Các Kitô hữu hiện đại cần khôi phục lại nhận thức/hiểu biết về tính độc đáo của thế giới quan Kitô giáo. Từ khi còn là những đứa trẻ mới biết đi học giáo lý vào Chúa Nhật, chúng tôi đã hát bài “Chúa Giêsu Yêu Trẻ Nhỏ”. Chúng ta không còn nhận ra sự cấp tiến triệt để của Kitô giáo khi dạy về giá trị của trẻ em trong thời gian đầu.
Chính cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu đã phá hủy quan niệm rằng giá trị của sự sống phụ thuộc vào địa vị xã hội. Suy cho cùng, Đấng tạo thành trời đất đã hạ mình trở thành một trẻ thơ. Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó và trong sự yếu hèn, rồi chịu chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Chúng ta quen nhìn thấy cây thánh giá được bao quanh bởi hoa và cửa sổ kính màu, hoặc được đeo như một món đồ trang sức sáng bóng. Hầu hết chúng ta không còn nhận ra ở La Mã cổ đại, đóng đinh bị coi là một hình thức hành quyết man rợ dành riêng cho những tội phạm thấp hèn nhất, đáng bị nguyền rủa nhất – hầu hết là nô lệ và những kẻ nổi loạn chính trị. Đó là cái chết xấu hổ và nhục nhã tột cùng, một điều thậm chí không được đề cập đến trong những cuộc trò chuyện lịch sự. Do đó, việc tử hình Chúa Giêsu bị coi là một sự xấu xa đến kinh hoàng.
Qua việc gánh chịu sự sỉ nhục ghê tởm như vậy, Chúa Giêsu đã phá hủy hoàn toàn sự khác biệt về địa vị xã hội. Những người Kitô hữu bắt đầu công bố thông điệp cấp tiến rằng quyền cơ bản của con người không phụ thuộc vào địa vị, quyền lực hay giai đoạn sống. Dưới chân thập giá, người nghèo, kẻ nô lệ, người bị áp bức, người trẻ, người yếu đuối đều bình đẳng như người giàu và người quyền thế. Kitô hữu bị cấm đối xử thiên tư với những người khác (Gia-cô-bê 2, 1–9; 5, 1–6).
Vì vậy, ngay từ đầu, những Kitô hữu thời tiên khởi đã xem trẻ em là những con người trọn vẹn và có giá trị. Bakke nói, một kết quả là các bậc cha mẹ theo Kitô giáo đã “tham gia nhiều hơn vào việc giáo dục so với trường hợp thông thường của các gia đình ngoại giáo.”65 Ngược lại với những người La Mã giàu có, những người thường giao việc chăm sóc con cái của họ cho người hầu và y tá, các giáo phụ kêu gọi các bậc cha mẹ hãy dưỡng dục con cái của mình. Vào thế kỷ thứ tư, thánh Gioan Kim Khẩu đã viết: “Hãy xem mọi việc khác là thứ yếu so với việc chăm sóc con cái chúng ta, nuôi dạy chúng theo kỷ luật và sự hướng dẫn của Chúa.”66 Vì suy cho cùng, điều quan trọng là sự sống đời đời của con người.
Qua hết thảy những cách này, Kitô giáo đã phát minh ra một khái niệm mới lạ về thời thơ ấu, một tư duy mới xem trẻ em là những người được quý trọng, yêu mến và chăm sóc.
Những thực hành của một xã hội tiền Kitô giáo báo hiệu hướng đi mà xã hội hậu Kitô giáo của chúng ta rất có thể sẽ lặp lại. Khi thế giới bác bỏ đạo đức Kinh Thánh, nó không chỉ mất đi nền tảng của nhân quyền nói chung, như chúng ta đã thấy trước đó, mà còn mất đi nền tảng của việc chăm sóc trẻ em cách nhân đạo. Các nhà phê bình xã hội lưu ý rằng các thực hành như tránh thai nhân tạo, phá thai, và thụ tinh trong ống nghiệm đã tạo ra quan điểm cho rằng việc sinh con chỉ đơn thuần là một lựa chọn về lối sống, một phụ kiện để làm phong phú thêm cuộc sống của người trưởng thành và đáp ứng nhu cầu của người lớn. Nếu lấy đi quan điểm Kitô giáo về tuổi thơ ấu thì chúng ta không còn có gì đảm bảo rằng xã hội chúng ta sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp quan trọng để bảo vệ trẻ em.
65. Bakke, When Children Became People, 285.
66. Ibid.,163.
Leave a Reply