những lựa chọn mà chị đưa ra trong cuộc sống của mình. Tôi không thể cản chị sống với người bạn đời của mình và sẽ không tìm cách cắt đứt mối quan hệ đó – chỉ chị mới có thể làm điều đó bằng lựa chọn tự do của mình. Nếu chị làm điều đó, tôi hy vọng đó là để theo đuổi hạnh phúc đích thực chứ không phải vì tôi hay bất kỳ ai khác đã thao túng, dẫn đưa chị đến quyết định đó.
Sam: Nhưng BillyLu chỉ đơn giản muốn được hạnh phúc, và tình dục là một phần trong quan niệm của hầu hết mọi người về hạnh phúc. Chẳng phải mối quan hệ đồng giới thì cũng giống như mối quan hệ khác giới, miễn sao cả hai đều bày tỏ tình yêu, sự cam kết và sống trọn đời với nhau?
Cha JP: Việc những người có quan hệ đồng tính nam và đồng tính nữ muốn người khác coi mối quan hệ của họ ngang hàng với những mối quan hệ khác là điều có thể hiểu được. Họ khao khát một sự thân mật và gần gũi như họ thấy trong những mối quan hệ khác. Nhưng chúng có thực sự giống nhau không? Anh thực sự có thể cho rằng hai thứ giống nhau?
Mối quan hệ thân thiết với anh trai có giống hệt như mối quan hệ thân thiết với em gái không? Mối quan hệ thân thiết với dì có giống hệt như mối quan hệ thân thiết với chú không? Còn ông và bà thì sao? Mẹ và cha? Con trai và con gái? Có một người bạn thân là con trai có giống như có một người bạn thân là con gái không?
Margie: Không, không và không. Những mối quan hệ cặp đôi này có những điểm tương đồng, nhưng mỗi cặp lại rất khác biệt. Điều đó quá rõ ràng.
Cha JP: Vậy vấn đề là nó dường như không quá hiển nhiên với mọi người phải không Sam? Nhưng tại sao chúng ta lại muốn so sánh hôn nhân của vợ chồng, của một người cha và một người mẹ với một cặp đồng tính? Chúng đơn giản là không giống nhau dù một cặp đồng tính có thể mong muốn mối quan hệ của họ cũng giống như vậy.
Jeremy: Tuy nhiên, chúng tôi cũng có thể có một mối quan hệ sâu sắc và mật thiết, mạnh liệt về mặt cảm xúc như bất kỳ cặp đôi khác giới nào.
Cha JP: Nhưng có giống nhau không? Chẳng phải mối quan hệ hôn nhân khác với mối quan hệ cha con hoặc mẹ con sâu sắc và thân mật sao?
Tình dục đồng giới và khác giới
Jeremy: Đúng là có khác. Nhưng những người đồng tính chúng tôi cũng thể hiện mối quan hệ tình cảm thông qua tình dục, giống như các cặp vợ chồng vậy.
Cha JP: Những người khác có thể muốn bày tỏ mối quan hệ tình cảm của họ trong quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, hoặc tình một đêm “thân mật”, hoặc với một gái điếm vô danh? Điều đó không có nghĩa là những cách thể hiện này thì cũng giống như trong mối quan hệ hôn nhân.
Jeremy: Nếu chúng tôi có một mối quan hệ đồng tính với sự chung thủy, có sự cam kết thì sao?
Cha JP: Nhưng chúng có thực sự giống nhau không?
Jeremy: Tại sao lại khác? Trải nghiệm tình dục của chúng tôi cũng mãnh liệt và thân mật.
Cha JP: Chúng ta hãy suy nghĩ thấu đáo mọi việc; ngay cả hoạt động tình dục cũng khác. Chính cái hành vi truyền tải những thông điệp hoàn toàn khác nhau.
Sam: Khác chỗ nào?
Margie: Anh Sam, điều đó thật đơn giản mà. Quan hệ tình dục đồng tính nam và đồng tính nữ không thể sinh con, chỉ có quan hệ tình dục khác giới mới có thể. Ngay cả động vật cũng “biết” rằng tình dục là để sinh sản.
Jeremy: Mặc dù hầu hết các loài động vật có thể không quan hệ tình dục khi chúng bị vô sinh, nhưng con người thì khác. Lập luận này khá ngớ ngẩn. Hãy nghĩ cho kỹ hơn, Margie.
Có phải chị đang nói rằng các cặp vợ chồng sau mãn kinh, vô sinh hoặc vì lý do “y tế” không nên quan hệ tình dục? Chị có thực sự muốn ám chỉ rằng quan hệ tình dục không thể thụ thai là sai trái và khả năng thụ thai thì cần thiết để phê chuẩn quan hệ tình dục trong hôn nhân? Nếu vậy thì có rất nhiều kẻ có quan hệ tình dục nhưng họ lại không nên, kẻo họ trở nên kẻ làm điều dữ.
Lập luận “tình dục là cho sinh sản” của chị phi lôgic cách lố bịch hay là chị đang muốn áp đặt một tiêu chuẩn hai mặt, giả đạo đức cho hết mọi người.
Sam: Nhờ anh đừng phát biểu như vậy với bạn gái tôi, Jeremy, cô ấy đáng được tôn trọng.
BillyLu: Vì là có một tiêu chuẩn kép đó Sam. Jeremy có thể nói hơi quá thẳng thắn và thiếu tế nhị, nhưng anh ấy chỉ là dùng lôgic thôi mà. Hoặc đó là tiêu chuẩn kép, hoặc người ta phải tuyên bố sai trái hết thảy mọi quan hệ tình dục không mang đến thai nghén.
Cha JP: BillyLu, chúng tôi thực sự tin rằng sự kết hợp tình dục giữa một người nam và một người nữ trong hôn nhân không chỉ nhằm mục đích sinh sản – việc thụ thai xảy ra hay không đều tốt, ngay cả khi việc thụ thai là điều không thể cho họ. Tuy nhiên, chúng ta hãy đối diện với sự thật: hành vi tình dục đồng tính không bao giờ có thể tạo ra sự sống mới, cho dù trải nghiệm đó có mãnh liệt đến đâu. Vì vậy, nó không giống như sự nên một trong hôn nhân.
Nhưng còn nhiều hơn nữa. Có những lý do khác khiến tình dục đồng giới không giống như tình dục giữa vợ chồng, những lý do liên quan đến việc trở nên một xương một thịt mà Thiên Chúa sắp đặt như được trình bày trong sách Sáng thế.
