Bài viết này được dịch từ tờ báo Wall Street Journal.
Nghiên cứu cho thấy kết hôn trẻ tuổi mà chưa từng chung sống với bạn đời đưa đến tỷ lệ ly hôn thấp nhất.
Bây giờ đang là mùa cầu hôn — khoảng thời gian từ Lễ Tạ ơn đến ngày lễ Valentine khi gần 40% các cặp đôi quyết định sẽ đính hôn. Những ngày lễ có xu hướng khiến mọi người nghĩ đến chuyện kết hôn. Vậy độ tuổi thích hợp nhất để đeo nhẫn cưới là tuổi nào?
Đó là một câu hỏi nghiêm trọng đối với những phụ nữ có học thức, những người thấy mình bị kẹt giữa tham vọng nghề nghiệp và áp lực lập gia đình. Quan niệm truyền thống là họ nên dành những năm tuổi 20 cho nghề nghiệp và đợi đến năm 30 tuổi hoặc muộn hơn rồi hãy nghĩ đến kết hôn. Nhờ đó, họ có thể tự lập trước khi tìm và kết đôi với một đối tác thành đạt không kém. Chiến lược này cũng được xem là cách tốt nhất để giữ sự gắn kết vì quan niệm xã hội cho rằng kết hôn sớm sẽ làm tăng nguy cơ ly hôn.
Lối suy nghĩ đó là nếu bạn đợi đến 30 hoặc muộn hơn rồi mới kết hôn, bạn có cơ hội để có sự trưởng thành cần thiết cả về việc biết chọn lựa và việc trở thành một người vợ / chồng tốt. Thực tế là tuổi trung bình của hôn nhân đầu tiên cho người phụ nữ ở Mỹ là gần 29 tuổi (nam giới là 30 tuổi) – và tỷ lệ này cao hơn ở những người có ít nhất một bằng đại học – cho thấy rằng quan điểm này đang được áp dụng rộng rãi.
Khi nói đến ly hôn, các nghiên cứu nói chung chỉ ra rằng tốt nhất nên đợi đến khoảng 30 tuổi rồi hãy kết hôn. Nhà xã hội học Nicholas Wolfinger của Đại học Utah phát hiện ra rằng những phụ nữ kết hôn “quá sớm” (giữa những năm 20 tuổi hoặc sớm hơn) có nhiều khả năng chia tay hơn so với những người đồng lứa kết hôn khi họ gần tuổi 30.
Những cuộc chia tay trước đây trong quá trình sống thử có thể mang lại cho vợ chồng kinh nghiệm tìm kiếm lối thoát khi cuộc sống trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã phát hiện gần đây, có một ngoại lệ thú vị đối với quan niệm đợi đến 30 tuổi là tốt nhất. Khi phân tích các báo cáo về hôn nhân và ly hôn của hơn 50.000 phụ nữ trong Khảo sát Quốc gia về Tăng trưởng Gia đình (NFSG) của chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy rằng có một nhóm phụ nữ kết hôn trước 30 tuổi không gặp phải rủi ro đó: những phụ nữ đi vào hôn nhân và không hề sống chung, không hề sống thử. Thật vậy, những phụ nữ kết hôn từ 22 đến 30 và không hề sống chung trước với nhau, có tỷ lệ ly hôn thấp nhất trong khảo sát NSFG.
Ngược lại, đối với khoảng 70% phụ nữ trong thử nghiệm của chúng tôi, những người đã sống thử với một hoặc nhiều người trước khi kết hôn, quan niệm thông thường áp dụng cho tình huống của họ. Đối với họ, đợi đến khoảng 30 tuổi rồi hãy kết hôn có liên quan đến nguy cơ ly hôn thấp hơn.
Điều gì đang xảy ra ở đây? Đối với một thanh niên bình thường, việc đợi cho đến lúc trưởng thành hãy kết hôn là điều không chối cãi, đặc biệt là khi tính đến chuyện kết hôn trước tuổi 20. Nhưng chờ đợi quá lâu cũng có mặt trái của nó. Nó thường là tích lũy những hành lý cồng kềnh cho các mối quan hệ— bao gồm danh sách những người yêu cũ từ các cuộc sống chung — có thể đè nặng trên đời sống hôn nhân của họ sau này. Những phụ nữ kết hôn và chưa hề sống chung, chưa hề sống thử ở độ tuổi 20 tránh được việc mang theo những gánh nặng cồng kềnh này cùng với họ đến bàn thờ tuyên hứa lời kết hôn. (Đàn ông cũng vậy .)
Quan niệm việc sống thử thì nguy hiểm là điều đáng ngạc nhiên, vì phần lớn thanh niên tin rằng sống chung là một cách tốt để đánh giá phẩm chất của người bạn đời và mối tương quan giữa hai người, do đó làm tăng phẩm chất và sự ổn định của cuộc hôn nhân. Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người Mỹ sống chung trước hôn nhân ít có khả năng kết hôn hạnh phúc và nhiều khả năng phải ra tòa ly hôn.
