Thường người ta cho rằng chỉ có đàn bà mới ngồi lê đôi mách. Nhưng trong thực tế, cánh đàn ông cũng mắc phải tật xấu này mà họ gọi là “phê phán.”
Chúa đã nói: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán.” Xét đoán đây nghĩa là đánh giá một cách đầy ác ý, bới lông tìm vết. Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ tâm hồn con người, còn người đời chỉ thấy bề ngoài.
Ở nước Anh, các thẩm phán phải mang tóc giả để cho thấy họ không dùng ý riêng để phán xử. Điều này nói lên một sự thật là con người ai cũng nghi ngờ hết. Họ cho rằng ngay cả các vị thông thái khôn ngoan nhất cũng không đáng được tin tưởng để phán định ai vô tội, ai có tội.
Mỗi khi chúng ta xét đoán tha nhân là chúng ta xét đoán chính bản thân mình. Nhiều khi lời phê phán của chúng ta đối với tha nhân chính là lời kết án lỗi lầm của chính bản thân chúng ta. Khi một bà gọi một bà khác là “lang chạ” hẳn bà đã biết được chuyện “mèo chuột” rồi. Sự ganh ghét là thuộc tính của thói tự ti. Chúng ta ghen tị người khác vì chúng ta cảm thấy không bằng họ, vì chúng ta không thể nào vươn lên bằng họ nên phải kéo họ xuống ngang hàng với chúng ta. Khi phê bình người khác thì cũng tương tự như thế.
Ai nói xấu người khác thì mang tội nặng hơn kẻ bị họ nói xấu. “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn”, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,3- 5).
Khi cho rằng mình có quyền phê phán tha nhân thì chúng ta đã kiêu ngạo rồi. Chúng ta đã bị cái xà che khuất mắt mình. Nói xấu kẻ khác thì hoặc là chúng ta đã đưa mình lên cao, hoặc đã hạ người khác xuống thấp, nhưng thường là cả hai. Vì kẻ ưa nói xấu thường thích đổ tội mình phạm lên đầu người khác. Người nói dối thường xuyên sẽ nổi giận nhiều hơn khi phát hiện mình bị kẻ khác dối gạt. Cũng vậy, kẻ ưa nói xấu sẽ tức tối ghê gớm khi biết mình bị người khác nói xấu sau lưng. Chúa Giêsu nhắc kẻ nói xấu nên suy nghĩ về việc lên án kẻ khác phạm tội. “Ai trong các ông không có tội, hãy ra tay ném đá trước đi.” Vậy chỉ có ai vô tội mới có quyền kết tội. Nhưng kẻ vô tội bao giờ cũng muốn gánh tội kẻ khác, coi sa ngã của anh em là của chính mình. Tình yêu không chỉ nhìn nhận tội lỗi mà còn dám chết để chuộc tội nữa.
Theo bản năng, chúng ta cảm thấy rằng nếu ai lợi dụng mình thì đó là điều sai trái. Và chúng ta sẽ dùng nhiều cách để biện minh như: “Ai mà chẳng có lòng từ bị nhân hậu, nhưng…” hay “Dĩ nhiên, tôi không có ý phê phán, nhưng…” hay “Tôi không muốn phê bình ai cả, thế nhưng…” Những câu nói này càng được gọt dũa sắc sảo hơn nữa, càng chứng tỏ kẻ nói ra có tâm lý đen tối. “Ai yêu mến anh em, người ấy ở trong ánh sáng. Còn ai ghét anh em thì ở trong bóng tối.”
Thiên Chúa hứa ban cho người không kết án một phần thưởng cao quí: họ sẽ không bị phán xét khi đến trước tòa Chúa. Dù có bị xét xử đi nữa, thì phán xét của Chúa sẽ rất nhân từ. Vua Đavít khi đã phạm tội, ông khôn ngoan chọn hình phạt do Chúa định hơn là do loài người, vì Thiên Chúa bao giờ cũng nhân hậu hơn. Tất cả chúng ta đều không khôn ngoan đủ hoặc vô tội đủ để phê phán nhau. Và quyết định đúng đắn nhất về anh em khi thấy họ làm sai là chúng ta nên nói: “Chúng ta hãy để cho Chúa phán xét họ.”
Trích từ sách Cuộc đời đáng sống của ĐTGM Fulton Sheen; Montfort Phạm Quốc Huyên và Eymard Nguyễn Trọng Tôn chuyển ngữ
Leave a Reply