Chẳng hạn, khi một người chồng và một người vợ gần gũi về thể xác, thì có sự bổ sung mặt đối mặt về thể lý, khiến việc họ đến với nhau trở thành thực sự là một trải nghiệm mang tính con người và tính hợp thông, có sự chia sẻ, nghĩa là trải nghiệm một xương một thịt. Sự hiệp thông thân xác của họ diễn tả sự hiệp thông thiêng liêng giữa các cá vị thông qua việc tự hiến cho nhau, toàn bộ và đồng thời, sự hiệp thông này sẽ phản ánh, thông truyền và đào sâu sự hiệp thông thiêng liêng giữa các cá vị.
Jeremy: Nhưng trong quan hệ đồng tính có cùng những sự đó.
Cha JP: Không. Trong các hành vi tình dục đồng giới, có một loạt các sự kiện nối tiếp nhau, không phải một sự kiện thống nhất. Trong quan hệ tình dục đồng giới, cá thể đầu tiên kích thích cá thể thứ hai, thường theo sau là cá thể thứ hai kích thích cá thể thứ nhất; hoặc xảy ra trường hợp người thứ nhất dùng người thứ hai và sau đó người thứ hai dùng người thứ nhất.
Vì vậy, tình dục đồng giới đòi hỏi một loạt các hành vi tách biệt với nhau, và với mỗi hành động đều có một trải nghiệm mất nhân tính về việc “bị lợi dụng” hoặc “sử dụng” người khác để thỏa mãn về thể lý và cảm giác của chính mình.
Những hành vi đồng tính này thông truyền ý tưởng cô lập và dùng nhau như vật dụng. Việc tự hiến cho nhau trong gần gũi hôn nhân được thay thế bằng việc “được người khác sử dụng” và “sử dụng người khác”.
Sam: Nhưng chẳng phải trong một số cặp vợ chồng dị tính đã kết hôn cũng có trường hợp “dùng” người bạn đời cho thỏa mãn cá nhân đó sao?
Cha JP: Đương nhiên là có chuyện đó. Bất kỳ cặp đôi nào bày tỏ sự trọn vẹn trao dâng bản thân trong giao hợp nhưng vắng bóng sự trọn vẹn trao dâng tâm linh trong một ký ước hôn nhân độc quyền, suốt đời, là họ đang sử dụng người kia. Họ có thể làm hài lòng nhau nhưng lại không có sự trở nên một thực sự về mặt tâm linh, không có sự cam kết, hoặc không thực sự hiến thân một cách trọn vẹn và vô điều kiện – chẳng hạn như trong tình dục ngoài hôn nhân.
Tuy nhiên, chúng tôi không gọi đó là “tình yêu”, thứ tình yêu mà sẽ đưa đến sự hiệp thông của các ngôi vị, thứ tình yêu được bày tỏ trong sự kết hợp hoàn toàn và cùng một lúc nơi thân xác hai người đã kết hôn – do đó cả hai trở thành một xương một thịt (Sáng Thế 2:24; Mt.19:5).
Ngay cả khi không thể thụ thai, sự kết hợp tình dục vợ chồng quả thật là làm họ nên một xương một thịt, bởi vì sự kết hợp đồng thời và trọn vẹn ấy phản ánh khía cạnh thiêng liêng của sự kết hợp đó, đối với hai cá nhân được Chúa liên kết, và được trao quyền để thể hiện sự kết hợp thân xác này. Hành vi nên một thân xác này thật sự được diễn tả cách cụ thể nơi việc thụ thai một sinh mệnh mới, vốn là điều các cặp đôi đồng tính sẽ không bao giờ có.
Sam: Wow! Khi cha nói đến điều đó, con thấy nó đi đôi với những gì cha đã giải thích với Margie và con vài tháng trước. Khái niệm đó thật là ý nghĩa và trùng hợp với “logic của tình yêu” mà cha đã mô tả cho chúng con.
Margie: Sam, anh nói đúng đó! Thật tuyệt vời khi nó phù hợp với định nghĩa và ý nghĩa của tình yêu.
Cha JP: Jeremy và BillyLu, như tôi đã giải thích với Sam và Margie, tình yêu là sự kết hợp của ý chí, tinh thần, được thể hiện thông qua sự kết hợp của thể xác, chẳng hạn như nắm tay, một cái ôm hoặc một nụ hôn. Sự kết hợp tình dục là sự kết hợp hoàn toàn và trọn vẹn nhất của thân xác, sự kết hợp này phải thể hiện sự kết hợp làm một của hai ý chí, cách đầy đủ và trọn vẹn.
Margie: Và sự kết hợp làm một đó là lời nói dối khi sự kết hợp hoàn toàn của cơ thể xảy ra mà thiếu vắng sự kết hợp trọn vẹn của tinh thần, như với tình dục không cam kết.
Sam: Ý của em là quan hệ tình dục giữa hai người chưa kết hôn, đúng không Margie. Em còn nhớ cha JP thậm chí còn nói với chúng ta là những cam kết chưa trọn vẹn của các cặp đã đính hôn thì chưa phải là cam kết “cách hoàn tất” và do đó, ngay cả hành vi tình dục của các cặp đã đính hôn cũng là lời nói dối.
Cha JP: Nhìn vào xã hội chúng ta thấy nhiều người khao khát sự thân mật và gần gũi; xã hội nói tình dục sẽ thỏa mãn sự khao khát đó, nhưng bản thân tình dục thì không bao giờ làm được điều đó. Như chị Margie và anh Sam biết đó, sự kết hợp tình dục là để diễn tả và đào sâu một mối quan hệ vốn đã có ý nghĩa và nhằm bày tỏ sự hiệp thông giữa con người với nhau dựa trên việc hoàn toàn hiến trọn bản thân. Họ cũng biết rằng hành vi tình dục cũng có thể bị lạm dụng để thỏa mãn ích kỷ về thể xác, hoặc để lấp đầy lỗ hổng hay sự trống rỗng của cảm xúc.
Đàn ông và phụ nữ đã có vợ có chồng, thường vụng trộm quan hệ tình dục; những người độc thân thì quan hệ tình dục không cam kết, vì họ cảm thấy cô đơn và thấy mối quan hệ tạm thời này thỏa mãn “nhu cầu” hay lỗ hổng tình cảm của mình. Nhưng trong những trường hợp này, cơ thể của người khác đang được cho mượn – thân thể này có thể thay thế được, thậm chí là chỉ dùng một lần thôi. Trong hôn nhân đích thực, giao ước không thể hủy bỏ này làm cho thân xác của hai người này không thể thay thế được; hai thân thể đã trở thành một, chính là điều mà sự kết hợp vợ chồng của họ thể hiện.
