Trong Tân Ước, một đoạn chính yếu là Rô-ma 1,26–27. Đoạn văn này sử dụng cụm từ “trái tự nhiên” (contrary to nature — ESV), cụm từ này trong văn hóa Hy lạp cổ và Hy lạp-La mã thường dùng để chỉ các hành vi đồng tính luyến ái.76
Thời bấy giờ, thuật ngữ tự nhiên không được sử dụng như cách người ta dùng ngày nay, để chỉ về hành vi quan sát được trong thế giới tự nhiên. Thay vào đó, nó có nghĩa là hành vi phù hợp với bản chất con người—hành vi phản ánh cách con người được tạo ra lúc ban đầu, phù hợp với mẫu hình của việc là con người. Theo nghĩa của thuật ngữ này, tất cả các tội lỗi đều là trái với bản chất con người, và thánh Phao-lô tiếp tục liệt kê một số ví dụ tiêu biểu: “Lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, 31 không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương.” (c. 29–31). Tất cả những hành vi này đều trái ngược với ý nghĩa của việc là một con người toàn vẹn.77
Một số học giả lập luận rằng trong đoạn văn này, thánh Phao-lô chỉ cấm các hành vi cưỡng bức, chẳng hạn như quan hệ tình dục với trẻ em hoặc nô lệ, và rằng ngài thậm chí không biết về các mối quan hệ đồng tính yêu thương và có sự tương hỗ như hiện nay. Thực tế là các mối quan hệ cưỡng bức khá phổ biến ở La Mã cổ đại (như chúng ta đã thấy trong các chương 3 và 4). Nhưng thánh Phao-lô đã có thể dùng các thuật ngữ cho cưỡng hiếp hoặc mại dâm, nhưng ngài đã không dùng đến chúng. Hơn nữa, thánh Phao-lô đặt trách nhiệm đạo đức lên cả hai bên đối tác, điều mà ngài sẽ không làm nếu một bên là nạn nhân. Thay vào đó, thánh Phaolô nói về những người đàn ông “đem lòng thèm muốn lẫn nhau,” điều này ngụ ý rằng ngài đang nghĩ về các mối quan hệ song phương (câu 27).
Cuối cùng, một số người lập luận rằng thánh Phao-lô chỉ đang đề cập đến việc hành nghề mại dâm trong đền thờ liên quan đến việc thờ phượng thần thánh.78 Nhưng điểm chính của Phao-lô trong đoạn văn này là bất kỳ ai từ chối Đấng Tạo Hóa thật sự đều thờ phượng các ngẫu tượng: “Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết…. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thụ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá” (c. 23, 25). Thánh Phao-lô đang nói rằng bất kỳ ai từ chối Đấng Tạo Hóa sẽ bám vào một cái gì đó trong trật tự tạo vật và đặt nó lên vị trí của Thiên Chúa như là thực tại tối thượng, trọng tâm của cuộc sống và sự thờ phượng của họ.
Louis Crompton, người tự nhận là đồng tính, viết, “Dù có thiện chí đến đâu,” việc giải thích rằng lời của thánh Phao-lô không áp dụng cho những người đồng tính trong các mối quan hệ cam kết là trái ngược với lịch sử. “Phao-lô hay bất kỳ tác giả Do Thái nào khác trong thời kỳ này không hề có câu nào ngụ ý sự chấp nhận mối quan hệ đồng tính dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Ý tưởng rằng người đồng tính có thể được cứu chuộc bằng sự tận tụy, dấn thân cho nhau sẽ hoàn toàn xa lạ với thánh Phao-lô hoặc bất kỳ người Do Thái hoặc bất ký Kitô hữu sơ khai nào.”79
Cuối cùng, không đúng khi nói rằng thế giới cổ đại không biết gì về mối quan hệ đồng giới giữa những người trưởng thành. Nhiều hoàng đế có người yêu nam và khá công khai về điều đó. Thơ tình thời đó mô tả sự si mê của đàn ông với những người đàn ông khác. Trong Yến hội của Platon, Aristophanes nói rằng một số đàn ông là “người yêu của phụ nữ” trong khi những người khác “có tình cảm với đàn ông và đi theo tình cảm đó”. Aristophanes nói thêm rằng tính cách của bạn được thể hiện qua những gì bạn yêu, và vì đàn ông thuộc thượng cấp so với phụ nữ, nên kết luận là những người yêu đàn ông cũng thuộc địa vị cao hơn những người yêu phụ nữ. Theo lời ông, những người yêu đàn ông là “những chàng trai và thanh niên tuyệt vời nhất, bởi vì họ có bản chất nam tính nhất. . . . Họ dũng cảm và nam tính, có khuôn mặt nam tính, và họ đón nhận những gì giống họ”80 – cụ thể là những người đàn ông khác.
Điều đáng chú ý là mặc dù các nhà văn như Aristophanes ca ngợi tình yêu nam-nam là vượt trội hơn tình yêu nam-nữ, luật pháp Hy Lạp và La Mã lại giới hạn hôn nhân dân sự cho các cặp đôi khác giới. Rõ ràng, luật hôn nhân của họ không xuất phát từ lòng thù ghét hay kỳ thị mà là vì họ công nhận rằng xã hội cần hỗ trợ và bảo vệ hợp pháp cho mối quan hệ duy nhất có khả năng sinh con.
76. Richard B. Hays, The Moral Vision of the New Testament: A Contemporary Introduction to New Testament Ethics (New York: HarperOne, 1996), 387. For a good popular-level discussion of biblical verses and the Greco-Roman context, see Sprinkle, People to Be Loved.
77. Một số học giả cho rằng Phaolô không lên án tất cả các mối quan hệ đồng tính, mà chỉ những mối quan hệ được thực hiện bởi những người vốn “tự nhiên” là dị tính. Cụm từ “trái với tự nhiên” được hiểu là trái với bản chất và xu hướng cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Phaolô, vào thế kỷ thứ nhất, đã sử dụng thuật ngữ “tự nhiên” theo nghĩa cá nhân hóa, tâm lý học, như thường thấy trong thế kỷ XXI. Ông có khả năng cao hơn là đang sử dụng thuật ngữ này theo nghĩa của trật tự sáng tạo, theo cách hiểu của triết học Khắc kỷ, văn hóa Hy Lạp và Do Thái giáo, về trật tự tạo dựng.
78. Chẳng hạn, Justin Lee, trong Torn: Rescuing the Gospel from the Gays-vs.-Christians Debate (New York: Jericho Books, 2012), giới hạn Rôma chương 1 nói việc lên án của thánh Phao-lô chỉ dành cho một “nhóm người cụ thể,” những người đầu tiên quay sang thờ ngẫu tượng và sau đó tham gia vào các nghi lễ đồng tính trong đền thờ ngoại giáo. Nhưng quan điểm của Phao-lô là tất cả các thế giới quan không là Kitô giáo đều biến một thứ gì đó trong trật tự sáng tạo thành ngẫu tượng. Xem sách Finding Truth của tôi.
79. Crompton, Homosexuality and Civilization, 114.
80. Aristophanes’s speech is in Plato’s Symposium, in Collected Works of Plato, 4th ed., trans. Benjamin Jowett (Oxford, UK: Oxford University Press, 1953).
Leave a Reply