Trong sách, tựa đề của chương là Không có ai trừ tôi
Xung năng tình dục, đặc biệt nơi người trẻ, cực kỳ mạnh mẽ và dường như thường xuyên đòi hỏi phải được thỏa mãn ngay tức khắc. Không có gì đáng ngạc nhiên, tôi chắc thế. Nhiều người hiểu giáo huấn của Hội Thánh về tình dục trước hôn nhân và cam kết để dành tình dục cho hôn nhân. Đồng thời, họ chiến đấu trước vấn đề phải làm gì với xung năng tình dục mạnh mẽ này đòi ta phải quan tâm. Và không tránh khỏi xuất hiện vấn đề thủ dâm. Các sinh viên hỏi: “Có được thỏa mãn khao khát tình dục một mình không?”. “Chẳng ai bị thiệt hại gì về chuyện ấy cả”. “Có quan hệ tình dục với ai khác đâu, vậy tại sao nó lại là vấn đề?”
Sống trong sạch nghĩa là tôn trọng tính dục của chúng ta, và thủ dâm thì phá bỏ sự tôn trọng này. Sáu lý do chính yếu giải thích tại sao thủ dâm hạ giá và làm phương hại đến món quà tính dục.
✓ Trước hết, thủ dâm không bao giờ đáp ứng trọn vẹn mục đích của tình dục. Sống trong sạch là tôn trọng tính dục của chúng ta đến độ chúng ta dành chuyện quan hệ vợ chồng cho bối cảnh tình yêu hôn nhân. Thủ dâm làm cản trở sự tôn trọng đó. Điều đã được Thiên Chúa tạo thành để làm quà tặng cho người khác thì không thể dùng làm kho tàng tích trữ cho riêng mình.
Khi người ta thủ dâm thì họ dành riêng cho mình món quà lẽ ra phải được trao cho người khác. Chẳng có chút trao tặng nào trong đó cả. Mục đích kép của tình dục – trao tặng sự sống và trao tặng tình yêu – bị chối bỏ bởi hành vi thủ dâm. Hành vi ấy chẳng hề yêu thương người khác cũng chẳng trao ban sự sống cho một người khác hay cho một quan hệ nào.
✓ Thứ hai, thủ dâm không làm thỏa mãn người thực hiện nó. Nhiều người biện luận rằng thủ dâm cần thiết, đặc biệt cho các bạn tuổi mới lớn, để giúp chế ngự xung năng tình dục. Họ cho rằng những thúc bách nổi lên quá mạnh khiến các bạn không thể làm gì khác được. Quan điểm này có vấn đề là trong khi thủ dâm làm giảm căng thẳng tình dục nhất thời, nhưng thực sự lại gây hậu quả lâu dài, làm gia tăng ham muốn tình dục.
Ở đây chúng ta có thể ví von thế này, ham muốn tình dục giống như một em bé hai tuổi. Khi bé đòi bạn làm gì hay xin bạn cái gì mà bạn đồng ý thì chẳng bao lâu sau nó lại đòi cái khác. Đứa bé càng nghe được những tiếng đồng ý và càng nhận được những gì nó yêu cầu thì nó càng đòi hỏi nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu đứa trẻ nghe trả lời “không” thì cuối cùng nó cũng sẽ ít đòi hỏi hơn. Đối với những thôi thúc tình dục của chúng ta cũng như vậy. Cố thỏa mãn các đòi hỏi đó bằng việc thủ dâm thì không làm giảm đi được mà còn làm cho chúng mạnh mẽ hơn và đòi ta chú ý đến thường xuyên hơn. Người ta càng thủ dâm thì càng cảm thấy có nhu cầu thủ dâm.
✓ Thứ ba, ham muốn tình dục dồn dập không gây nguy hại. Không người đàn ông nào chết vì sản sinh ra quá nhiều tinh trùng cả. Không người phụ nữ nào chết vì không thủ dâm. Đấng tạo dựng thân xác chúng ta là Thiên Chúa đã không để cho chúng ta chiến đấu thất bại. Đối với nam giới, cơ thể chúng ta có những phương tiện tự nhiên để giải phóng bớt tinh trùng qua việc xuất tinh trong giấc ngủ ban đêm(di mộng tinh). Không có gì trái luân lý trong tiến trình tự nhiên đó cả, nhưng nó là dấu hiệu của tính dục lành mạnh. Điều này không có nghĩa như một số người nói, là có thể chấp nhận việc giúp cho tiến trình đó xảy ra.
✓ Thứ tư, đức trong sạch là làm chủ được những thôi thúc và ham muốn của chúng ta chứ không phải quy phục chúng. Thủ dâm như là một cách thức giải quyết các ham muốn tình dục sẽ biến chúng ta thành nô lệ chứ không phải là làm chủ những ham muốn ấy. Những thôi thúc tình dục nổi lên đòi chúng ta chú ý, và được giải quyết bằng thủ dâm. Ham muốn tình dục có đường đi của nó. Ai bị điều khiển?