Margie: Cá nhân con thì hiểu là việc quan hệ tình dục trước hôn nhân sẽ gây tổn hại nặng nề cho một cá nhân. Không chỉ về thể lý mà còn cả tinh thần của họ nữa. Những sai lầm trong quá khứ của chính con, mặc dù con đã không “đi hết chặng đường”, đã dạy con điều đó. Như tôi đã nói với anh Sam và Cha JP, tôi đã nghĩ là bằng cách hôn nhau say đắm và những hành động cuồng nhiệt khác miễn sao không “đi hết chặng đường”, tôi sẽ gần gũi với bạn trai của mình hơn. Nhưng nó chỉ tạo ra phản ứng ngược lại. Cuối cùng, tôi cảm thấy bất an hơn, trống rỗng và thiếu thốn về mặt cảm xúc. Tôi bắt đầu có thái độ sở hữu bạn trai hơn và tự cô lập mình với những người bạn khác. Điều đó không tốt lành cho tôi và khiến cuộc chia tay của chúng tôi càng đau đớn hơn. Trong mối quan hệ đó, tôi không có sự tự do.
Cha JP: Bởi vì chị bị đối xử như một vật dụng…
Margie: Và con cũng phải thừa nhận rằng cũng cũng coi anh ấy như một vật dụng, thứ mà con đang cố chiếm hữu…
BillyLu: Chúa ơi, các bạn có phải là người thật không đó? Tất cả các bạn đến từ hành tinh nào vậy? Ai thèm quan tâm đến việc tình dục thống nhất hay tuần tự như thế nào? Nghe thật ngớ ngẩn! Điều quan trọng là bạn có tình yêu trong trái tim mình. Bạn không thể sử dụng người khác nếu bạn yêu họ. Tại sao Giáo hội lại muốn kiểm soát những vấn đề riêng tư như thế này?
Cha JP: Giáo hội không đi sâu vào chi tiết về cặp vợ chồng nên thể hiện tình cảm và tình yêu như thế nào khi giao hợp. Điều duy nhất Giáo hội quan tâm là tình dục của họ phải được coi là thiêng liêng; do đó, Giáo hội lên án những hình thức kích thích tình dục đi ngược lại phẩm giá con người, chẳng hạn như những hành vi tình dục đồng giới.
Nhưng còn có một điều gì đó đặc biệt, thậm chí khác biệt “một cách thần bí” và đậm tính nhân bản hơn về sự bổ sung mặt đối mặt gắn kết người nam và người nữ. Điều mà Giáo hội nói là:
Tính bổ sung của người nam và người nữ2 với tư cách là nam và nữ vốn có trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Chính vì người nam và người nữ khác nhau nhưng bổ sung cho nhau nên họ đến với nhau trong sự kết hợp sẵn lòng đón nhận sự sống mới.
Tình dục giữa nam với nhau hoặc giữa nữ với nhau thiếu tính bổ sung này; nó thiếu vắng việc khẳng định sự tốt lành và vẻ đẹp của nữ tính hay nam tính, và lại đề cao cái này và loại trừ cái kia. Theo triết gia người Nga, Nicholas Berdyaev, điều này dẫn đến sự cô đơn sâu sắc bởi vì từ tận bên trong con người chúng ta, chúng ta “biết” là một người đàn ông hay một người phụ nữ về mặt sinh học không là toàn vẹn con người theo nghĩa: mỗi người chúng ta đều thiếu những phẩm chất nam tính hoặc nữ tính, và những đức tính để làm cho chúng ta trở thành con người toàn vẹn và tròn đầy.3 Đây là trải nghiệm của Ađam trước khi Thiên Chúa dựng nên Evà (Sáng thế 2:18-23).
BillyLu: Ông nói Giáo hội không muốn kiểm soát chi tiết những gì xảy ra trên giường hôn nhân, nhưng thực tế là Giáo hội đã làm điều đó! Giáo hội thậm chí còn nói với các cặp vợ chồng rằng họ không thể sử dụng biện pháp tránh thai và tránh quan hệ tình dục bằng miệng.
Wow, người Công giáo các ông muốn kiểm soát mọi thứ, kể cả phòng ngủ của người ta. Sự chuyên chế dưới mọi hình thức! Làm thế nào người ta có thể tin vào những thứ bốc phét này?
Cha JP: BillyLu, nhờ chị dằn lời một chút. Giáo hội thực sự không quan tâm đến việc kiểm soát phòng ngủ của người ta. Đó là tự do cá nhân. Tuy nhiên, nếu con người chọn làm những điều trái đạo đức – dù trong phòng ngủ hay nơi công cộng – Giáo hội sẽ không nín lặng về những hành vi lệch lạc, tội lỗi và thậm chí là tội ác đó.
Để tôi đưa ra một ví dụ. Nếu một người có hành vi lạm dụng trẻ em hoặc xem nội dung khiêu dâm trẻ em trong phòng riêng của họ, chẳng lẽ điều đó không còn là sai trái sao?
BillyLu: Tất nhiên là sai trái.
Cha JP: Còn những hành vi tình dục bạo dâm với một người đồng phạm tự nguyện – dù là nam hay nữ thì sao? Hoặc còn những cuộc hoan lạc tình dục giữa một cặp vợ chồng với con cái của họ thì sao?
Sam: Ôi giời! Nghe thôi cũng đủ buồn nôn.
Cha JP: Vì vậy, Giáo hội có quyền tuyên bố những điều như vậy là tội lỗi vì những hành động đó coi người khác như một đồ vật để sử dụng cho sự thỏa mãn ích kỷ của bản thân.
Sam: Chẳng hạn như ngừa trai nhân tạo, phải không Cha JP?
Cha JP: Anh nhớ à!
Sam: Làm sao quên được?
Cha JP: Việc dùng ngừa thai nhân tạo4 là sai lầm vì cùng một lý do như các hành vi đồng tính: cả hai đều không thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của tình yêu, gói kèm với sự tặng ban hoàn toàn, vô điều kiện và độc quyền của bản thân. Ngừa thai nhân tạo đặt ra một điều kiện cho tình yêu: “Anh sẽ trao toàn bộ bản thân mình, vô điều kiện và dành riêng cho em thôi… ngoại trừ khả năng sinh sản của anh. Và em sẽ đón nhận anh hoàn toàn, vô điều kiện và độc quyền… ngoại trừ khả năng sinh sản của em.” Đó là đặt điều kiện cho tình yêu vô điều kiện – một sự mâu thuẫn ngay trong chính hành vi đó!
Suy cho cùng, cả hai hành vi tránh thai nhân tạo và đồng tính đều là phản tình yêu; thêm vào đó, ngừa thai nhân tạo là phản sự sống.
Sam: Tình dục đồng giới có thực sự giống như ngừa thai nhân tạo không? Miễn là họ không đặt ra bất kỳ rào cản nào giữa họ, thì có phải họ không trao hiến trọn vẹn cho nhau phải không?
Jeremy: Nhưng không có rào chắn thì sẽ không an toàn.
