Trong Sách Sáng Thế, chúng ta đọc Ađam và Evà trở thành “một xương một thịt” và họ “trần truồng mà không xấu hổ” (Sáng thế 2:24-25). Điều này nói về sự hợp nhất lúc ban đầu của Ađam và Evà – sự hợp nhất với nhau, sự hợp nhất nơi chính bản thân họ và với Chúa. Như chúng ta biết, sự hợp nhất mật thiết này chẳng bao lâu bị tội lỗi xé tan. (Họ nhận lấy hậu quả của tội lỗi là trở nên sợ hãi, bất an, mâu thuẫn ngay trong chính bản thân và vì thế trở nên ích kỷ, làm điều tốt thì khó, luôn có xu hướng làm điều mình không muốn làm, v.v…).
Trong bối cảnh của thế giới sa ngã này Karol Wojtyla (sau này là ĐTC Gioan Phaolô II) bàn luận về sự xấu hổ trong cuốn sách Love and Responsibility / Tình yêu và trách nhiệm. Trước hết, ĐTC lưu ý rằng sự xấu hổ là một hiện tượng của loài người – chỉ con người có trải nghiệm xấu hổ.
Đối với ĐTC Gioan Phaolô II, con người (hay nhân vị) là một thực thể duy nhất với phẩm giá cố hữu; trong lời quả quyết nổi tiếng của ĐTC ngài nói:
1. Người ta không được phép dùng con người và
2. “Con người là một sự tốt lành mà chỉ tình yêu mới có thể tạo nên được một mối quan hệ đúng đắn và có đầy đủ sự trường thành.”
Vì thế, khi nói đến con người – theo phương cách phủ định, họ không thể bị sử dụng như chỉ là một vật dụng; và theo phương cách tích cực – họ phải được thương yêu.
Vì vậy: “Chỉ con người có thể cảm nhận được sự xấu hổ vì chỉ con người theo bản chất của họ không thể là một đối tượng để dùng.” Là một ngôi vị được thể hiện với thân xác, chúng ta cũng có điều Wojtyla gọi là “những giá trị tình dục.” Sự xấu hổ xuất hiện như là một xu hướng để che giấu những giá trị tình dục – không vì chúng tự nó là xấu xí – nhưng là để bảo đảm rằng chúng không lấp mất phẩm giá của chúng ta, là con người. Theo lời của Wojtyla: “Nhu cầu tự phát để che giấu giá trị tình dục mà là một phần của con người là cách tự nhiên để bày tỏ giá trị của chính ngôi vị đó.” Nói cách khác, giá trị tình dục của con người thì tốt lành; nhưng nó phải được đặt trong bối cảnh thích hợp, trong bối cảnh trọn vẹn– toàn bộ con người. Nhưng khi những giá trị tình dục làm lu mờ con người toàn bộ, người ấy trở thành một đối tượng có thể bị dùng.
Chính trong nghĩa này mà nội dung khiêu dâm bộc lộ – không quá lố, nhưng là quá ít: đó là, quá ít so với trọn vẹn nhân phẩm của con người; nội dung khiêu dâm xúi giục người xem chỉ nhìn thấy một khía cạnh – giá trị tình dục và chỉ điều đó là quan trọng. Nội dung khiêu dâm vì thế “làm lu mờ giá trị căn bản của một người.”
Đoan trang
Điểm để chúng ta khởi đầu là ý định. Wojtyla viết: “Điều [gây] xấu hổ trong y phục là khi y phục ấy rõ ràng thêm phần để cố ý lu mờ giá trị căn bản nhất của con người bằng những giá trị tình dục” – nghĩa là khi ai đó cố tình để làm nổi bật những giá trị tình dục và làm lu mờ nhân phẩm đích thực của họ như là một con người.
Để làm cụ thể, Wojtyla nêu ra cách để xem xét chức năng của một trang phục, ví dụ, “khi lao động trong lúc nắng gắt, khi tắm rửa, hoặc lúc trong phòng bác sĩ.” Nếu y phục thích hợp cho lúc ấy thì y phục ấy không là thiếu khiếm nhã: “Khi một người sử dụng y phục như vậy trong khuôn khổ của mục tiêu, chúng ta không nhìn thấy sự không biết hổ thẹn ở nơi này.”
Nhưng Wojtyla tiếp tục và nêu ra rằng sử dụng cách ăn mặc ấy bên ngoài bối cảnh của mục tiêu cụ thể trở thành thiếu đoan trang. Vì y phục không phục vụ mục tiêu nhưng rõ ràng là được thực hiện cho những lý do khác, có thể là để có sự chú ý.
Áp dụng
Nơi phổ biến mà người ta gặp khó khăn với sự đoan trang là nơi tập thể dục, phòng gym. Một mặt người ta có thể nói y phục khi tập thể dục (thường rất chật và bộc lộ) thích hợp trong trường hợp đó. Và ở mức độ nào đó, điều này là đúng. Nhưng đây là câu hỏi tôi muốn đặt ra: liệu bạn cũng mặc y phục đó nếu không có tường kiếng chung quanh (chẳng hạn như tại trung tâm thể dục), hoặc khi bạn nghĩ không ai nhìn thấy bạn? Nếu câu trả lời là “không”, thì bộ y phục đó không là chỉ cho bối cảnh đó.
Cách Wojtyla nhìn về nội dung khiêu dâm giúp chúng ta hiểu thấu sự gì đang xảy ra: “Xu hướng nhằm gợi lên nơi người xem nó… một sự tin chắc rằng giá trị tình dục là giá trị căn bản duy nhất của con người.” Nhưng nếu chúng ta trung thực với bản thân và với cách Chúa dựng nên chúng ta, thì chúng ta sẽ tìm cách để tận hưởng giá trị tình dục của chúng ta theo cách mà nó sẽ được đặt dưới nhân phẩm đích thực của chúng ta, nó sẽ nâng cao nhân phẩm đích thực của chúng ta.
Chúng ta làm thế nào để trong ý nghĩ, lời nói và hành động của mình, giúp thúc đẩy một nền văn minh của tình yêu được dựa trên nhân phẩm vốn có của con người.
Chuyển ngữ từ A Catholic View of Shame and Modesty by Dr. Andrew Swafford
Leave a Reply