Bạn có thấy điều này giải thích logic của việc phá thai không? Trước đây, những người ủng hộ việc phá thai thường phủ nhận việc đứa trẻ sơ sinh là con người: Nó chỉ là một sự sống tiềm năng—một tập hợp các tế bào. Do đó, nhiều lập luận ủng hộ sự sống tập trung vào việc chứng minh bào thai là sự sống của con người. Tuy nhiên, ngày nay, do những tiến bộ về di truyền và DNA, hầu như tất cả các nhà đạo đức sinh học chuyên nghiệp đều đồng ý rằng sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai. Phôi có đầy đủ bộ nhiễm sắc thể và DNA. Đó là một cá nhân hoàn chỉnh và toàn diện có khả năng phát triển theo định hướng nội tại một cách liên tục từ khi được thụ tinh.
Tại sao điều này không được coi là bằng chứng thuyết phục cho thấy phá thai là sai trái về mặt đạo đức? Bởi vì theo thuyết nhân vị, khi nói về con người với tư cách là một sinh vật sinh học, chúng ta đang ở trong lĩnh vực khoa học (tầng dưới), nơi sự sống đã bị giảm thiểu thành một cơ chế đơn thuần không có mục đích nội tại hay phẩm giá. Nó đã bị mất giá và trở thành nguyên liệu thô có thể được sử dụng vì bất kỳ lợi ích thực dụng nào mà chúng ta có được từ nó. Kết quả là, dù cho các nhà đạo đức sinh học công nhận bào thai là con người về mặt sinh học, họ cũng không nhất thiết kết luận rằng nó có giá trị đạo đức hoặc cần được bảo vệ về mặt pháp lý. Trái lại, bào thai bị coi như vật chất, có thể được sử dụng cho nghiên cứu hoặc thí nghiệm, sau đó bị vứt bỏ cùng với các loại rác y tế khác.
Trong thế giới quan hai tầng, chỉ là một thành viên của loài người thì chưa đủ để trở thành con người. Đứa bé trong bụng mẹ phải đạt được trạng thái làm người bằng cách đạt được một mức độ chức năng nhận thức nhất định – khả năng nhận thức, khả năng tự nhận thức, khả năng tự trị, v.v.
Thuyết nhân vị là giả định đằng sau hầu hết các lập luận phổ biến ủng hộ việc phá thai. Ví dụ, khi John Kerry tranh cử tổng thống Mỹ năm 2004, ông đã khiến công chúng ngạc nhiên khi đồng ý rằng “sự sống bắt đầu từ lúc thụ thai”. Trong trường hợp đó, làm sao ông có thể ủng hộ việc phá thai? Bởi vì, như ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn với nhà phát thanh Peter Jennings, đứa trẻ chưa sinh ra “không phải là một dạng sống mang tư cách con người theo cách mà chúng ta đã đánh giá nó phải là.”13
Các nhà đạo đức sinh học áp dụng thuyết về nhân vị thường tuyên bố là thuyết đó có tính khoa học, tuy nhiên thuyết này không có sự hỗ trợ nào của khoa học. Rõ ràng, cần phải có một sự chuyển đổi mạnh mẽ để biến một sinh vật đơn thuần là giống người không có quyền, thành một con người có quyền sống bất khả xâm phạm. Nhưng không có bằng chứng khoa học nào về một sự biến đổi như vậy – không có một bước ngoặt kịch tính nào có thể được phát hiện bằng thực nghiệm. Sự phát triển của phôi thai là một quá trình liên tục, dần dần bộc lộ những tiềm năng đã có sẵn ngay từ đầu. Khái niệm hai tầng về nhân vị [thai nhi phải đến một thời điểm mới có giá trị sống] không có tính thực nghiệm cũng không có tính khoa học.
Bằng chứng khoa học thực sự ủng hộ quan điểm mục đích luận, coi con người là một tổng thể mạch lạc ngay từ khi thụ thai. Trong thế giới quan của Kitô giáo, ai là con người cũng là một nhân vị [có quyền sống]. Hai điều đó không thể tách rời. Quan điểm này tránh được sự mất giá triệt để của mạng sống con người. Ngay từ những giai đoạn đầu tiên, thân xác đã tham gia vào telos của con người và do đó chia sẻ mục đích và phẩm giá của con người. (Chúng ta sẽ khám phá việc phá thai một cách đầy đủ hơn và trả lời những phản đối ở chương 2.)
13. “Peter Jennings Interviews Sen. John Kerry,” ABC News, July 22, 2004.
Leave a Reply