Cha JP: Dù có rào cản hay không, trong hành vi đó không có việc trao hiến bản thân, trao tặng cho nhau; không có sự bổ sung; không có sự chấp nhận quà tặng bản thân cho nhau. Trong tình dục đồng giới không có chuyện “Anh trao tặng bản thân anh và nam tính của mình cho em trong khi chấp nhận em và nữ tính của em; trao ban và đón nhận, cả hai việc được thể hiện cách toàn vẹn.” Tương tự như vậy, không có chuyện đồng thời “Em chấp nhận anh và nam tính của anh trong khi trao tặng cho anh bản thân em và nữ tính của em; cả hai việc được thể hiện cách trọn vẹn”; sự trao ban và đón nhận được thực hiện trong khi vẫn tôn trọng sự bình đẳng có sự bổ sung của nam tính và nữ tính. Bằng cách này, vợ chồng nói lên ngôn ngữ của sự tự hiến trọn vẹn.
Trong quan hệ đồng tính thì không như vậy mà là một người sử dụng người khác làm đồ vật và sau đó là đến phiên mình bị sử dụng làm đồ vật.
Vậy tại sao người đồng tính không được kết hôn?
Jeremy: Cha nói rằng những hành vi đó là tốt lành và thánh thiện nếu chúng ở đúng chỗ và thích hợp: trong hôn nhân. Vậy tại sao Giáo hội không để chúng tôi hợp pháp hóa mối quan hệ của chúng tôi trong hôn nhân? Đó cũng là điều chúng tôi mong muốn nhất! Chỉ khi đó vẻ đẹp và sự thánh thiện của hôn nhân sẽ nói với thế giới rằng bản thân tình dục là một hoạt động rất đẹp và thánh thiện, và nó thuộc về hôn nhân.
Cha JP: Jeremy, hôn nhân là một điều đẹp đẽ và thánh thiện. Tôi có thể hiểu tại sao anh và những người có xu hướng đồng tính sẽ khao khát sự thân mật và bền vững mà hôn nhân miêu tả. Tôi có thể hiểu anh muốn Chúa chúc lành cho mối quan hệ của anh để nhờ đó Ngài trở thành một phần của mối quan hệ đó trong mọi khía cạnh và chiều hướng.
Nhưng điều anh muốn hay thế gian nghĩ gì không quan trọng bằng điều Chúa muốn và nghĩ. Chúng ta không thể sử dụng hôn nhân để hợp pháp hóa hành động của mình. Nếu một người đàn ông kết hôn với một người phụ nữ chỉ để cô ấy làm nô lệ tình dục cho sự thỏa mãn của anh – ngay cả khi cô ấy sẵn lòng đồng ý, có thể là để thoát cảnh nghèo khó cùng cực – thì điều đó vẫn không làm cho hoạt động đó trở nên đạo đức, thánh thiện hay đẹp đẽ.
BillyLu: Trong nước Hoa kỳ này, chúng tôi tin là mỗi người đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tôi cảm thấy như mình đang bị từ chối quyền tìm kiếm hạnh phúc khi không thể cưới được người mình yêu. Tôi thấy việc bị từ chối quyền này còn đáng phản đối hơn là bị từ chối bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chính trị. Quyền kết hôn với bất cứ ai mình chọn là điều thiết yếu cho quyền mưu cầu hạnh phúc, vậy tại sao lại từ chối điều đó đến với một nhóm khác biệt như chúng tôi chứ?
Margie: Con biết con sẽ muốn phản đối khi không có quyền lựa chọn người mà con muốn kết hôn.
Margie nhìn về phía Sam.
Cha JP: Nhưng chúng ta không nói rằng chị không có quyền chọn người để kết hôn, nhưng là hôn nhân phải được định nghĩa như thế nào. Tôi không có ý vô cảm, nhưng nếu ai đó chọn cưới con chó hay con ngựa của mình thì chúng ta phải đồng ý hay sao?
Sam: Nhưng con ngựa không thể ký giấy đăng ký kết hôn cũng như không có tư cách pháp nhân.
Cha JP: Đúng vậy. Điều quan trọng là Chúa định nghĩa hôn nhân như thế nào.
Thay vì vậy, chúng ta có thể coi những người muốn hôn nhân có nhiều người bạn tình, chẳng hạn ai đó muốn cưới hai người cùng một lúc, có lẽ anh ta là người lưỡng tính và muốn cưới cả nam và nữ. Chúng ta có nên buộc phải chấp nhận điều đó như một cuộc hôn nhân chỉ vì anh ấy nghĩ là điều đó sẽ khiến anh ấy hạnh phúc?
Hãy nhìn vào thực tế: trong thời đại của chúng ta, những cặp vợ chồng không kết hôn – dù dị tính hay đồng tính – đều không bị từ chối khả năng sống chung, tham gia sinh hoạt tình dục, chia sẻ nguồn lực kinh tế, quyền nuôi con, v.v.
Một trong những điều độc đáo của hôn nhân, và nó không nhiều, là nó được Chúa chúc phúc để phản ánh tình yêu Người dành cho dân Người và dân Người dành cho Người. Tôi không thể nghĩ ra bất kỳ quyền lợi hoặc hành động nào mà các cặp vợ chồng chưa kết hôn bị từ chối.
BillyLu: Nhưng các cộng đoàn Kitô giáo khác và giáo đường Do Thái giáo cho phép hôn nhân đồng giới. Tại sao Giáo hội Công giáo thì lại không?
Cha JP: BillyLu, nhiều giáo đoàn Tin Lành và Do Thái giáo vẫn từ chối cử hành những nghi lễ như vậy. Nhưng ngay cả khi họ chấp nhận, hoặc chẳng hạn như dùng nước nho thay vì rượu nho trong bí tích Thánh Thể, cánh hoa hồng thay vì nước để rửa tội, thì điều đó vẫn không đúng. Một số tôn giáo cũng cho phép các nghi lễ tình dục đa thê hoặc truy hoan như trong nhưng nghi thức tình dục trong các nhóm thờ phượng Satan. Chúng ta có nên làm điều gì đó chỉ vì những người khác đang làm điều đó?
Chúng tôi sẽ không bao giờ cử hành hôn nhân đồng giới chỉ vì những người khác đang làm điều đó. Hôn nhân phải phản ánh những gì chúng ta tin về Thiên Chúa, Giáo hội, gia đình, tình dục và các bí tích. Đối với Giáo hội công giáo, hôn nhân là điều thánh thiêng, là bí tích kết nối cách chặt chẽ với bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa đã ấn định hôn nhân giữa một người nam và một người nữ là dấu chỉ và bí tích về mối quan hệ của Thiên Chúa với dân Người. Vì thế Giáo hội không có quyền thay đổi nó.
