Khi tìm cách khai mở phép loại suy về tình yêu phu thê trong Kinh Thánh, việc hiểu được những giới hạn trong việc sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh biểu tượng là điều rất quan trọng. Bởi thế, ĐGH Gioan Phaolô II đã viết rằng: “Không một tác giả nghiên cứu Thánh Kinh nào đi sâu vào bản tính này, cho bằng thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô. Ngài viết: “Dĩ nhiên, hình tượng loại suy tình yêu phu thê trần trục,… tức là một thứ tình yêu của người phàm không thể cho ta một sự hiểu biết thích đáng và đầy đủ được về… mầu nhiệm Thiên Chúa. Mầu nhiệm [Thiên Chúa] vẫn luôn là siêu việt so với hình tượng loại suy này cũng như bất kì một loại suy nào khác”.
Đồng thời, ĐGH Gioan Phaolô II cũng khẳng định rằng, phép loại suy phu thê “cho ta khả năng ‘hiểu biết sâu hơn’ tới một mức nào đó chính yếu tính của mầu nhiệm” (xem TOB 95b:1; ngày 29 tháng 9 năm 1982).
Và không một tác giả nghiên cứu Thánh Kinh nào đi sâu vào bản tính này, cho bằng thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphesô. Thánh Phaolô trích dẫn trực tiếp từ sách Sáng thế: “Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Sau đó ngài liên kết cuộc hôn nhân khởi thủy với cuộc đính ước sau cùng, và thánh nhân viết: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5, 31–32).
Đối với ĐGH Gioan Phaolô II và toàn bộ truyền thống thần học của Giáo Hội, ta khó có thể phóng đại tầm quan trọng của đoạn Kinh Thánh này. Ngài gọi nó như một lời “tổng luận” của toàn thể giáo huấn Kitô giáo về Thiên Chúa là ai và con người là ai.24 Ngài nói rằng đoạn trích Kinh Thánh này chứa đựng “một ‘sự hoàn thiện’ của các đề tài và chân lý” của Kinh Thánh và bày tỏ “đề tài trung tâm và là những chân lý cốt yếu” của trọn vẹn những gì Chúa mạc khải (xem TOB 87, 3, ngày 28 tháng 7 năm 1982). Ngài nói tiếp: “Đó là một mầu nhiệm ‘cao cả… điều Thiên Chúa… muốn thông truyền trên hết cho con người trong Lời của Ngài”. Bởi thế, “người ta có thể nói đoạn Kinh Thánh này ‘giúp con người hiểu biết cách riêng về chính con người và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình’” (TOB 93, 2; 87, 6, 93; ngày 8 tháng 9 năm 1982; 87; ngày 28 tháng 7 năm 1982).
Vậy, điều gì là “ơn gọi cao quý” dành cho con người như thư Êphêsô chương 5 đã nêu? Các nhà thần bí thậm chí đã lúng túng khi tìm ngôn từ để diễn tả điều bất khả diễn tả, nên các ngài đành gọi nó là “sự kết hôn”… với Đấng Vô Hạn.25 Chúa Kitô là Adam mới, đã từ giã Chúa Cha và thiên cung Người ngự. Người cũng đã lìa xa mái ấm trần gian, nơi có căn nhà Người hằng chung sống với Mẹ Người. Tại sao? Vì Người muốn nằm trên “chiếc giường hôn thê, là cây thập giá”, như thánh Augustinô đã nói, để hiệp nhất Giáo Hội với Người – mà “người đàn bà” đứng dưới chân thập giá là biểu tượng – và hoàn tất sự kết hiệp này đến muôn đời. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã diễn tả hết sức công phu như sau:
Chúng ta luôn nghĩ rằng, Đức Kitô Con Thiên Chúa ở trên thập giá và Mẹ Người thì đứng dưới chân. Cũng đúng thôi, nhưng đó chưa phải là toàn cảnh bức tranh. Đó chưa phải là hiểu biết sâu rộng. Chúa chúng ta ở trên thập giá là ai? Người là Adam mới. Và Evà mới ở đâu? Ở dưới chân thập giá… Nếu Evà là mẹ của chúng sinh bằng trật tự tự nhiên, thì người đàn bà dưới chân thập giá này lại không phải là một người mẹ khác hay sao? (Tính mẫu hệ thiêng liêng này xảy đến như thế nào?)… Và đây tôi sẽ trích nguyên văn lời của thánh Augustinô: “… Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Chúa Kitô là dòng chảy đem đến sự sống thiêng liêng”. Và nhờ vào câu nói mang tính tác thành hôn phối “thưa bà, đây là con bà”, Giáo Hội được khai sinh.26
ĐGH Bênêdictô XVI tuyên bố rằng: “Trên thập giá, eros / ái tình của Thiên Chúa được biểu hiện vì chúng ta. Ái tình quả thật… là một lực lượng ‘không bao giờ cho phép người yêu ở lại trong chính mình, nhưng thôi thúc người ấy kết hợp nên một với người được yêu’”. Đức Cố Giáo hoàng đặt câu hỏi: “Liệu còn có ở nơi đâu chúng ta có thể thấy được ‘một thứ ái tình điên rồ / mad eros’ hơn ái tình của Con Thiên Chúa đã trở nên phàm nhân, bằng lòng chịu chết vì chúng ta?”.27
Nếu chúng ta càng để cho ánh quang rực rỡ nơi “ái tình điên rồ” của Chúa Kitô chiếu sáng tầm nhìn chúng ta, thì chúng ta sẽ càng hiểu ra rằng: “Toàn bộ đời sống Kitô giáo mang dấu ấn của tình yêu ‘hôn nhân’ giữa Đức Kitô và Hội Thánh… Bí tích Thánh tẩy, cửa ngõ dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là mầu nhiệm ‘hôn nhân’” (GLCG 1617), Ở đây, “Lời Chúa là ‘hạt giống bất diệt’ đâm chồi nảy lộc xinh tươi” (GLCG 1228). “Hạt giống bất diệt” này được chính Chàng rể là Chúa Kitô trao tặng cho Giáo Hội là Hiền thê của Người. Và chính nhờ cuộc hôn nhân trinh trắng và rạng ngời hào quang này mà Giáo Hội mang con cái mình đến với “một đời sống mới bất diệt” (GLCG 507).
Tuy rằng bí tích Thánh tẩy quả thật là rạng rỡ, đó chỉ là cánh cổng để bước vào đời sống Kitô hữu, chứ không phải là chóp đỉnh. Bí tích Thánh tẩy mở đường cho bí tích cao trọng nhất trong mọi bí tích, mầu nhiệm sâu thẳm nhất trong các mầu nhiệm; bí tích Thánh tẩy cũng được gọi là “thanh tẩy chuẩn bị hôn nhân trước khi dự tiệc cưới là bí tích Thánh Thể” (GLCG 1617).
24 Xem ĐGH Gioan Phaolô II, Thư gửi đến các gia đình / Letter to Families 19.
25 Chẳng hạn như, ĐGH Gioan Phaolô II, Novo Millennio Inuente 33.
26 Henry Dieterich, Through the Year with Bishop Fulton Sheen (San Francisco: Ignatius Press, 2003), p. 60.
27 ĐGH Bênêdictô XVI, Lenten Message 2007.
Leave a Reply