Một số người lý giải rằng con người vẫn bị điều khiển và có cùng một mục tiêu như đòi hỏi tình dục. Đây có lẽ là trường hợp của một số người, ít nhất là thuở ban đầu. Tuy nhiên, việc thủ dâm có thể trở thành một hành vi rất dễ gây nghiện.
Nhiều người bắt đầu thủ dâm thường xuyên ở trường trung học như một cách giải tỏa dồn nén và rốt cuộc thành một thói quen bị cưỡng chế mà họ không thể bỏ thậm chí đến mười hay mười lăm năm sau. Càng đáp ứng ham muốn thì ham muốn ấy càng trở nên mạnh mẽ và càng ít có khả năng kiềm chế. Không mất nhiều thời gian để tự biến mình thành nô lệ cho các ham muốn tình dục của mình.
✓ Thứ năm, việc thủ dâm tạo cho chúng ta thói quen đạt tới kích thích bằng tay chúng ta. Được luyện theo cách này thì người bạn đời chúng ta có thể sẽ không đáp ứng được và cũng không làm chúng ta thỏa mãn. Có lẽ sẽ là một lời tuyên bố đáng buồn về tính dục của chúng ta nếu mình nhằm cho mình thỏa mãn về thể xác hơn là vợ hay chồng mình.
✓ Thứ sáu, thủ dâm đem lại những hậu quả tiêu cực cho các mối quan hệ của chúng ta. Tính dục của chúng ta là để biểu lộ qua thân xác trong bối cảnh của mối quan hệ. Thay vì hướng đến người khác đầy yêu thương, thủ dâm lại biến tình dục thành hành động qui hướng về chính mình. Như một người bạn diễn tả, thủ dâm là một cuộc độc thoại chứ không phải là đối thoại5. Các hành vi tình dục mang ý nghĩa là cuộc đối thoại.
Khuynh hướng qui về chính mình của việc thủ dâm có ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta, cả về mặt tương quan và thiêng liêng. Chúng ta càng qui hướng về mình thì chúng ta càng ít có khả năng trao hiến trọn vẹn cho người khác. Qui hướng về mình dưới mọi hình thức ngăn cản không cho chúng ta yêu thương người khác với tình yêu chân thành và sâu xa. Việc thủ dâm luyện cho chúng ta sử dụng tình dục vì những lý do ích kỷ, và chính việc tập luyện này có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng cảm nghiệm được tình dục là yêu thương người khác một cách trọn vẹn. Tặng phẩm tuyệt vời tình dục vốn được gìn giữ nhờ đức trong sạch sẽ trở nên yếu kém đi vì thủ dâm.
Chống lại cám dỗ
Dù nói như thế, việc hiểu Giáo Hội chống lại thủ dâm có lẽ không giúp cho chúng ta đương đầu với những cám dỗ thủ dâm. Trong khi thủ dâm xét về khách quan là sai trái và phi luân, nhưng còn có các yếu tố ảnh hưởng đến trách nhiệm luân lý của chúng ta, đặc biệt khi nó đã trở thành một thói quen thôi thúc mãnh liệt. Đây là lý do tại sao Giáo Hội cho chúng ta Bí tích Hòa giải6. Thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải sẽ đem lại cho chúng ta ơn tha thứ mọi tội lỗi trong quá khứ và ơn sủng để tránh tội trong tương lai.
Một khi chúng ta phạm tội thuộc lãnh vực tình dục, chúng ta dễ tái phạm tội ấy. Bí tích Hòa giải phá vòng lẩn quẩn ấy và phục hồi chúng ta toàn vẹn, cho phép chúng ta được khởi đầu lại. Việc hòa giải không phải là chữa cấp tốc cho một tội nào đó đã thành thói quen, bao gồm tội thủ dâm. Hơn thế, điều chúng ta cần là được đổi mới tâm hồn, và các bí tích có thể giúp chúng ta thực hiện điều ấy. Nếu chúng ta kết hợp bí tích với việc linh hướng với một ai đó, với cha giải tội chẳng hạn, chúng ta có thể xác định những yếu đuối của mình rõ ràng hơn và đón nhận ơn Chúa tràn đầy hơn trong những lúc gặp cám dỗ.
Có nhiều phương thế khác giúp chúng ta gia tăng khả năng chống trả các cơn cám dỗ thủ dâm. Như chúng ta đã thảo luận ở một chương trước, cám dỗ thủ dâm có thể do cuộc sống không lành mạnh trong tư tưởng. Một phương thế làm giảm cám dỗ là nuôi dưỡng đời sống tư tưởng lành mạnh. Điều này bao gồm việc cẩn trọng với những gì chúng ta xem và xử lý thích hợp với những ý nghĩ về tình dục.7
Phương thế thứ hai là cầu nguyện. Khó có thể chìm sâu vào cầu nguyện mà lại đồng thời thực hiện hành vi tội lỗi. Tuy nhiên, chúng ta không thể tự dưng mà đi sâu vào đời sống cầu nguyện. Chúng ta cần phải thực hành thường xuyên và kiên trì giao tiếp với Thiên Chúa. Một lời cầu nguyện có sức mạnh biến đổi chúng ta, đặc biệt trong lãnh vực tính dục, là tràng chuỗi Mân côi.