Jeremy: Vậy là cha không cho phép chúng tôi rước lễ phải không?
Cha JP: Chúng tôi không cho phép bất cứ ai ý thức mình đang mắc tội trọng rước lễ. Vì vậy, nếu một người đàn ông có quan hệ tình dục với bạn gái của mình hoặc nếu một người vợ đang dùng ngừa thai nhân tạo, thì cả hai đều không thể rước lễ cho đến khi họ thay lòng đổi dạ và lãnh nhận bí tích giải tội.
Cũng vậy, có những người Công giáo đã ly dị khỏi một cuộc hôn nhân hợp pháp và sau đó tái hôn ngoài Giáo hội. Vì mối quan hệ hiện tại của họ không phản ánh tình yêu thuần khiết, chung thủy và độc nhất của Chúa Kitô dành cho Giáo hội của Người, tình yêu được bày tỏ qua việc rước lễ, nên họ cũng không thể rước lễ.
Thực ra, hãy lắng nghe cách Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nói về việc Rước lễ và những người tái hôn ngoài Giáo hội:
Thượng Hội Đồng Giám Mục5 xác nhận thực hành của Giáo Hội, dựa trên Kinh Thánh (x. Mc 10:2-12), không thừa nhận những người ly dị và tái hôn lãnh nhận các bí tích, vì bậc sống và hoàn cảnh sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp yêu thương của Chúa Kitô và Giáo hội, được biểu thị và làm hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, những người ly dị và tái hôn vẫn tiếp tục thuộc về Giáo hội, Giáo hội đồng hành với họ với sự quan tâm đặc biệt và khuyến khích họ sống đời sống Kitô hữu trọn vẹn nhất có thể, thông qua việc thường xuyên tham dự Thánh lễ, mặc dù không rước lễ, lắng nghe Lời Chúa, chầu Thánh Thể, cầu nguyện, tham gia vào đời sống cộng đoàn, đối thoại chân thành với linh mục hoặc cha linh hướng, tận tâm sống đời bác ái, làm việc sám hối và dấn thân vào việc giáo dục con cái.
Margie: Vậy thì Giáo hội tiếp tục cung cấp mọi hình thức hỗ trợ về tinh thần, tình cảm và cộng đoàn cho những người tái hôn ngoài Giáo hội, mặc dù họ không được rước lễ. Con nghĩ điều này cũng đúng với những người đang có quan hệ đồng tính, điều đó có đúng không thưa Cha?
Cha JP: Đúng vậy.
Margie: Nhưng họ có bao giờ được rước lễ không?
Cha JP: Chắc chắn là được. Cũng như những người tái hôn ngoài Giáo hội. Họ phải hứa giữ mình trong sạch, nghĩa là độc thân, sống tình huynh đệ và tránh gây tai tiếng.
Vì vậy, nếu một người có thu hút đồng giới chiến đấu để sống một cuộc sống khiết tịnh và không tham gia vào các hành vi tình dục ngoài hôn nhân – hoặc bất kỳ tội nghiêm trọng nào khác – thì người đó có thể được rước lễ. Người như vậy là một tín hữu và đang chiến đấu để sống theo kế hoạch nên thánh của Chúa. Điều tương tự cũng đúng đối với một người nghiện phim khiêu dâm cố gắng không nhượng bộ cơn nghiện của mình.
Sam: Con không quá quan tâm đến việc rước lễ, nhưng con nghĩ thật không công bằng khi đặt “hôn nhân” đồng tính nam cùng loại với các nghi thức tình dục của ma quỷ hoặc chế độ đa thê.
Cha JP: Anh nói đúng, Sam, chúng không giống nhau. Không, tôi không có ý định đặt chúng như thể chúng tương đương nhau, mà chỉ để chứng tỏ điều này là: nếu chỉ vì một số người cho phép việc thực hiện một nghi lễ nào đó và chấp thuận một sự nối kết nào đó, không có nghĩa là tất cả mọi người phải đi theo.
Sam: Nhưng chẳng phải sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta cho phép những người có xu hướng đồng tính kết hôn sao? Bằng cách này, họ sẽ hạnh phúc vì chúng ta cho họ những gì họ muốn và sau đó họ sẽ để chúng ta yên để có thể sống cuộc sống theo cách chúng ta muốn.
Cha JP: Đó là một cách đối ứng nặng mùi vị lợi cá nhân cho vấn đề này. Đối với tôi, có vẻ như điều anh đang làm là giảm thiểu nỗi đau khổ hoặc sự bất tiện của chính mình bằng cách mang lại cho một nhóm những gì họ muốn, cho dù điều đó có thực sự mang lại lợi ích cho họ hay không.
Giả sử chúng ta có thái độ tương tự đối với những người vô gia cư, những người lang thang xin tiền trên vỉa hè. Nhiều người ăn xin chỉ để mua ma túy hoặc rượu. Nếu thành phố bắt đầu một chương trình thành lập một trung tâm xa cách thành phố, đề nghị cung cấp ma túy và rượu miễn phí cho những người vô gia cư đến đó – nhờ đó giúp họ rời khỏi đường phố – anh có ủng hộ một chương trình như vậy không, Sam?
Sam: Tất nhiên là không.
Margie: Người ta sẽ không thực sự giải quyết được vấn đề vô gia cư nếu chỉ đưa những người vô gia cư ra khỏi đường phố. Không, người ta chỉ là nhượng bộ trước cơn nghiện của họ.
Cha JP: Và chúng ta sẽ không đối xử với họ như những con người, mặc dù chúng ta đang cho họ những gì họ muốn.
Điều này cũng đúng với những người có xu hướng đồng tính. Họ cần tình yêu của chúng ta, lòng trắc ẩn, sự hiểu biết của chúng ta chứ không phải sự chấp thuận của chúng ta đối với hành vi tình dục của họ. Nếu họ muốn chúng ta giúp đỡ, chúng ta nên sẵn sàng hy sinh để đáp ứng nhu cầu thực sự của họ.
Quyền bình đẳng hay là thành kiến Công giáo
Jeremy: Nhưng người đồng tính không được hưởng quyền bình đẳng trong xã hội chúng ta. Không chi những mối quan hệ có sự cam kết không được công nhận, thậm chí chúng tôi còn không thể bộc lộ tình cảm của mình ở nơi công cộng. Nếu chúng tôi biểu lộ sự ấu yếm, chúng tôi sẽ bị giễu cợt và sỉ nhục. Một số thậm chí còn là nạn nhân của tội ác căm thù và bị sát hại, chỉ vì họ nắm tay nhau, hôn lên má người đàn ông khác hoặc bắt tay rồi ôm nhau kiểu giữa nam với nam, v.v. Chỉ những cặp đôi khác giới mới có thể làm như vậy ở nơi công cộng.
