Điều tách biệt Kitô giáo trong thế giới cổ đại là mầu nhiệm nhập thể – lời tuyên bố rằng chính Thiên Chúa Tối cao đã bước vào lĩnh vực vật chất, mặc lấy thân thể loài người. Trong thuyết Ngộ đạo, vị thần cao nhất sẽ không chút liên quan đến thế giới vật chất. Ngược lại, thông điệp của Kitô giáo là Thiên Chúa siêu việt đã đi vào lịch sử làm một hài nhi sinh ra ở Bê-lem. Thiên Chúa thực sự nhập thể trong một thân xác thật, xảy ra vào một thời điểm cụ thể và ở một vị trí địa lý cụ thể. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Vào những ngày đầu của Hội thánh tiên khởi, đây là một việc gây tiếng tăm nhất cho Kitô giáo. Đó là lý do tại sao các tông đồ liên tục nhấn mạnh đến thể xác của Đức Kitô: rằng “nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể” (Cô-lô-xê 2:9), rằng “tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá,” (1 Phêrô 2:24), rằng “chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế.” (Híp-ri 10:10). Gioan thậm chí còn nói rằng điểm quan trọng xác nhận tính chính thống của đức tin là khẳng định rằng Chúa Giêsu đã “mặc lấy xác thịt” (1 Gioan 4:2).
Khi Chúa Giêsu bị xử tử trên cây thập giá của Đế quốc Rôma, chúng ta có thể nói rằng Ngài đã “trốn thoát” khỏi thế giới vật chất, đúng như những gì người Ngộ đạo đã dạy chúng ta nên khao khát làm. Nhưng Ngài đã làm gì sau đó? Ngài đã trở lại—với thân xác đã phục sinh! Đối với người Hy Lạp cổ đại, đó không phải là sự tiến bộ về mặt tâm linh. Đó là sự thoái lui. Ai mà muốn trở lại thân xác? Toàn bộ ý tưởng về sự sống lại của thể xác “dân ngoại cho là điên rồ” (xem 1 Cô-rinh-tô 1:23).
Ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng tưởng là họ nhìn thấy ma. Ngài phải đảm bảo với họ rằng Ngài hiện diện với thân xác: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Sau đó Chúa Giêsu hỏi họ có gì để ăn không: “Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” để chứng minh rằng thân thể sống lại của Ngài thực sự là thuộc về thể chất (Lu-ca 24:39, 43).
Chúa Giêsu không chỉ sống lại từ cõi chết mà còn lên trời. Chúng ta thường nghĩ về việc lên trời như một điều bổ sung, không có ý nghĩa thần học quan trọng nào cả. Thế nhưng, việc Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Kitô mặc lấy bản chất con người, và thân xác không phải là một phương tiện tạm thời, bị bỏ lại sau khi Ngài hoàn thành công cuộc cứu rỗi. Bởi vì Ngài đã được đưa về trời nên bản thể con người của Ngài, được kết nối vĩnh viễn với bản chất thần tính của Ngài.
Leave a Reply