Phương thế thứ ba là có một hình thức tham vấn với một ai đó trong cuộc sống. Có thể đó là cha giải tội thường xuyên, một nhóm bạn trẻ hay nhóm cầu nguyện, một người bạn thân, các sách thiêng liêng, có một người thường xuyên khích lệ và nâng đỡ, tất cả đều giúp đỡ rất nhiều trong việc vượt qua các cơn cám dỗ thường xảy đến.
Phương thế thứ tư là nhận biết có những cách khác để giải tỏa năng lượng dục tính, chẳng hạn qua việc tập thể dục thể thao, có thể giúp cho những ham muốn tình dục của chúng ta ở trạng thái quân bình lành mạnh hơn.
Phương thế cuối cùng để vượt thắng cám dỗ là tự biết mình rõ ràng hơn. Phương thế này nhận biết rằng thủ dâm có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự dâm ô. Căng thẳng, cô đơn, sợ hãi, bị tổn thương, bị bỏ rơi và sống xa Chúa là tất cả những yếu tố góp phần vào việc chúng ta thiếu khả năng chống trả các cơn cám dỗ. Chúng ta càng biết mình rõ ràng thì chúng ta càng có khả năng giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố đó.
Hãy nhớ đừng bao giờ nhầm lẫn giữa cám dỗ và tội lỗi. Bị cám dỗ thủ dâm chỉ là bị cám dỗ mà thôi. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng chịu cám dỗ dưới nhiều hình thức, nhưng Người không phạm tội8. Chúa Giêsu ước muốn chúng ta sống trong sạch và sống tính dục toàn vẹn. Để được thế, Chúa sẽ ban tràn đầy ơn sủng để vượt qua mọi cơn cám dỗ mà chúng ta gặp phải.
Dù học ở trường Công giáo, Mark chưa bao giờ nghe nói rằng thủ dâm là một hành vi không lành mạnh. Nhiều người giải thích rằng đó chỉ là một giai đoạn mà đa số các bạn nam trải qua, chứ chẳng có gì to tát lắm. Tuy nhiên, Mark biết rằng có điều gì đó không đúng. Anh cảm thấy mình rất ích kỷ và nhất là cô đơn khi thực hiện hành vi thủ dâm. Ngoài ra, nó còn làm anh nghiện. Sau kỳ tĩnh tâm vào năm đầu tiên ở trường trung học, Mark tự nhận ra rằng việc anh thủ dâm không nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho tính dục của anh và làm cho anh xa cách Thiên Chúa. Mark bắt đầu sốt sắng cầu nguyện cho mình được thoát khỏi việc thủ dâm. Mặc dù phải mất nhiều thời gian, nhưng với sự trợ giúp của Thiên Chúa, anh không còn làm nô lệ cho việc thủ dâm nữa. Khi học năm cuối ở trường trung học, Mark vui hưởng tình yêu sâu đậm với cô bạn gái của mình, và cả hai chọn sống trong sạch trong khi yêu nhau. Sau khi anh ra trường, anh lại trở về trường trung học để nói cho các nam sinh năm đầu tiên để họ không vướng vào hành vi ích kỷ như thế nữa.
5 Heft, Jim, S.M., Viện trưởng và Giáo sư môn Đức tin và Văn hóa, Đại học Dayton.
6 Bí tích Hòa giải bắt nguồn từ lệnh của Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh em tháo gỡ những điều gì, trên trời cũng tháo gỡ như vậy” (Mt 18,18; 16,19). Bí tích Hòa giải hoàn tất tiến trình chữa lành mà việc thống hối cá nhân đã bắt đầu. Chúa Giêsu thiết lập bí tích này vì Người hiểu rằng con người có nhu cầu nói ra những lầm lỗi của họ (như những lời mời gọi ở bàn thờ cần có cử chỉ và lời nói), và họ cũng cần nghe những lời “con đã được tha thứ”.
7 Để thêm thông tin, xin xem phần thảo luận về đời sống trong tư tưởng của chúng ta ở chương “Chỉ là ý nghĩ của tôi thôi mà” và lời khuyên thực tiễn trong các chương “Cần phải làm gì?”, “Phụ nữ sống trong sạch như thế nào?” và “Người nam sống trong sạch như thế nào?”.
8 Thánh Phaolô viết: “Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách”. (Dt 2,18) và “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Dt 4,15)
Leave a Reply