Cha JP: Ồ, tôi nghĩ vấn đề là chúng ta đã quá là tình dục hóa những dấu hiệu âu yếm thông thường khiến nhiều người phản ứng thái quá. Tất nhiên, sẽ rất khó chịu khi chúng ta thấy mọi người đụng sờ, vuốt ve nhau, dù họ có xu hướng nào, việc làm tình ở nơi công cộng hoặc thể hiện nhiều hành vi dâm ô nơi công cộng. Điều này là không phù hợp bất kể xu hướng tình dục.
BillyLu: Nhưng chúng tôi chỉ muốn có sự bảo vệ của pháp luật để không ai sa thải chúng tôi vì xu hướng tính dục của chúng tôi: được bảo vệ khỏi sự bị quấy rối, chế nhạo, đánh đập, sát hại.
Margie: Tôi cũng muốn điều đó! Điều đó có vẻ hợp lý phải không, thưa Cha?
Cha JP: Tất nhiên là hợp lý. Giáo hội Công giáo đồng ý với điều đó. Margie, chị có phiền nếu tôi nhờ chị đọc lại cho chúng tôi một đoạn trong Sách Giáo lý không?
Margie: Không sao ạ. Con làm được. Đây bắt đầu…
Đừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính thâm căn… những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa. (GLCG 2358).
Cha JP: Vì thế chúng ta thấy rằng Giáo hội Công giáo lên án kỳ thị và sự đối xử bất công. Nếu một người đối xử bất công hoặc có hành động kỳ thị đối với một người đồng tính cách nghiêm trọng thì đó sẽ là một tội nặng nề.
Sam: Lời dạy đó thật an lòng. Hầu hết mọi người nghĩ Giáo hội Công giáo kỳ thị người đồng tính và đối xử cách khác biệt với những người đồng tính nam nữ.
Cha JP: Một trong những mệnh lệnh được lặp đi lặp lại nhiều nhất trong Kinh Thánh là “Đừng sợ”. Nếu chúng ta kỳ thị người đồng tính, sợ người đồng tính thì chúng ta không phải là Kitô hữu.
BillyLu: Nhưng tôi nghe nói một trường Công giáo đã sa thải một giáo viên đồng tính nữ chỉ vì cô ấy đang sống với một người phụ nữ khác.
Cha JP: BillyLu, tôi có thể hiểu tại sao chị coi đó là thành kiến bất công và phủ nhận quyền lợi của cô giáo viên ấy. Nhưng chúng ta cần quan sát vấn đề này từ cả hai phía. Về phía người nhân viên – giáo viên trong trường hợp này – cũng phải tôn trọng những yêu cầu và mong đợi hợp lý của người chủ nhân dựa trên nghĩa vụ của công ty, của nhà trường đối với những người khác. Trong trường hợp này, trường Công giáo phải trả lời cho những người khác, ngoài chính nhà trường, còn bao gồm cả học sinh, phụ huynh và Giáo hội. Những nhóm này mong muốn nhà trường trình bày giáo lý Công giáo đích thực cho học sinh của mình.
BillyLu: Nhưng giáo viên không áp đặt tư tưởng và lối sống đồng tính hay dạy bất cứ điều gì chống lại Công giáo.
Cha JP: Nhưng khi cha mẹ và các học trò phát hiện. Khi thông tin được công khai, nó sẽ tác động đến tất cả mọi người, đặc biệt là cộng đoàn mà phụ huynh giao phó con cái mình, chẳng hạn như trường học, câu lạc bộ thể thao, v.v.
Khi cha mẹ gửi con đến trường Công giáo, họ mong muốn hiệu trưởng, giáo viên và nhân viên truyền đạt cho con cái họ giáo lý Công giáo chân thực, bằng gương sáng và lời dạy dỗ của họ. Vì vậy, một giáo viên ký một hợp đồng là nói rằng họ đang sống theo giáo huấn Công giáo. Nhưng cô giáo ấy đã phá vỡ hợp đồng này bằng cách công khai sống theo lối sống đồng tính, sống công khai với bạn trai hoặc có thai ngoài giá thú.
Phần lớn công việc của một giáo viên Công giáo là nhân chứng, làm chứng bằng chính cuộc sống của họ và ảnh hưởng tích cực mà nó tạo ra đến với những trí óc và trái tim trẻ này. Nếu một cá nhân không còn có thể hoàn thành sứ mệnh mà họ đã tự nguyện đảm nhận thì người đó có thể bị yêu cầu thôi làm việc.
BillyLu: Vì vậy, nếu một người giữ kín cuộc sống cá nhân của mình thì việc trở thành một người đồng tính nữ và giảng dạy tại một trường Công giáo cũng được thôi. Nếu vậy, Giáo hội Công giáo khuyến khích người ta sống một cuộc sống hai mặt; điều quan trọng là tỏ ra mình là một người Công giáo tốt lành và thánh thiện bên ngoài.
Cha JP: BillyLu, bề ngoài phải phản ánh thực tại. Thực tại mà một trường Công giáo mong đợi các giáo viên của mình phản ánh, là họ đang cố gắng để sống phù hợp với giáo huấn Công giáo. Tôi biết nhiều giáo viên đã nỗ lực để giữ cho tấm lòng và tâm trí của họ được trong sạch – cả ước muốn lẫn hành động đồng giới và khác giới không phù hợp – và để tránh dịp tội.
Nếu thực tế trở nên công khai cho thấy là một người có những hoạt động hoặc thái độ trái ngược với giáo huấn Công giáo – chẳng hạn như tìm thấy nội dung khiêu dâm trên máy tính của giáo viên – thì giáo viên sẽ được yêu cầu tìm công việc khác.
Sam: Vậy thì việc từ chối người đồng tính một số quyền nhất định nào đó có bao giờ là điều được làm không?
Cha JP: Không. Nhưng điều quan trọng là phải làm rõ sự phân biệt này: mặc dù mọi người đều có quyền làm việc, nhưng không ai có quyền tuyệt đối đối với một công việc nhất định nào đó. Công việc làm hoạt động dựa trên sự đồng ý chung của người sử dụng lao động và người lao động, tùy theo nhu cầu và mong đợi của người sử dụng lao động cũng như những gì ngưởi nhân viên có thể cung cấp. Không một người nào có thể nói với người sử dụng lao động: “Tôi có quyền được công ty tuyển dụng và trả lương”.
Vì vậy “Giáo hội có quyền6 từ chối vai trò phục vụ đến những người mà hành vi của họ vi phạm giáo huấn của Giáo hội. Việc phục vụ như thế có vẻ dung túng lối sống vô luân và thậm chí có thể là dịp gây tai tiếng”.