Khi xem xét lịch sử hôn nhân của hàng nghìn phụ nữ trên khắp Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy rằng những phụ nữ đã sống thử có khả năng ly hôn 15% cao hơn. Hơn nữa, một nghiên cứu của Đại học Stanford chỉ ra rằng nhóm có nguy cơ đặc biệt cao là những phụ nữ sống thử với người khác hơn chồng tương lai của họ. Họ có khả năng phải ra tòa ly hôn cao hơn gấp đôi.
Về mô hình này, nhà tâm lý học Galena Rhoades của Đại học Denver nhận xét: “Chúng ta thường nghĩ rằng có nhiều kinh nghiệm hơn sẽ tốt hơn… Nhưng những gì chúng tôi tìm thấy cho các mối quan hệ thì ngược lại. Có nhiều kinh nghiệm hơn, có tỉ lệ thuận với việc có một cuộc hôn nhân kém hạnh phúc hơn sau này.” Nghiên cứu của bà cho thấy những cuộc sống thử trước đây, có thể cung cấp cho người chồng và người vợ kinh nghiệm về việc chia tay trong những mối quan hệ sống chung với ý định tìm người bạn đời, khiến họ dễ tìm đến lối thoát khi tình thế trở nên khó khăn.
Theo sự đánh giá của Giáo sư Rhoades, việc có tiền sử sống chung cũng có thể khiến họ so sánh và phê bình người phối ngẫu của mình với những người bạn đời trước, khiến họ giảm giá trị người chồng hoặc người vợ của mình. David, người chồng của bạn có thể là một người bạn đời có trách nhiệm và đáng tin cậy – nhưng không hài hước như Will hay một người làm tình tuyệt diệu như Nate, hai người đàn ông khác mà bạn đã cùng sống trước khi kết hôn. Luôn ghi nhớ những so sánh có tính cách tiêu cực như vậy khi bạn đã kết hôn có thể ăn mòn cuộc hôn nhân của bạn.
Một giả thuyết khác được đưa ra bởi một cặp vợ chồng 20 tuổi mới cưới, Joey và Samantha Paris, sống ở Dallas. Họ gặp nhau ở thành phố New York và khiến những người bạn đồng trang lứa ngạc nhiên khi kết hôn ở tuổi 24 mà không hề sống chung trước. Theo quan điểm của Joey, việc sống thử thường khiến những người bạn trong ngành tài chính của anh ấy lo lắng hơn về mối quan hệ của họ sau khi họ kết hôn. Anh nói: “Tôi nghĩ rằng một phần sức hấp dẫn của hôn nhân đã mất đi bởi vì trong mắt họ, họ có thể nhận được tất cả những lợi ích của hôn nhân”. Joey nhớ lại đã hỏi một người bạn sống chung trước hôn nhân: “Cảm giác bây giờ thế nào? Và anh ấy nói, “Thành thật mà nói, không có gì khác biệt.” Anh ấy nói: “Tôi không hiểu người ta sao lại đặt mạnh giá trị như vậy vào hôn nhân.”
Joey và Samantha đã có một trải nghiệm rất khác. “Tôi đã rất ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cuộc sống bình thường,” Samantha nói, như cùng nhau nấu ăn, giặt quần áo, cùng nhau trang trí cho Giáng sinh — chưa kể đến việc lúc tối đến, chúng tôi nhau dành thời gian với nhau.
Chúng tôi không biết chính xác lý do tại sao những phụ nữ trẻ kết hôn trực tiếp ở độ tuổi 20 mà không sống thử lại có tỷ lệ ly hôn tương đối thấp. Có phải trải nghiệm chia tay ít hơn, ít người bạn đời trước để so sánh hơn, ý thức sâu sắc hơn rằng hôn nhân là một mối tương quan khác hơn, hay thực tế là những phụ nữ như vậy thường là có đời sống đạo đức hơn? Nó không hề rõ ràng.
Điều rõ ràng là: Nếu bạn là một phụ nữ trẻ đang nghĩ đến việc kết hôn nhưng lo lắng về việc ly hôn, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng bạn không cần phải đợi đến khi 30 tuổi — miễn là bạn đã tìm được một người bạn đời tốt và đừng dọn vào sống chung với bất cứ người nào cho đến ngày cưới của bạn.
—Dr. Wilcox là giám đốc Dự án Hôn nhân Quốc gia tại Đại học Virginia và là thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Gia đình. Ông Stone là thành viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Gia đình và là giám đốc thông tin của công ty nghiên cứu dân số Demographic Intelligence.
Chuyển ngữ từ Too Risky to Wed in Your 20s? Not if You Avoid Cohabiting First
Leave a Reply