Trong cuốn sách Không e thẹn / Unashamed, Lecrae Moore nói rằng ông đã rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên tham dự một hội nghị Kitô giáo về tình dục: “Diễn giả hội nghị nói rằng thân thể của chúng ta rất có giá trị… Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tâm linh và tính dục có liên kết với nhau. Và tôi chưa bao giờ nghe ai đó nói rằng tôi có giá trị chừng nào.”68
Như Lecrae, nhiều người ngạc nhiên khi lần đầu tiên biết rằng đạo đức tình dục trong Kinh thánh thể hiện quan điểm cao về thể xác. Mọi người thường nghĩ những Kitô hữu là những người ra vẻ đoan trang và cực đoan, những người có quan điểm tiêu cực về cơ thể và các chức năng của nó, đặc biệt là tình dục. Ví dụ, một bài báo trên Salon cáo buộc rằng mục tiêu thực sự của phong trào ủng hộ sự sống là khiến phụ nữ gặp khó khăn hơn trong việc “có được đời sống tình dục hạnh phúc, lành mạnh”.69 Nhưng sự thật là Kitô giáo có quan điểm tôn trọng bản dạng tâm lý-tình dục của chúng ta hơn nhiều.
Quan điểm của Kitô giáo không chống lại tình dục, mà nó trân trọng thân xác.
Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về quan điểm Kinh thánh nếu chúng ta biết đôi điều về ngôn ngữ Hy Lạp, ngôn ngữ gốc của Tân Ước. Ví dụ, trong thư gửi Ga-lát chương 5:21, thánh Phao-lô nói rằng Kitô hữu không nên làm những việc như porneia (là gốc của pornography / nội dung khiêu dâm). Các bản dịch cũ hơn dịch từ “say sưa” hoặc “truy hoan”, khiến nó có vẻ như Kinh thánh trái ngược với việc vui chơi và tiệc tùng đơn giản.
Các bản dịch gần đây sử dụng thuật ngữ “tà dâm” hoặc “vô luân”. Nhưng những cụm từ đó vẫn còn quá thuần hóa. Từ porneia xuất phát từ từ có nghĩa là “mua” và trong văn học đa thần thời đó, nó có nghĩa là “mại dâm” hoặc “đĩ điếm”. Và việc thực hành porneia / khiêu dâm vào thời điểm đó cũng không kém mất nhân tính như ngày nay.
Ở La Mã và Hy Lạp cổ đại, một người porne hoặc người mại dâm thường là nô lệ. Nô lệ tình dục thường bị lạm dụng về thể lý. “Những bức tranh bình hoa Hy Lạp vẽ cảnh đàn ông đánh đập họ, rõ ràng là để mua vui,” nhà cổ điển Sarah Ruden nói.70 Horace, nhà thơ trữ tình La Mã hàng đầu ở thời đại Augustus, đưa ra những lời khuyên về cách mua nô lệ tình dục. So sánh việc này với việc mua một con ngựa, Horace cảnh báo rằng những người buôn bán này biết cách che giấu khuyết điểm, vì vậy hãy kiểm tra hàng hóa của bạn một cách cẩn thận. Herodas, một nhà văn Hy Lạp ở thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, kể về một gã ma cô phàn nàn rằng một trong những gái mại dâm của ông ta đã bị lạm dụng—cô ta bị “vỡ nát” và “xé xác” vì một khách hàng “kéo cô lê lết, đánh cô đến ngớ ngẩn”. Tuy nhiên, tên ma cô vẫn ngay lập tức cố gắng bán cô cho một khách hàng mới, mời anh ta “đập nát hàng hóa của y theo bất kỳ cách nào y muốn”.71
Bản chất của porneia, vì thế, “là coi con người khác như một đồ vật,” Ruden giải thích. Điều mà những độc giả đầu tiên của thánh Phao-lô hiểu là việc coi một người như một đồ vật thì không còn được chấp nhận nữa.72 Thánh Phao-lô nói: “Hãy giết chết” con người cũ cùng với tội khiêu dâm và các tội lỗi khác của nó (Cô-lô-sê 3:5). Thân xác không phải để đem bán – porneia “nhưng là cho Chúa” (1 Cô-rin-tô 6:13).