Một ví dụ rõ ràng về điều này là một người tuyên bố mình vô thần: một người như vậy không có quyền dạy tôn giáo hay thần học trong một trường Công giáo.
Jeremy: Nhưng tất cả những gì tôi muốn là sự bảo vệ của pháp luật. Ở nhiều bang, việc sa thải tôi chỉ vì xu hướng tính dục của tôi là điều hợp pháp. Điều đó không đúng.
Cha JP: Sa thải bất kỳ ai chỉ vì người chủ không thích chủng tộc của người ấy hoặc xu hướng riêng tư của một cá nhân là điều sai trái. Điều đó được tôn trọng ở mọi nơi. Một số bang cũng đã nêu rõ là không thể đối xử kỳ thì dựa trên xu hướng tính dục.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là xu hướng tính dục không giống như chủng tộc. Bạn không thể giữ kín chủng tộc sâu thẳm trong trái tim mình. Còn xu hướng đồng tính chỉ được biết đến nếu một người công khai về nó. Tương tự như vậy, nếu một người có tình cảm mãnh liệt với vợ của sếp nhưng lại giữ điều đó trong lòng thì anh ta sẽ không bị sa thải. Tuy nhiên, nếu anh ta bắt đầu tán tỉnh cô ấy ở nơi công cộng và thể hiện xu hướng đó thì ông chủ có quyền yêu cầu anh ta rời khỏi công ty.
Margie: Điều đó là hiển nhiên rồi, cha JP.
BillyLu: Còn việc thiếu sự bảo vệ pháp lý cho các cặp đồng giới, chẳng hạn như quyền chăm nom bảo hiểm y tế, nhân thọ và khuyết tật của người yêu họ thì sao. Ngoài ra còn có quyền thăm bệnh viện và đặc quyền cho những quyết định y tế. Các cặp vợ chồng dị tính nhận được trợ cấp cho người sống sót từ khoản bồi thường cho người lao động cũng như trợ cấp cho vợ / chồng theo kế hoạch niên kim và hưu trí. Các cặp vợ chồng khác giới chưa kết hôn, có thể kết hôn theo luật pháp và được hưởng các quyền lợi này; các cặp đồng giới thì không.
Cha JP: Những lợi ích này đã thay đổi hoặc đang trong quá trình thay đổi, BillyLu. Trên thực tế, hầu hết nếu không phải tất cả các chính sách bảo hiểm, kế hoạch nghỉ hưu và niên kim hiện tại đều cho phép người ta chỉ định người thụ hưởng không phải là vợ/chồng của bạn. Các bệnh viện hiện yêu cầu người ta chỉ định người sẽ đưa ra quyết định y tế cho họ nếu vì lý do nào đó mà họ mất khả năng lao động.
Tôi chưa kết hôn và tôi đã chỉ định một người mà sẽ đưa ra những quyết định đó cho tôi, và người đó không phải là người phối ngẫu!
Nhận con nuôi
BillyLu: Điều đó có thể đúng, cha JP, nhưng chúng tôi vẫn không có quyền nhận con nuôi ở hầu hết các bang. Mặc dù tôi thấy không cần thiết nhưng vì tôi có con riêng nên một số cặp đồng tính nam hoặc nữ chưa có con và muốn được nhận con nuôi.
Cha JP: Một số nhà hoạt động đồng tính muốn có luật mơ hồ cho phép người đồng tính nam và đồng tính nữ những quyền sâu rộng, trong đó có cái gọi là “quyền” nhận con nuôi. Nhưng điều đó không đảm bảo điều gì tốt, thật sự là tốt lành cho toàn xã hội hay cho từng cá nhân, đặc biệt là đứa con nuôi.
Jeremy: Xét đến nhu cầu rất cần thiết của rất nhiều trẻ em cần được nhận làm con nuôi, để có một ngôi nhà yêu thương và có sự chăm sóc, tại sao Giáo hội lại chống việc nhận các cặp đồng giới nhận con nuôi? Nhu cầu của những đứa trẻ này chẳng lẽ không quan trọng hơn bất kỳ xét đoán đến từ ý thức hệ nào sao?
Cha JP: Chính vì Giáo hội quá quan tâm đến trẻ em nên Giáo hội hoàn toàn phản đối việc các cặp đồng tính nhận con nuôi. Giáo Hội nhìn nhận rằng mỗi đứa trẻ cần cả cha lẫn mẹ, không phải hai mẹ mà không có cha, hoặc hai cha mà không có mẹ.
Đành rằng, nếu có những ảnh hưởng từ những “người mẹ khác” trong cuộc sống của nó, chẳng hạn như bà ngoại, người dì thân thiết hoặc bảo mẫu thì có thể tốt cho đứa trẻ. Tương tự như vậy, có những ảnh hưởng từ người cha khác – đặc biệt khi người cha vắng mặt vì lý do này hay lý do khác – chẳng hạn như ông, chú, v.v. thì có thể là tốt đẹp cho đứa trẻ. Nhưng thay thế người cha bằng một bạn tình nữ đóng vai trò là mẹ của đứa trẻ, hoặc thay thế người mẹ bằng một người bạn tình nam trở thành người cha thứ hai là tước đi những nhu cầu cơ bản của con người.
Trẻ em cần cả cha lẫn mẹ.
Jeremy: Nhưng chẳng phải tốt hơn nếu một đứa trẻ có gia đình, ngay cả khi điều đó không lý tưởng trong cái nhìn của một số người?
Cha JP: Sự thật là số cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi thì nhiều hơn số trẻ đang chờ. Số cặp vợ chồng đang chờ nhận con nuôi nhiều hơn từ 1,2 đến 2,7 lần7 so với số trẻ cần được nhận làm con nuôi. Thực tế, để đáp ứng nhu cầu, gần một nửa số con nuôi hiện nay là trẻ em nước ngoài.
Mặc dù một người có mong muốn tốt đẹp và cao quý là có một đứa con – có lẽ để thỏa mãn một số mong muốn tình cảm sâu sắc về con cháu – nhưng điều đó không mang lại cho họ quyền có con. Để trở thành một bậc cha mẹ tốt, những mong muốn tốt và có khả năng trở thành một người chu cấp tốt vẫn chưa đủ.
Ví dụ, bạn có nghĩ đến việc giao một đứa trẻ cho một cặp vợ chồng mà cả cha lẫn mẹ đều làm việc 60 giờ một tuần và đứa trẻ sẽ phải ở nhà giữ trẻ phần lớn thời gian đó không?
Margie: Điều đó chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho đứa trẻ. Dù sao đi nữa, một đứa con nuôi cần nhiều thời gian với mẹ hoặc cha hơn là một đứa trẻ do một cặp vợ chồng sinh ra để có thể gắn bó với cha mẹ. Nếu cả hai đều làm việc 60 giờ một tuần thì điều đó sẽ không xảy ra.
