Bởi vì Thiên Chúa nhập thể là người nam khi Ngài mặc lấy bản tính nhân loại, điều này trao ban cho người nam một cơ hội độc nhất vô nhị để nhìn thấy kế hoạch của Thiên Chúa cho nam tính trong Đức Kitô Giêsu. Hàng trăm năm trước khi Chúa Giêsu ra đời, biến cố này đã được tiên báo trong sách Isaia rằng một Đấng Mêsia mà nhân loại mãi ngong ngóng chờ đợi sẽ là một tôi trung đau khổ. Ngài sẽ hy sinh mạng sống để cứu mọi người (Isaia 52 – 53). Qua việc này, Ngài là hình mẫu của tất cả người nam. Chúng ta được gọi để hy sinh vì điều tốt lành cho người khác, chứ không phải hy sinh người khác một cách ích kỷ cho lợi ích của chúng ta.
Bạn có thể nghĩ điều này như một tín lý về việc làm người nam có nghĩa gì. Hoặc, như những từ của phương châm dòng Tên thường được tìm thấy trong tất cả các trường trung học nam sinh, chúng ta cần trở thành “người nam cho người khác.”
Trái ngược với người tôi trung hy sinh bản thân là người nam hách dịch – kẻ quan tâm rất ít tới lợi ích của người khác. Anh ấy chỉ quan tâm về bản thân . Để giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ cho một ý tưởng méo mó như thế về nam tính, Chúa Giêsu tuyên bố: “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Đoạn khác trong Phúc Âm, người chồng được đòi hỏi phải yêu vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Hội Thánh, và dâng hiến mạng sống mình cho Hội Thánh (Ep 5, 25).
Khi vợ tôi và tôi chuẩn bị cho đám cưới của chúng tôi, chúng tôi cần chọn bài đọc Kinh Thánh trong Thánh Lễ. Những cặp đôi khác thường dùng bài đọc về tiệc cưới Cana hay một đoạn về yêu thương lẫn nhau trong lễ cưới của mình. Vì thế, Crystalina hơi ngạc nhiên một chút khi tôi hỏi cô ấy có ngại không nếu chúng tôi chọn bài đọc về Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Với mọi người tham dự Thánh lễ Hôn phối của chúng tôi, tôi nghĩ rằng họ thấy lạ lùng một chút. Điều họ thấy là đôi bạn trẻ cam kết yêu thương nhau. Điều họ nghe là câu chuyện về một người đàn ông bị đánh đập, bị lột trần, bị tra tấn và bị giết.
Nhưng với tôi, bài đọc ấy nói về mọi điều mà tôi sắp hứa với hôn thê của tôi. Đây là những lời Chúa Giêsu nói ra, “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Khi trao hiến thân xác mình cho Cô Dâu của mình, Ngài đã ban cho Giáo hội sự sống. Không phải lúc nào tôi cũng thực hiện hoàn hảo lời hứa ấy, nhưng tôi luôn có thể quay lại nhìn lên Thánh giá để thấy gương mẫu tôi phải yêu cô dâu của mình như thế nào.
Không lâu trước đây, tôi nghe một người chồng trẻ đã đem một chứng tá của Chúa Giêsu vào trong đám cưới của mình. Trong tiệc cưới, anh và vợ của anh thay đổi một hành vi truyền thống phổ biến đó là chú rể gỡ cái dây bên trong áo cưới trên đầu gối đang giữ vớ da của cô và ném nó cho các chàng trai độc thân tụ họp xôn xao chung quanh đôi tân hôn. Thay vì lặp lại tập quán vô ích này, anh để cô dâu ngồi trên một chiếc ghế và anh quỳ xuống trước mặt cô ấy rồi rửa chân cho vợ mình trước mặt mọi người. Cũng thế, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ của Ngài trước khi Ngài hiến mạng vì họ trên thập giá (Ga 13, 1-15).
Bằng cách bắt chước cử chỉ khiêm hạ của Chúa Giêsu trong bữa tiệc cưới có đông khách tham dự, chú rể đã để lại cho mỗi người một biểu tượng tình yêu mà họ sẽ không thể nào quên. Nhưng anh ấy không làm nó để phô trương cho các vị khách. Anh chỉ diễn tả cho họ thấy người vợ mới cưới của anh đáng được yêu thương như thế nào.
Bài này được cấp phép bởi Ascension Press từ cuốn sách Theology of Her Body/Theology of His Body. Xin đừng sao chép nhằm tôn trọng bản quyền của Ascension Press.