Hãy nhớ rằng đây là thời đại mà việc nô lệ nam hay nữ từ chối hành vi porneia có thể đồng nghĩa với hình phạt tử hình. Một số vị tử đạo đầu tiên là những nô lệ đã tuyên bố sự tự do trong Chúa Kitô bằng cách từ chối việc phục vụ tình dục cho chủ nhân của họ và bị xử tử vì điều đó. Potamiaena là một nô lệ ở Alexandria, Ai Cập, người chủ của cô đã rất tức giận khi cô từ chối sự gạ gẫm của ông ta đến mức ông đã báo cáo cô là một Kitô hữu với quận trưởng. Vị quận trường sau đó dọa là sẽ bắt các đấu sĩ cưỡng hiếp cô tập thể, nhưng cô đã thuyết phục ông hãy xử tử cô bằng cách từ từ dìm cô vào nước sôi. Vẻ đẹp nhân cách của cô khi cô đối mặt với cái chết đã truyền cảm hứng cho sự hoán cải của nhiều người khác, trong đó có một trong những người bảo vệ của cô, Basilides, người sau đó cũng được tử đạo.73
Đức tin Kitô giáo đã tiếp thêm can đảm để những người đó dám nói không với tình dục cưỡng ép và hôn nhân cưỡng ép, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bị bắt giữ, bỏ tù và tử hình. Như Jones đã viết, “Sự đồng thuận chân thành là điều hiếm hoi trong [thời] Kitô giáo sơ khởi. Có thể nói, Kitô giáo đã phát minh ra tình dục đồng thuận khi nó phát triển một đạo đức tình dục cho rằng Chúa trao quyền tự do cho cá nhân.”74
Ngay từ đầu, Kitô giáo đã không mang tính truyền thống; nó hoàn toàn phản văn hóa đương thời.
68. Lecrae Moore, Unashamed (Nashville: B&H, 2016), 80.
69. Amanda Marcotte, “Conservative Relatives Can’t Let the Planned Parenthood ‘Scandal’ Go? Try These Talking Points,” Salon, August 5, 2015.
70. Ruden, Paul among the People, 15.
71. Ibid., 16–18. Chúa Giêsu đã sử dụng từ porneia trong trường hợp ngoại lệ cho việc ly hôn: “Ai ly dị vợ mình, ngoại trừ tội gian dâm [porneia], thì sẽ coi vợ mình là nạn nhân của tội ngoại tình” (Mt. 5:32). Chúa Giêsu không nói “ngoại trừ ngoại tình”, vốn là một từ khác trong tiếng Hy Lạp. Bản dịch của Young’s Literal Translation dịch từ này là “gái điếm”.
72. Ruden, Paul among the People, 17. Tất nhiên, thánh Phaolô cũng lưu ý đến cách người Do Thái sử dụng thuật ngữ này: “Không một người Do Thái nào ở thế kỷ thứ nhất có thể nói về porneia (sự vô luân về tình dục) mà không nhớ đến danh sách các hành vi phạm tội tình dục bị cấm trong sách Lê-vi 18 và 20, đặc biệt là loạn luân, ngoại tình, quan hệ tình dục đồng giới và tình dục với thú vật”. Robert A. J. Gagnon, “The Bible and Homosexual Practice,” in Dan O. Via and Robert A. J. Gagnon, Homosexuality and the Bible: Two Views (Minneapolis: Fortress Press, 2003), 72.
73. Eusebius, The History of the Church, 184–85, as quoted in “Potamiaena 205 A.D.,” Women of Christianity, May 17, 2011, http://womenofchristianity.com/potamiaena-205-a-d/.
74. Jones, Marks of His Wounds, 80.
Leave a Reply