Cha JP: Nhưng đó có phải là thành kiến bất công đối với những cặp vợ chồng cùng làm việc 60 giờ một tuần, đặc biệt nếu họ có những ước muốn tốt đẹp và cao cả là chu cấp cho đứa con đó?
Margie: Không, chúng ta phải đặt nhu cầu của đứa trẻ trên mong muốn của hai vợ chồng. Đó là lẽ thường.
Cha JP: Đáng lẽ phải như vậy, và hầu hết các cơ quan nhận con nuôi đều có những tiêu chỉ sàng lọc thiên về nhu cầu của đứa trẻ. Ví dụ, các cơ quan này sàng lọc tình trạng nghiện rượu hoặc ma túy, tiền án tiền sự (đặc biệt đối với tội phạm tình dục), đối với các hộ gia đình có tình trạng bạo hành và lạm dụng. Cũng nên sàng lọc những người đã ly hôn và tái hôn vì đó là dấu hiệu cho thấy hoàn cảnh gia đình của họ có thể sẽ kém ổn định hơn.
BillyLu: Nhưng nếu một cặp đồng tính nam hoặc đồng tính nữ có thể là một ngôi nhà bình yên và nuôi dưỡng, nếu họ không làm việc quá sức, không nghiện ngập hoặc tiền án, và không có dấu hiệu hành vi ngược đãi trong gia đình thì họ cũng nên được phép nhận con nuôi?
Cha JP: Trước hết, các cặp đồng tính nam và đồng tính nữ không thể cung cấp sự hỗ trợ về mặt cảm xúc và sự chú tâm như một người mẹ và một người cha. Trường hợp đó sẽ là một sự chênh lệch về mặt nam tính hoặc nữ tính. Đứa trẻ cần và xứng đáng có được cả hai giới tính đó. Đứa trẻ cần một người mẹ dịu dàng, ân cần, nuôi dưỡng và động viên; một người cha hiền lành nhưng mạnh mẽ, mang lại cảm giác an toàn, được bảo vệ và tin tưởng. Một đứa trẻ cần được yêu thương vô điều kiện theo cả cách nam tính và nữ tính, bởi cả cha lẫn mẹ.
Thứ hai, một nghiên cứu quốc tế được thực hiện trên trẻ em do các cặp đồng tính nuôi dưỡng cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tâm thần, sử dụng ma túy, sự lăng nhăng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn đáng kể. Ngoài ra, nghiên cứu còn báo cáo sự suy giảm về sự ổn định8 nơi những gia đình này.
Ngay cả những nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ cũng cho thấy tỷ lệ ngược đãi vợ/chồng ở cả các cặp đồng tính nữ và đồng tính nam cao hơn nhiều.9 Bạo lực gia đình chắc chắn không phải là điều chúng ta muốn áp đặt lên những trẻ cần nhận nuôi cho dù tìm một gia đình cho các em khó khăn đến đâu. Thêm vào đó là tỷ lệ tự tử và hành vi nguy hiểm không lành mạnh cao hơn và hầu hết mọi người đều có thể nhận ra rằng đây là một thử nghiệm đầy nguy hiểm và không công bằng đối với những đứa trẻ đó.
BillyLu: Tôi đã thấy các nghiên cứu cho thấy điều ngược lại, JP. Dường như có sự đồng ý là một đứa trẻ có nhiều khả năng bị lạm dụng bởi một người đàn ông dị tính hơn là một người đàn ông đồng tính.
Cha JP: Đúng vậy, BillyLu, tổng số người lạm dụng tình dục nam giới dị tính thì cao hơn, nhưng đó chỉ là vì số lượng nam giới đồng tính ít hơn nhiều.
Sam: Nhưng điều đó có phải là nói chúng ta nên phân loại tất cả những người đồng tính là những kẻ có khả năng lạm dụng trẻ em và do đó nói rằng họ không thích hợp để làm cha mẹ?
Cha JP: Chúng ta không nói rằng tất cả những người đồng tính nam và đồng tính nữ đều có khả năng là những kẻ lạm dụng trẻ em. Chúng ta chỉ là xem xét tất cả dữ liệu để tìm ra điều gì là tốt nhất cho trẻ em.
Khi một đứa trẻ ở trong gia đình có ít nhất một người lớn không có quan hệ họ hàng với trẻ, thì em có nguy cơ bị bạo hành10 cao gấp hàng chục lần so với đứa trẻ sống cùng cả cha lẫn mẹ. Mặc dù sống với người không có quan hệ họ hàng là đương nhiên trong mọi tình huống nhận con nuôi, nhưng vì các cặp đồng tính nam hoặc đồng tính nữ có nhiều sự cố bất ổn về mối quan hệ, lạm dụng “vợ chồng”, trầm cảm, nghiện ma túy, tự tử, v.v., thì chúng ta đang làm tăng nguy cơ nghiêm trọng đối với một đứa trẻ khi rủi ro đó không được đảm bảo. cần thiết. Những trẻ được nhận làm con nuôi và những trẻ cần người nuôi dưỡng (foster children) nên được đặt trong những nới có ít vấn đề hơn chứ không phải nhiều hơn.
Cuối cùng, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các cặp đồng tính có xu hướng bị bận tâm hơn với nhu cầu tình cảm của bản thân, đến mức họ không thể dành cho đứa con nuôi sự quan tâm tình cảm mà nó cần. Vì vậy, nó cũng tương tự như một cặp vợ chồng làm việc quá sức.
BillyLu: Ha, ông đang rập khuôn chúng tôi là những kẻ có nhân cách ái kỷ về mặt cảm xúc.
Margie: Cha JP, câu nói đó nghe có vẻ khắc nghiệt, đặc biệt đối với BillyLu và Jeremy. Cha có nghĩ điều cha vừa nói là khái quát hóa quá mức không?
Cha JP: Ở đây chúng ta nên xem xét những gì nghiên cứu đã báo cáo và đánh giá tình trạng cảm xúc của những người đồng tính.
1. Cf. Waiss (2003) 48-74.
2. USCCB (2006) 3.
3. Nicholas Berdyaev, Freedom and the Spirit (Freeport, NY: Libraries Press, 1972).
4. Cf. Waiss (2003) 75-97.
5. Benedict (2007) 29.
6. USCCB (2006) 17.
7. Popcak (2006).
8. Fontana, et al. (2005).
9. Lockhart, et al. (1994); Lie & Gentlewarrier (1991); Island & Letellier (1991) 14; Bureau of Justice Statistics (1994) 2.
10. Russell (1984; Wilson & Daly (1987).
Leave a Reply