Mọi hoạt động xã hội đều thể hiện những giả định cơ bản của xã hội đó về ý nghĩa của cuộc sống con người. Khi một xã hội chấp nhận, tán thành và chấp thuận hoạt động này, xã hội đó ngầm khẳng định thế giới quan đi kèm. Và càng đúng hơn nếu những hoạt động đó được ghi nhận trong luật. Luật pháp đóng vai trò như một người thầy, giáo dục mọi người về những gì xã hội coi là có thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Nếu nước Mỹ chấp nhận phá thai, an tử, hôn nhân phi giới tính và các chính sách chuyển giới, thì trong quá trình đó, nước này sẽ hấp thụ thế giới quan biện minh cho những hoạt động đó—một sự phân mảnh con người, hạ thấp cơ thể và các mối liên kết sinh học như gia đình. Và hậu quả phi nhân tính sẽ lan đến mọi khía cạnh của đời sống cộng đồng của chúng ta.
Mọi người thường hỏi: Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới gây tổn hại đến người khác như thế nào? Câu trả lời là khi mọi người chấp nhận luật SOGI, trong quá trình đó, họ sẽ hấp thụ thế giới quan đi kèm—thế giới quan cho rằng nhân tính con người chỉ là một phát kiến của xã hội. Quyền con người vốn dựa trên khái niệm về bản chất con người—nó thừa nhận rằng trước khi có nhà nước, con người tự nhiên đã có những quyền bất khả xâm phạm, và nhà nước có nghĩa vụ phải tôn trọng những quyền này. Nhưng nếu, như chủ nghĩa hậu hiện đại tuyên bố, bản chất con người chỉ đơn thuần là một phát kiến xã hội, một thứ “nhân tạo”, thì không có cơ sở gì cho các quyền con người bất khả xâm phạm. Các quyền tự nhiên bị giảm xuống thành các quyền pháp lý, mà nhà nước có thể thay đổi theo ý muốn.
Thật đáng buồn, những người chuyển giới sẽ phải chịu đựng nhiều như những người còn lại trong chúng ta khi quyền con người bị giảm xuống thành quyền pháp lý. Những gì có vẻ như giúp ích cho người chuyển giới cuối cùng sẽ gây hại cho họ.
Terry Eagleton, người từng là nhà lý thuyết văn học theo chủ nghĩa Marx trước khi cải đạo sang Công giáo, lập luận rằng ta không thể có quyền nếu ta không tin vào bản chất con người phổ quát. “Chính nhờ bản chất con người chung của chúng ta mà chúng ta có những yêu sách về đạo đức và chính trị đối với nhau.” Và về mặt lịch sử, nguồn gốc của khái niệm về quyền bình đẳng là Kitô giáo. Như Eagleton lưu ý, “Bản thân phong trào Khai sáng đã kế thừa các khái niệm về công lý và bình đẳng phổ quát từ truyền thống Do Thái-Kitô giáo mà [trớ trêu thay] nó thường chế giễu.”62
Nếu truyền thống Do Thái – Kitô giáo tiếp tục bị chế giễu thì cơ sở cho quyền con người sẽ là gì?
Khi cựu giáo hoàng Gioan Phaolô còn là một thanh niên đấu tranh chống lại chủ nghĩa Marx, ông đã kết luận rằng khía cạnh gây tổn hại nhất của chủ nghĩa cộng sản (và của tất cả các hệ tư tưởng vô thần) là quan điểm thấp kém về cuộc sống con người. “Cái ác của thời đại chúng ta” bao gồm việc hạ thấp phẩm giá con người, ông viết. “Cái ác này thậm chí còn mang tính siêu hình hơn là trật tự đạo đức.”63 Theo thuật ngữ Kinh thánh, có nhiều hơn một cách để bị lạc lối. Kinh thánh nói về việc con người bị lạc lối về mặt đạo đức nếu không có Chúa Kitô. Nhưng cũng đúng là con người bị lạc lối về mặt siêu hình khi họ sống theo thế giới quan phi Kinh thánh.
Khi nói chuyện với những người thế tục, Kitô hữu phải tham gia vào thế giới quan của họ, với niềm tin chắc chắn rằng chúng ta có sức mạnh để “phá đổ các đồn lũy”. Và những đồn lũy đó là gì? Chúng là “những lập luận” và “ý kiến” chống lại “sự hiểu biết về Thiên Chúa” (2 Cô-rin-tô 10,4–5). Kitô hữu cần giúp mọi người thấy rằng quan điểm thế tục về bản chất con người không phù hợp với con người. Nó không phù hợp với thế giới thực. Kết quả là, nó chắc chắn mang tính hủy diệt, cả về mặt cá nhân lẫn chính trị.
Kitô hữu cũng phải thể hiện lòng trắc ẩn với những người do bị áp lực từ xã hội mà tự định nghĩa giới tính bản thân, khinh thường chính cơ thể mình và từ chối bản dạng sinh học của mình. Yêu Chúa có nghĩa là yêu những người mang hình ảnh của Người trên thế gian, giúp giải thoát những người bị mắc kẹt trong những ý tưởng hủy diệt và phi nhân tính. Thánh Phao-lô đã viết, “Tình yêu của Đức Kitô thúc đẩy chúng ta,” (5,14) và động lực tương tự cũng nên thúc đẩy những Kitô hữu ngày nay.
62. Eagleton, Illusions of Postmodernism,113, 116. Trớ trêu thay, ngay cả Judith Butler cũng nhận ra vấn đề. Trong nhiều năm, bà đã bác bỏ khái niệm về bản chất con người phổ quát, ủng hộ chủ nghĩa kiến tạo xã hội. Tuy nhiên, khi làm việc cho International Gay and Lesbian Human Rights Commission, bà nhận ra rằng không thể tranh luận về quyền con người mà không có một khái niệm nào về ý nghĩa của việc làm người — một khái niệm về bản chất con người phổ quát. (Butler, Gender Trouble, xviii).
63. Cited in Avery Dulles, “John Paul II and the Mystery of the Human Person,” America 190, no. 3 (February 4, 2004).
Leave a Reply