Theo chú giải của ĐTC Gioan Phaolô II, trái tim chúng ta đã trở nên một chiến trận giữa tình yêu và dâm dục. Dục vọng càng thống trị trái tim, chúng ta càng ít kinh nghiệm được “ý nghĩa hôn nhân của thân xác.” [1]
Ngài muốn nói gì qua “hôn nhân” hoặc “ý nghĩa hôn nhân của thân xác”, đó là thân xác của nam và nữ bày tỏ rằng họ được dựng nên cho nhau. Họ được tạo nên để trở thành món quà cho người kia. Không thể lầm lẫn được rằng điều đó đã được đóng ấn trong hình thái cơ thể của họ. Tuy nhiên, chúng ta không còn hiểu một cách rõ ràng.
Khi một người đàn ông nhìn ngắm thân thể người phụ nữ, anh ta có thấy lời mời gọi để thật sự yêu cô ấy, hay anh lập tức bị cám dỗ để dùng cô? Anh ta thấy cô như một phản chiếu của thiên đường hay làm xao lãng thực tại đó? Vấn đề của anh ấy không phải là vẻ đẹp của cơ thể nữ giới.
Vấn đề của anh là anh phải học lại cách thức để nhìn vào cô – không phải chỉ là “nhìn” mà thôi, nhưng là nhìn thấy cô như Chúa đã tạo dựng nên cô. Và ĐTC Gioan Phaolô II nói, “Chúa Giêsu trao phó cho mỗi người nam một bổn phận: phẩm giá của mỗi người nữ .” [2]
Một cách để thực hiện điều này là suy ngẫm về tình yêu giữa cô dâu và chàng rể trong sách Diễm Ca. Trong đó, người yêu đề cập đến người nữ như “người em gái, cô dâu của tôi” (Diễm ca 4,9). Lối diễn tả như thế có vẻ có chút gì kỳ quặc đối với bạn vì không ai dùng thứ ngôn ngữ lãng mạn với em gái mình.
Tuy nhiên, lý do người yêu trong sách Diễm Ca có khả năng yêu cô dâu trọn vẹn là vì trước tiên anh đã nhìn nhận nàng như một người em trong phận người. Các anh trai luôn muốn điều tốt nhất cho em gái mình. Họ canh phòng cho các cô em gái chống lại những kẻ có động cơ không thanh sạch.
Nếu chàng rể trong sách Diễm Ca không có tình cảm anh trai em gái này, làm thế nào anh ta có thể thật sự yêu cô ấy? Christopher West chỉ ra: “Tự riêng nó,thôi thúc tình dục thuần túy sẽ không nhận ra người nữ như một “người em gái trong thế giới sa ngã này”. Vì sự thiếu đi sự nhận thức như thế, người nam cũng không thể nhận biết cô ấy đúng như một “cô dâu”. Cô gái đối với chàng trai chỉ như một vật dụng của sự chiếm dụng – đó là, một vật để nắm giữ, sở hữu và sử dụng.” [3]
Khi một người nam nhìn vào một người nữ như một em gái, nó làm nảy sinh trong anh sự tự kiểm lại nhân dạng và sứ mạng của anh.
Lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Người em gái trong một nghĩa nào đó giúp người nam định hình và nhận thức chính mình. Cô gái trở thành, tôi dám nói, một thách thức trong chiều hướng này.” [4]
Điều này gọi mỗi người nam nhận thức vai trò của mình như một anh trai với cô ấy. Một sự chuyển đổi như thế của động lực đòi hỏi sức mạnh từ bên trong. Tuy nhiên, điều này không tước đi khả năng yêu người nữ của người nam. Nó cứu khả năng ấy.
Nếu bạn hy vọng yêu một người nữ như Thiên Chúa dự định cho cô được yêu, luôn nhớ rằng hai từ “người em gái” và “cô dâu” không thể bị chia lìa. Thậm chí dù hôn nhân là chuyện còn xa vời đối với bạn, biết rằng từ bây giờ là thời gian bạn tự đào luyện mình như một chàng rể. Cho dù bạn cảm thấy được gọi cho thiên chức Linh mục thay vì hôn nhân, bạn vẫn phải biết yêu đúng đắn một người nữ là như thế nào. Vì vậy, bây giờ là lúc học biết yêu người nữ như những chị em gái.
[1]See Pope John Paul II, Man and Woman He Created Them: A Theology of the Body, translation, introduction and index by Michael Waldstein (Boston: Pauline Books & Media, 2006), 13:1.
[2]TOB 100:6
[3]Christopher West, Heaven’s Song (West Chester, PA: Ascension Press, 2008), 49.
[4]Theology of the Body, 109:4.
Bài này được cấp phép bởi Ascension Press từ cuốn sách Theology of Her Body/Theology of His Body. Xin đừng sao chép nhằm tôn trọng bản quyền của Ascension Press.