Kinh Thánh sử dụng nhiều hình ảnh để giúp chúng ta hiểu được tình yêu Thiên Chúa. Mỗi hình ảnh đều có một vị thế đầy giá trị của riêng nó. Nhưng như ĐGH Gioan Phaolô II viết, ân huệ của Thiên Chúa, là khi Đức Kitô bị treo trên thập giá, đem đến một sự “nổi bật ý nghĩa phu thê của tình yêu Thiên Chúa cách dứt khoát.”.18 Thật thế, từ cuốn sách đầu tiên cho tới cuốn sách cuối cùng, từ mầu nhiệm của công trình tạo dựng, sa ngã, cho tới cứu chuộc, Kinh Thánh luôn kể về câu chuyện hôn nhân hoặc tiệc cưới.
Câu chuyện đó khởi đầu trong sách Sáng Thế, với cuộc phối ngẫu của người nam và người nữ đầu tiên, và kết thúc trong sách Khải Huyền, bằng tiệc cưới của Chúa Kitô với Hiền thê Hội Thánh. Ngay giữa cuốn Kinh Thánh ta lại tìm thấy tập thơ tình Diễm Ca. Hai đầu sách và bài tình ca trung tâm ấy là điểm mấu chốt để giúp ta đọc và hiểu toàn bộ câu chuyện Kinh Thánh. Thật vậy, ta có thể tóm tắt toàn bộ Thánh Kinh với cụm từ vô cùng đơn giản nhưng cũng rất đáng kinh ngạc: Thiên Chúa muốn kết hôn với chúng ta.
“Như tài trai sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng sẽ là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62, 5).
Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta, bằng một cách độc đáo và không hề trùng lặp, bước vào một sự kết hợp mật thiết phi thường với Người. Điều này cũng giống như khi đôi vợ chồng kết hợp để trở nên một xương một thịt vậy. Trong khi chúng ta có thể sẽ phải vượt qua một số điều khó chịu hoặc thậm chí sợ sệt để phục hồi sự thánh thiêng đích thực, sự thánh thiện đích thực của phép suy luận hôn thê, thì Kinh Thánh chứa đựng một sự thật đầy “tai tiếng”, “diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân Người bằng những hình ảnh từ ái táo bạo”. Đây là cách Đức Bênêđictô XVI đã dùng để nói về tình yêu Thiên Chúa.19 Ở một chỗ nào đó, ngài tuyên bố rằng: “Tình ái / eros là một phần trong trái tim Thiên Chúa. Đấng Toàn Năng chờ đợi câu trả lời ‘thưa vâng’ nơi thụ tạo Người, giống như chàng rể chờ đợi cái gật đầu e thẹn của nàng dâu vậy”.20
Hẳn là chúng ta sẽ thấy thân thuộc (và thoải mái) hơn khi mô tả tình yêu Thiên Chúa là agape – một từ Hy Lạp dùng để diễn tả tình yêu hy sinh, hiến dâng mạng sống. Nhưng ĐGH Bênêđictô XVI cũng nói rằng tình yêu Thiên Chúa “cũng còn được gọi là eros”. Nơi Đức Kitô, “eros được siêu việt, cao thượng hoá ở mức độ cao nhất… đến nỗi eros trở nên thật trinh khiết và hoà làm một với agape”. Do đó, Kinh Thánh không hề có chút băn khoăn khi sử dụng thơ ca tình ái, như trong sách Diễm Ca, để mô tả “mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, và giữa con người với Thiên Chúa”. Bằng cách này, ĐGH Bênêđictô XVI kết luận, sách Diễm Ca không chỉ là sự thể hiện tình yêu phối ngẫu thắm thiết, nó còn là “một biểu hiện của bản chất của đức tin trong Kinh Thánh: rằng con người thực sự có thể kết hợp với Chúa – nguyện vọng nguyên thủy của họ”. 21
18 ĐGH Gioan Phaolô II, Mulieris Dignitatem 26.
19 ĐGH Benedictô XVI, Deus Caritas Est 9.
20 ĐGH Benedictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2007.
21 ĐGH Benedictô XVI, Deus Caritas Est 10.
Leave a Reply